Các nhà nghiên cứu khám phá ra cơ chế mới về mối quan hệ giữa cách thức ăn uống và nguy cơ ung thư
MGO, một chất chuyển hóa glucose, có thể phá hủy tạm thời protein BRCA2, làm giảm protein BRCA2 trong tế bào và ức chế khả năng ngăn ngừa khối u.
Có thể bạn đã nghe nói về việc đường nuôi sống tế bào ung thư và có bằng chứng chứng minh cho điều đó. Tuy nhiên, mối liên kết còn thiếu trong câu chuyện này là sự hiểu biết thấu đáo về “cách” mà đường nuôi dưỡng bệnh ung thư – kể cả cho đến tận bây giờ. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên Cell (Tập san Tế Bào) vào tháng 4/2024 đã phát hiện ra một cơ chế mới liên quan đến mối quan hệ giữa lượng đường trong máu không được kiểm soát và cách thức ăn uống kém với nguy cơ ung thư.
Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Quốc gia Singapore, Viện Khoa học Ung thư Singapore, do giáo sư Ashok Venkitaraman và Tiến sĩ Li Ren Kong dẫn đầu, đã phát hiện ra một chất hóa học được giải phóng khi cơ thể phân hủy đường, đồng thời cũng ngăn chặn biểu hiện gene -giúp ngăn cản sự hình thành các khối u.
Khám phá này cung cấp những hiểu biết có giá trị về cách mà thói quen ăn uống có thể tác động đến nguy cơ phát triển ung thư như thế nào và tạo ra một con đường rõ ràng để hiểu cách đảo ngược nguy cơ đó bằng cách lựa chọn thực phẩm.
Methylglyoxal – Một công tắc tắt tạm thời
Trước đây người ta tin rằng, các gene ngăn ngừa ung thư phải bị vô hiệu hóa vĩnh viễn trước khi các khối u ác tính hình thành. Tuy nhiên, phát hiện gần đây cho thấy, có một chất hóa học, methylglyoxal (MGO), được giải phóng bất cứ khi nào cơ thể phân hủy glucose, có thể tạm thời tắt các cơ chế bảo vệ ung thư.
Tiến sĩ Kong, tác giả đầu tiên của nghiên cứu, nói với The Epoch Times trong một email, “Người ta đã chứng minh rằng những người mắc bệnh tiểu đường và béo phì có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn, gây ra rủi ro xã hội đáng kể. Tuy nhiên, nguyên nhân chính xác vẫn còn gây tranh cãi.” Ông tiếp tục, “Nghiên cứu của chúng tôi hiện đã tìm ra manh mối có thể giải thích mối liên quan giữa nguy cơ ung thư và cách thức ăn uống, cũng như các bệnh thông thường như tiểu đường là phát sinh từ công thức ăn uống kém.”
Tiến sĩ Kong tiếp tục, “Chúng tôi phát hiện ra rằng một chất chuyển hóa tổng hợp nội sinh có thể gây ra các lỗi trong DNA của chúng ta, đây là dấu hiệu cảnh báo sớm về sự phát triển ung thư, bằng cách ức chế gene ngăn ngừa ung thư (được gọi là BRCA2).”
BRCA2 là gene sửa chữa DNA, giúp tạo ra protein ngăn chặn sự phát triển của khối u và tăng sinh tế bào ung thư. Đột biến gene BRCA2 chủ yếu liên quan đến nguy cơ phát triển ung thư vú và ung thư buồng trứng cao hơn và các bệnh ung thư khác. Những người có bản sao gene BRCA2 bị lỗi rất dễ bị tổn thương DNA do MGO.
Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những người không có khuynh hướng mắc bệnh ung thư cũng phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu có nồng độ MGO tăng cao. Nghiên cứu cho thấy lượng đường trong máu tăng cao mạn tính có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Theo Tiến sĩ Kong, “Nghiên cứu này cho thấy tác động của methylglyoxal trong việc ức chế chức năng của chất ức chế khối u, chẳng hạn như BRCA2, cho thấy rằng cách thức ăn uống kém trong thời gian dài, hoặc bị bệnh tiểu đường không kiểm soát được có thể ‘cộng thêm’ theo thời gian càng làm tăng nguy cơ ung thư.”
Mối quan hệ giữa Methylglyoxal và ung thư
MGO là một chất chuyển hóa của glucose – một sản phẩm phụ được tạo ra khi tế bào phân hủy đường, chủ yếu là glucose và fructose, để tạo ra năng lượng. MGO có khả năng phá hủy tạm thời protein BRCA2, dẫn đến hàm lượng protein trong tế bào thấp hơn, do đó ức chế khả năng ngăn chặn sự hình thành khối u. Cơ thể càng cần nhiều đường để phân hủy thì nồng độ hóa chất này càng cao và nguy cơ phát triển khối u ác tính càng cao.
Tiến sĩ Kong giải thích, “Sự tích tụ methylglyoxal trong các tế bào ung thư, được phát hiện là đang trong quá trình trao đổi chất tích cực. Những người có công thức ăn uống kém cũng có thể có mức methylglyoxal cao hơn bình thường. Mối liên quan đó, đã được chúng tôi phát hiện ra, đã giúp giải thích tại sao bệnh tiểu đường, béo phì hoặc công thức ăn uống kém có thể làm tăng nguy cơ ung thư.”
Rất khó để đo nồng độ MGO. Có thể phát hiện sớm mức tăng cao MGO bằng xét nghiệm máu HbA1C định kỳ để đo lượng đường trong máu trung bình trong 2 đến 3 tháng qua và thường được sử dụng để chẩn đoán bệnh tiểu đường. Nghiên cứu mới này cung cấp một cơ chế để phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo sớm về bệnh ung thư.
Tiến sĩ Kong giải thích, “Ở những bệnh nhân tiền tiểu đường/tiểu đường, nồng độ methylglyoxal cao thường được kiểm soát bằng cách thức ăn uống, tập thể dục và/hoặc thuốc. Chúng tôi đang hướng tới đề xuất cách thức điều trị tương tự cho những gia đình có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao, chẳng hạn như những gia đình có đột biến BRCA2.”
Cần có nhiều nghiên cứu hơn, nhưng những phát hiện của nghiên cứu này có thể mở ra cơ hội cho các phương pháp mới nhằm giảm thiểu nguy cơ ung thư. “Điều quan trọng cần lưu ý là công việc của chúng tôi được thực hiện trên mô hình tế bào chứ không phải trên bệnh nhân, vì vậy sẽ còn quá sớm để đưa ra lời khuyên cụ thể nhằm giảm thiểu rủi ro trên cơ sở này. Tuy nhiên, kiến thức mới từ nghiên cứu của chúng tôi có thể ảnh hưởng đến hướng nghiên cứu trong tương lai trong lĩnh vực này và kết quả cuối cùng là mang lại tác dụng tốt trong việc ngăn ngừa ung thư.
“Ví dụ, khẩu phần ăn nghèo nàn nhưng lại nhiều đường hoặc nhiều carbohydrate tinh chế được biết là khiến lượng đường trong máu tăng đột biến. Hiện chúng tôi đang xem xét với các nhóm ung thư lớn hơn để xâu chuỗi các nguyên nhân này,” Tiến sĩ Kong kết luận.
Mối quan hệ giữa cách thức ăn uống và ung thư
Tiến sĩ Simpson, giám đốc y tế của Opt Health, đã nói với The Epoch Times trong một email, “Gene là nhân tố kích hoạt súng [nổ], nhưng chính lối sống của bạn mới là yếu tố quyết định. Mỗi miếng thức ăn bạn ăn thực sự là một thông tin, sẽ giúp kích hoạt các gene trường thọ hoặc kích hoạt các gene tiêu diệt của con người. Vì vậy, ung thư phần lớn là do cách thức ăn uống của mỗi cá nhân gây ra.”
Một nghiên cứu năm 2018 do Nhà xuất bản Đại học Cambridge công bố đã tìm thấy mối liên quan giữa việc tiêu thụ nhiều nước ngọt có đường với việc tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến béo phì. Nghiên cứu được công bố trên American Journal of Clinical Nutrition (Tập san Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ) năm 2020 đã kết luận rằng, đường có thể là yếu tố nguy cơ gây ung thư, đặc biệt là ung thư vú. Tế bào ung thư rất thèm đường và tiêu thụ lượng đường này gấp 200 lần so với tế bào bình thường.
Lựa chọn cách thức ăn uống lành mạnh để giảm nguy cơ ung thư
Một cách thức ăn uống tốt nhất giúp giảm nguy cơ ung thư vẫn chưa đạt được sự đồng thuận và cần được nghiên cứu thêm. Tuy nhiên, những phát hiện mới của nghiên cứu Tế bào về MGO sẽ trợ giúp cho việc giảm lượng đường ăn vào như là một biện pháp giảm thiểu nguy cơ ung thư. Một nghiên cứu được công bố vào tháng Một trên Diabetes & Metabolism (Tập san Bệnh Tiểu Đường & Chuyển Hóa) cho thấy cách ăn Địa Trung Hải có thể giúp giảm mức MGO.
Vào năm 2023, một nghiên cứu được công bố trên Cell (Tập san Tế Bào) đã xác định rằng ăn kiểu keto có thể là một liệu pháp can thiệp dinh dưỡng hiệu quả cho bệnh nhân ung thư vì cách thức ăn uống này giúp làm chậm sự phát triển của tế bào ung thư ở chuột – trong khi một nghiên cứu tổng quan được công bố trên JAMA Oncology (Tập san Ung Thư Học JAMA) vào năm 2022 cho thấy bằng chứng hiện tại ủng hộ công thức ăn chủ yếu là thực vật để giảm nguy cơ ung thư.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times