Bạn có cần thuốc hạ cholesterol? Hãy thận trọng với tác dụng phụ của statin

Đây là một số cân nhắc khi quyết định dùng thuốc giảm mỡ máu nhóm statin 

Gần đây, một người bạn cho tôi biết rằng kết quả khám sức khỏe của anh cho thấy anh bị chứng cholesterol cao. Bác sĩ của anh giải thích rằng cholesterol quá cao sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim và khuyên anh nên dùng thuốc hạ cholesterol. Tuy nhiên, bạn tôi không bị thừa cân cũng như không mắc bất kỳ bệnh tim mạch nào trước đây. Trong trường hợp này, anh ấy có nên dùng thuốc hạ mỡ máu không? Các tác dụng phụ tiềm ẩn của thuốc hạ cholesterol nhóm statin là gì? Bài viết này sẽ tìm hiểu tỉ mỉ về chủ đề này.

Ai nên dùng thuốc hạ cholesterol

Cholesterol, một chất giống sáp trong máu, giúp vận chuyển chất béo đến các bộ phận khác nhau của cơ thể và đưa các chất béo dư thừa trở lại gan để dự trữ. Cholesterol cũng là một chất dinh dưỡng cần thiết cho việc sản xuất tế bào và hormone.

Điều này có vẻ nghịch lý, vì cholesterol rất quan trọng cho cơ thể, nhưng mức cholesterol cao tăng nguy cơ bệnh tim và đột quỵ.

Cá nhân tôi không khuyến khích dùng thuốc hạ cholesterol mà thay vào đó ủng hộ việc sử dụng các phương pháp không dùng dược phẩm để hạ cholesterol. Vậy khi nào nên cân nhắc dùng thuốc hạ cholesterol?

Nghiên cứu cho thấy rằng thuốc hạ cholesterol giảm nguy cơ đột quỵ và đau tim ở bệnh nhân mắc bệnh tim xơ vữa động mạch. Cholesterol, chất béo và các chất khác tích tụ trong động mạch sẽ hình thành các mảng bám. Cholesterol tích tụ trong lớp giữa của thành mạch máu (intima-media), gây viêm. Theo thời gian, các mảng viêm phát triển, cuối cùng tách ra và trôi vào dòng máu và gây ra đau tim và đột quỵ. Trong những trường hợp như vậy, bệnh nhân dùng thuốc hạ cholesterol có thể giảm tốc độ phát triển của các mảng bám và giảm phản ứng viêm do mảng bám gây ra.

Do đó, không cần thiết phải bắt đầu dùng thuốc hạ cholesterol chỉ dựa trên mức lipid máu cao. Tuy nhiên, những người được chẩn đoán mắc bệnh tim do xơ vữa động mạch hoặc có nguy cơ cao phát triển bệnh này trong thời kỳ tới nên cân nhắc dùng thuốc hạ cholesterol.

Lực lượng Đặc nhiệm Phòng ngừa Hoa Kỳ (USPSTF) đã đưa ra một khuyến nghị vào năm 2022 nhấn mạnh rằng:

  • Những người từ 40 đến 75 tuổi có các yếu tố nguy cơ tim mạch (chẳng hạn như rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, tiểu đường hoặc hút thuốc) và nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong 10 năm ước tính từ 7.5%-10% có thể ít được hưởng lợi từ việc bắt đầu bằng liệu pháp statin. Trong những trường hợp này, liệu pháp statin nên được cân nhắc.
  • Đối với những người có nguy cơ trong 10 năm ước tính từ 10% trở lên, việc bắt đầu sử dụng statin lượng trung bình được đề nghị.
  • Người từ 76 tuổi trở lên, không có đủ bằng chứng để ủng hộ hoặc phản đối việc bắt đầu liệu pháp statin.
  • Ngoài ra, những bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch và những người có mức cholesterol lipoprotein mật độ thấp LDL vượt quá 190 miligam mỗi decilit (mg/dL) cũng nên cân nhắc dùng thuốc statin.

Kiểm tra cholesterol

Một xét nghiệm máu, thường được thực hiện sau khi nhịn ăn từ 8 đến 12 giờ, là cần thiết để xác định mức cholesterol.

Xét nghiệm máu đo hai loại cholesterol như sau:

  • Một là cholesterol lipoprotein mật độ cao (HDL), chất này vận chuyển cholesterol dư thừa từ máu đến gan, nơi cholesterol được phân hủy và bài tiết. Mức tối ưu cho cholesterol HDL là 60 mg/dL hoặc cao hơn.
  • Loại còn lại là cholesterol lipoprotein mật độ thấp (LDL), thường được gọi là cholesterol “xấu”, mặc dù thuật ngữ này không hoàn toàn chính xác vì cơ thể cần cả hai loại cholesterol. Cholesterol LDL vận chuyển chất béo đến nơi cơ thể cần; tuy nhiên, mức LDL cao tăng sự tích tụ mảng bám trong thành động mạch. Đối với người khỏe mạnh, mức tối ưu nên dưới 100 mg/dL.

Một chỉ số quan trọng khác là mức triglyceride trong máu. Mức triglyceride cao thường được tìm thấy ở bệnh nhân mắc bệnh tim, béo phì hoặc tiểu đường. Thông thường, mức triglyceride nên dưới 150 mg/dL.

Vai trò của thuốc trị mỡ máu statin

Có hai nguồn cholesterol trong máu: một là do gan sản xuất, giúp tiêu hóa thực phẩm giàu chất béo và sản xuất hormones, và nguồn khác đến từ cách ăn uống, chủ yếu từ các sản phẩm động vật như sữa, trứng, thịt và gia cầm. Giảm cholesterol trong cách ăn uống giúp hạ mức cholesterol trong máu. Tuy nhiên, một số bệnh nhân sản xuất nhiều cholesterol hơn do yếu tố di truyền, và bệnh nhân khác có thể hấp thụ cholesterol tốt hơn từ hệ tiêu hóa của họ.

Áp dụng cách ăn uống lành mạnh, các phương pháp chống viêm và tập thể dục đều đặn đều có thể hạ cholesterol và nên được thực hiện trước khi sử dụng thuốc hạ cholesterol.

Nếu các cách này không đủ để hạ mức cholesterol, có thể cân nhắc dùng thuốc statin. Một nghiên cứu cho thấy liệu pháp statin hàm lượng trung bình và cao giảm nguy cơ bệnh tim mạch xơ vữa động mạch trung bình từ 30% đến 50%.

Thuốc trị mỡ máu statin chủ yếu hoạt động theo các cách sau:

  • Giảm mức cholesterol LDL trong máu.
  • Mảng bám là hiện tượng phổ biến trong động mạch của hầu hết mọi người. Thuốc trị mỡ máu statin ổn định các mảng bám, giảm khả năng mảng bám bong ra.
  • Thuốc trị mỡ máu statin giúp điều chỉnh mức cholesterol trong màng tế bào.
  • Thuốc statin cũng có tác dụng chống viêm và chống oxy hóa.

Do đó, đối với bệnh nhân đã bị ảnh hưởng bởi các bệnh tim mạch và bộ não do xơ vữa động mạch, thuốc statin đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và điều trị.

Tác dụng phụ của thuốc giảm mỡ máu statin

Thuốc cũng như các chất hóa học ngoại lai, hoạt động bằng cách can thiệp hoặc thậm chí ngăn chặn các quá trình sinh lý và sinh hóa bình thường của cơ thể. Ví dụ, thuốc statin ức chế enzyme trong gan sản xuất cholesterol, làm gián đoạn phản ứng sinh lý và hóa sinh bình thường của cơ thể, có thể dẫn đến các tác dụng phụ.

Sau khi dùng thuốc trị mỡ máu statin, hơn 15% bệnh nhân cảm thấy đau cơ và yếu cơ, và một số tăng mức đường huyết. Do đó, đối với những bệnh nhân tiền tiểu đường cân nhắc dùng thuốc hạ cholesterol, điều quan trọng là phải xem xét các tác dụng phụ tiềm ẩn. Ngoài ra, tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ngoài việc gây đau cơ, tổn thương gan và tăng nguy cơ tiểu đường loại 2, thuốc statin cũng dẫn đến các tác dụng phụ về thần kinh. Bộ não cần chất béo, và sự gián đoạn trong việc sản xuất và vận chuyển chất béo dẫn đến các vấn đề về thần kinh. Cụ thể, thuốc statin gây ra các vấn đề về nhận thức như nhầm lẫn và mất trí nhớ.

Nếu các triệu chứng chỉ được quản lý bằng thuốc, thường không nên ngưng sử dụng. Tuy nhiên, nếu thuốc được sử dụng như một liệu pháp tạm thời và việc cải thiện lối sống như ăn uống, tập thể dục và giảm căng thẳng có hiệu quả thì có thể giảm liều hoặc thậm chí ngừng sử dụng thuốc.

Thuốc hạ mỡ máu chủ yếu để che lấp và giảm nhẹ các triệu chứng chứ không giải quyết các nguyên nhân cơ bản của bệnh.

Điều cần thiết để quản lý mức cholesterol cao chính là thay đổi lối sống bao gồm:

  • Ăn uống lành mạnh, tập trung vào trái cây và rau của ít đường, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, các loại hạt, cá và gia cầm, hoặc ăn theo cách ăn Địa Trung Hải hoặc ăn toàn thực vật.
  • Hoạt động thể chất
  • Tránh hút thuốc, tránh uống rượu
  • Quản lý cân nặng và tiểu đường.

Bằng cách thực hiện những thay đổi này, bệnh nhân có thể không cần dùng thuốc, hoặc có thể giảm liều lượng và thời gian sử dụng thuốc.

Tóm lại, những bệnh nhân có cholesterol cao nên có một kế hoạch thay đổi lối sống toàn diện dựa trên hoàn cảnh cá nhân của họ thay vì chỉ dựa vào thuốc.

Thiên Vân biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times

Dr. Jingduan Yang
BTV Epoch Times Tiếng Anh
Tiến sĩ Dương Cảnh Đoan có bằng M.D (Bác sĩ y khoa), là thành viên của Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (F.A.P.A.) và là bác sĩ tâm thần có chứng nhận chuyên về Trung y cho các bệnh mạn tính về tâm thần, hành vi và thể chất. Tiến sĩ Dương cũng là người sáng lập Viện Y học Tích hợp Dương và Viện Châm cứu Lâm sàng Hoa Kỳ, đồng thời là Giám đốc điều hành của Northern Medical Center, Middletown, New York. Ông đã đóng góp cho các cuốn sách "Tâm Thần Học Tích Hợp," "Các Vấn Đề về Thuốc," và "Liệu Pháp Tích Hợp cho Bệnh Ung Thư." Ông cũng là đồng tác giả "Hướng về Phương Đông: Bí Quyết Cổ Xưa về Sắc Đẹp+Sức Khỏe cho Thời Hiện Đại" của HarperCollins và "Châm Cứu Lâm Sàng và Trung Y" của Oxford Press.
Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn