Hậu quả nghiêm trọng của việc tập luyện quá sức
Ngày càng nhiều sự cố tổn thương cơ vân gây ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận trong cơ thể khi tập luyện quá sức.
Có bao giờ bạn cố gắng tập luyện thật nhiều để bù lại khoảng thời gian đã mất trước đó chưa? Nghe có vẻ quen thuộc? Nhưng thực tế, hoạt động cơ bắp quá mức sau một thời gian không vận động có thể gây ra sự gián đoạn cơ học và hóa học cho màng sinh học của tế bào cơ, khiến cho tế bào bị vỡ ra.
Là một nhà thể dục sinh lý và y học thể thao, tôi chuyên tìm hiểu về những suy sụp liên quan đến tập luyện. Và hiện tại, tôi đang chứng kiến và nghe nói đến ngày càng nhiều sự cố tổn thương cơ vân gây ảnh hưởng xấu đến nhiều bộ phận trong cơ thể.
Thông tin vừa nêu không phải để khiến mọi người sợ hãi và lại quay lại nằm dài trên ghế. Đây là lời nhắc nhở các vận động viên, huấn luyện viên và những người bình thường hiểu rằng, phản ứng sinh lý mong muốn đối với kích thích tập luyện đòi hỏi cả một giai đoạn tích lũy dần dần và giai đoạn phục hồi giữa các buổi tập.
Ngày càng nhiều những trường hợp tổn thương cơ bắ
Thuật ngữ y học để chỉ sự tổn thương tế bào cơ vân được gọi là “tiêu cơ vân(rhabdomyolysis)” hay viết tắt là “rhabdo”. Khi các tế bào cơ vân vỡ ra, các chất nội bào sẽ được giải phóng vào máu, bao gồm enzym, như creatine kinase; chất điện giải, như kali; và protein, như myoglobin.
Đặc biệt là myoglobin, một loại protein kích thước lớn màu đỏ, có thể ngăn chặn hệ thống lọc ở cầu thận hoặc ống thận vốn có vai trò như ống dẫn nước. Nó cũng có thể phân hủy thành các sản phẩm độc hại gây tổn thương thận. Trong một số trường hợp hiếm gặp, quá nhiều myoglobin trong máu có thể làm ngưng trệ hoàn toàn chức năng của thận, như điều xảy ra với một vận động viên marathon 27 tuổi đã tử vong vì suy thận.
Trong một nghiên cứu ở các vận động viên bơi lội của một trường cao đẳng, chúng tôi đã thấy một số trường hợp bị tiêu cơ vân, trong đó 6/34 vận động viên đã phải nhập viện sau khi tham gia cuộc “thi tay” kéo dài hơn 20 phút để xem có thể hoàn thành bao nhiêu lần kéo xà, kéo hàng và ép băng ghế dự bị. Các trường hợp “tiêu cơ vân có triệu chứng” hoặc cần điều trị y tế dường như đang tăng lên ở mức báo động ở các đội thể thao cấp trường, và thường thấy ở các cầu thủ bóng đá trở lại tập luyện vào tháng Giêng sau một kỳ nghỉ cuối mùa.
Cho đến nay, đã có 17 đội thể thao xuất hiện triệu chứng tiêu cơ vân do tập “quá nhiều, quá sớm, quá nhanh”, bao gồm bóng đá, bơi lội, bóng chuyền, điền kinh, bóng rổ, bóng mềm, bóng rổ và gôn.
Các cầu thủ bóng đá nữ của Đại học Houston bị tiêu cơ vân sau khi tập luyện quá sức.
Những vận động viên nghiệp dư cũng bị ảnh hưởng
Vậy còn chúng ta, những người bình thường đang cố gắng lấy lại vóc dáng thì sao? Bất kỳ hoạt động thể chất quá mức nào đều có thể gây ra tiêu cơ vân có triệu chứng, như làm vườn, tập tạ, các hoạt động kiểu CrossFit và thậm chí là một bài kiểm tra thể lực quân đội thường xuyên, và có thể dẫn đến tổn thương thận.
Hơn 90 trường hợp tiêu cơ vân đã được ghi nhận sau khi thực hiện xoay tròn, trong khi 119 học sinh trung học ở Đài Loan đã phải nhập viện cấp cứu sau khi giáo viên bắt họ phải hoàn thành 120 lần chống đẩy trong vòng 5 phút. Do đó, tổn thương có hại của tế bào cơ vân có thể xảy ra sau bất kỳ mức độ hoạt động thể chất không quen và/hoặc quá sức nào từ 5 phút đến 36 giờ.
Thay vào đó, luyện tập dần dần và nghỉ ngơi thích hợp cho phép cơ bắp, tim mạch và các thành phần cơ thể có thể thích ứng theo cách có lợi, chẳng hạn như giúp cơ phát triển, tăng cường thể lực và giảm mỡ trong cơ thể. Nghiên cứu của chúng tôi xác nhận việc tập thể dục từ từ trong vòng hai tuần sau khi một đợt nghỉ là điều cần thiết để màng sinh học của tế bào cơ thích ứng hoàn toàn với sự căng thẳng của việc tập luyện.
Bệnh tiêu cơ vân dưới lâm sàng, hay tổn thương cơ không có tổn thương thận cấp hay triệu chứng suy nhược, là điều phổ biến và là phản ứng điển hình của việc tập luyện không cần điều trị y tế. Tuy nhiên, tập luyện quá mức, đặc biệt là ngay sau khi nghỉ ngơi, với các dấu hiệu hoặc triệu chứng sau đây trong vòng một đến hai ngày, cần phải tiến hành kiểm tra y tế thích hợp:
- Đau cơ dữ dội không thuyên giảm theo thời gian
- Sưng cơ và hạn chế cử động
- Buồn nôn và/hoặc nôn
- Nước tiểu sẫm màu (giống như Coca-Cola) hoặc tiểu ít.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ tiêu cơ vân sau khi tập luyện bao gồm: tập thể dục trong thời tiết nóng, mất nước hoặc thừa nước, nhậu nhẹt, tiêu thụ quá nhiều cà phê, thực hiện chế độ ăn kiêng khắc nghiệt (ăn chay hoặc ăn nhiều protein) và bệnh hồng cầu hình liềm. Cả nam và nữ đều có thể phát triển triệu chứng tiêu cơ vân, mặc dù điều này thường thấy ở nam giới hơn. Và lý do tại sao cơ cánh tay dễ bị tổn thương nhiều hơn sau 5 đến 30 phút tập luyện so với cơ cẳng chân vẫn chưa được hiểu rõ.
Mặc dù bệnh tiêu cơ vân có triệu chứng thường xảy ra không quá phổ biến, nhưng những biến chứng cấp cứu do tập luyện này nên được quan tâm nhiều hơn, vì các ca bệnh đang ngày càng gia tăng. Chúng tôi, những huấn luyện viên, nhà đào tạo, nhà khoa học, bác sĩ đa khoa và những người khác khuyến khích mọi người nên tập thể dục thường xuyên và gặt hái niềm vui và lợi ích từ điều này. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng không nên tập luyện quá nhiều và quá sớm. Các tổn thương tế bào cơ vân do tự gây ra (hoặc do huấn luyện) hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng việc tuân thủ các phương pháp huấn luyện thông minh và thích hợp về mặt sinh lý.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times