Một tin tức quan trọng từ phía bên kia Đại Tây Dương đã thu hút sự chú ý tại hội nghị thượng đỉnh thường niên năm nay ở Davos, Thụy Sĩ, nơi những người giàu có và quyền lực nhất thế giới tụ họp để giải quyết các thách thức toàn cầu.
Chiến thắng lập kỷ lục của cựu Tổng thống Donald Trump tại Iowa hôm 15/01 đã trở thành chủ đề mọi người nói đến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở làng trượt tuyết Alpine. Theo một số nhà quan sát, câu hỏi về khả năng ông Trump trở lại Tòa Bạch Ốc đã chi phối các cuộc trò chuyện trong các bữa tối và bữa tiệc xuyên suốt hội nghị thượng đỉnh, làm lu mờ ngay cả những vấn đề toàn cầu cấp bách nhất.
Hàng ngàn người thuộc giới tinh hoa toàn cầu, bao gồm các giám đốc điều hành (CEO), chủ ngân hàng, và nhà hoạch định chính sách, đã tập trung tại Davos để tham dự cuộc họp WEF thường niên lần thứ 54 diễn ra từ ngày 15 đến ngày 19/01/2024. Trong số những người tham dự, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu Châu (ECB) Christine Lagarde đã công khai chỉ trích cựu tổng thống.
Bà nói khi được hỏi về cuộc bầu cử sắp tới ở Hoa Kỳ trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg hôm 17/01, “Tất cả chúng tôi đều lo ngại về điều đó bởi vì Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất, quốc gia có nền quốc phòng lớn nhất thế giới, và là ngọn hải đăng của nền dân chủ, với tất cả những ưu và nhược điểm của họ.”
“Chúng ta phải hết sức chú ý.”
Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với France 2, bà Lagarde, người từng là người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đã mô tả cựu Tổng thống Trump là một “mối đe dọa” rõ ràng đối với châu Âu vì lập trường của ông Trump về thuế quan, NATO, và biến đổi khí hậu.
Hôm cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh, bà gợi ý rằng chiến lược hiệu quả nhất để châu Âu chuẩn bị cho sự trở lại của ông Trump có thể là tiếp tục tấn công.
“Nếu đó là cách mà chúng ta muốn nhìn nhận vấn đề này, thì biện pháp phòng thủ tốt nhất là tấn công,” bà nói trong một cuộc thảo luận hôm 19/01. “Để tấn công đúng cách, quý vị cần phải mạnh mẽ trên sân nhà. Vì vậy, mạnh mẽ có nghĩa là có một thị trường mạnh, sâu, có một thị trường chung thực sự.”
Ông Philipp Hildebrand, cựu giám đốc ngân hàng trung ương Thụy Sĩ và hiện là phó chủ tịch BlackRock, cũng bày tỏ quan điểm tương tự về cuộc bầu cử Hoa Kỳ sắp tới.
“Quý vị biết đấy, chúng ta đã từng ở tình cảnh đó trước đây; chúng ta đã sống sót qua tình cảnh đó, vì vậy chúng ta hãy chờ xem sự kiện ở Iowa có ý nghĩa gì,” ông Hildebrand nói với Bloomberg ở Davos, “Chắc chắn, từ góc độ châu Âu, từ một kiểu quan điểm toàn cầu hóa, ủng hộ Đại Tây Dương mà nói, tất nhiên đó là một mối lo ngại lớn.”
Ông Gordon Brown, cựu thủ tướng Anh, cũng bày tỏ quan điểm tương tự.
Ông nói với CNBC tại khu nghỉ dưỡng trượt tuyết Thụy Sĩ này hôm 17/01 rằng, “Tôi lo lắng về nguy cơ ông Trump làm tổng thống.”
“Ông ấy nói rằng ông ấy có thể giải quyết vấn đề Ukraine-Nga trong một ngày. Nhưng nếu vấn đề Ukraine-Nga được giải quyết với cái giá phải trả là Ukraine và được xem là một chiến thắng cho ông Putin, thì lòng tự tin của châu Âu sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề.”
Bình luận có ích cho chiến dịch tranh cử?
Những lo ngại về khả năng vị cựu tổng thống trở lại Tòa Bạch Ốc đã vượt ra ngoài phạm vi Davos.
Ông Guy Verhofstadt, cựu thủ tướng Bỉ và hiện là thành viên Nghị viện Âu Châu, cũng bày tỏ mối lo ngại tương tự sau chiến thắng ở Iowa của cựu Tổng thống Trump.
Ông viết trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội X hôm 16/01, “Đảng Cộng Hòa gửi một thông điệp đến thế giới: nền dân chủ phải đấu tranh để sinh tồn … Cơ hội đối với châu Âu cũng dần khép lại.”
Ông Richard Dearlove, cựu giám đốc cục tình báo mật của Anh, mới đây cho rằng việc cựu Tổng thống Trump tái đắc cử có thể gây ra “mối đe dọa chính trị” đối với Anh và NATO.
“Quý vị phải thêm một mối đe dọa chính trị mà tôi lo lắng, đó là việc ông Trump tái đắc cử… điều mà tôi nghĩ là có vấn đề đối với an ninh quốc gia của Vương quốc Anh,” ông nói với Sky News hôm 14/01. “Bởi vì nếu ông Trump hành xử nóng vội như trước đây và gây thiệt hại cho liên minh Đại Tây Dương, thì đó là một vấn đề lớn đối với Vương quốc Anh.”
Cựu Tổng thống Trump đã thường xuyên bày tỏ lo ngại về việc NATO phụ thuộc quá nhiều vào Hoa Kỳ và kêu gọi các quốc gia thành viên tăng cường đóng góp cho chi tiêu quốc phòng.
Ông Brian Seitchik, chiến lược gia của Đảng Cộng Hòa và là cựu nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, cho biết ông tin rằng những tuyên bố của “giới tinh hoa toàn cầu” tại cuộc họp ở Davos có thể có ích cho chiến dịch tranh cử của cựu tổng thống.
Ông Seitchik nói với The Epoch Times, “Dù muốn hay không, thì họ cũng không phải là người hâm mộ ông Trump. Họ chưa bao giờ như vậy, và sẽ không bao giờ như vậy.”
“Việc những người đó nói về biến đổi khí hậu và rao giảng thế giới quan của họ về biến đổi khí hậu trong khi đi phi cơ riêng đến một thành phố cao cấp ở châu Âu thực sự không phải là điều mà các cử tri chủ chốt còn đang do dự ở Georgia, Michigan, Pennsylvania, và Arizona đặc biệt lưu tâm vào những ngày này.”
Ông Jamie Dimon khen ông Trump
Trong một khoảnh khắc khá bất ngờ ở Davos, ông Jamie Dimon, Giám đốc điều hành của JPMorgan, đã làm nóng chủ đề này bằng cách tán thành các chính sách của cựu Tổng thống Trump và kêu gọi các thành viên Đảng Dân Chủ xem xét lại cách tiếp cận của họ đối với các cử tri Đảng Cộng Hòa “MAGA.”
“Tôi ước Đảng Dân Chủ sẽ suy nghĩ cẩn thận hơn một chút khi họ nói về MAGA,” ông nói hôm 17/01 trong một cuộc phỏng vấn với CNBC ở Davos.
“Tôi nghĩ cuộc nói chuyện tiêu cực về MAGA này sẽ gây tổn hại cho chiến dịch bầu cử của ông Biden.”
Bình luận của ông Dimon được đưa ra hai ngày sau khi cựu tổng thống vượt xa so với các đối thủ Đảng Cộng Hòa của ông trong cuộc họp bầu ở Iowa.
Ông Dimon nói, “Hãy lùi lại một bước, hãy thành thật. Ông ấy đã đúng về NATO và khá đúng về vấn đề nhập cư. Ông ấy đã phát triển nền kinh tế khá tốt. Cải tổ thương mại và thuế đã có hiệu quả. Ông ấy đã đúng về một số vấn đề về Trung Quốc.”
“Ông đã không sai về một số vấn đề quan trọng này, và đó là lý do tại sao họ bỏ phiếu cho ông ấy.”
Hồi tháng 11/2023, ông Dimon, người chủ yếu quyên góp cho Đảng Dân Chủ, đã kêu gọi mọi người, bao gồm cả các thành viên Đảng Dân Chủ, ủng hộ để ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng Hòa Nikki Haley giành được sự đề cử của Đảng Cộng Hòa, đồng thời tuyên bố rằng bà sẽ là người thay thế mạnh mẽ hơn cho cựu tổng thống.
Ông Mike O’Sullivan, cựu giám đốc đầu tư tại Credit Suisse, cho biết ông tin rằng các chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp Âu Châu đang “lo lắng một cách đúng đắn” về một nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Ông O’Sullivan từng là thành viên của Hội đồng Nền Kinh tế Mới của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ông cũng là tác giả của cuốn sách “The Levelling: What’s Next After Globalization” (Sự San Bằng: Điều Gì Sẽ Xảy Ra Tiếp Theo Sau Toàn Cầu Hóa), một cuốn sách thảo luận về việc toàn cầu hóa đã kết thúc như thế nào và đang nhường chỗ cho một trật tự toàn cầu mới được định hướng bằng các giá trị ra sao.
Ông O’Sullivan nói với The Epoch Times trong một thư điện tử: “Ông Trump có cơ hội trở thành tổng thống cao hơn so với cùng thời điểm trong chiến dịch tranh cử đầu tiên của ông ấy.”
Ông nói: “Các chính phủ và công ty đang lo lắng một cách chính đáng về việc ông ấy có thể làm suy yếu nền pháp quyền, nền dân chủ, và vị thế tài chính độc đáo của nước Mỹ như thế nào.”
Tuy nhiên, tâm trạng của các lãnh đạo doanh nghiệp Hoa Kỳ tham dự diễn đàn rất khác nhau; một số người người đã bác bỏ một cách riêng tư những lo ngại của người Âu Châu.
“Ông ấy sẽ đắc cử tổng thống,” một CEO ngân hàng của Hoa Kỳ nói với CNBC. “Nhiều chính sách của ông ấy đã đúng.”
Một lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng khác đã chia sẻ quan điểm một cách riêng tư rằng người Âu Châu chưa hiểu thấu về cơ chế kiểm tra và cân bằng được xây dựng trong chính phủ Hoa Kỳ.
Ông nói: “Thận trọng là đúng, nhưng đó sẽ không phải là ngày tận thế.”
Bài diễn văn tại Davos của ông Trump
Trong nhiệm kỳ của mình, cựu Tổng thống Trump đã tới Davos hai lần vào năm 2018 và 2020 để tham dự các cuộc họp của WEF. Trong bài diễn văn quan trọng của mình vào năm 2020, ông đã ca ngợi các chính sách thương mại theo chủ nghĩa bảo hộ của mình và vị thế của Hoa Kỳ như là nhà sản xuất dầu khí lớn nhất thế giới.
Ông cũng công khai bày tỏ sự hoài nghi của mình đối với biến đổi khí hậu, nhắm vào cái mà ông gọi là “những người báo động” và “những người theo chủ nghĩa xã hội cấp tiến.”
Cựu Tổng thống Trump đã nói như sau khi đó, “Chúng ta phải bác bỏ những nhà tiên tri lâu năm về sự diệt vong và những lời tiên đoán của họ về ngày tận thế. Họ là những người thừa kế của những thầy bói ngu ngốc của ngày hôm qua.”
Ông tiếp tục nêu bật những ví dụ lịch sử về những dự đoán sai lầm, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng dân số quá mức vào những năm 1960, nạn đói hàng loạt vào những năm 1970, và sự kết thúc của dầu mỏ được dự báo vào những năm 1990. Ông mô tả những dự báo sai lầm này là tác phẩm của những “người báo động” đang không ngừng theo đuổi quyền lực.
“Những người báo động này luôn đòi hỏi cùng một thứ: quyền lực tuyệt đối để thống trị, chuyển đổi, và kiểm soát mọi khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta,” ông nói. “Chúng ta sẽ không bao giờ để những người theo chủ nghĩa xã hội cấp tiến phá hủy nền kinh tế, đất nước của chúng ta, hoặc xóa bỏ quyền tự do của chúng ta.”
Bài diễn văn của ông đã vấp phải nhiều phản ứng trái chiều, nhưng đặc biệt khiến một số người thuộc giới thượng lưu phẫn nộ, nổi bật nhất là ông Klaus Schwab, người sáng lập và chủ tịch điều hành diễn đàn.
WEF bị chỉ trích
Ông Schwab, một nhà kinh tế và giáo sư người Đức gốc Thụy Sĩ, đã thành lập WEF vào năm 1971 với mục đích thúc đẩy chủ nghĩa tư bản cho các bên liên quan, chủ trương rằng các công ty phục vụ lợi ích của tất cả các bên liên quan thay vì chỉ tập trung vào các cổ đông.
Trong những năm qua, WEF đã phát triển thành một diễn đàn đối thoại được công nhận trên toàn cầu. WEF tập trung vào các vấn đề mà họ cho rằng đang là những thách thức toàn cầu cấp bách — chẳng hạn như khủng hoảng khí hậu, nghèo đói, bất bình đẳng giàu nghèo, an ninh lương thực, và đại dịch — và tập trung lĩnh vực công và tư nhân với nhau.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, diễn đàn này ngày càng phải đối diện với nhiều chỉ trích, với những câu hỏi được đặt ra liên quan đến tính hữu ích của các cuộc tranh luận của WEF trong việc giải quyết những khó khăn của người dân thường.
Cuộc khủng hoảng khí hậu là một chủ đề nổi bật tại Davos, và việc những người tham dự sử dụng phi cơ riêng đã bị cáo buộc là đạo đức giả. Hơn nữa, việc mời những cá nhân có hồ sơ nhân quyền đáng nghi vấn đã làm dấy lên mối lo ngại về uy tín của diễn đàn.
Ông Ford O’Connell, một nhà phân tích chính trị và chiến lược gia của Đảng Cộng Hòa, nói rằng giới tinh hoa toàn cầu ở Davos không quan tâm đến những khó khăn mà người lao động Mỹ đang phải trải qua.
Ông nói với The Epoch Times: “Hầu hết giới tinh hoa toàn cầu không quan tâm đến sự thịnh vượng của Mỹ hay những khó khăn của giai tầng lao động hiển lộ rất rõ.”
“Ý kiến của họ ít liên quan đến việc người Mỹ hàng ngày kiếm đồng nào tiêu đồng ấy, và họ sẽ có ảnh hưởng tối thiểu đến cử tri Hoa Kỳ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 sắp tới.”
Tổng thống Argentina, ông Javier Milei, đã chọn chuyến bay thương mại tới Davos để dự hội nghị thượng đỉnh, nơi ông công khai chỉ trích nghị trình “xã hội chủ nghĩa” của sự kiện này trong bài diễn văn quan trọng của mình.
Vị tổng thống theo chủ nghĩa tự do mới đắc cử nói với đám đông ở Davos hôm 17/01 rằng, “Hôm nay, tôi ở đây để nói với các quý vị rằng thế giới phương Tây đang gặp nguy hiểm. Và phương Tây đang gặp nguy hiểm bởi vì những người được cho là phải bảo vệ các giá trị của phương Tây lại đi đồng lõa với một tầm nhìn về thế giới chắc chắn dẫn đến chủ nghĩa xã hội và do đó dẫn đến nghèo đói.”
Ông Kevin Roberts, chủ tịch Quỹ Di Sản (Heritage Foundation), một tổ chức tư vấn theo phái bảo tồn truyền thống có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cũng đã chỉ trích nghị trình của diễn đàn này trong cuộc thảo luận tại Davos hôm 18/01 và kêu gọi các chính phủ tương lai của Đảng Cộng Hòa bác bỏ mọi đề nghị của WEF.
Ông nói, “Lý do tôi đến Davos là để giải thích với nhiều người trong căn phòng này và những người đang theo dõi rằng, với tất cả sự tôn trọng, không có gì mang tính cá nhân, nhưng quý vị là một phần của vấn đề.”
Ông Roberts đã bảo vệ cựu tổng thống của Hoa Kỳ và cho rằng giới tinh hoa toàn cầu đã truyền đạt thông tin sai lệch cho người dân bình thường về các vấn đề như nhập cư bất hợp pháp, khủng hoảng khí hậu, và an toàn công cộng.
Sau Iowa
Kết quả cuộc họp bầu của Đảng Cộng Hòa ở Iowa ngày 15/01 hầu như không gây bất ngờ nhưng vẫn thu hút sự chú ý đáng kể ở cả Hoa Kỳ và toàn cầu.
“Ông Trump đã đạt được chiến thắng mang tính lịch sử và mang tính quyết định trong các cuộc họp bầu ở Iowa, phá vỡ kỷ lục về chiến thắng cách biệt lớn nhất của một ứng cử viên Đảng Cộng Hòa,” ông O’Connell cho biết. “Cuộc đua được thông báo kết quả chỉ 31 phút sau khi cuộc bỏ phiếu bắt đầu, nhấn mạnh sức mạnh chiến thắng của ông ấy.”
Tuy nhiên, cựu Phó Tổng thống Al Gore đã cảnh báo không nên quá nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc bỏ phiếu ở Iowa. Ông Gore, người đã không đạt được vị trí tổng thống năm 2000 chỉ trong gang tấc, đã nhấn mạnh đến khả năng xảy ra những bất ngờ trong các cuộc bầu cử.
Ông nói với Bloomberg ở Davos, “Đã có rất nhiều ví dụ — lần trước vào năm 2016, ông Ted Cruz đã giành chiến thắng trong cuộc họp bầu ở Iowa, và rồi sau đó điều đó chẳng quan trọng chút nào. Chúng ta đã chứng kiến những người khác ở phía Đảng Cộng Hòa giành chiến thắng trong họp bầu ở Iowa rồi sau đó biến mất.”