Giám đốc Pfizer: Vaccine COVID-19 có thể gây ra tác dụng phụ ‘đáng lo ngại’ cho sức khỏe sinh sản phụ nữ
Một nhân viên cao cấp của công ty dược phẩm Pfizer bày tỏ lo ngại về tác dụng phụ liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt của vaccine COVID-19, theo một cuộc trò chuyện được quay bởi nhóm ký giả bất vụ lợi, Dự án Veritas.
Đoạn video về cuộc trò chuyện giữa Tiến sĩ Jordon Walker, một nhân viên cấp cao của Pfizer, với ký giả bí mật của tổ chức Project Veritas đã được đăng trên Twitter vào ngày 02/02.
Anh Walker là giám đốc nghiên cứu và phát triển của gã khổng lồ dược phẩm Pfizer, theo thông tin từ một nhân viên tiếp tân Pfizer. Công ty đã không tranh cãi về việc anh Walker có phải là nhân viên của họ hay không.
Trong đoạn phim, có thể nhận thấy nhân viên cao cấp của Pfizer bày tỏ lo ngại về tác dụng phụ tiêu cực tiềm ẩn của vaccine với sức khỏe sinh sản. Anh cho biết, vaccine có thể là nguyên nhân gây ra rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ.
“Có điều gì đó bất thường về chu kỳ kinh nguyệt. Do vậy, mọi người nên điều tra thêm về vấn đề này, đây là điều rất đáng lo ngại,” anh Walker nói trong video.
“Vaccine [COVID-19] không nên ảnh hưởng đến [chu kỳ kinh nguyệt]. Vì vậy, chúng tôi thực sự không biết,” anh nói, trước khi đưa ra “bằng chứng khoa học” rằng vaccine không nên tương tác với trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến sinh dục (trục HPG). Trục HPQ gồm “các hormone điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt và những thứ tương tự,” theo anh Walker.
‘Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không tìm thấy điều gì tồi tệ’
Trục HPG là một cơ chế hormone giúp điều hòa quá trình sinh sản bằng cách kiểm soát chu kỳ tử cung và buồng trứng.
Khi được ký giả bí mật hỏi rằng liệu vaccine có ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt hay không, anh Walker trả lời “không,” nhưng lưu ý rằng “có điều gì đó đang diễn ra mà chúng ta không hiểu rõ.”
“Tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ không tìm thấy điều gì thực sự tồi tệ sau này. Tôi hy vọng chúng ta không phát hiện ra bằng cách nào đó, mRNA tồn tại trong cơ thể và sau đó… bởi vì nó phải ảnh hưởng đến hormone nào đó để tác động đến chu kỳ kinh nguyệt,” anh nói.
Vaccine COVID-19 của Pfizer được xây dựng dựa trên công nghệ RNA thông tin, hay mRNA.
Anh Walker nói: “Vì vậy, bằng cách nào đó, vaccine phải tương tác với trục đó, trục HPG, để gây ra các vấn đề về kinh nguyệt.”
Khi được ký giả đặt câu hỏi liệu trục HPG có phải là nguyên nhân gây ra vấn đề sinh sản hay không, anh Walker nói: “Đúng vậy, bởi vì trục này kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Vậy nên, nếu muốn tác động đến kinh nguyệt, vaccine phải tác động đến những hormone này bằng cách nào đó. Nhưng chúng ta cần tìm hiểu xem vaccine ảnh hưởng thế nào đến hormone này, vì quá trình truyền tín hiệu bắt đầu từ não.”
Anh nói thêm: “Vaccine không vượt qua được hàng rào máu não.”
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị, việc chích vaccine COVID-19 nên được áp dụng cho người từ 6 tháng tuổi trở lên, bao gồm cả phụ nữ mang thai hoặc đang cố gắng mang thai, miễn là họ đủ điều kiện.
Một nhân viên y tế chích một liều vaccine COVID-19 “Cominarty” Pfizer-BioNTech cho bệnh nhân tại một trung tâm chích ngừa ở Ancenis-Saint-Gereon, Pháp, vào ngày 17/11/2021. (Ảnh: Stephane Mahe/File Photo/File Photo /Reuters)
‘Không có bằng chứng khẳng định vaccine gây ra vấn đề về sinh sản’
CDC cho biết: “Hiện tại không có bằng chứng cho thấy bất kỳ loại vaccine nào, kể cả vaccine COVID-19, gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản (các vấn đề khi cố gắng mang thai) ở phụ nữ hoặc nam giới.”
Trong cuộc trò chuyện, anh Walker, người dường như đang phát biểu tại nhà hàng và không biết mình bị ghi hình, cũng lưu ý rằng có rất nhiều áp lực trong việc chích ngừa vaccine, đồng thời nói thêm rằng bản thân anh “phải chích vaccine nếu không sẽ bị sa thải.”
“Tôi hy vọng chúng ta sẽ không tìm thấy điều gì thực sự tồi tệ sau này… Nếu có gì đó xảy ra và thực sự tồi tệ thì sao? Ý tôi là, quy mô của vụ bê bối sẽ rất lớn,” anh Walker bổ sung.
Mặc dù hồ sơ nghề nghiệp của anh Walker đã bị xóa khỏi trang web, nhưng Pfizer không phủ nhận rằng anh đã hoặc đang là nhân viên của công ty.
Vào tháng 08/2021, Viện Y tế Quốc gia (NIH) thông báo rằng họ đã trao các khoản tài trợ bổ sung trị giá 1.67 triệu USD trong một năm cho nhiều tổ chức để điều tra mối liên quan tiềm ẩn giữa việc chích vaccine COVID-19 và những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt.
Các nghiên cứu được tài trợ có thể giúp xác định liệu những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt có liên quan đến việc chính vaccine hay không và những thay đổi đó kéo dài bao lâu.
Tuy nhiên, tại thời điểm thông báo, NIH cũng nhấn mạnh rằng còn có một loạt yếu tố khác ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt, bao gồm căng thẳng liên quan đến đại dịch, thay đổi lối sống liên quan đến đại dịch và nhiễm SARS-CoV-2.
Các nghiên cứu cho thấy vaccine làm chậm chu kỳ kinh nguyệt
Một trong những nghiên cứu được tài trợ bao gồm một nghiên cứu được công bố vào tháng 09/2022 do nhà khoa học – bác sĩ lâm sàng của Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon, Tiến sĩ Alison Edelman, dẫn đầu. Nghiên cứu phát hiện việc chích vaccine COVID-19 có thể làm tăng vòng kinh lên ít hơn một ngày.
Gần 20,000 người trên khắp Canada, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Âu Châu và các nơi khác đã tham gia vào nghiên cứu, trong đó 14,936 người đã chích vaccine và 4,686 người chưa chích vaccine.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích dữ liệu về ít nhất ba chu kỳ liên tiếp trước khi chích ngừa và ít nhất một chu kỳ sau đó, cũng như dữ liệu từ ít nhất bốn chu kỳ liên tiếp trong khoảng thời gian tương tự ở những người chưa chích ngừa.
Họ phát hiện thấy thời gian trung bình ở người chích ngừa tăng ít hơn một ngày trong mỗi chu kỳ mà họ được chích vaccine: Tăng 0.71 ngày (hoặc dưới 24 giờ) sau liều đầu tiên và tăng 0.56 ngày sau liều thứ hai.
Ngoài ra, những phụ nữ chích cả hai liều trong một chu kỳ cũng tăng thêm 3.91 ngày.
Tuy nhiên, 1,342 phụ nữ nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt tăng từ 8 ngày trở lên, chiếm 6.2% số người được chích ngừa và 5% số người chưa chích ngừa trong nghiên cứu.
Nghiên cứu lưu ý rằng những phụ nữ trẻ hơn, có thời gian chu kỳ dài hơn trước khi chích ngừa có nhiều khả năng bị cao huyết áp.
Vào tháng 02/2022, ủy ban an toàn của Cơ quan Dược phẩm Âu Châu cho biết họ đang xem xét các báo cáo về tình trạng cường kinh và vô kinh ở phụ nữ đã chích vaccine Pfizer hoặc Moderna.
Tuy nhiên, mối liên quan chắc chắn giữa vaccine COVID-19 và tác động lâu dài đến chu kỳ kinh nguyệt vẫn chưa được hiểu rõ.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times