Flavonol có thể làm giảm chứng mất trí nhớ do tuổi tác
Nghiên cứu mới phát hiện ra rằng flavonol – một loại chất chống oxy hóa có trong nhiều loại trái cây, rau, trà và rượu vang – có thể làm chậm quá trình suy giảm trí nhớ tự nhiên do tuổi tác.
Nghiên cứu này bổ sung thêm bằng chứng ngày càng nhiều cho thấy flavonol trong khẩu phần ăn có liên quan đến sức khỏe trí óc.
“Nghiên cứu này đem lại hy vọng rằng, những người quan tâm đến chứng suy giảm nhận thức và bệnh Alzheimer [AD] có thể làm chủ sức khỏe. Họ có thể làm việc với bác sĩ để thay đổi lối sống nhằm giảm thiểu tác hại của hai bệnh này,” Giáo sư bác sĩ Thomas Holland, tác giả nghiên cứu đang làm việc tại Viện Sức khỏe Người cao tuổi Rush, nói với The Epoch Times.
2 Flavonol có hiệu quả tốt nhất
Nghiên cứu đã phân tích dữ liệu từ 961 người từ 58 đến 100 tuổi không được chẩn đoán bị chứng mất trí nhớ vào thời điểm đăng ký. Các nhà nghiên cứu đã chia họ thành các nhóm dựa trên lượng flavonol hấp thụ hàng ngày, từ 5mg đến 15mg mỗi ngày – là lượng flavonol trong một chén rau lá xanh đậm.
Những người tham gia trải qua các bài kiểm tra hàng năm về nhận thức và trí nhớ, đồng thời được hỏi về thời gian hoạt động thể chất và tinh thần.
Sau đó, giáo sư Holland và nhóm của ông đã kiểm tra tác động của bốn loại flavonol chính bao gồm kaempferol, quercetin, myricetin và isorhamnetin đối với tốc độ suy giảm nhận thức trong bảy năm.
Trong số tất cả các flavonol, kaempferol cho thấy lợi ích lớn nhất. Những người tiêu thụ lượng thực phẩm có kaempferol cao hơn cho thấy tốc độ suy giảm nhận thức giảm 0.4 đơn vị mỗi thập niên so với những người ăn ít nhất.
Tiếp theo là myricetin. Những người ăn thực phẩm giàu myricetin có tốc độ suy giảm nhận thức giảm 0.3 đơn vị mỗi thập niên.
Trong số hai loại flavonol còn lại, những người ăn nhiều thực phẩm giàu quercetin nhất có tốc độ suy giảm nhận thức chậm hơn 0.2 đơn vị mỗi thập niên, trong khi isorhamnetin hoàn toàn không có tác dụng.
Flavonol có tác dụng gì với bộ não?
Giáo sư Holland nói rằng các phản ứng sinh hóa khác nhau, các gốc tự do, và các loại oxy phản ứng có thể gây tổn thương ở cấp độ tế bào, và cuối cùng sẽ phá huỷ các cơ quan.
Ông nói: “Chúng tôi gọi loại tổn thương tế bào này là ‘căng thẳng oxy hóa’.”
Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng căng thẳng oxy hóa có mối liên quan “phức tạp” với sự suy giảm nhận thức do tuổi tác. Họ cũng phát hiện ra rằng việc tăng lượng chất chống oxy hóa trong các bữa ăn có thể đảo ngược một phần sự suy giảm này.
Ông Holland giải thích rằng chất chống oxy hóa như flavonol hoạt động như “chất khử” giúp loại bỏ các gốc tự do và ngăn ngừa tổn thương tế bào thêm nữa.
Cô Hoda Tantawi, chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Đại học Staten Island, một bộ phận của Northwell Health ở New York, cho biết: “Chúng giúp chống lại chứng viêm và bất kỳ phân tử có hại nào đối với cơ thể.”
Thực phẩm toàn phần chứa nguồn flavonol tốt hơn thực phẩm bổ sung
Cô Tantawi nhấn mạnh rằng ăn thực phẩm thực luôn tốt hơn là sử dụng chất bổ sung flavonol.
Flavonol từ thực phẩm có sinh khả dụng lớn hơn đối với cơ thể. Cô nói: “Có nghĩa là cơ thể sẽ hấp thụ các dưỡng chất hiệu quả hơn và giúp chúng ta nhận được những lợi ích của các dưỡng chất.”
Cô nói thêm rằng một lợi ích khác của việc nhận flavonol từ thực phẩm là có thể tiêu thụ tất cả các dưỡng chất trong thực phẩm, thay vì chỉ một chất dinh dưỡng từ thực phẩm bổ sung.
Các nguồn flavonol dồi dào bao gồm quả mọng, hành tây, bắp cải đỏ, cải xoăn, ngò tây, trà, rượu vang đỏ, socola đen, trái cây có múi, và đậu nành.
Các nguồn kaempferol phong phú nhất là các loại rau lá xanh như rau bina và cải xoăn, và các loại thảo mộc bao gồm thì là và hẹ.
Quả nam việt quất, củ cải Thụy Sĩ, và tỏi là những thực phẩm chứa nhiều myricetin.
Một nghiên cứu quan sát
Theo ông Holland, vì đây là nghiên cứu quan sát nên sẽ làm tăng nguy cơ gây nhiễu do các yếu tố đo lường được và không đo lường được.
Ông nói: “Tức là, những người tham gia có thể có những hành vi giúp ích hoặc gây hại cho nhận thức của họ mà chúng tôi không đo lường hoặc biết được.”
Một hạn chế khác là cách ăn kiêng được tự báo cáo, liên quan đến việc yêu cầu một người nhớ lại những gì họ đã ăn trong 12 tháng trước đó. Điều này có nguy cơ khiến người tham gia nhớ lại sai lệch, đưa ra câu trả lời không chính xác tùy thuộc vào mức độ ghi nhớ của họ.
Không bao giờ là quá sớm hoặc quá muộn
Ông Holland nói rằng “không bao giờ là quá sớm hay quá muộn” để bắt đầu thay đổi lối sống lành mạnh, đặc biệt là với cách ăn kiêng.
Ông nói: “Nghiên cứu được trình bày ở đây đã bổ sung thêm bằng chứng cho thấy những gì chúng ta ăn đều quan trọng.”
Ông nói: “Người ta thường biết rằng các vitamin và khoáng chất có trong những thực phẩm này rất quan trọng. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta hiểu rằng toàn bộ thành phần của thực phẩm, bao gồm các hoạt chất sinh học – như flavonol – đã khiến những thực phẩm này trở nên hữu ích.”
Tuy nhiên, cô Tantawi cảnh báo rằng việc dùng quá liều flavonol có thể xảy ra.
Cô cảnh báo: “Các nghiên cứu đã cho thấy những tác động tiêu cực đối với cơ thể khi dùng với số lượng lớn [flavonol].”
Cô Tantawi lưu ý rằng hầu hết các nghiên cứu đó tập trung vào các chất bổ sung liều cao chứ không phải cách ăn giàu flavonol/flavonoid.
Thiên Vân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times