Dòng chảy của nước
Nước có thể dạy cho chúng ta những bài học sâu sắc về một cuộc sống đáng tôn quý
Nước từ trên trời rơi xuống. Nước chảy xung quanh chúng ta và nước là thứ thiết yếu cho sự sinh tồn của chúng ta. Nước có chức năng lọc sạch, thanh tẩy, nuôi dưỡng và mang đến sự sống cho chúng ta.
Nước không chỉ tồn tại bên cạnh chúng ta mà còn ở bên trong chúng ta. Trên thực tế, các nhà khoa học ước tính rằng trong cơ thể của người trưởng thành trung bình chứa từ 65-75% nước và tỷ lệ nước ở trẻ sơ sinh còn cao hơn nhiều với ước tính khoảng 85%. Thật là một tỷ lệ đáng kinh ngạc.
Nước là yếu tố tối quan trọng đối với sự sống nên chúng ta cũng không có gì phải ngạc nhiên khi nước mang lại nguồn cảm hứng và hiểu biết sâu sắc từ thời cổ đại cho đến ngày nay.
Những điểm độc đáo của nước
Nước bao phủ hơn hai phần ba (71%) bề mặt Trái đất. Nước liên tục di chuyển và thay đổi, tồn tại ở các thể khác nhau trong đại dương, hồ, mây, không khí, thảm thực vật, sông băng và tuyết—và không thể hiện những đặc tính này đối với những thứ ở dưới lòng đất.
Nước có một số đặc điểm độc đáo. Ví dụ, trong khi các chất có thể tồn tại ở nhiều thể rắn, lỏng hoặc khí khác nhau thì nước khác ở chỗ, không giống như các chất khác, nước không cần phải ở nhiệt độ quá cao để biến dạng như vậy—hay nói đúng hơn là nước có thể tự thay đổi trong các điều kiện mà sự sống có thể chịu đựng được.
Ngoài ra, khi một chất nào đó được biến đổi thành chất rắn thì các nguyên tử thường xích lại gần nhau hơn để làm cho chất đó đậm đặc hơn. Nhưng đối với nước thì các phân tử nước tạo lại thành các vòng khi đóng băng, làm cho chất này ít đậm đặc hơn. Do đó, trong khi hầu hết các chất rắn chìm trong nước, thì nước ở thể rắn (nước đá) có thể nổi.
Các thuộc tính độc đáo của Nước đã làm cho nước có mặt ở khắp mọi nơi và tác động đến mọi thứ—bao gồm cả cơ thể và sức khỏe của chúng ta. Những thuộc tính này đã mang lại cho nước một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc hơn.
Chẳng hạn, nước không bao giờ bị mất đi mà chỉ thay đổi hình thức. Nước “thích nghi” với môi trường của mình theo cách nâng cao cuộc sống của vạn vật. Ví dụ, dưới sức nóng, nước sẽ bốc hơi và tạo thành những đám mây mang đến một vẻ đẹp thần thánh lay động lòng người trong nhiều thiên niên kỷ. Và khi nước đóng băng thành những tảng băng nổi, thì nước lại trở thành một loại vật liệu cách nhiệt cho cá và các đời sống thực vật ở bên dưới.
Nước rất quan trọng đối với sức khỏe
Nước hiện diện ở khắp mọi nơi, vô hại nhưng lại thiết yếu. Cũng giống như tình yêu và sức khỏe, nước được coi như là một yếu tố hiển nhiên tồn tại – cho đến khi bị mất đi.
Nước là nền tảng của từng tế bào, từng bộ phận và của toàn bộ cơ thể. Hai phần ba lượng nước trong cơ thể là nằm bên trong các tế bào (nội bào), trong khi một phần ba còn lại là ngoại bào. Tuy nhiên, nồng độ của nước trong các bộ phận khác nhau của cơ thể là khác nhau. Ví dụ, theo các nghiên cứu, não và tim có 73% là nước, da chứa 64% nước và phổi có khoảng 83% là nước. Ngay cả những bộ phận cứng nhất của cơ thể như xương cũng chứa 31% là nước.
Theo một cách nào đó thì chính sự đơn giản của nước đã tạo ra tác dụng hữu ích tiềm năng của nó. Nước là vật chất khởi đầu và kết thúc của nhiều quá trình chuyển hóa. Như vậy, nước phục vụ cho nhiều chức năng trong cơ thể. Nước giúp cách ly tủy sống, não và các cơ quan khác, bôi trơn và hoạt động như một bộ giảm xóc cho các khớp, giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể thông qua hô hấp và đổ mồ hôi, đào thải chất thải và độc tố ra khỏi cơ thể, mang oxy đến các tế bào và giúp phá vỡ thức ăn thành các chất dinh dưỡng mà cơ thể có thể hấp thụ.
Và bất kỳ ai từng ngâm mình trong làn nước biển với vết trầy xước hoặc vết cắt, hoặc súc miệng bằng nước muối để giảm đau họng, đều có thể chứng thực được khả năng chữa lành vết thương của nước.
Việc giữ cho cơ thể chúng ta đủ nước đóng một vai trò rất quan trọng đối với trí nhớ, sự tập trung, tăng cường năng lượng và tâm trạng đồng thời duy trì huyết áp ở mức thích hợp. Nước cũng giúp giảm lão hóa, ngăn ngừa táo bón và bệnh tật, đồng thời cải thiện hoạt động thể chất của chúng ta.
Cũng giống như tất cả mọi thứ trong cuộc sống, sự cân bằng là yếu tố then chốt. Có quá nhiều nước trong cơ thể lại dẫn đến các vấn đề như suy tim sung huyết, buồn nôn, tiêu chảy, hoặc hạ natri và các chất điện giải khác. Ngược lại, quá ít nước – đây là hiện tượng phổ biến – có thể dẫn đến những vấn đề như suy thận cấp tính, đau khớp, chuột rút, thừa natri và các chất điện giải khác….
Rõ ràng là nước có tác động rất lớn đến sức khỏe thể chất của chúng ta. Nhưng nếu chúng ta sống chậm lại đủ lâu để suy ngẫm về những điều kỳ diệu của nước—những điều kỳ diệu này vẫn chưa bị mất đi đối với các nhà thơ, triết gia và những người khai sáng tâm linh trên thế giới—những bài học cuộc sống mà nước mang lại cũng có thể có tác động đáng kể đến cách chúng ta nhìn nhận về thế giới, điều này có thể có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của chúng ta.
Bài học từ nước: Buông bỏ và lưu chuyển không ngừng
Nước tuần hoàn ở khắp nơi trong thiên nhiên, trong đại dương, hồ, suối, lạch và sông. Nước không để mọi thứ vướng víu vào hoặc cản trở đường đi của mình. Nước cũng không chống lại chu trình thay đổi tự nhiên của chính mình—từ chu trình nước bay hơi sang ngưng tụ rồi kết tủa, hoặc thay đổi trạng thái từ thể lỏng sang thể khí sang thể rắn, tùy theo tình hình.
Cũng giống như nước: rất dễ thích nghi và tồn tại tốt trong các hình thể khác nhau, chúng ta nên thường xuyên buông bỏ trạng thái hiện tại để thay đổi và phát triển.
Khổng Tử nói: “Giống như nước tự thay đổi hình dáng để phù hợp với chiếc bình chứa, con người khôn ngoan cũng nên thuận theo hoàn cảnh mà sinh tồn.”
Thay đổi là một trong số rất ít những điều mà chúng ta có thể cân nhắc được trong cuộc sống, nhưng đối với nhiều người trong chúng ta, chỉ ý nghĩ về sự thay đổi cũng có thể đã gây ra căng thẳng rồi. Tuy nhiên, nếu cần phải thay đổi, thì không gì có thể ngăn được. Nếu chúng ta quá cứng nhắc và để cho tâm trí của mình hình thành những ý tưởng cố định về cách mọi thứ nên diễn ra, thì chúng ta sẽ dễ bị chùn bước trước khó khăn. Nhưng khi chúng ta nhìn nhận vấn đề bằng một quan điểm rộng rãi, lạc quan với tâm trí cởi mở, linh hoạt thì chúng ta sẽ thích nghi và phát triển.
Khi chúng ta hiểu rằng mọi việc sẽ được giải quyết một cách tốt nhất nếu chúng ta biết cách thuận theo tự nhiên, khi đó, chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc buông bỏ những gì đã có và sẵn sàng chấp nhận những gì đang có. Và khi chúng ta thực hiện được như vậy thì chúng ta thậm chí còn có thể thấy rằng cuộc sống đã mang đến nhiều cơ hội tuyệt vời cho chúng ta !.
Yếu mềm mà vẫn bất bại
“Trên thế gian không có thứ gì yếu mềm như nước, nhưng lại không có thứ mạnh mẽ nào có thể thắng được nước” — Lão Tử, Đạo Đức Kinh.
Nước có nhiều hình thể, và trong những thể đó, có thể ở thể rắn và mạnh mẽ hoặc mềm mại và dẻo dai. Ngay cả khi đang chảy, nước vẫn có thể mang lại sức mạnh đáng kinh ngạc. Ở mức tĩnh lặng và nhu hòa nhất, nước vẫn chứa đựng chiều sâu vô cùng. Nước có sức mạnh và có sức chịu đựng tốt trong những điều kiện khắc nghiệt nhất nhưng sau đó sẽ lại trở về trạng thái bình lặng như bản chất tự nhiên vốn có của nó.
Với con người thì bình tĩnh là một tính cách tốt. Mặc dù nước có thể chế ngự được môi trường xung quanh như một cơn sóng thần kinh hoàng chẳng hạn, nhưng đây không phải là bản chất của nước, mà là hệ quả của môi trường. Về bản chất thì nước rất trầm ổn và thanh thản.
Chưa hết, như nhà hiền triết Lão Tử đã lưu ý: “Tất cả các dòng sông đều chảy ra biển bởi vì biển nằm ở phía dưới các con sông. Sự khiêm nhường mang lại cho nước sức mạnh. Muốn quy phục lòng dân thì nhất định phải chịu hạ mình. Nếu muốn lãnh đạo mọi người, phải học cách tuân theo quy luật tự nhiên của nước.”
Sự yếu mềm của nước không phải là không có sức mạnh. Giống như một người điềm tĩnh có thể lý luận tốt hơn với người khác và làm tan biến sự bất đồng, nước có thể làm tan chảy nhiều chất hơn bất kỳ chất lỏng nào khác.
Đặc tính phản chiếu
Mặt nước phẳng lặng có thể soi chiếu hình ảnh của vạn vật. Nước có thể dùng để cho người quan sát thấy cái mà anh ta có thể không nhìn thấy. Nhưng nếu nước cuộn xoáy hoặc đục ngầu thì những gì phản chiếu sẽ mờ ảo và không rõ ràng.
Tương tự như vậy, khi tâm trí của chúng ta hỗn loạn — như khi chúng ta tức giận, bực bội, mang tâm hận thù hoặc bị xúc động bởi những cảm xúc mạnh mẽ — thì chúng ta không thể suy ngẫm được về bản thân và những gì đang xảy ra. Điều này khiến chúng ta không thể nhìn rõ được tình huống và tầm nhìn của chúng ta sẽ không được sáng suốt. Khi chúng ta có thể giữ bình tĩnh, chúng ta sẽ suy nghĩ được về mọi thứ một cách rõ ràng và minh xác hơn nhiều.
Tự phản chiếu chính mình vì thế mà luôn là một việc rất quan trọng, nhưng quan trọng nhất là [chúng ta có thể tự soi chiếu bản thân] vào những thời khắc chúng ta gặp khó khăn, hoặc khi chúng ta phạm sai lầm, hoặc khi ai đó đối xử tệ với chúng ta. Khi đó, mọi việc diễn ra không theo như ý muốn thì chúng ta không nên phàn nàn, tức giận hay bực bội mà thay vào đó, chúng ta nên bình tĩnh lại, dành một chút thời gian để suy ngẫm và xem mình có thể học được gì từ tình huống đó.
Các triết gia và nhà thơ từ lâu đã nói rằng những gì bên ngoài chúng ta chính là sự phản ánh của những gì bên trong chúng ta.
Như chị dâu Stacia của tôi hay nói, “Lời nói [xuất phát] từ trái tim”.
Tương tự như vậy, Kinh Thánh nói: “Nước phản chiếu khuôn mặt, cuộc sống phản ánh tấm lòng”. (Châm Ngôn 27:19 )
Nếu có điều gì đó làm chúng ta mất bình tĩnh, chẳng hạn như khi ai đó làm phiền chúng ta, thì có lẽ chúng ta nên tự xem hỏi điều gì đã khiến cho chúng ta xúc động đến thế. Có phải vì ta nhìn thấy điều gì đó ở họ tương tự như ta đang có, đang được ẩn giấu trong sâu thẳm tâm hồn của ta ? Hoặc cũng có thể là để tự hỏi bản thân rằng: tại sao điều đó lại đến làm phiền chúng ta, có phải là để chúng ta tự soi xét bản thân và tự thanh tẩy cho bản thân không. Có lẽ đó là lý do vì sao mà chúng ta lại chú ý đến điều gì đó hoặc cảm thấy khó chịu vì điều đó.
Cũng giống như dòng chảy của nước sẽ biểu lộ nội lực bên dưới mặt nước, phản ứng của chúng ta cũng sẽ tiết lộ một số phương diện có thể vẫn bị che giấu của bản thân chúng ta.
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times