Đồng cảm là một kỹ năng có thể rèn luyện được
Các phương thức rèn luyện kỹ năng đồng cảm
Nhà tâm lý học Jamil Zaki của Đại học Stanford phát hiện ra rằng: Đồng cảm là một kỹ năng mà con người có thể rèn luyện được theo thời gian.
Với những cách thực hành đúng đắn thì bất kỳ ai—ngay cả những người có đầu óc bảo thủ, cố chấp nhất—cũng có thể quan tâm đến người khác theo cách lành mạnh và bền vững.
Một nghiên cứu mới cho thấy xu hướng chia rẽ và mất dần sự đồng cảm không phải là không thể đảo ngược được.
Zaki nói: Mặc dù sự đồng cảm mang lại nhiều lợi ích xã hội – ví dụ, đối với những bác sĩ có sự đồng cảm với bệnh nhân thì các bệnh nhân sẽ cảm thấy hài lòng hơn với sự chăm sóc của họ – nhưng sự đồng cảm không phải luôn luôn là một điều tốt. Ông nói: Khi các chuyên gia chăm sóc sức khỏe quan tâm quá nhiều đến bệnh nhân, họ sẽ có nguy cơ cao bị kiệt sức, trầm cảm và chấn thương do quá đồng cảm với nỗi đau của người khác.
Đã có một vài phát hiện quan trọng từ nghiên cứu của Zaki về các khía cạnh khác nhau của sự đồng cảm. Zaki đã đưa những phát hiện sâu sắc này và nhiều kiến thức từ nghiên cứu của chính anh ấy vào cuốn sách mới của anh ấy với nhan đề “Cuộc chiến vì sự tử tế: Vun bồi đồng cảm trong một thế giới đổ vỡ.” (Crown, 2019).
Trong cuốn sách này, Zaki nói về những gì anh đã học được về sự đồng cảm, từ những thí nghiệm mà anh thực hiện trong phòng thí nghiệm của chính mình cho đến những cuộc nghiên cứu và phỏng vấn mà anh thực hiện cho cuốn sách.
Đồng cảm có bao nhiêu % là từ di truyền và bao nhiêu % được hình thành qua các trải nghiệm cuộc sống?
Các triết gia và nhà tâm lý học đã lập luận rằng sự đồng cảm cũng là một tính cách, được kết nối chặt chẽ với gen và bộ não của chúng ta.
Lý do cho lập luận đó là vì trong mỗi người chúng ta đều có sẵn một “mức độ” đồng cảm nào đó và—giống như chiều cao khi trưởng thành của chúng ta—chúng ta sẽ bị kẹt ở đó suốt đời.
Nếu bạn sẵn sàng đồng cảm với người khác thì điều này là tuyệt vời, nhưng đồng thời cũng có nghĩa là nếu khả năng đồng cảm của bạn thấp thì bạn không thể cải thiện được cho dù bạn có cố gắng đến thế nào đi chăng nữa. Và điều đó cũng có nghĩa là khi mọi người không có sự đồng cảm với người khác thì chúng ta cũng không thể làm gì được.
Rất may là quan điểm này lại không chính xác. Thông qua các hoạt động đúng đắn như thiền từ bi, có các mối quan hệ phong phú và thậm chí là đọc tiểu thuyết hư cấu vẫn giúp chúng ta có thể phát triển sự đồng cảm của mình một cách có mục đích.
Sự đồng cảm giống như cơ bắp: nếu không được sử dụng, nó sẽ yếu đi; nếu hoạt động thường xuyên thì nó sẽ phát triển tốt.
Anh đã bao giờ gặp những người có nguy cơ cao bởi sự quan tâm quá mức chưa, như y tá chẳng hạn. Họ đã từng có những trải nghiệm khác nhau như thế nào về sự đồng cảm ?
Không có loại cảm xúc nào là hoàn toàn chỉ có mặt tốt, điều này cũng đúng với sự đồng cảm. Điều này đặc biệt đúng với những người chăm sóc chuyên nghiệp, những người thường gặp phải tình thế lưỡng nan của sự đồng cảm.
Những người có định hướng nghề nghiệp bởi mong muốn sâu sắc được giúp đỡ người khác khi thể hiện sự đồng cảm thì bệnh nhân của họ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn.
Nhưng chính sự đồng cảm đó cũng có thể là một mối nguy hiểm nghề nghiệp, biến thành sự tổn thương, mệt mỏi và kiệt sức.
Các nhà tâm lý học, bao gồm cả tôi, hiện đang đi tìm phương thức để giúp những người làm nghề này có thể đồng cảm với bệnh nhân theo những cách bền vững hơn.
Ví dụ, đồng cảm quan tâm – cảm xúc dành cho ai đó, khác với sự đồng cảm cảm xúc – có cảm xúc giống ai đó. Ví dụ, thay vì quá bận tâm lo lắng đến bệnh nhân thì họ có thể chăm sóc bệnh nhân mà không cần phải chìm vào những cảm xúc của bệnh nhân.
Thực hành thiền định, chẳng hạn như thiền từ bi, dường như giúp mọi người phân biệt được rõ điều này. Tuy nhiên, nghiên cứu này mới ở mức độ sơ khai.
Anh cũng đã phỏng vấn một cựu tân Quốc xã hiện đang điều hành một tổ chức phi lợi nhuận, Life After Hate, dùng sự đồng cảm để tách những người khác khỏi phong trào người da trắng thượng đẳng. Anh đã học được gì khi nói chuyện với anh ấy về những trải nghiệm của anh ấy?
Một trong những khuynh hướng tự nhiên nhất của con người là phân chia mọi người thành “chúng tôi và họ”. Đây cũng là một trong những cách nhanh nhất để dập tắt sự đồng cảm.
Chúng ta không còn coi những người ở phía “họ” là con người nữa và bắt đầu hạ thấp họ cả về chủng tộc, tuổi tác và quan điểm của họ — bất cứ điều gì làm chia rẽ họ khỏi chúng ta.
Nhưng quá trình này có thể được đảo ngược bằng cách lấy lại cảm xúc của chúng ta đối với những người ở phía bên kia của sự xung đột như họ vốn là: con người.
Câu chuyện về Tony McAleer, một thành viên đã rời khỏi nhóm thù hận mà tôi mô tả trong cuốn sách nói trên dạy cho chúng ta rằng chủ nghĩa cực đoan và thù hận chôn vùi sự đồng cảm nhưng không giết chết nó.
Tôi nghĩ rằng quá trình phục hồi của anh ấy cũng là một kinh nghiệm rất bổ ích. Anh ấy và những người sáng lập khác của Life After Hate đã tỉnh ngộ sau khi gặp những người mà các anh ấy đã coi thường nhưng những người này vẫn không ghét lại họ.
Ví dụ, ngay sau khi rời khỏi phong trào tân Quốc xã, Tony đã thú nhận quá khứ của mình với một người đàn ông Do Thái. “Đó là những gì anh đã làm”, người bạn mới của anh ấy trả lời, “nhưng đó không phải là con người hiện tại của anh. Tôi biết điều đó”.
Hành động nhân ái đơn giản đó đã xóa tan lòng hận thù của Tony và khích lệ cuộc đời mới của anh.
Câu chuyện của Tony gợi ý rằng việc chuyển từ “chúng tôi và họ” sang “bạn và tôi” là một cách hiệu quả để khôi phục sự đồng cảm – ngay cả trong những hoàn cảnh đen tối nhất.
Anh đang điều hành Phòng thí nghiệm khoa học thần kinh xã hội của Đại học Stanford. Anh đã học được gì về sự đồng cảm và bộ não?
Một trong những điều đầu tiên tôi ghi lại khi làm việc trong lĩnh vực khoa học thần kinh là mối quan hệ giữa các loại đồng cảm khác nhau.
Nắm bắt cảm xúc của ai đó một cách gián tiếp—được gọi là “đồng cảm về mặt cảm xúc”—và suy nghĩ về những gì họ cảm thấy—được gọi là “đồng cảm nhận thức”—có vẻ giống như hai mặt của cùng một đồng xu, nhưng chúng kích hoạt các hệ thống của bộ não gần như hoàn toàn khác nhau, cho thấy rằng những “hoạt động” này của sự đồng cảm là độc lập.
Điều đó nói rằng, các vùng não liên quan đến cả sự đồng cảm nhận thức và đồng cảm về cảm xúc sẽ hỗ trợ đưa ra các kết quả quan trọng về sự đồng cảm—chẳng hạn như đánh giá chính xác cảm xúc của người khác và quyết định giúp đỡ họ.
Trong một loạt nghiên cứu khác được thực hiện với sự cộng tác của Carol Dweck, chúng tôi phát hiện ra rằng chỉ cần tin rằng sự đồng cảm là một kỹ năng mà ai cũng có thể xây dựng và phát triển được đã truyền cảm hứng cho mọi người cố gắng hơn nữa với nó.
Ví dụ, những người có “tư duy phát triển” xung quanh sự đồng cảm, so với những người có tư duy cố định, thường dành nhiều thời gian hơn để lắng nghe về nỗi đau khổ của những người thuộc chủng tộc khác và có nhiều năng lượng hơn để cố gắng hiểu ý kiến của những người từ phe khác của phổ chính trị.
Khánh Nam biên dịch.
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times