Đậu phộng và đũa ăn hằng ngày có thể chứa chất gây ung thư gan, 3 bước để phòng ngừa
Aflatoxin hiện được Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) công nhận là chất gây ung thư bậc nhất, có thể gây suy gan cấp tính hoặc ung thư gan. Aflatoxin có thể tồn tại trong đậu phộng, đậu nành, ngũ cốc và các loại thực phẩm khác, thậm chí còn ẩn trong những vật dụng thiết yếu hàng ngày như đũa. Nắm vững 3 bước sau đây, bạn có thể phòng ngừa việc vô tình hấp thụ aflatoxin.
Aflatoxin có thể gây suy gan, ung thư gan, nhiệt độ cao vẫn rất khó phân hủy
Aflatoxin là chất chuyển hóa thứ cấp được tạo ra bởi hai loại nấm mốc là A. flavus và A. parasiticus. Nó tồn tại rộng rãi trong tự nhiên, đặc biệt là trong ngũ cốc nguyên hạt như lạc và ngô đã mốc. Aflatoxin rất độc với gan, có thể gây ung thư cho người và động vật, liều lượng gây tử vong tối thiểu của nó còn thấp hơn so với xyanua. Chỉ là xyanua có thể gây chết người ngay lập tức, còn các triệu chứng do aflatoxin gây ra có thể chia thành ngộ độc mạn tính và ngộ độc cấp tính tùy theo tình huống.
Ngộ độc mạn tính: Trường kỳ ăn thực phẩm nhiễm aflatoxin sẽ không có ảnh hưởng gì trong thời gian ngắn, nhưng sẽ tích tụ lại thành ngộ độc mạn tính và gây ung thư gan.
Bác sĩ Hứa Diệu Tuấn (Xu Yaojun), Giám đốc Trung tâm Bệnh gan của Bệnh viện Nghĩa Đại tại Đài Loan giải thích rằng, aflatoxin được gan chuyển hóa, các chất chuyển hóa của nó có thể phá hoại DNA, từ đó dẫn đến làm tổn thương tế bào gan, đột biến và thậm chí là ung thư. Do chất độc này được chuyển hóa ở gan nên ảnh hưởng trực tiếp nhất chính là gây ung thư gan.
Ngộ độc cấp tính: Nếu vô tình đưa một lượng lớn độc tố aflatoxin vào cơ thể trong vòng vài tuần thì sẽ gây ra ngộ độc cấp tính. Bệnh nhân sẽ rất nhanh chóng bị nôn, đau bụng, chuột rút, vàng da, trướng bụng, suy gan cấp, thậm chí là tử vong.
Ngộ độc cấp tính do aflatoxin chủ yếu xảy ra ở những nơi kinh tế lạc hậu. Người dân địa phương có thể không nỡ vứt bỏ thực phẩm mốc, họ ăn thực phẩm mốc ba bữa một ngày trong thời gian ngắn, dẫn đến xuất hiện vấn đề.
Ông Hứa Diệu Tuấn cho biết ở Đài Loan, một số người tự mua các loại thảo dược về đun, tuy nhiên nếu không được bảo quản đúng cách thì chúng có thể bị mốc (do môi trường ẩm ướt hoặc có nấm mốc), dùng những bài thuốc sắc từ thảo dược bị mốc sẽ dẫn đến ngộ độc cấp tính. Bởi vì aflatoxin có tính chịu nhiệt rất cao, nó chỉ bị phá hủy ở nhiệt độ trên 260°C, trong khi nhiệt độ nước sôi chỉ là 100°C.
Các loại quả hạch, ngũ cốc và đũa tre đều có thể chứa aflatoxin
Aflatoxin có thể được tìm thấy trong rất nhiều thực phẩm và vật dụng thông thường:
- Thực phẩm có nguồn gốc thực vật: đậu phộng, ngô, gạo, lúa mạch, ý dĩ, các loại đậu, các loại quả hạch, thực phẩm khô, gia vị, bột khoai và bột mì, thực phẩm ngâm chua, dầu thực vật, nước tương, thảo dược Trung y.
- Thực phẩm có nguồn gốc động vật: sữa bò, trứng và nội tạng động vật như gà, vịt, cá, bò, lợn, v.v.
- Bộ đồ ăn: đũa chế từ tre và gỗ.
Ngũ cốc nguyên hạt rất dễ bị nhiễm aflatoxin. Nếu các loại ngũ cốc bị nhiễm aflatoxin được chế biến thành dầu thực vật, thì aflatoxin cũng sẽ vẫn còn trong dầu.
Tương tự, nếu cho động vật ăn ngũ cốc bị mốc, aflatoxin cũng sẽ xâm nhập vào cơ thể động vật, đặc biệt là gan, chỉ là hàm lượng rất thấp. Ông Hứa Diệu Tuấn nhấn mạnh, do aflatoxin gây độc cho động vật nên người chăn nuôi sẽ không cố tình cho động vật ăn, sự cố như vậy chỉ là do vô tình, cho nên mọi người không cần quá lo lắng.
Đũa tre và đũa gỗ sẽ không mọc nấm A. flavus, nhưng những loại đũa này có lỗ rỗng, và thậm chí có vết nứt. Nếu không được rửa sạch, thức ăn chứa tinh bột có thể còn sót lại và khiến nấm A. flavus phát triển.
3 bước để phòng việc ăn phải aflatoxin
Để tránh vô tình ăn phải aflatoxin, cần chú ý một số chi tiết trong quá trình mua, bảo quản và tiêu thụ thực phẩm.
Bước 1:
Khi mua ngũ cốc nguyên hạt tươi có đóng gói chân không và các chế phẩm của chúng, bạn có thể chọn các thương hiệu đáng tin cậy hoặc có lịch sử sản xuất và giấy chứng nhận liên quan. Nếu bao bì thực phẩm bị hư hỏng, thay đổi màu sắc, thậm chí bị mốc thì không nên mua. Khi mua thảo dược cũng nên đến các nhà thuốc đủ điều kiện, có uy tín, không mua dược liệu không rõ nguồn gốc.
Bệnh viện Nam Đầu thuộc Bộ Y tế và Phúc lợi Đài Loan khuyến nghị rằng nên mua đậu phộng còn vỏ, chọn loại còn nguyên vỏ và không bị hư hỏng hoặc đổi màu. Tránh mua các chế phẩm đậu phộng có xuất xứ không rõ ràng.
Nên chọn bộ đồ ăn làm bằng inox 304. Nếu muốn sử dụng đũa tre, đũa gỗ, bạn nên chọn những sản phẩm có bề mặt nhẵn, không có vết nứt.
Bước 2:
Sau khi mở thực phẩm, tốt nhất nên bảo quản thực phẩm trong hộp khô, kín, ở nơi khô ráo và nhiệt độ thấp, đồng thời tiêu thụ hết trong hạn sử dụng. Ông Hứa Diệu Tuấn cho biết, thực phẩm để quá lâu sẽ khiến một số nấm mốc có thể phát triển, nhưng mắt thường lại không thể nhìn thấy.
Đối với thảo dược, ông Lý Ứng Đạt (Li Yingda), giám đốc Phòng khám Trung y Từ Hàng tại Đài Loan cho biết, các loại thảo dược Trung Y mua về nhà thông thường đều cần được bảo quản trong tủ lạnh.
Khi vệ sinh bộ đồ ăn, nên tránh cọ xát cả bó đũa vào nhau, tốt nhất nên ngâm đũa vào nước có chất tẩy rửa trung tính, sau đó cọ nhẹ nhàng. Sau khi rửa sạch thì đặt đũa vào khay, để đầu đũa hướng lên hoặc sấy khô trong máy rửa bát.
Bước 3:
Khi phát hiện thực phẩm bị mốc, nhất định phải bỏ cả gói và không ăn. Bởi vì ngay cả khi bỏ đi phần bị mốc, thì thức ăn trong cùng một gói đó cũng đã bị nhiễm nấm mốc. Một số người còn cắt bỏ phần bị mốc trên bề mặt thực phẩm và ăn phần còn lại, nhưng sợi nấm có thể đã ngấm sâu vào thực phẩm rồi.
Nếu bạn nhận thấy sự thay đổi trong mùi vị thức ăn, chẳng hạn như đậu phộng có mùi mốc hoặc vị đắng, có thể nó đã hỏng hoặc bị nhiễm khuẩn, vì vậy không nên ăn.
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ