Đậu phộng là kho tàng dinh dưỡng, cách ăn để có tác dụng chống oxy hóa gấp đôi

Những khi rảnh rỗi ăn vặt, hoặc tìm món ăn kèm trong bữa cơm, đậu phộng dường như là sự lựa chọn rất tốt. Nhưng có lẽ vì đậu phộng quá phổ biến nên rất nhiều người không để ý rằng, thực ra nó là một kho tàng dinh dưỡng giàu chất chống oxy hóa.

Đậu phộng là kho tàng chứa chất chống oxy hóa

Có thể nhiều người không biết rằng, đậu phộng kỳ thực là loài thực vật họ đậu, cùng họ với đậu Hà Lan, đậu ván và các cây giống đậu.

Đậu phộng là nguồn Protein thực vật tuyệt vời, một ounce đậu phộng (khoảng một nắm) chứa 13% lượng protein cần thiết hàng ngày. Nó còn chứa chất béo lành mạnh trong khi hàm lượng carbohydrate thấp.

Đồng thời, đậu phộng là một trong những thực phẩm chay có hàm lượng Vitamin B3 (Nicotinic acid) nhiều nhất, nó còn có các loại Vitamin khác thuộc nhóm Vitamin B, Vitamin E, Kẽm, Mangan, Magie v.v…

Mặc dù đậu phộng không phải là trái cây, nhưng chúng rất giàu chất chống oxy hóa như trái cây. Nghiên cứu được công bố trên “Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ” (The American Journal of Clinical Nutrition) cho thấy, đậu phộng có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn trà xanh và rượu vang đỏ.

Chất chống oxy hóa trong một hạt đậu phộng gồm có: 

Hoạt chất Resveratrol

Hoạt chất Resveratrol là chất chống oxy hóa mạnh mẽ, nó là chất dinh dưỡng có rất nhiều trong nho và rượu vang, cũng có trong đậu phộng. Hàm lượng Resveratrol trong bơ đậu phộng tương tự như trong nước ép nho. Nghiên cứu của Đại học Georgia Hoa Kỳ cho thấy, Resveratrol có thể làm giảm nguy cơ ung thư và bệnh tim.

Sterol thực vật

Trong đậu phộng, dầu đậu phộng đều có Sterol thực vật, nó có thể làm giảm sự hấp thu Cholesterol trong đường tiêu hóa.

Axit p-Coumaric 

Axit p-Coumaric cũng là chất chống oxy hóa chủ yếu trong đậu phộng, đồng thời nó có đặc tính chống viêm.

Đậu phộng cũng cho thấy khả năng cải thiện bệnh tiểu đường type 2. Nghiên cứu trên tạp chí “Nutrients” phát hiện, người mắc bệnh tiểu đường type 2 áp dụng chế độ ăn ít Carbohydrate, nếu dùng đậu phộng thay thế cho một số thức ăn giàu tinh bột Carbohydrate, có thể làm giảm trị số đường trong máu lúc bụng đói và sau khi ăn.

Isoflavone

Trong đậu phộng cũng chứa Isoflavone, một chất dinh dưỡng có nhiều trong đậu nành và rất có ích đối với cơ thể.

Đậu phộng là kho tàng dinh dưỡng
Trong đậu phộng, dầu đậu phộng có Sterol thực vật, nó có thể làm giảm sự hấp thu Cholesterol trong đường tiêu hóa (Ảnh: Shutterstock)

Ăn đậu phộng còn nguyên vỏ lụa giúp hấp thu gấp đôi chất chống oxy hóa 

Tách một củ đậu phộng ra, bạn sẽ thấy từng hạt đậu phộng bên trong được bao bọc trong một lớp vỏ lụa màu đỏ hồng. Rất nhiều người không thích vị của lớp vỏ lụa này, nên khi ăn thường bóc bỏ nó đi. Tuy nhiên, không nên coi thường chất dinh dưỡng có trong lớp vỏ lụa của đậu phộng.

Lớp vỏ lụa của đậu phộng có rất nhiều chất xơ. Không chỉ như vậy, một bài tổng hợp liên quan đến đậu phộng trên “Tạp chí Khoa học và Công nghệ Thực phẩm” (Journal of Food Science and Technology) cho biết, hàm lượng chất chống oxy hóa trong lớp vỏ lụa cao hơn trong nhân đậu phộng. Ăn đậu phộng cả vỏ lụa, hàm lượng chất chống oxy hóa sẽ được hấp thu gấp đôi.

Rang hoặc luộc chín đậu phộng còn nguyên vỏ lụa, có thể tăng cường giá trị dinh dưỡng của nó, hàm lượng Isoflavone sẽ tăng gấp 2-4 lần.

Đậu phộng tốt nhất nên phơi khô và bảo quản trong tủ lạnh, không nên ăn đậu phộng bị mốc

Cần lưu ý rằng, nếu đậu phộng không được tươi hoặc bảo quản không đúng cách thì có thể bị mốc và sinh ra độc tố Aflatoxin. Bác sĩ Hứa Diệu Tuấn (Xu Yaojun), Giám đốc Trung tâm Bệnh gan thuộc Bệnh viện Nghĩa Đại (Đài Loan) cho biết, ảnh hưởng trực tiếp nhất của Aflatoxin đến cơ thể con người chính là gây ra ung thư gan. 

Nếu bạn mua đậu phộng còn nguyên vỏ cứng, thì nên chọn loại có lớp vỏ ngoài còn nguyên vẹn không bị hư hỏng đổi màu. Sau khi mua về cần bảo quản nơi khô ráo thoáng mát, hoặc cất trữ trong tủ lạnh để kéo dài thời gian sử dụng. Nếu là đậu phộng đã tách vỏ cứng thì nên bảo quản trong tủ lạnh hoặc đông lạnh.

Nếu đậu phộng bảo quản ở nhà, khi ngửi có mùi mốc hoặc ăn có vị đắng, thì có thể chúng đã bị hỏng, tốt nhất không nên ăn.

Kha Huyền, Từ Hải Vận thực hiện
Lý Thanh Phong biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ

Xem thêm:

Chia sẻ bài viết này tới bạn bè của bạn