Đau khổ vì vô sinh? Y học cổ truyền làm nên phép màu
Vô sinh là một bệnh của hệ thống sinh sản nam hoặc nữ khiến không thể mang thai sau ít nhất 12 tháng quan hệ tình dục thường xuyên mà không dùng phương pháp tránh thai. Theo tổ chức y tế thế giới, vô sinh ảnh hưởng đến hàng triệu người trong độ tuổi sinh sản trên toàn thế giới, cũng như gia đình và cộng đồng của họ. Các ước tính cho thấy có khoảng 48 triệu cặp vợ chồng và 186 triệu người sống chung với tình trạng vô sinh trên toàn cầu.
Trung Y có rất nhiều cách giúp cải thiện sức khỏe và hạnh phúc. Câu chuyện sau đây là một trong nhiều câu chuyện minh chứng hiệu quả của Trung Y trong điều trị vô sinh.
Một cặp vợ chồng đã kết hôn được ba năm. Cô W. dù đã 3 lần thụ tinh nhân tạo nhưng vẫn không có thai. Cô W. bị mất ngủ, lo âu, và chán ăn. “Anh W.” có vấn đề với chứng mất ngủ, đầy bụng, giảm acid dạ dày, và đau thắt lưng.
Bác sĩ Jonathan Liu, một bác sĩ Trung Y với hơn 26 năm kinh nghiệm hành nghề chuyên nghiệp, đã kê toa châm cứu và điều trị Trung Y cho cả hai người. Sau ba tháng điều trị, cặp vợ chồng vui mừng khi thông báo đã thụ thai thành công.
Nguyên nhân gây vô sinh
Điều trị Trung Y tập trung vào việc xem xét toàn bộ cơ thể. Các cơ quan kết nối với các bộ phận khác của cơ thể tạo thành một hệ thống chỉnh thể. Hệ thống sinh sản có liên quan đến thận, và hệ thống sinh sản nữ còn được gọi là “đan điền,” nằm ở bụng.
Khung chậu nằm trong đan điền bao gồm các hệ thống tiết niệu và sinh sản. Mặc dù y học hiện đại không ngừng nghiên cứu về tầng vi quan của cơ thể con người, song quá trình sinh sản vẫn là vấn đề phức tạp. Sinh sản liên quan đến quá trình rụng trứng, thụ tinh và phôi làm tổ trong tử cung.
Rối loạn rụng trứng là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh ở nữ giới. Mặc dù y học hiện đại có nhiều phương pháp điều trị nhưng quy trình cấy phôi vào tử cung vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ.
Một giáo sư sản khoa cho biết khoa học nhân loại dường như rất phát triển, nhưng chúng ta vẫn chưa thể tái tạo tử cung. Sau khi thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), hay còn gọi là thụ tinh nhân tạo, trứng đã thụ tinh vẫn cần được cấy vào tử cung. Nếu cấy ghép thất bại sẽ không có thai. Tỷ lệ thành công của IVF hiện nay là hơn 95% và cơ hội thụ thai khoảng 30-40%, tương đương với tỷ lệ sinh tự nhiên của các cặp vợ chồng khỏe mạnh.
Trong Trung Y, khí (sinh lực), huyết, tinh, dịch là những chất cần thiết cho hoạt động sống, tất cả đều bắt nguồn từ nội tạng và lưu chuyển không ngừng bên trong cơ thể. Việc bảo đảm có đầy đủ các chất thiết yếu này cùng với sự lưu thông ở khắp cơ thể là rất quan trọng đối với sức khỏe và tinh thần. Bệnh tật hay các trạng thái khác là do ứ đọng hoặc thiếu hụt các chất này.
Vấn đề quan trọng của cặp vợ chồng này là cấy phôi vào buồng tử cung không thành công, dẫn đến không thụ thai được. Bổ “thận tinh” là giải pháp giúp kích thích nội mạc tử cung tăng sinh bình thường, và bảo đảm trứng đã thụ tinh sẽ làm tổ trong nội mạc tử cung thành công.
Phân tán “khí” tích tụ trong gan, thư giãn tinh thần, và giảm bớt áp lực là cần thiết cho quá trình thụ thai. Đối với cặp vợ chồng này, việc hiếm muộn kéo dài đã khiến họ căng thẳng và bất hòa. Điều này ảnh hưởng đến hệ nội tiết, từ đó góp phần gây ra vô sinh.
Theo lý luận của Trung Y, tạng phủ và cảm xúc có ảnh hưởng lẫn nhau. Gan đảm nhận việc chuyển hóa năng lượng trong toàn bộ cơ thể, do đó, những cảm xúc như giận dữ hay sợ hãi có thể làm tổn hại năng lượng trong gan.
Châm cứu và Trung Y
Để tăng cơ hội thụ thai, tiến sĩ Liu khuyên họ nên châm cứu để bổ thận và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thụ thai. Nhóm huyệt ở gần bụng bao gồm: Huyệt Quan nguyên (CV 4), Trung cực (CV 3), Quy lai (ST 29) và Thiên xu (ST 25), có thể bổ thận bổ tinh, làm tăng sản sinh nội mạc tử cung, tạo “vùng đất” màu mỡ để hạt giống có thể mọc dày và đều.
Nhóm huyệt còn lại ở phía sau: Tâm du (BL 15), Cách du (BL 17), Thận du (BL 23), có tác dụng tăng dương khí trong cơ thể, thông kinh lạc ở tim với thận, giúp bổ thận tráng dương.
Trong triết học Trung Hoa, năng lượng trong vũ trụ có thể được chia thành âm – dương, được thể hiện bằng hai màu trên đồ hình Thái Cực. Âm và dương tuy đối lập nhưng có thể chuyển hóa lẫn nhau. Cả vũ trụ và cơ thể con người đều có âm – dương. Ví dụ, ngày là dương, đêm là âm, nóng là dương, lạnh là âm, v.v… Yếu tố then chốt trong điều trị bệnh của Trung Y là cân bằng âm dương trong cơ thể.
Một môi trường ấm áp và có nhiều dinh dưỡng là điều cần thiết cho sự phát triển của thai nhi. Tất cả nằm ở việc bồi bổ khí ở đan điền. Một khi dương khí đầy đủ, tinh trùng và noãn cũng sẽ có sức sống và dễ dàng kết hợp với nhau. Nội mạc tử cung cũng sẽ tăng sinh đầy đủ và có ích cho sự phát triển của phôi thai.
Thanh Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times