LOS ANGELES—Trong hoang mạc bụi rậm Mojave ở phía bắc Los Angeles, một khu trại ngổn ngang những chiếc xe RV cũ kỹ nằm ngay cạnh một con đường đất ngăn cách thành phố Lancaster với vùng đất chưa hợp nhất của quận Los Angeles (L.A).
Rác thải bị vung vãi khắp mọi hướng như một loài tảo sinh sôi quá mức—ngoài ra, những dãi cát và bụi rậm kéo dài vô tận, phơi mình dưới cái nắng mùa hè.
“Hãy luôn cảnh giác với mấy con chó,” một thành viên của đơn vị an toàn công cộng và ứng phó khẩn cấp của thành phố nói với chúng tôi. Vượt qua sự hoang mang trong đầu, chúng tôi thấy hai con chó Pitbull và một con chó chăn cừu Đức ở dưới một tấm bạt, nhưng chúng bị cột lại, nóng bức đến mức chẳng buồn cử động.
Ông Freddy, một cư dân, dường như chỉ hơi khó chịu với mức 110 độ F (khoảng 37.7 độ C). “Tôi không còn chiếc xe nào, vì vậy tôi không thể tự đi lấy nước,” ông nói, khi được hỏi làm cách nào mà ông sống sót ở ngoài này.
“Có người mang nước cho tôi hai tuần một lần,” ông đáp, ý nói đến một tổ chức bất vụ lợi.
Chỉ xuống đôi chân đầy vảy và sưng tấy của mình bên dưới chiếc quần short màu đen, ông nói thêm, “Và tôi cũng bị bệnh nữa. Họ mang thuốc đến cho tôi.”
Ở đây không có lưới điện, không có điện, không có nước. Những người dân sống trong xe RV (Recreational Vehicle) đổ nước thải thô của họ vào hoang mạc này, ngay bên ngoài xe của họ, hoặc đôi khi bằng một ống dẫn nước thải để dẫn ra xa hơn một chút.
Những khu trại như vậy, cũng là nơi thu hút việc đổ xà bần bất hợp pháp, xuất hiện từng cụm trên bản đồ vệ tinh, rải rác trên địa hình gồ ghề này ngay sau ranh giới quận. Các viên chức cho biết những khu trại trải dài tới 10 dặm (16 km) vào trong hoang mạc, nhưng hầu hết đều ở gần thị trấn hơn.
Theo dữ liệu được Cơ quan Dịch vụ Người vô gia cư Los Angeles (LAHSA) công bố hồi tháng trước (06/2024), ông Freddy là một trong số hàng ngàn người không có nhà cửa tại phía bắc của quận.
Cứ sau mỗi đêm, ước tính ở Thung lũng Antelope lại có thêm khoảng 6,672 người vô gia cư—tăng 42% so với năm trước. Nhưng chỉ có 1,057 người vô gia cư trong khu vực này sống ở hai thành phố chính của khu vực là Lancaster và Palmdale, còn lại 5,615 người sống ở các thành phố nhỏ hơn và các vùng nông thôn chưa hợp nhất của khu vực này.
Thật kinh ngạc khi có rất nhiều người có thể sống được trong lều trại, dưới các tấm bạt, bên trong những chiếc xe RV cũ mèm, ở giữa hoang mạc trên cao mà không có nước, không có cơ sở hạ tầng.
Nhưng những người biết về tình huống này nói rằng nhóm dân cư này hồi giờ vẫn đông như thế, còn chuyện số lượng gia tăng đột ngột chỉ đơn giản là kết quả của một cuộc kiểm kê toàn diện hơn trong năm nay.
“Số lượng người tăng lên trong năm nay là do con số này đã bị tính sai trong những năm trước,” một viên chức thành phố (yêu cầu ẩn danh) cho biết. “Năm nay, chúng tôi sử dụng một thiết bị bay điều khiển từ xa, và các nhóm của chúng tôi đã đi đến tận những vùng xa xôi để kiểm đếm,” ông cho biết, ước tính mức tăng thực tế này so với năm ngoái có thể suýt soát 25%.
Giám sát viên Quận Los Angeles Kathryn Barger, phụ trách 5 khu vực gồm cả Thung lũng Antelope, cũng cho rằng mức tăng này có thể không đơn giản như số liệu thể hiện.
“[Cuộc thống kê người vô gia cư] Point In Time Count không phải là một khoa học hoàn hảo và cuộc thống kê này đang phát triển đúng cách,” bà cho biết trong một thư điện tử gửi cho The Epoch Times, bày tỏ bà không chắc rằng liệu con số này phản ánh sự gia tăng hay phản ánh việc kiểm đếm chính xác hơn.
“Bất luận thế nào, thì chúng tôi sẽ sử dụng những kết quả đó để nhận thêm tiền tài trợ từ liên bang và tiểu bang để chúng tôi có thể cung cấp thêm nhiều lựa chọn nhà ở và nơi tạm trú ở địa phương. Nhu cầu tại khu vực này là thiết thực.”
Dẫu sao thì sự gia tăng này là một ngoại lệ trong năm 2024, khi tổng số lượng người vô gia cư của quận Los Angeles và hầu hết cả thành phố vẫn ổn định hoặc giảm nhẹ.
Trong năm 2024, tổng số người vô gia cư của thành phố Lancaster đã giảm từ 590 người của năm trước đó xuống còn 520 người, với ít người vô gia cư không có nơi nương náu hơn và nhiều người vô gia cư có nơi tạm trú hơn. Trong khi đó, số lượng người vô gia cư ở Palmdale đã tăng từ 177 lên 537 người.
Các câu hỏi gửi đến các quan chức thành phố Palmdale, trong đó có thị trưởng và các thành viên hội đồng thành phố, đều không được phúc đáp.
LAHSA cũng không phúc đáp một yêu cầu bình luận về sự gia tăng số lượng người vô gia cư ở Thung lũng Antelope.
Nhiều thành phố trên khắp miền Tây đã ngừng dỡ bỏ các khu cắm trại của người vô gia cư sau một loạt những phán quyết của Tòa án Liên bang Khu vực số 9 quyết định các luật chống cắm trại đã vi phạm Tu chính án thứ Tám. Tuy nhiên, thành phố Lancaster lại lờ đi những quy định đó khi thông báo trước về thủ tục [dỡ lều trại] và cung cấp nơi tạm trú trước khi di dời người vô gia cư.
Các quan chức cho biết kể từ khi Tối cao Pháp viện đảo ngược các phán quyết của tòa án cấp dưới hồi đầu tháng này thì việc thực thi trở nên dễ dàng hơn.
Những người chỉ trích việc thực thi như vậy, chẳng hạn như ACLU, từ lâu đã lập luận rằng Lancaster đang đẩy những người không có nơi nào để đi vào những hoàn cảnh nguy hiểm, khắc nghiệt. Nhưng các quan chức cho biết có nhiều giường trống, và việc thực thi cũng đi kèm với các dịch vụ và nơi tạm trú.
Vậy tại sao hàng ngàn người vô gia cư lại ở trong hoang mạc này?
Cuối tuyến tàu điện ngầm
Thị trưởng thành phố Lancaster, ông Rex Parris, là một người luôn thẳng thắn chỉ trích những gì ông cho là sự thờ ơ của quận đối với khu vực này, là nguyên nhân dẫn đến nhiều yếu tố có thể góp phần làm gia tăng tình trạng vô gia cư—những cựu tù nhân tại Nhà tù Tiểu bang California, ở Lancaster, rốt cuộc đã ở trong cộng đồng không có dịch vụ [lưu trú] này, cùng với một tỷ lệ nhỏ những người mất nhà cửa hoặc rơi vào tình cảnh khó khăn.
Lancaster luôn là một cộng đồng có dịch vụ lưu trú với giá cả phải chăng hơn nhiều, nhưng theo trang web về địa ốc Zillow, giá thuê nhà trung bình hiện là 2,595 USD một tháng—chỉ rẻ hơn khoảng 200 USD so với Los Angeles.
Tuy nhiên, ông Parris nói với The Epoch Times rằng lý do chính là xu hướng có hệ thống của [quận] Los Angeles—không hẳn là một âm mưu, mà chính xác là giống như một thiết lập mặc định hơn—nhằm đưa các vấn đề của quận lên phía bắc.
“Tôi cho rằng chuyện này có liên quan đến việc khu vực L.A. đẩy họ lên đây,” ông nói về sự gia tăng số lượng người vô gia cư. “Họ có xu hướng đẩy tất cả các vấn đề của mình lên đây, nếu họ có thể. Và giờ thì quý vị có World Cup, và quý vị sắp có Thế vận hội, và họ đang vội vã để thoát khỏi những người vô gia cư, và vì vậy họ khuyến khích những người đó đến đây.”
Ông Parris cho biết các nhóm của ông “liên tục hỏi han những người được cho một tấm vé và được bảo rằng, “hãy đến Lancaster, chúng tôi sẽ cho họ ăn và chăm sóc họ,” nhưng không nói rõ ai sẽ thực hiện những điều đó.
“Thực ra đây là ở trạm cuối của chuyến tàu điện ngầm. Điều này chẳng có gì bất thường.”
Hệ thống giao thông của quận đã bị bạo lực hoành hành trong những tháng gần đây và cũng có những vấn đề riêng. Được dùng như một nơi tạm trú trên thực tế của hàng ngàn người vào ban ngày, nhưng đến đêm, những chiếc xe buýt và xe lửa của quận trống rỗng để dọn dẹp. Những thành phố ở cuối tuyến tàu điện ngầm cho biết điều này dẫn đến số lượng người vô gia cư tạm thời ở những địa phương này gia tăng đột ngột.
Lancaster, cách Los Angeles 60 dặm về phía bắc và nằm ở ngay cuối hệ thống tàu điện ngầm, xa xôi hơn nhiều so với các thành phố khác.
Trung úy William Kitchin, người giám sát nhóm tiếp cận người vô gia cư của Sở Cảnh sát Los Angeles (LASD) trên toàn bộ quận, cho biết ông chưa tận mắt thấy bằng chứng chứng minh cho ý kiến rằng mọi người đang được hướng dẫn đến khu vực này, nhưng ông đã quan sát thấy tình trạng di cư đến các thành phố cuối tuyến.
Tuy nhiên các nhóm dân quyền cho biết, khi họ đã đến đây, một khi đến Lancaster, thì chính quyền thường đẩy những người vô gia cư ra hoang mạc.
Trong một nghiên cứu dựa trên các cuộc phỏng vấn với 53 người không có nhà cửa sống ở bên trong và lân cận Lancaster từ tháng 02/2019 đến tháng 10/2020, ACLU tuyên bố LASD đã “trục xuất” những người vô gia cư đến các khu vực xa xôi của quận này, kèm theo đó là đe dọa trừng phạt hình sự và dân sự với “gợi ý” rằng họ nên rời khỏi thị trấn.
Vị trung úy này cho biết, những tuyên bố như vậy dễ dàng bị bác bỏ bởi vì các camera gắn trên người đã ghi lại giao tiếp của cảnh sát khi thực thi các quy định của địa phương.
Nhóm của Trung úy Kitchin làm việc với LAHSA để giải quyết các khu trại có hơn năm người, và ông cho biết các hoạt động như vậy luôn được thực hiện có sự thông báo trước, kèm theo đó là cung cấp dịch vụ và nhà ở.
“Chúng tôi không thể ra lệnh hoặc bảo người dân phải đến đâu. Chúng tôi chỉ nói rằng mọi người không thể ở đây. Chúng tôi muốn mọi người sử dụng các dịch vụ đã được cung cấp, để mọi người có thể vào trong và bắt đầu cuộc sống của mình theo đúng hướng, nhưng chúng tôi không thể ép buộc họ vào đó,” ông cho biết.
Bắt đầu từ hôm 22/07, nhóm của ông dự định dọn dẹp các khu trại tại một khu vực sa mạc phía bắc Lancaster và đưa khoảng 40 người vào các khách sạn theo chương trình “Đường Về Nhà” của quận.
“Trước trận đại dịch,” trung úy cho biết, “những gì chúng tôi từng thấy là những người vô gia cư ở khu vực đó lớn lên ở đó hoặc có gia đình ở đó. Bây giờ chúng tôi thấy có nhiều người đến từ bên ngoài tiểu bang hơn.”
Các viên chức, yêu cầu ẩn danh, cho biết họ thấy một dòng người mới liên tục đổ về Lancaster và khu vực xung quanh. “Chúng tôi biết mọi người ở đây và mỗi ngày chúng tôi đều thấy những người mới. Họ không phải là những người mất nhà cửa, có một số thôi, nhưng chủ yếu không phải vậy. Họ đến từ nơi khác, họ chuyển đến đây,” một người nói.
Đội ngũ của thành phố có quyền tiếp cận năm giường trú ẩn khẩn cấp. Sau hai tuần, họ chuyển một số người đến Kensington, khu nhà ở cho người vô gia cư rộng lớn của Lancaster—vì vậy năm giường đó luôn sẵn sàng cho những người có nhu cầu, các quan chức cho biết.
Thị trưởng Parris nói với The Epoch Times rằng các giường vẫn luôn có sẵn tại Kensington trong suốt cả năm, trừ những lúc thời tiết khắc nghiệt làm tăng tỷ lệ lấp đầy.
Mở cửa vào năm 2019, khu nhà ở này có 153 giường tạm thời và 150 giường nhà ở trợ giúp cố định, và nhận được nhiều lượt giới thiệu hơn số lượng giường có sẵn, một đại diện của A People Concern, tổ chức điều hành khu nhà ở này, đã nói với The Epoch Times trong một thư điện tử.
Người đại diện cho biết hiện tại họ đang “gần hết sức chứa,” với “tỷ lệ lấp đầy thay đổi thất thường vì các cá nhân có thể chọn chuyển đổi giữa các chương trình.”
Ông Parris vạch ra một ranh giới rõ ràng giữa những gì ông mô tả là nhóm thiểu số những người vô gia cư ở thành phố của mình, những người đã rơi vào hoàn cảnh khó khăn hoặc bị đẩy ra đường—với đa số áp đảo những người từ chối sống trong nhà và chọn sống lang thang trên đường phố và lạm dụng ma túy.
“Tôi đã từng nghiện ma túy, tôi đã từng vô gia cư. Và tôi đã từng ở tù,” ông Parris, một luật sư, cho biết. “Vì vậy, chẳng có gì trong số này là xa lạ với tôi. Quý vị biết đấy, tôi cho rằng có lẽ tôi hiểu rõ hơn hầu hết mọi người. Nhưng tôi biết sự khác biệt giữa một kẻ cướp bóc với một người cần giúp đỡ—và muốn được giúp đỡ.”
Đối với người cần được giúp đỡ, ông cho biết, “chúng tôi có nơi tạm trú hiện đại nhất cho người vô gia cư trong cả quận—và chúng tôi đã làm được với chỉ khoảng một phần ba chi phí mà người ta đã bỏ ra ở L.A. Chúng tôi có giường cho những người muốn ở lại. Nhưng điều đó có nghĩa là mọi người phải tuân theo một số quy tắc—không quá nhiều, nhưng có một vài quy tắc. Và vì vậy sẽ có giường trống, trừ những lúc nhiệt độ tăng cao bất thường như hiện nay, hoặc khi trời thực sự lạnh.”
Giống như tất cả các chương trình và cơ sở dành cho người vô gia cư do công chúng tài trợ ở California, nơi mà các chính sách “nhà ở là trên hết” và “giảm tác hại” được đưa vào luật, Kensington không thể không yêu cầu phải đúng mực hoặc phải điều trị như một điều kiện tiên quyết hoặc điều kiện để được vào ở.
“Rất là thử thách, chúng tôi thấy rất nhiều thứ như là lạm dụng chất gây nghiện, bệnh tâm thần, hoặc kết hợp cả hai,” Trung úy Kitchin cho biết. “Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng tạo ra sự cân bằng đó … để dành cho mọi người sự tôn trọng và phẩm giá.”
Nhưng, ông nói thêm, “họ sẽ không được phép ở lại nếu họ không chấp nhận [lời đề nghị về nhà ở].”
Nhiều người sống trên đường phố không muốn đến các khu nhà tạm trú tập trung, vì nhiều lý do, từ những tổn thương tâm lý trước đây cho đến việc không thích khu nhà đó hoặc các quy tắc.
Các phòng khách sạn, như những phòng được cung cấp theo chương trình Đường Về Nhà (Pathway Home), thường là một lựa chọn hấp dẫn hơn và tốn kém hơn.
“Tôi muốn có một ngôi nhà trên bãi biển ở Malibu,” Trung úy Kitchin cho biết. “Một số người không thích khu tạm trú tập thể, nhưng nếu được cấp thì họ cần nhận ra rằng đó là một biện pháp, một tiến trình, mặc dù không thoải mái lắm.”
Nơi tạm trú
Trong một bãi đậu xe lớn bên cạnh trạm dừng cuối cùng của hệ thống tàu điện ngầm, đối diện với Đồn Cảnh sát Lancaster của Quận Los Angeles, những cụm lều nhỏ xếp thành hàng dọc theo các vỉa hè có bóng râm. Các nhà chức trách đã di dời người vô gia cư ra ngoài và dọn sạch rác khoảng một tuần trước đó, nhưng một số người đã quay lại.
Những đống rác thối rữa, lều, đồ đạc hỏng, những chiếc nệm ố màu, và những chiếc hộp chứa đầy thức ăn nhanh hỏng tạo nên một ngôi làng nhỏ. Ông Ron, một người đàn ông trung niên đang ngả lưng trên chiếc ghế thấp, cho biết những nhân viên tiếp cận cộng đồng làm công việc “thuyết phục” mọi người để giúp họ có nhà ở, “nhưng có rất nhiều rào cản mà quý vị phải vượt qua.”
“Chẳng ai muốn đến khu tạm trú đó trên Đường 60,” ông nói, ám chỉ một khu tạm trú tập trung LAHSA phục vụ ba bữa ăn và chào đón thú cưng.
“Ở đó tối tăm, âm u… thiếu ánh sáng. Quý vị sẽ thấy người ta đi lại với vẻ mặt bơ phờ,” ông nói. “Bản thân nơi đó thật buồn tẻ.”
Cơ sở đó là một phần của Dự án Nhà ở Tạm thời Glenchur, được tu sửa từ một cơ sở y tế cũ với chi phí 1.4 triệu USD. Giai đoạn đầu tiên đã hoàn thành hồi tháng 12/2023, giúp mở rộng một nơi trú ẩn theo mùa trước đây thành một chương trình quanh năm vào tháng Tư. Giai đoạn hai dự kiến kết thúc vào đầu tháng Tám, sẽ bổ sung thêm nhiều giường hơn.
Một phát ngôn viên của Tình nguyện viên Los Angeles Mỹ (Volunteers of America Los Angeles), tổ chức bất vụ lợi điều hành nhà tạm trú này, cho biết hiện tại họ có 139 giường, đã hết chỗ cho những người được giới thiệu mới, nhưng cho biết họ sẽ bổ sung thêm giường khi cần nếu có người đến, và họ “sẽ không phải từ chối bất kỳ ai.” Một phát ngôn viên của LAHSA cho biết trong một thư điện tử rằng khu tạm trú này có tổng cộng 162 giường và đã hết chỗ.
Tổ chức Tình nguyện viên Los Angeles Mỹ đã nhận được 55 triệu USD trợ cấp liên bang trong năm 2024, 359,750 USD trợ cấp từ quận hồi năm ngoái để vận hành nhà tạm trú Lancaster.
Khi được hỏi liệu ông có cảm thấy an toàn khi ở bãi đậu xe tàu điện ngầm, ông Ron, người đàn ông sống trong khu lều trại này, cho biết, “Không đời nào … Hầu như chúng tôi thức thâu đêm. Họ đi qua đi lại ở đây, cứ vậy miết. Tôi gọi bọn họ là xác sống biết đi,” ông nói, mô tả tình trạng trộm cắp và ẩu đả của những người phê ma túy đá.
Cách đó vài thước Anh, một chiếc xe tải nhỏ thuộc sở hữu của một tổ chức bất vụ lợi địa phương đang phát các gói chăm sóc—vật dụng vệ sinh cá nhân cơ bản và kem chống nắng, cũng như các sản phẩm giảm tác hại khác như ống chích, được đựng trong túi giấy.
Bà Melissa Chavez là đồng sáng lập viên của tổ chức Velnonart Transformative Health, nơi cung cấp thuốc men cho những người vô gia cư, điều trị rối loạn lạm dụng chất gây nghiện, và quản lý ca bệnh. Bà cho biết điều khó khăn là theo dõi mọi người và phối hợp với các cơ quan quản lý nhà ở.
“Khu vực này rất thiếu thốn các nhà cung cấp dịch vụ. Một trong những vấn đề lớn nhất là những người này liên tục chuyển đi,” bà nói với The Epoch Times, khiến việc theo dõi trở nên “gần như bất khả thi.”
Khi chính phủ thực thi lệnh cấm dựng trại, bà cho biết, “mọi người bắt đầu chuyển đến sa mạc này, nơi hoàn toàn không có nguồn lực nào, không có nước. Mọi người đang chết dần chết mòn ngoài kia, tôi đã phải gọi xe cứu thương một vài lần.”
Bà Velnonart nhận được các khoản tài trợ tư nhân và hợp đồng với quận để cung cấp các dịch vụ phòng ngừa và kiểm soát việc lạm dụng chất gây nghiện. Năm 2024, họ đã nhận được một khoản tài trợ trị giá 346,800 USD từ Sở Dịch vụ Chăm sóc Sức khỏe California, được tài trợ một phần qua các thỏa thuận pháp lý của tiểu bang với các nhà sản xuất [thuốc giảm đau gây nghiện] opioid.
Bà Chavez cho biết việc bắt buộc điều trị lạm dụng chất gây nghiện và sức khỏe tâm thần không hiệu quả, rằng quá trình này đòi hỏi phải xây dựng lòng tin và sự kiên nhẫn. Nhưng ngay cả khi mọi người quyết định rằng họ đã sẵn sàng, thì việc kết nối với các trung tâm điều trị và đơn vị cung cấp nơi ở vẫn rất khó khăn.
Khi được hỏi liệu bà có cố gắng tìm nơi tạm trú cho những người vô gia cư không, bà nói, “Chúng tôi có làm. Vấn đề là thực sự không có phản ứng nào từ phía họ.”
Các trung tâm điều trị cũng gặp phải tình trạng như vậy. “Sau một vài lần chúng tôi gửi bệnh nhân của mình đến đó, họ không nghe điện thoại của chúng tôi nữa,” bà cho biết. “Tôi không thể tìm được một trung tâm điều trị nào hợp tác với chúng tôi.”
Cuộc khủng hoảng trong thời tiết khắc nghiệt
Cuộc khủng hoảng vô gia cư ở Thung lũng Antelope diễn ra trong bối cảnh thời tiết khắc nghiệt. Khi mùa đông đến, nhiệt độ có thể xuống tới 2 độ F (khoảng -16 độ C), và vào mùa hè lại lên tới 115 độ F (khoảng 46 độ C), làm cho vấn đề chỗ ở trở thành mối quan tâm cấp bách hơn. Khu vực này bị tách biệt với trung tâm đô thị bởi một ngọn núi, và hay nói cách khác là bị bao vây, với gánh nặng lớn đè lên cơ sở hạ tầng hiện có.
Vào năm 2022, khu vực này có tỷ lệ nhập viện cấp cứu do dùng quá liều fentanyl cao nhất từ trước đến nay—gấp đôi so với khu vực có tỷ lệ cao thứ hai—và từ năm 2016 đến năm 2023, tỷ lệ tử vong do dùng quá liều fentanyl cao thứ ba trong quận. Năm 2019, nơi đây có tuổi thọ trung bình thấp nhất và tỷ lệ tử vong cao nhất.
Nằm giữa Las Vegas, Trung, và Nam California, Thung lũng này cũng là nơi nhiều thế lực bất ổn tụ tập—bao gồm cả tội phạm có tổ chức.
“Đã xảy ra một cuộc chiến băng đảng giữa lòng thành phố,” ông Parris nói, đề cập đến một loạt 10 vụ xả súng chỉ trong vòng 48 giờ hồi tháng trước khiến nhiều người thiệt mạng. Ông cho biết: “Họ đã sử dụng vũ khí tấn công công suất lớn. Và các cảnh sát của chúng tôi đã bất lực, vì chúng tôi thường chỉ hoạt động với khoảng 50% số lượng cảnh sát cần thiết.”
Theo dữ liệu của LASD, năm tháng đầu năm 2024, các tội phạm thuộc Khung 1—như sát nhân, phóng hỏa, và trộm cắp—chỉ tăng 3.53% trong khu vực này. Nhưng ở các khu vực chưa hợp nhất, các vụ cưỡng gian tăng 150%, ăn cướp tăng 180%, và tội phạm bạo lực tăng tổng cộng 33% trong cùng thời kỳ.
Đồn Cảnh sát Lancaster, một trong những đồn cảnh sát bận rộn nhất trong quận, phải tuần tra một khu vực rộng 600 dặm vuông bao gồm 159,000 cư dân cộng với vài ngàn người nữa ở các khu vực chưa hợp nhất. Giữa cuộc khủng hoảng nhân sự, đồn cảnh sát này phải làm thêm giờ để hoàn thành các nghĩa vụ cam kết với thành phố, mà theo ông Parris, điều này khiến các cảnh sát phải thường xuyên làm việc từ 16 đến 18 tiếng mỗi ca.
Một cảnh sát đã nói với The Epoch Times rằng thường thì chỉ có hơn chục viên cảnh sát làm nhiệm vụ mỗi ngày, và số lượng này ít hơn vào ban đêm; ông đã từng làm việc 37 ngày mà không nghỉ.
Viên cảnh sát từ chối tiết lộ danh tính này cho biết: “Chúng tôi bị lãng quên. Đó là lý do tại sao họ gửi mọi người đến đây.”
Gần đây, thành phố này đã thành lập Sở Cảnh sát Lancaster của riêng mình, nhưng các cảnh sát viên đã tuyên thệ đầu tiên vẫn chưa được tuyển dụng. Theo thị trưởng, cơ quan này sẽ chủ yếu trợ giúp về mặt công nghệ.
“Chúng tôi đang đặt camera ở khắp nơi. Chúng tôi có một chương trình thiết bị bay điều khiển bằng vô tuyến có thể được chúng tôi khai triển trong vòng 60 giây,” ông Parris cho biết. “Tôi không thích sống như thế … nhưng chúng tôi còn sự lựa chọn nào khác không?”
Hồi tháng Ba, Lancaster đã kiện LASD vì tính phí quá cao cho họ và hàng chục thành phố khác mà LASD ký hợp đồng cung cấp dịch vụ cảnh sát. Khi Cảnh sát trưởng Los Angeles Robert Luna tuyên bố sẽ “tăng cường” các nguồn lực sau các vụ xả súng hồi tháng Sáu, thị trưởng ở đây đã cảm ơn ông Luna nhưng cho biết điều đó sẽ không ngăn được các vụ kiện tụng “để bảo đảm Lancaster có các nguồn lực an ninh công cộng mà chúng tôi đã trả tiền và có quyền được hưởng.”
Tuy nhiên, kinh phí chỉ là một phần của vấn đề. Các cơ quan chấp pháp trên khắp cả nước đang gặp khó khăn trong khâu tuyển dụng. Tâm lý bài xích cảnh sát sau cái chết của George Floyd, tình trạng về hưu sớm, và ít người quan tâm hơn đối với nghề này đã làm giảm số lượng nhân sự. Mặc dù kinh phí tăng, nhưng tính đến tháng Một, LASD vẫn còn hơn 1,200 vị trí cảnh sát bị bỏ trống.
Tại Thung lũng Antelope, ngoại trừ một số ít người đến từ khu vực này và quan tâm đến tương lai của nơi này, thì “không ai muốn ở lại đây vì nơi này quá nguy hiểm,” một viên chức chấp pháp cho biết. “Thật không đáng. Tất cả đều rời đi.”
Cuộc sống trong các khu lều trại
Dọc theo bờ suối Amargosa, ngay gần Đường Tiểu bang 14 ở Lancaster, một số đoạn lòng sông khô cằn đã bị cháy đen do lửa trại. Một số đoạn hàng rào đã bị cắt bỏ để lấy kim loại, và rác thải vương vãi khắp nơi—một đơn xin việc mới điền phân nửa nằm cạnh một túi gà quay đầy mỡ, điện thoại thông minh, va li, xe lăn, mỹ phẩm, và đồ điện tử hư hỏng, đủ mọi dấu hiệu hỗn tạp của tình trạng vô gia cư ở các nước phát triển.
“Chúng tôi đã dọn sạch hơn 100 tấn rác trong năm nay. Giống như trò đập chuột chũi vậy, không có điểm dừng. Có quá nhiều rác nên chúng tôi không thể giải quyết xong hết,” một nhân viên thành phố nói với The Epoch Times.
Từ phía bên kia, một cô gái chân dài trong một chiếc váy hồng bước đi thận trọng qua một khu trại và xuống bờ kè. Cô ấy đi chân trần, lần mò trên bãi cát nóng bỏng. Một thành viên của đội an toàn công cộng trò chuyện với cô ấy và ném cho cô một chai nước.
Anh ấy chỉ tay vào một nhà nghỉ đã cháy rụi, bị bỏ hoang ở bên kia đường cao tốc, họ nói đó là nơi cô ấy sống và là nơi cô ấy bị bán dâm. Cơ quan chấp pháp đã vào cuộc với lệnh khám xét và đóng cửa nơi này—vào đó, họ tìm thấy một “ông trùm” và những người phụ nữ mà ông ta dùng họ để bán dâm, những bà mẹ có con nhỏ, và những người vẫn phải trả tiền phòng bằng phiếu giảm giá của chính phủ.
Thành phố đã đóng ván nơi này lại, nhưng người ta đã phá những tấm ván để trèo vào trong.
Một nhân viên thành phố nói thẳng: “Hầu hết những người vô gia cư ở thành phố chúng tôi là tội phạm.”
Các nhân viên tiếp cận cộng đồng cho biết họ nhận thấy tội phạm gia tăng do thời tiết nóng bức, điều này cũng khiến chứng loạn thần do dùng ma túy trở nên trầm trọng hơn đối với những cư dân không có nơi tạm trú. Một người nói với giọng bực bội: “Họ đang phê thuốc, vậy mà trời nóng tới 110 độ F (hơn 43 độ C).”
Trong khi sức khỏe tâm thần và điều trị lạm dụng chất gây nghiện đáng được quan tâm nhiều hơn thì California đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng người vô gia cư ngày càng gia tăng, những nỗ lực bắt buộc điều trị hoặc mở rộng luật bảo trợ [của tiểu bang] đang vấp phải sự phản kháng chính trị gay gắt.
Trong khi đó, việc hợp pháp hóa sở hữu ma túy đá có hiệu lực có nghĩa là những người mắc chứng nghiện—đặc biệt là trong thời buổi fentanyl và “siêu ma túy đá”—có thể tiếp tục nghiện ngập trên đường phố mà không bị ngăn trở.
Đề cập đến dự luật bỏ phiếu được cử tri thông qua trong năm 2014 nhằm giảm hình phạt cho các hành vi phạm tội nhẹ như trộm cắp vặt, lãng vãng, và tàng trữ ma túy đá, phó cảnh sát trưởng cho biết “Trước khi có Đề xướng 47,” “nếu tôi bắt quả tang anh có một chiếc tẩu và một ít ma túy đá thì anh sẽ bị giam tối thiểu hai ngày, gặp thẩm phán, và rồi tham gia hòa giải.”
Giờ thì, cơ quan chấp pháp biết rằng những tội đó sẽ không bị truy tố ở Quận L.A., nơi văn phòng luật sư quận đã loại bỏ việc truy tố đối với nhiều hành vi phạm tội nhẹ.
Với những người như bà Chavez—người cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế và thuốc Narcan (một loại thuốc tức thời dành cho người sốc ma túy) cũng như kim chích sạch cho những người sống lang thang ở Lancaster và vùng sa mạc nông thôn xa hơn—thì một biện pháp “giảm thiểu tác hại” sẽ tốt hơn là hình phạt.
“Việc yêu cầu điều trị và hậu quả trừng phạt … không hiệu quả. Đến một lúc nào đó, quý vị phải thử cách khác,” bà nói.
Bà cho biết, giảm tác hại là một phạm vi, ít liên quan đến kim chích và ống ma túy đá mà liên quan nhiều hơn đến việc giảm HIV và các bệnh truyền nhiễm khác.
Một số đồng nghiệp của bà làm việc trong lĩnh vực tiếp cận cộng đồng và chấp pháp đặt câu hỏi về kết quả sau một thập niên áp dụng các chính sách dựa trên triết lý đó.
“Chúng ta chưa thấy tác động của việc liên tục lạm dụng ma túy đá trong 10 đến 12 năm. Thậm chí không có ai nghiên cứu về điều đó,” phó cảnh sát trưởng này cho biết. “Vấn đề không nằm ở bệnh tâm thần, mà là tình trạng lạm dụng ma túy chưa từng có này.”
Các nhà nghiên cứu ngày càng thừa nhận mối liên hệ giữa chứng loạn thần do ma túy đá gây ra và bệnh tâm thần phân liệt, nhưng hai chẩn đoán này có hồ sơ lâm sàng chồng chéo nhau; ngoài ra, sự khác biệt, điểm tương đồng, và mối tương quan của chúng vẫn chưa được xác định rõ ràng.
Đối với một số người theo dõi cuộc khủng hoảng diễn ra, mối liên hệ này có vẻ khá rõ ràng, đặc biệt là trong cái nóng như thiêu như đốt của mùa hè.
Thật không may, họ không thể làm gì nhiều để can thiệp vào thảm họa đang diễn ra chậm chạp với quy mô lớn này.
“Khi chúng tôi ra ngoài để cung cấp dịch vụ [điều trị], 99% từ chối. Do vậy, chúng tôi đưa cho họ tờ rơi và thông tin,” một nhân viên tiếp cận cộng đồng của thành phố cho biết.
Hôm 25/07, Thống đốc California Gavin Newsom đã ban hành một sắc lệnh chỉ thị các cơ quan và ban ngành của tiểu bang “gấp rút giải quyết các lều trại dựng trên đất tiểu bang,” cũng như “hướng dẫn các thành phố và các quận thực hiện tương tự.”
Theo lệnh này, các cơ quan tiểu bang phải áp dụng chính sách của Sở Giao thông Vận tải California, đó là ưu tiên dọn dẹp các khu cắm trại “gây nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe, và sự an toàn của cộng đồng,” đồng thời thông báo trước, làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ địa phương để giúp đỡ những người sống trong lều trại, và lưu giữ tài sản cá nhân của họ trong 60 ngày.