Đại dịch tiềm ẩn của bệnh tiểu đường giai đoạn đầu
Nhiều người có mức đường máu cao nhưng không được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường do đường máu lúc đói ở ngưỡng bình thường, dưới 100 mg/dl.
Nhưng đây chính là vấn đề: Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường có đường máu lúc đói ở mức “bình thường,” nhưng sau ăn một giờ, đường máu sẽ tăng lên trên 140. Điều này cho thấy họ có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, ung thư, tổn thương thần kinh và tử vong sớm.
Việc không phát hiện ra bệnh tiểu đường ở giai đoạn đầu là một bi kịch thực sự, vì nhiều trường hợp có thể chữa khỏi bằng cách thay đổi lối sống.
Mức đường máu có thể gây hiểu lầm
Sau khi ăn, lượng đường trong máu có thể tăng lên đáng kể. Nhưng nếu đường máu sau ăn tăng trên 140 mg/dl, các phân tử đường trong máu có thể bám vào màng ngoài tế bào và bị mắc kẹt tại đó. Cuối cùng, đường được chuyển hóa thành sorbitol, một chất gây phá hủy tế bào.
Gần đây, các nhà nghiên cứu cho biết những người có đường máu sau ăn một giờ tăng trên 140 có tất cả các dấu hiệu xơ cứng động mạch giống như một người bị bệnh tiểu đường; mặc dù đường máu lúc đói và xét nghiệm dung nạp glucose có thể hoàn toàn bình thường.
Một nghiên cứu khác theo dõi những người có đường máu sau ăn một giờ ở mức 155. Kết quả cho thấy họ có nguy cơ tử vong sớm hơn đáng kể so với những người có đường máu không tăng nhiều như vậy sau ăn.
Hiệp hội bác sĩ nội tiết lâm sàng Hoa Kỳ, gồm các bác sĩ thường xuyên điều trị bệnh nhân tiểu đường, khuyến nghị rằng mức đường máu sau ăn hai giờ không được vượt quá 140 mg/dl.
Đường máu lúc đói bình thường nhưng đường máu sau ăn tăng cao có liên quan đến tình trạng tăng nguy cơ bị bệnh tiểu đường, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp, ung thư, đột quỵ; và thậm chí là tử vong sớm.
Tổn thương thần kinh và mức đường máu cao
Lượng đường trong máu sau ăn tăng trên 140 mg/dL cũng gây ra những tổn thương liên quan đến thần kinh. Nhiều người đến gặp bác sĩ với tình trạng mất cảm giác hoặc đau dữ dội nhưng không được chẩn đoán bị bệnh tiểu đường, do đường máu lúc đói thấp hơn 100 mg/dL (mức bình thường).
Với những người ăn uống theo kiểu Tây phương, nguyên nhân phổ biến hàng đầu khiến vết thương chậm lành và tổn thương thần kinh là bệnh tiểu đường. Các bác sĩ thường thất bại trong việc đưa ra chẩn đoán này. Thay vào đó, họ kê các thuốc giảm đau nhưng không chữa lành tổn thương thần kinh. Ngoài ra, thuốc có thể có tác dụng phụ nguy hiểm. Tổn thương thần kinh do đường máu cao ở giai đoạn đầu thường có thể hồi phục, chỉ bằng việc giữ cho đường máu ở mức ổn định.
Khi so sánh với người không bị tổn thương thần kinh, những người bị tổn thương có mức đường máu sau ăn một giờ vượt quá 140 mg/dl. Trong một nghiên cứu, 56% bệnh nhân bị tổn thương thần kinh có lượng đường máu sau ăn hai giờ vượt quá 140. Hơn một nửa bệnh nhân bị tổn thương thần kinh do đường máu cao có mức đường máu lúc đói bình thường nhưng đường máu sau ăn tăng cao.
Có thể dự đoán được những người bị tổn thương thần kinh có mức đường máu cao sau ăn chỉ bằng việc kiểm tra xem họ có tăng dự trữ mỡ ở bụng hay không. Giữ mức đường máu sau ăn một giờ dưới 140 mg/dl có thể đẩy lùi nhiều trường hợp tổn thương thần kinh.
Dấu hiệu cảnh báo của bệnh tiểu đường giai đoạn đầu
Nếu bạn có nhiều hơn hai trong số các dấu hiệu sau của bệnh tiểu đường và đường máu lúc đói ở mức “bình thường” (dưới 100), hãy yêu cầu bác sĩ kiểm tra đường máu sau ăn một giờ. Nếu chỉ số này trên 140, bạn đang ở giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường. Đây là tín hiệu cho thấy bạn nên nhanh chóng thay đổi lối sống trước khi bị tổn hại sức khỏe trầm trọng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.
Có nhiều dấu hiệu đáng lưu ý cho thấy một người có nguy cơ cao bị bệnh tiểu đường:
Chỉ số sức khỏe
- Huyết áp tâm thu khi ngủ trên 120
- Đường máu lúc đói trên 100
- Đường máu sau ăn hai giờ trên 140
- Triglycerides trên 150 mg/dL
- Cholesterol HDL dưới 45
- Chất béo dự trữ tập trung chủ yếu ở bụng thay vì hông
- Gan nhiễm mỡ
- Có hạt HDL và LDL cholesterol kích thước nhỏ
Chỉ số thể chất
- Lớp mỡ gần rốn dày hơn 3 inch (7.62 cm)
- Mông nhỏ
- Tiền sử gia đình bị bệnh tiểu đường
- Thừa cân
- Cơ bắp nhỏ
- Mọc nhiều lông trên mặt hoặc cơ thể, hoặc tiểu đường thai kỳ ở phụ nữ
- Cổ dày hoặc đầu hói ở nam giới
Thói quen sống
- Hút thuốc lá
- Uống nhiều hơn một ly rượu mỗi ngày hoặc uống quá chén
- Không tập thể dục
Ngoài ra, bạn cũng nên tìm hiểu thêm một số triệu chứng thường gặp của bệnh tiểu đường, bao gồm: đi tiểu hoặc đại tiện thường xuyên; ăn nhiều nhưng vẫn thấy đói; khát nước; cảm thấy mệt mỏi; giảm cân không chủ ý; ngứa bộ phận sinh dục hoặc nhiễm nấm; vết thương không lành; mờ mắt.
Hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn có những triệu chứng trên. Việc phát hiện sớm căn bệnh tiểu đường và thực hiện thay đổi lối sống cần thiết sẽ giúp bạn có cơ hội đẩy lùi bệnh tật và thay đổi cuộc sống.
Bài báo này được đăng tải lần đầu trên DrMirkin.com.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times