Cụ bà 119 tuổi uống nước có ga mỗi ngày, bác sĩ tiết lộ bí quyết trường thọ
Cụ bà Kane Tanaka, người được Kỷ lục Guinness Thế giới công nhận là người cao tuổi nhất thế giới, sống ở thành phố Fukuoka, Nhật Bản, đã qua đời vào ngày 19/4/2022, hưởng thọ 119 tuổi. Khi còn sống, cụ không ăn kiêng, mỗi ngày đều uống cà phê đóng hộp và đồ uống có ga. Các bác sĩ cho rằng, nguyên nhân giúp cụ trường thọ như vậy là có liên quan đến 3 yếu tố.
Bí quyết trường thọ 100 tuổi của người Nhật Bản là không ăn kiêng?
Cụ bà Kane Tanaka sinh ngày 02 tháng 01 năm 1903 (năm Minh Trị 36), ngày 02 tháng 1 năm nay là kỷ niệm sinh nhật lần thứ 119 của cụ. Từ triều đại Minh Trị đến Lệnh Hòa, cụ đã sống trải qua 5 triều đại của Nhật Bản.
Cụ Kane Tanaka cho rằng 3 bí quyết trường thọ của cụ là: Lòng ham tìm tòi học hỏi, nỗ lực, chơi Othello (còn gọi là Reversi hay Cờ lật). Khi còn sống, cụ sống trong một trung tâm dưỡng lão ở thành phố Fukuoka, hầu như ngày nào cụ cũng chơi cờ với người khác, vì ghét bị thua khi chơi cờ nên cụ sẽ tiếp tục chơi cờ cho đến khi thắng mới thôi.
Ngoài việc chơi cờ, bình thường hàng ngày cụ cũng giao lưu với các nhân viên trung tâm dưỡng lão, mỗi tuần cụ còn vẽ tranh, luyện viết thư pháp và thi đố toán học.
Về phương diện ăn uống, cụ không kiêng cữ gì. Ngoài ba bữa ăn ra, mỗi ngày cụ uống cà phê đóng hộp, đồ uống có ga, còn rất thích ăn sô-cô-la.
Mục tiêu mà cụ Kane Tanaka từng đặt ra là “sống khỏe đến 120 tuổi”, mặc dù chỉ kém một chút nữa là thực hiện được mục tiêu này, nhưng vẻ ngoài tràn đầy tinh thần và sức sống của cụ khi còn sống vẫn khiến mọi người hiếu kỳ: Thức uống nhiều đường không tốt cho sức khỏe, vì sao cụ vẫn có thể khỏe mạnh sống lâu như vậy?
Các bác sĩ cho rằng có 3 nguyên nhân.
1. Gặp gỡ giao lưu với người khác, không để mình cô đơn
Bác sĩ Lobsang Jiashen, chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực Y tế Dự phòng về cơ thể và tinh thần, là chủ tịch Tập đoàn Y tế Dự phòng Lobsang, chỉ ra rằng khi con người cao tuổi, càng ngày càng có ít bạn bè, thường ở một mình và cảm thấy cô đơn, tỷ lệ tử vong sẽ trở nên cao hơn.
Một nghiên cứu của Đại học Harvard được thực hiện trong 75 năm, phát hiện rằng, điều quan trọng nhất để khỏe mạnh sống lâu là giao tiếp xã hội. Nghiên cứu này bắt đầu vào năm 1938, đã theo dõi tổng cộng 724 người trưởng thành. Nhóm thực hiện nghiên cứu mỗi một năm đều sẽ thăm dò về tình trạng công việc, cuộc sống, sức khỏe… của đối tượng nghiên cứu.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người duy trì khá nhiều liên hệ với gia đình, bạn bè và xã hội sẽ có tinh thần vui vẻ hơn, thân thể cũng khỏe mạnh hơn, những người giao tiếp xã hội sôi nổi như vậy sẽ trường thọ hơn. Ngược lại, cô đơn gây hại cho sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu một người vô tình cảm thấy cô đơn, tình trạng sức khỏe của họ sẽ suy giảm sớm hơn ở tuổi trung niên, chức năng não cũng thoái hóa sớm hơn, dễ qua đời sớm.
Bác sĩ Lobsang Jiashen cho rằng, cụ bà Nhật Bản này thích chơi cờ, và duy trì lòng hiếu kỳ, đều có liên quan đến giao tiếp xã hội.
Rất nhiều người sau khi về hưu trở nên ít giao tiếp với những người khác, lại không có mục tiêu, tỷ lệ tử vong cũng sẽ tăng cao. Ông Lobsang Jiashen cho biết, ở Đức đã tiến hành một nghiên cứu, nếu mọi người sau khi về hưu nguyện ý quay trở lại xã hội, dạy học ở trường, làm tình nguyện, chăm sóc người khác… thì tỷ lệ tử vong có thể giảm từ 40% – 50%.
Có một ví dụ ở Nhật Bản, năm 2019, cụ ông Yabuda Yoshimitsu 90 tuổi, được cửa hàng McDonald’s nhận làm nhân viên theo giờ, trở thành nhân viên cao tuổi nhất của McDonald’s ở Nhật Bản. Một tuần cụ làm việc 4 ngày ca đêm, mỗi ca 5 giờ đồng hồ, công việc của cụ là phụ trách quét dọn chỗ ngồi trong khu vực ăn uống, chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn…
Cũng giống như cụ bà Kane Tanaka, cụ ông Yabuda Yoshimitsu bình thường cũng ăn những thực phẩm mà mọi người cho là không tốt cho sức khỏe – như khoai tây chiên và đồ uống trong cửa hàng. Nhưng những đồ ăn thức uống và cơ thể già nua này đều không là trở ngại cụ Yabuda Yoshimitsu làm việc, cửa hàng trưởng Imoto Kyobei khen ngợi cụ luôn giữ cửa hàng sạch sẽ. Cụ Yabuda Yoshimitsu cho rằng, đồng nghiệp làm việc với nhau là rất quan trọng, cho dù khi có sự khác biệt ý kiến với đồng nghiệp trẻ, thì cũng sẽ thử đi giải thích và hiểu lẫn nhau.
2. Tâm thanh thản, không tức giận
Từ bức ảnh và hình ảnh trong video của cụ bà Kane Tanaka, chúng ta luôn có thể thấy được gương mặt hòa nhã của cụ.
Ông Lobsang Jiashen chỉ ra rằng, nhắc đến vấn đề dưỡng sinh, trường thọ, thì người ta thường quan tâm đến việc ăn gì, uống gì và vận động như thế nào. “Kỳ thực, bí quyết thực sự là sự thanh thản trong tâm”. Rất nhiều cao tăng của Tây Tạng, Ấn Độ thường ăn uống đạm bạc, nhưng họ đều sống đến 80, 90 tuổi, thậm chí hơn trăm tuổi, bởi vì tâm họ rất bình thản.
Rất nhiều người mắc bệnh ung thư, như ung thư phổi, ung thư vú… mặc dù sinh hoạt ăn uống của họ rất lành mạnh, không hút thuốc uống rượu, cũng hoạt động thể dục, nhưng vẫn mắc bệnh ung thư. Bác sĩ Lobsang Jiashen cho biết, trong quá trình khám bệnh ông đã gặp rất nhiều bệnh nhân như vậy, cuối cùng mới phát hiện, do những nhân tố tâm lý như tức giận, oán hận… khiến cho họ sinh bệnh.
Ông nói: “Tức giận và oán hận có liên quan rất lớn với ung thư phổi và ung thư vú”, loại cảm xúc này tích tụ lại, sẽ làm cho chức năng miễn dịch yếu đi, mất cân bằng, gây bất lợi rất lớn cho sức khỏe.
Ông nhấn mạnh, không nên tức giận, vì tức giận sẽ sinh oán hận, còn sẽ diễn sinh các cảm xúc bi thương, sầu muộn. Có một số người còn có thể tức giận với chính mình, điều này càng gây tổn hại nghiêm trọng đối với sức khỏe. Nhưng để “không tức giận” cũng không dễ dàng, cần phải tập luyện thường xuyên, mới có thể đạt được tâm bình khí hòa.
3. Bồi dưỡng cảm xúc hạnh phúc, nghĩ cho người khác
Bác sĩ Trương Thích Hằng (Zhang Shiheng), Giám đốc Phòng khám Y học Kỳ Nhạc (Nội Hồ – Đài Loan) chỉ ra rằng, liên quan đến chủ đề về sức khỏe và trường thọ, mọi người chủ yếu tập trung vào các bệnh tim mạch, loãng xương, suy nhược cơ, huyết áp, đường huyết… mà đều bỏ qua bộ não. Ông nhấn mạnh: “Sức khỏe não bộ có liên quan mật thiết đến hạnh phúc”. Hạnh phúc sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của não, sức khỏe của não lại liên quan đến chức năng của thân thể, tuổi thọ.
Ông Todd Kashdan, nhà tâm lý học người Mỹ, giáo sư tâm lý học và giám đốc Phòng thí nghiệm Sức khỏe tại Đại học George Mason, đề xuất 6 “nguyên liệu” có thể cung cấp cho não bộ để bồi dưỡng hạnh phúc: Sống cho hiện tại, tìm tòi học hỏi, làm việc mình yêu thích, nghĩ cho người khác, bồi dưỡng các mối quan hệ giao tiếp với người khác, biết chăm sóc bản thân.
Cụ bà Kane Tanaka thường làm việc mà mình thích, đồng thời duy trì lòng hiếu kỳ ham học hỏi, tâm thái học hỏi cũng là một biểu hiện của việc sống cho hiện tại.
Bác sĩ Trương Thích Hằng cho biết, lòng hiếu kỳ ham học hỏi của con người ở thời kỳ trẻ nhỏ là sung mãn nhất, nhưng khi bắt đầu đi học, sau khi bước vào cơ chế xã hội, có những quy tắc ở trường học, quy định của công ty phải tuân theo, những điều này sẽ áp chế lòng hiếu kỳ của con người. Ông khuyên mọi người sau khi nghỉ hưu, nên giải phóng sự hiếu kỳ, học thêm những điều mới mẻ.
Bác sĩ Trương Thích Hằng chia sẻ: “Tôi có một bệnh nhân chưa từng chạm vào đàn Violon, đến hơn 70 tuổi mới học đàn Violon”; “Bệnh nhân này rất khéo nói chuyện, tôi cảm thấy điều này nhất định có liên quan với lòng hiếu kỳ ham học hỏi và tâm thái tiếp nhận những điều khó khăn của ông ấy”. Đồng thời, thử thách trong học tập có thể làm cho não hoạt động mạnh, giảm thiểu quá trình tử vong của tế bào não.
Ngoài ra, nghĩ cho người khác, giúp đỡ người khác, có những hành động vì lợi ích của người khác, sẽ hạnh phúc hơn so với được người khác giúp đỡ.
Bác sĩ Lobsang Jiashen cũng đồng ý với quan điểm này, ông nói: “Tôi luôn nói rằng, nghĩ cho người khác, hạnh phúc và sức khỏe, ba điều này luôn song hành”. Trong khi vì người khác, người ta sẽ nhận được hạnh phúc, hạnh phúc thì sẽ có được sức khỏe.
Hạnh phúc cũng liên quan đến dung lượng của não bộ. Có nghiên cứu đã phát hiện ra xác suất những người bị bệnh trầm cảm phát triển thành bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson di truyền và teo não cao hơn so với người bình thường.
Bác sĩ Trương Thích Hằng chỉ ra, cụ bà Kane Tanaka mặc dù thích uống đồ uống có ga, nhưng rất nhiều việc cụ làm có liên quan đến sức khỏe của não bộ, cho nên có thể bù đắp cho những vấn đề về ăn uống này.
Tất nhiên, ăn uống lành mạnh vẫn là rất quan trọng, ví như, chế độ ăn Med (chế độ ăn kiêng Địa Trung Hải) có thể làm chậm quá trình lão hóa của não và giảm nguy cơ sa sút trí tuệ. Bác sĩ Trương Thích Hằng nói đùa rằng nếu cụ bà Kane Tanaka khi còn sống có thể đến phòng khám của ông, thì ông nhất định sẽ giới thiệu cho cụ áp dụng chế độ ăn Med.
Lý Thanh Phong biên tập
Tiểu Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: