Chúng ta có thể giúp con trẻ chống lại chứng rối loạn lo âu như thế nào?
Có những đứa trẻ thực sự dễ giật mình và rơi vào lo âu hơn những đứa trẻ khác. Hiểu được khoa học đằng sau chứng rối loạn lo âu của trẻ nhỏ, có thể sử dụng khoa học đó để phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả sớm hơn có thể giúp chúng tránh khỏi chứng rối loạn lo âu về sau.
Rối loạn lo âu là một trong những chứng rối loạn tâm lý phổ biến nhất ở trẻ em. Khoảng 7% trẻ em mắc chứng bệnh này ở bất kỳ độ tuổi nào, với gần 1/3 số trẻ mắc phải trong những năm tháng niên thiếu của chúng.
Đối với trẻ mắc chứng rối loạn lo âu, các hoạt động bình thường như đi học, kết bạn và học tập là cả một vấn đề. Đứa trẻ thường chọn cách lẩn tránh, bỏ chạy hoặc thu mình lại. Cách phản ứng thông thường của phụ huynh như than vãn với đứa trẻ về cảm xúc của họ hoặc không cho trẻ va chạm với những tình huống khó khăn, vô tình làm phát sinh thêm nhiều vấn đề hơn.
Hiện nay có nhiều phương pháp điều trị cho những đứa trẻ này, ví dụ như liệu pháp nhận thức-hành vi. Nhưng các phương pháp điều trị thường phức tạp, tốn kém và không mang lại hiệu quả cao.
Trẻ ở tuổi mẫu giáo mắc chứng rối loạn lo âu có thể gặp nhiều vấn đề hơn trong tương lai — như chứng lo âu xã hội, chứng ám ảnh sợ hãi hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế sau này. Và rất ít người trong chúng ta biết các giải pháp ngăn chặn chứng lo âu ở trẻ nhỏ.
Một nghiên cứu gần đây được Giáo sư Tâm thần kinh và Sản khoa tại Đại học Michigan, Kate Fitzgerald thực hiện đã cho thấy khả năng giúp trẻ em thoát khỏi chứng rối loạn lo âu.
GS Fitzgerald đã tiến hành nghiên cứu trên những đứa trẻ rất nhỏ mắc chứng rối loạn lo âu và đã có những khám phá quan trọng về các dấu hiệu não bộ ở những đứa trẻ này. Bà và cộng sự đã xây dựng một chương trình đào tạo nhằm nâng cao năng lực nhận thức của chúng, giúp chúng giảm bớt lo lắng — ngay tức thời và trong tương lai.
GS Fitzgerald nói: “Chúng tôi hy vọng công trình này cho thấy rằng chứng rối loạn lo âu ở trẻ em là điều có thể tránh được bằng cách can thiệp đúng đắn. Cho đến nay, phương pháp này đã mang lại kết quả đầy hứa hẹn.”
Khoa học thần kinh về chứng rối loạn lo âu
Khi chúng ta đối mặt với những tình huống khó khăn, nguy hiểm hoặc đáng sợ trong cuộc sống, các hạch hạnh nhân trên não tiết ra hóa chất thần kinh (như adrenalin) làm tim đập mạnh và chuẩn bị cho phản ứng chống trả hay bỏ chạy. Đồng thời, thùy trán đánh giá tình hình, dựa vào kinh nghiệm để đưa ra phản ứng thích hợp. Ở người khỏe mạnh, các hệ thống này hoạt động song song – một hệ thống làm tăng phản ứng và hệ thống còn lại làm giảm phản ứng của cơ thể.
Cảm giác lo âu có ý nghĩa tích cực, thúc đẩy chúng ta luyện tập chăm chỉ để hoàn thành công việc. Tuy nhiên, ở người hay lo lắng, nó có thể khiến người đó bỏ chạy hoặc lẩn tránh vấn đề trước mắt. Nó cũng có thể khiến họ suy nhược và mệt mỏi, vì phải cố gắng rất nhiều mới có thể vượt qua được vấn đề.
Điều quan trọng là chúng ta biết cách đối mặt với những tình huống căng thẳng mà không để sự lo lắng trở nên quá cường thịnh.
Trẻ từ 4-7 tuổi dễ giật mình khi gặp tình huống không có tính đe dọa
Nhưng GS Fitzgerald và cộng sự đã phát hiện rằng, não bộ trẻ nhỏ phản ứng hơi khác một chút. Ví dụ: trẻ từ 4 đến 7 tuổi giật mình nhiều hơn bình thường trong những “tình huống không có gì đe dọa xảy ra – nhưng lại có phản xạ giật mình bình thường trong các tình huống đáng sợ mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng có thể phản ứng. Điều đó cho thấy chúng phải được huấn luyện cách vượt qua những thử thách hàng ngày, bao gồm cả đi học hoặc gặp gỡ những người lạ.
Phát hiện ra ERN – vùng lỗi liên quan tiêu cực trên não
Nhóm của bà cũng phát hiện rằng có một vùng trên não phản ứng khi người ta mắc lỗi — gọi là vùng lỗi liên quan tiêu cực (the error-related negativity ERN). Ở trẻ mắc chứng rối loạn lo âu từ 5 đến 7 tuổi, vùng não này sẽ hoạt động yếu hơn trẻ lớn và người lớn. Điều này có nguyên nhân là do trẻ nhỏ chưa có năng lực nhận thức tốt để phân tích trường hợp chúng đang gặp phải. Khi không kiểm soát được nhận thức, phản ứng giật mình ở trẻ sẽ sinh ra chứng lo âu.
Kiểm soát nhận thức là khả năng kiểm soát cảm xúc và thói quen dựa trên mục tiêu và ý định cụ thể. Ví dụ, khả năng kiểm soát nhận thức giúp từ bỏ thói quen ăn vặt để có sức khỏe tốt hơn.
Khả năng kiểm soát nhận thức thấp khiến đứa trẻ dễ bị rối loạn lo âu khi còn nhỏ
Một đứa trẻ có năng lực kiểm soát nhận thức cao hơn sẽ có khả năng chống chọi với căng thẳng tốt hơn. Nâng cao khả năng kiểm soát nhận thức (có thể đo đạc bằng ERN) vừa giúp điều trị, vừa ngăn ngừa chứng lo âu ở trẻ trở nên tồi tệ hơn sau này.
GS Fitzgerald nói: “Tăng khả năng kiểm soát nhận thức của trẻ là cách giúp chúng đối phó với các tình huống căng thẳng. Chúng ta cần hướng dẫn chúng phương pháp thực hiện như thế nào.”
Phương pháp phòng ngừa rối loạn lo âu cho con trẻ
GS Fitzgerald và cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu thử nghiệm (chưa được công bố) với những đứa trẻ từ 4 đến 7 tuổi mắc chứng rối loạn lo âu. Dự án có tên là trại Kid Power, những đứa trẻ được đi “cắm trại” mỗi bốn ngày rưỡi trong hai tuần. Tại đây, các em được chơi các trò chơi vui nhộn như “Tôi bảo” và “Đèn đỏ-đèn xanh,” nhằm gia tăng khả năng kiểm soát nhận thức.
Các cố vấn đã dần dần tăng mức độ thử thách trong các trò chơi để giúp trẻ nắm vững các kỹ năng cần thiết — bao gồm sự linh hoạt, sử dụng trí nhớ, và kiểm soát các phản xạ không mong muốn như di chuyển khi không được phép. Các em cũng được huống dẫn cách làm việc nhóm với những trẻ mà các em cảm thấy thích hợp. Phụ huynh có thể tham gia vào cuối mỗi buổi học, học cách chơi cùng các con khi ở nhà.
Để đánh giá tác động của khóa đào tạo này đối với não bộ và hành vi của những đứa trẻ, GS Fitzgerald và cộng sự đã đo lường phản xạ giật mình và ERN của các em trước khi tham gia Kid Power và 4 đến 6 tuần sau đó. Họ cho trẻ đeo màn hình đặc biệt có thể ghi lại các phản xạ giật mình và ERN của chúng và chơi các trò chơi yêu cầu khả năng kiểm soát nhận thức. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu cũng thu thập thông tin từ bậc phụ huynh và chính những đứa trẻ này về các triệu chứng lo âu trước và sau khi tham gia thử nghiệm.
Sau khi phân tích dữ liệu, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng ERN của các em tăng lên và phản xạ giật mình giảm xuống (cho thấy khả năng kiểm soát nhận thức tốt hơn) — dấu hiệu chứng tỏ chứng rối loạn lo âu ở độ tuổi này đã suy giảm.
GS Fitzgerald nói: “Tín hiệu não có chức năng phát hiện lỗi đã tăng lên. Các em vượt qua thử thách tốt hơn ngừng phản xạ theo bản năng, bao gồm cả phản xạ sợ hãi.”
Sau khóa học, cả trẻ và cha mẹ chúng đều ghi nhận rằng chúng ít gặp các triệu chứng lo âu hơn, bao gồm cả sợ hãi và trốn tránh các tình huống khó khăn.
GS Fitzgerald nói: “Thật thú vị khi có thể tìm ra liên kết giữa bộ não với hành vi, nhưng điều đáng mừng hơn nữa là những đứa trẻ tham gia thực nghiệm giảm được các triệu chứng lo âu.
Một phụ huynh nói rằng, con gái của cô mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế trước khi tham gia trại Kid Power. Đứa trẻ này đã có những cải thiện đáng kể, ngay cả khi trại vẫn chưa kết thúc.
Phụ huynh này viết, “Cô bé muốn tiếp tục tham gia, cháu cảm thấy tốt hơn khi vào giữa tuần và muốn được trải nghiệm nhiều niềm vui hơn.”
GS Fitzgerald nhớ lại một cậu bé 5 tuổi khác rất sợ mắc lỗi trong lớp mẫu giáo của mình, cậu quấy khóc và có các hành vi gây rối khác, phải gọi điện về nhà hàng ngày. Tuy nhiên, sau khi tham gia trại và học cách làm dịu sự lo lắng, mọi thứ đã thay đổi.
GS Fitzgerald cho biết: “Sau một tuần tham gia chương trình can thiệp, cậu đã không còn điện thoại về nhà nữa. Mẹ cậu ấy rất ấn tượng, bởi vì trước đó họ đã xin tư vấn từ một nhà trị liệu nhưng kết quả không cải thiện. Chỉ sau khi tham gia Kid Power, cậu ấy mới thích nghi với việc học mẫu giáo và bắt đầu thích thú với nó.”
Với kết quả đáng khích lệ này, GS Fitzgerald đã nhận được khoản tài trợ 3 triệu USD từ Viện Y tế Quốc gia để mở rộng chương trình Kid Power và tiến hành các nghiên cứu sâu hơn. Bà hy vọng các nghiên cứu trong tương lai sẽ tìm ra yếu tố chính giúp cải thiện vấn đề và cách điều trị phù hợp với từng đứa trẻ — vì một số trẻ có thể cần một chế độ huấn luyện nhiều hơn hoặc các hoạt động khác nhau.
Nếu những phát hiện ban đầu này đúng, công việc của bà có thể cung cấp một khuôn mẫu điều trị và ngăn ngừa chứng rối loạn lo âu ở trẻ em trong tương lai.
Bà nói: “Các can thiệp trong khả năng của chúng ta khi chúng ta hiểu được khoa học đằng sau chứng rối loạn lo âu của trẻ nhỏ, chúng ta có thể sử dụng khoa học đó để phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả hơn.”
Bài báo này lần đầu được xuất bản trên AIM Youth Mental Health, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên tìm kiếm và tài trợ cho các công trình nghiên cứu sức khỏe tinh thần thanh thiếu niên để tìm các giải pháp cho cuộc sống của họ, tổ chức này đã góp phần tài trợ cho nghiên cứu của Kate Fitzgerald.
Jill Suttie, Psy.D., là cựu biên tập viên bình phẩm sách của Greater Good và hiện là biên tập viên và cộng tác viên của tạp chí. Bài báo này đã được đăng lại từ tạp chí trực tuyến Greater Good.
Trúc Đoàn biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times
Xem thêm: