Chữa bệnh bằng năng lượng từ khí âm, dương và thực phẩm
Thực phẩm luôn là liều thuốc hữu hiệu. Trong một nền văn hóa thường tìm kiếm các loại dược phẩm lớn để chữa bệnh, việc cho rằng những gì chúng ta ăn hàng ngày như một nguồn tài nguyên để chữa lành và phục hồi sức khỏe có thể là một điều mới mẻ. Nhưng sự thật là việc dùng thực phẩm làm thuốc vẫn luôn được sử dụng từ xa xưa đến nay.
Các phương pháp chữa bệnh truyền thống đã biết đến điều này trong nhiều thiên niên kỷ. Và may mắn thay, giờ đây chúng ta cũng bắt đầu nhận ra điều đó.
Hiểu được đặc tính chữa bệnh của thực phẩm có thể khiến bạn choáng ngợp. Liên tục có rất nhiều thông tin về những chế độ ăn kiêng kỳ diệu, khám phá về lợi ích sức khỏe của thực phẩm hoặc cách ai đó tự chữa khỏi căn bệnh “nan y” bằng chế độ ăn uống. Do lượng thông tin quá lớn, vì vậy thật khó để biết rằng chúng ta nên bắt đầu từ đâu.
Tôi luôn tìm về với Đông y – một nền y học truyền thống đã sử dụng thực phẩm làm thuốc hàng ngàn năm. Đông y đã có rất nhiều thời gian để nghiên cứu và phát triển trong suốt quá trình lịch sử lâu đời. Tôi kết hợp Đông y với những nghiên cứu và khám phá mới nhất trong thực hành điều trị, nhưng liệu pháp dinh dưỡng Trung y luôn luôn là cơ sở của tôi và có hiệu quả tốt.
Bản chất nhiệt của thực phẩm và con người
Cách tiếp cận Đông phương khá độc đáo. Khía cạnh quan trọng nhất là không có giải pháp chung nào cho việc ăn uống để khỏe mạnh phù hợp cho tất cả mọi người. Điều này thể hiện tính cá nhân hóa rất cao, tuy nhiên, tập trung vào từng cá nhân khiến Đông y trở nên có hiệu quả mạnh mẽ hơn.
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến cách áp dụng liệu pháp thực phẩm để chữa lành bệnh và cải thiện sức khỏe, bao gồm: cấu tạo cơ thể, lượng khí âm hoặc dương bạn có tại bất kỳ thời điểm nhất định nào hay theo mùa, trạng thái cảm xúc và những gì đang xảy ra trong cơ thể. Nghe có vẻ đơn giản đúng không? Mặc dù tất cả các yếu tố kể trên có thể không đơn giản, nhưng lại mang đến hiệu quả cao. Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về cách thức hoạt động của những điều thú vị này.
Khí âm và khí dương
Để hiểu được liệu pháp thực phẩm theo mô hình Đông phương, trước tiên chúng ta nên nói về khí âm và khí dương. Đây là một khái niệm cốt lõi của lý thuyết trong Trung y. Âm và dương tượng trưng cho hai mặt tồn tại bên trong vạn vật. Khí âm đại diện cho bóng tối, tính lạnh, chậm rãi, năng lượng nội tại và hướng vào trong. Khí dương đại diện cho ánh sáng, tính nóng, nhạy cảm (dễ nổi nóng) và nguồn năng lượng mạnh mẽ hướng ra bên ngoài. Theo lý thuyết này, vạn vật đều là sự tương tác của hai phương diện đối nghịch này.
Khí âm và dương là một cách để hiểu về những nguồn lực của tự nhiên, cơ thể con người, nguồn thức ăn, cảm xúc của chúng ta, và tất cả mọi thứ đang tồn tại. Đó là một lăng kính mà qua đó chúng ta có thể nhìn thấy và cố gắng hiểu bản thân cũng như cách chúng ta tương tác với thế giới của mình.
Bản chất nhiệt của thực phẩm
Tất cả chúng ta đều sở hữu cả khí âm (lạnh/nước) và dương (nóng/lửa) ở các mức độ khác nhau. Một số người nhiều khí âm hơn, trong khi những người khác nhiều khí dương hơn. Khí âm và dương lưu chuyển và liên tục thay đổi tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng tất cả chúng ta đều có “bản chất” nội tại thiên về âm hoặc dương. Đối với thực phẩm, điều này rất quan trọng. Thực phẩm cũng có tính nhiệt tự nhiên. Một số thực phẩm có tính nóng, một số có tính lạnh, trong khi một số khác là trung tính.
Ví dụ, nếu một người có các triệu chứng của nhiệt (đỏ, sưng tấy, sốt, nhức đầu ở đỉnh đầu, mất nước, đắng miệng, mắt đỏ, hưng cảm), các bác sĩ sẽ kê các thực phẩm giải nhiệt như một phần của kế hoạch điều trị. Ngược lại, khi một người có các triệu chứng của nhiễm lạnh (sưng phù, thờ ơ, khó tiêu, phù nề, phân lỏng, chân tay lạnh, chảy nước mũi, đau nhức) sẽ có lợi khi ăn thức ăn có tính ấm.
Tôi áp dụng cách giới thiệu thực phẩm dựa trên tính nhiệt tự nhiên với mọi bệnh nhân, vì liệu pháp thực phẩm là một phần cơ bản của Trung y. Đó là một trong những cách hiệu quả và mạnh mẽ giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng sức khỏe và nâng cao nhận thức về cách chế độ ăn uống ảnh hưởng đến cơ thể của họ.
Dưới đây là một số quy tắc chung giải thích bản chất nhiệt của thực phẩm:
- Thực vật cần thời gian phát triển lâu hơn sẽ có tính ấm hơn thực phẩm phát triển nhanh hơn.
- Thực phẩm được bón bằng hóa chất để phát triển nhanh hơn, được coi là có tính mát hơn trong tự nhiên. Các loại thực phẩm này bao gồm hầu hết các loại trái cây và rau quả thương mại.
- Thức ăn sống có tính mát hơn thức ăn chín.
- Nhiều loại thịt có tính nóng, trong khi hải sản thường có tính giải nhiệt.
- Thực phẩm xanh lam, xanh lá cây hoặc tím thường mát hơn thực phẩm màu đỏ, cam hoặc vàng tương tự.
- Thức ăn nấu ở nhiệt độ thấp trong thời gian dài được coi là nóng hơn thức ăn nấu trong thời gian ngắn bằng nhiệt độ cao.
- Thực phẩm lên men và nảy mầm có tính lạnh nhiều hơn.
Trong tất cả các cách mà chúng ta chế biến thực phẩm, quan trọng nhất là phương pháp nấu ăn. Các phương pháp nấu ăn khác nhau có thể làm thay đổi nhiệt năng của thực phẩm. Nấu chín thực phẩm (thay vì ăn sống) sẽ khiến thực phẩm dễ bị phân hủy và đồng hóa hơn. Nếu thời gian nấu ngắn, chất dinh dưỡng sẽ ít bị mất đi, đồng thời cũng giúp cơ thể dễ dàng sử dụng những chất dinh dưỡng còn lại.
Nguyên nhân và biểu hiện của chứng nóng trong người
Sự mất cân bằng nội tại của khí âm (lạnh) và khí dương (nhiệt) là nguyên nhân gây ra bệnh trong Trung y. Quá nhiều nhiệt có thể là do ăn quá nhiều thức ăn có tính nóng hoặc thức ăn thiếu tính mát. Hoạt động thể chất quá mức, căng thẳng cao độ, cảm xúc tức giận lâu dài hoặc dữ dội (gan dễ bị tổn thương do nhiệt bởi cảm xúc tức giận) hoặc tiếp xúc với nhiệt độ quá cao cũng có thể dẫn đến tích nhiệt.
Một số triệu chứng khi cơ thể bị nhiệt bao gồm cảm giác nóng nực; lưỡi đỏ tươi với một lớp phủ dày màu vàng; mặt đỏ; mắt đỏ; chảy máu cam; vết loét canker; vị khó chịu trong miệng; huyết áp cao; xuất huyết; co giật; mê sảng; mạch nhanh; viêm cục bộ, sưng tấy, phát ban, lở loét, hoặc phát ban trên da; táo bón (nhiệt làm khô chất lỏng); phân khô và có mùi hôi; nước tiểu ít màu vàng sẫm; đại tiện phân máu hoặc tiểu máu; khát nước và muốn uống đồ lạnh; đại tiểu tiện gấp, dữ dội hoặc phân có chất nhầy màu vàng hoặc xanh lá cây.
Thực phẩm có tính nóng
Danh sách thực phẩm có tính nóng bao gồm: trai, tôm, thịt gà, gan gà, thịt cừu, thận cừu, thịt bò, diêm mạch, lương thực, đậu đen, hạnh nhân, dừa, đậu phộng, hạt thông, hạt hướng dương, quả óc chó, cải xoăn, mù tạt xanh, rau mùi tây, củ cải vàng, và anh đào.
Nguyên nhân và biểu hiện của chứng nhiễm lạnh
Cơ thể bị nhiễm lạnh có thể là do lười vận động, tiếp xúc với môi trường lạnh hoặc ăn quá nhiều thức ăn có tính mát, chẳng hạn như thức ăn sống. Nhiễm lạnh bên trong cũng có thể xảy ra khi không ăn đủ thức ăn mang tính nóng, đặc biệt là trong những tháng lạnh hơn.
Một số dấu hiệu và triệu chứng của cảm lạnh trong cơ thể bao gồm: cảm giác ớn lạnh; không thích lạnh; muốn dùng thức ăn và đồ uống ấm; tiểu nhiều, trong; khó vận động; tiêu chảy phân lỏng, tóe nước; sợ hãi (thận có liên quan đến cảm xúc sợ hãi và đặc biệt dễ bị nhiễm lạnh); đau ổn định; da trắng bệch; và chảy nước mũi.
Thực phẩm có tính mát
Một trong những điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm khi cơ thể tích nhiệt quá mức là ăn nhiều thực phẩm có tính mát. Ngoài ra, thư giãn và chuyển sang nhịp sống chậm rãi có thể hữu ích trong trường hợp này. Bộc lộ cảm xúc (đặc biệt là tức giận và bực bội) cũng giúp giải phóng nhiệt, hạ nhiệt cơ thể. Nếu cảm xúc liên tục không được thể hiện, sẽ khiến nhiệt lượng tích tụ trong cơ thể và dẫn đến các vấn đề sức khỏe. Thịt cũng được coi là rất nóng. Vì vậy nếu bạn đang cảm thấy rất nóng trong cơ thể, bạn có thể thử cắt bớt thịt và thêm nhiều thức ăn lạnh vào chế độ ăn uống để lấy lại sự cân bằng.
Danh sách những thực phẩm giải nhiệt bao gồm: táo, chuối, lê, dưa hấu, tất cả các loại trái cây họ cam quýt, rau diếp, dưa chuột, cần tây, cải ngọt, bông cải xanh, bí mùa hè, rau chân vịt, cà tím, sữa đậu nành, đậu phụ, tương nén, mầm cỏ linh lăng, lúa mạch, lúa mì, rau dền, tảo bẹ và rong biển, trai, cua, tảo xoắn, bạc hà và ngò.
Liệu pháp sử dụng chế độ ăn trong Đông y có rất nhiều tầng; do đó, có rất nhiều điều cần xem xét về cách ăn uống để tốt cho sức khỏe. Việc này luôn bắt đầu bằng nhận thức và lắng nghe những gì cơ thể bạn đang nói với bạn. Bạn là người có “tính nóng” hay đang có các triệu chứng “nhiễm lạnh”?
Với cách nhìn nhận mới mẻ về mọi thứ này, “bản chất” của bạn là gì? Bạn có khí âm nhiều hơn hay khí dương nhiều hơn? Đánh giá trên từng cá nhân là một cách tuyệt vời để bắt đầu. Nhưng ít nhất, lúc đầu, bạn nên nhờ một chuyên gia đủ điều kiện để giúp bạn định hướng. Tuy nhiên, qua một số thực hành nhất định, tất cả chúng ta sẽ đều có khả năng sử dụng thực phẩm hàng ngày để tái cân bằng cơ thể, vượt qua bệnh tật và trở thành con người khỏe mạnh nhất có thể.
Emma Suttie là một bác sĩ châm cứu và là người sáng lập Chinese Medicine Living — một trang web dành riêng để chia sẻ cách sử dụng trí tuệ cổ xưa sống một cuộc sống lành mạnh trong thế giới hiện đại. Cô đã sống và thực tập tại 4 quốc gia và hiện đang làm việc với công ty Thrive Consulting của mình. Cô là người yêu thích thế giới tự nhiên, võ thuật và một tách trà thơm tho.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: