Câu chuyện Trung y: Sét đánh không kịp bưng tai
Thường có những câu nói quen thuộc liên quan đến lỗ tai, ví như: gió thổi sau tai, gió thu thổi qua tai, bên tai không dứt, khó lọt lỗ tai, lạ mắt lạ tai, bên tai thanh tịnh trong lòng thanh thản… Ngoài ra còn có, đột nhiên “sét đánh không kịp bưng tai,” là có chuyện gì xảy ra vậy?
Có một người phụ nữ 65 tuổi, là giáo viên đã về hưu, nhưng bà vẫn còn tai thính mắt tinh, tai có thể nghe bát phương tám hướng. Thời tuổi trẻ, bà từng là người nói lời dễ nghe, biết quan sát và lắng nghe, khiến cho học sinh nể phục ngoan ngoãn vâng lời. Cả đời bà được xem là thuận buồm xuôi gió, ít khi có phiền muộn phải vò đầu bứt tai, quả thực vừa lòng mãn ý!
Rồi một ngày, vị Vô Thường tiên sinh đã mở một trò đùa nho nhỏ đối với bà.
Hôm ấy sau khi bà thưởng thức xong buổi hòa nhạc, trên đường về nhà, bà cảm thấy lỗ tai là lạ, trướng trướng, chỉ chốc lát sau thì cảm giác đau, nhưng vẫn có thể chịu đựng được. Ngày hôm sau, bà đến bác sĩ khoa Tai mũi họng để kiểm tra. Bác sĩ kiểm tra không phát hiện có gì khác thường, bèn kê đơn thuốc tiêu viêm giảm đau cho bà.
Sau khi về nhà, lỗ tai của bà mới thực sự đau đớn nghiêm trọng. Bà vốn rất ít khi bị bệnh nặng, nhưng lúc này đây đau tai khiến bà như gặp đại địch, căng thẳng vô cùng, đứng ngồi không yên, vì sao đã uống thuốc giảm đau mà vẫn không giảm bớt đau nhức?
Các mối quan hệ giao tiếp xã hội của bà rất tốt, bạn bè thân thiết nhiệt tình giới thiệu các bác sĩ có tiếng tăm cho bà. Có một vị bác sĩ cho rằng, bà bị viêm dịch tai giữa, là nguyên nhân của chứng chóng mặt. Thế nhưng bà cũng không bị chóng mặt, chỉ là lỗ tai đau nhức, ngoài ra không có triệu chứng nào khác.
Bà đã đi khám năm vị bác sĩ, cũng đã qua hai tháng rồi, đã uống thuốc giảm đau có chứa morphin, nhưng tai vẫn không hết đau, sao có thể như vậy chứ? Cuối cùng, bác sĩ đề nghị: thực hiện thủ thuật đốt dây thần kinh tai, đốt chết dây thần kinh tai rồi, trừ tận gốc, sẽ không cảm thấy đau nữa. Đây là đạo lý trị bệnh kiểu gì vậy? Con gái của bà là một bác sĩ sản khoa, cô nghe xong không dám đồng ý, cô khuyên mẹ thử đi khám Trung y.
Bà đến phòng khám của tôi với trang phục thanh lịch, khí chất cao nhã, cử chỉ lịch thiệp. Bà bước vào phòng khám, vẻ hoa lệ bề ngoài vẫn không thể che lấp được nỗi khổ sở vì lỗ tai đau nhức! Ngay cả lớp trang điểm dày cũng không thể che được những nếp nhăn giữa hai lông mày. Mọi đau đớn khổ sở đều tụ lại giữa hai lông mày, chồng chất đan xen vào nhau, rã rời rầu rĩ.
Tai đau nhức đột ngột, như sét đánh không kịp bưng tai, không biết rốt cuộc là đã xảy ra chuyện gì? Mọi kiểm tra và điều trị đều không có tiến triển, hoặc cũng có thể nói là càng thêm nghiêm trọng hơn, không biết phải làm thế nào mới tốt đây? Vì vậy, bà bị mất ngủ, cả đêm bất an.
Tôi nói với bà cần phải trực tiếp châm cứu điều trị, bà có chút do dự, vì bà chưa từng châm cứu. Tôi an ủi rằng: “Đau khi thực hiện châm cứu cũng không thể đau bằng lỗ tai của chị đau nhức đâu!” Đã đến nông nỗi này rồi, bà không thể làm khác hơn là đồng ý châm cứu.
Điều trị bằng châm cứu
Bà đã bị đau nhức tai hành hạ trong hai tháng, cũng bị thuốc kháng sinh làm hao tổn nguyên khí, tuổi tác ngoài 60, dương khí dần suy, trước tiên cần phải bồi bổ dương khí, châm huyệt Bạch Hội, cũng là chuẩn bị cho những lần châm gây đau mạnh hơn tiếp theo.
Không thông ắt sẽ gây ra đau, cho dù là phong hàn, thử thấp, táo tà, đều gây ra tắc nghẽn, hoặc các kinh mạch xung quanh tai không thông gây ra khí trệ huyết ứ, hoặc do mất cân bằng năng lượng ở huyệt vị. Trước tiên châm một vòng xung quanh lỗ tai, lại châm đỉnh tai và dái tai, tốt nhất là có thể châm chảy một chút máu.
Sau khi châm xong, tôi để cho bà tạm nghỉ một lát, đối với phương pháp châm này bà có chút căng thẳng, tuy nhiên sau khi thi châm xong, giữa hai đầu lông mày của bà đã buông lỏng ra một chút, nhưng lỗ tai vẫn đau nhức. Bà nhìn tôi chăm chú, không biết bà đang suy nghĩ điều gì?
Nhân lúc tạm nghỉ, tôi nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân gây đau tai, thường gặp là đau ở ống tai ngoài, thường đi kèm với tiết ra dịch mủ, ấn lên tai có cảm giác đau, sưng tấy. Thế nhưng tai của bà không có dịch mủ tiết ra, hiện tại chỉ có cảm giác đau, không có cảm giác sưng trướng.
Viêm amidan, viêm họng, đau do u sưng ở cổ họng sẽ truyền qua thần kinh phản xạ của lưỡi đến tai, dẫn đến đau tai. Tôi nhanh chóng kiểm tra amidan, cổ họng của bà, nhưng không phát hiện ra khối u sưng. Sau đó, tôi yêu cầu bà nuốt nước miếng, may mắn là họng của bà không sưng đau.
Răng bị sâu, viêm tuyến nước bọt, viêm khớp thái dương hàm, cũng sẽ phản xạ gây ra đau tai. Tôi kiểm tra tuyến nước bọt, khớp thái dương hàm của bà nhưng không phát hiện bất thường, bà cho biết bản thân không hề bị sâu răng.
Sau khi kiểm tra sơ bộ các nguyên nhân gây đau, cũng không tìm thấy bất kỳ manh mối nào, việc cấp bách trước mắt là tôi cần phải loại trừ chứng đau tai cấp. Châm mạnh các huyệt Nhĩ Môn, Thính Cung, Thính Hội, nhanh chóng cắm xuyên về sau, lại từ huyệt Nhĩ Môn xuyên thẳng đến huyệt Thính Cung, huyệt Thính Hội, một châm ba huyệt, lại châm mạnh vào huyệt Trung Chữ.
Các cơ vùng đầu, cổ và lưng bị căng quá mức cũng có thể gây ra đau tai, châm các huyệt Giác Tôn, Ế Phong. Tinh thần và cảm xúc dao động quá mức cũng có thể gây đau chức năng trong tai, châm huyệt Hợp Cốc, huyệt Thái Trùng. Bệnh phát đột ngột, phần lớn có liên quan đến phong tà, châm huyệt Phong Trì, Khúc Trì.
Màu sắc vành tai của bà hơi tối, còn pha chút màu xanh, cho thấy thận khí kém, thận lại khai khiếu ở tai, cần bổ thận, tiến hành châm huyệt Thái Khê. Tôi đã châm hết các tình huống có thể gây bệnh.
Trong lúc đang châm cứu, bệnh nhân che mặt khóc, nước mắt ướt đẫm cả khuôn mặt. Tôi nghĩ rằng là do quá đau khi châm cứu mạnh cộng với đau nhức ở tai khiến bà chịu không nổi. Tôi cầm tay bà và hỏi: “Bà có ổn không? Thật xin lỗi!”
Bà nức nở nói: “Lỗ tai của tôi đau nhức, ấy vậy mà cứ như thế đã biến mất, tôi khóc là vì quá mừng!” Bà nhớ lại những đau đớn giày vò trong suốt hai tháng qua, nhất thời trăm mối cảm xúc đan xen, tất cả đau khổ trong lòng nhất thời dâng trào, bà lại khóc thêm một lúc nữa. Tôi vẫn đứng bên cạnh bà, cầm khăn giấy giúp bà lau nước mắt, lau đi những giọt nước mắt đau thương ấy.
Mỗi người đều có con đường đi của riêng của mình, không ai có thể thay thế được.
Châm cứu xong, tai của bà đã không còn đau nữa, cũng không cần uống thuốc, cứ như thế bà vui vẻ ra về.
(Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách “Cửu Cửu Quy Chân – Thượng Thiện Nhược Thủy” của bác sĩ Trung y Ôn Tần Dung, do Nhà xuất bản Bác Đại – Đài Loan ấn hành).