Carbohydrate có thực sự xấu?
Carbohydrate bị mang tiếng xấu mặc dù vẫn là thành phần chính trong chế độ ăn uống của chúng ta.
Về mặt dinh dưỡng, carbohydrate thường không khác gì mấy so với đường, và trong chế độ ăn kiêng hiện tại, đường có nghĩa là xấu.
Nhưng liệu điều này có đúng không?
Không hẳn vậy. Mặc dù carbohydrate bao gồm đường, tinh bột và chất xơ (chủ yếu là đường), nhưng chúng không hề xấu. Bạn có thể tin hoặc không nhưng không phải tất cả đường đều xấu. Trên thực tế, cơ thể bạn cần đường để hoạt động. Glucose (đường dự trữ) là nguồn năng lượng ưa thích của cơ thể. Đường cho phép cơ bắp và các cơ quan trong cơ thể thực hiện chức năng của chúng.
Giống như những thứ khác, carbohydrate có thể là nguồn năng lượng mang cả hai đặc điểm tốt và xấu, điều này phụ thuộc vào liều lượng và nguồn gốc. Nếu bạn ăn quá nhiều và sử dụng nguồn cung cấp không đúng, carbohydrate có thể gây ra những tác động nghiêm trọng như tăng cân, các vấn đề về tim mạch, bệnh tiểu đường loại 2, bệnh gan, v.v.
Vây, làm thế nào để bạn phân biệt được đâu là tốt, đâu là xấu?
Điều này khá đơn giản.
Nếu có nguồn gốc từ các thực phẩm tự nhiên, chẳng hạn như trái cây, rau, ngũ cốc hoặc sữa, thì đó là loại carbohydrate chất lượng cao.
Nếu được đóng trong hộp hoặc gói nhựa, đặc biệt là ở dạng thêm đường hoặc ngũ cốc chế biến sẵn, thì carbohydrate loại này có thể gây nguy hiểm [với sức khỏe], bao gồm hầu hết đồ ăn nhẹ, nước ngọt, thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến khác như bánh mì trắng.
Trái cây, rau, sữa và ngũ cốc đều có đường tự nhiên nhưng ở liều lượng thấp và kèm theo một loạt các chất dinh dưỡng khác. Trái cây, rau và hầu hết các loại ngũ cốc cũng chứa chất xơ có tác dụng đối với quá trình hấp thụ đường. Điều này nghĩa là lượng đường trong máu sẽ không bị tăng đột ngột.
Sữa có thể là một vấn đề phức tạp. Sữa có chứa lactose, một loại đường tự nhiên, nói chung với số lượng thấp. Nhưng sữa chua có hương vị được thêm đường, khiến chúng giống như đồ ăn vặt hơn là một món ăn nhẹ lành mạnh. Vì vậy, khi nói đến sữa chua, bạn không nên thêm đường mà thay bằng trái cây để có một chút vị ngọt và carbohydrate chất lượng cao.
Nước ép trái cây cũng có thể gây nhầm lẫn. Chúng được làm từ trái cây, nhưng có thể có nồng độ đường rất cao mà không có chất xơ đóng vai trò như một chất đệm [không làm đường máu tăng đột ngột]. Thay vì uống trái cây dưới dạng nước ép, hãy ăn cả quả hoặc xay nhuyễn thành sinh tố.
Hãy xem các thành phần của thực phẩm đóng gói. Khi thấy các cụm từ kết thúc bằng “ose”, bao gồm cả xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, bạn gần như có thể chắc chắn rằng đó là một loại carbohydrate không tốt.
Mặt khác, một loại carbohydrate tốt sẽ có trong thực phẩm ở khu sản xuất và không được đóng gói. Hơn nữa, nếu là ngũ cốc màu nâu, thì có thể đó là một loại carbohydrate tốt.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times