Sâu trong một khu rừng già ở Cambodia, các “tu sĩ sinh thái” Phật Giáo bọc các thân cây bằng áo cà sa màu nghệ tây trước khi làm lễ quy y cho các cây này theo tín ngưỡng Phật Giáo.
Nghi thức này là một thí dụ cho “hoạt động bảo vệ rừng” đã lan sang Cambodia sau khi các nhà sư Thái Lan bắt đầu làm lễ quy y cho cây cối để chúng trở thành một nhà sư mới vào những năm 1990.
Cây cối được xuất gia trở nên linh thiêng và được bảo vệ khỏi việc khai thác trái phép vì việc làm hại một tu sĩ xuất gia là điều cấm kỵ trong Phật Giáo.
Việc thừa nhận rằng tôn giáo có thể là một công cụ đầy quyền lực khi được áp dụng để rao giảng câu chuyện về hiện tượng nóng lên toàn cầu đã thu hút được sự chú ý tại Liên Hiệp Quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), nơi mà đức tin lâu nay được tránh đề cập đến.
Các cơ quan theo chủ nghĩa toàn cầu hóa hiện đang hoan nghênh sự giúp đỡ từ các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc chống biến đổi khí hậu, một trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc cho năm 2030.
Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo tôn giáo đang lo lắng trước sự tham gia của các nhà đồng cấp của họ vào cuộc tranh luận về khí hậu.
Ông Robert Jeffress, mục sư của Nhà thờ First Baptist ở Dallas, nói với The Epoch Times: “Tôi nghĩ đây là một nghị trình nguy hiểm, và nghị trình này ngăn cản giáo hội thực hiện sứ mệnh chính của mình, đó là thuyết phục mọi người tin vào Chúa Jesus Kitô.”
“Chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến những gì Chúa nghĩ.”
Liên Hiệp Quốc dự đoán sự diệt vong sẽ đến nếu không thực hiện hành động khẩn cấp nào để cứu trái đất khỏi thảm họa do nước biển dâng cao cũng như thời tiết khắc nghiệt do hiện tượng nóng lên toàn cầu gây ra, mặc dù bằng chứng khoa học vẫn còn gây tranh cãi.
Mục tiêu khí hậu năm 2030 của Liên Hiệp Quốc kêu gọi giảm 42% lượng phát thải khí nhà kính một cách “sâu rộng, nhanh chóng, và bền vững,” và Liên Hiệp Quốc đang hướng tới mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Cơ quan này dự đoán rằng nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng hơn 1.5 độ C vào năm 2035.
‘Đóng đinh’ nhiên liệu hóa thạch
Trong dự đoán của Hội nghị Khí hậu Paris của Liên Hiệp Quốc vào năm 2015, các tổ chức Phật Giáo, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, và Thiên Chúa Giáo đã phát đi các tuyên bố về tình trạng biến đổi khí hậu, đánh dấu một bước ngoặt trong sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo đức tin đối với nghị trình về khí hậu toàn cầu.
Liên Hiệp Quốc đã báo trước tin tức về bức thư của Giáo hoàng Francis về biến đổi khí hậu vào năm đó tới tất cả các giám mục Công Giáo La Mã, có nhan đề Laudato Si.
Nhà lãnh đạo tinh thần của 1.36 tỷ tín đồ Công Giáo này đã góp sức đáng kể để cứu hành tinh này, đồng thời kêu than rằng vấn đề suy thoái môi trường đang gây tổn hại cho những công dân nghèo nhất thế giới.
Giáo hoàng Francis viết: “Tôi khẩn thiết kêu gọi một cuộc đối thoại mới về việc chúng ta đang định hình tương lai của hành tinh chúng ta ra sao.”
Và mặc dù Giáo hoàng Francis không thể tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP28 của Liên Hiệp Quốc năm nay tại Dubai, thuộc Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, nhưng ngài đã gửi thông điệp đến lễ khánh thành [dự án] Faith Pavilion đầu tiên tại sự kiện này, nhấn mạnh trách nhiệm của các nhà lãnh đạo tôn giáo trong việc chăm nom hành tinh này.
Nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo đã cùng với các quan chức Liên Hiệp Quốc yêu cầu các tổ chức tài chính ngừng tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.
Các nhà lãnh đạo của Hội đồng Giáo hội Thế giới, Hội đồng Trưởng lão Hồi Giáo, và Hội đồng Giáo sĩ New York đã đưa ra các tuyên bố vào năm 2021 và 2022 nói rằng các ngân hàng, quỹ hưu trí, và các công ty bảo hiểm có “mệnh lệnh đạo đức” phải ngừng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Họ đã gây áp lực buộc các tổ chức tài chính phải đầu tư vào cái gọi là năng lượng tái tạo vì “trẻ em và các thế hệ sự sống tương lai trên trái đất.”
Ông Michael O’Fallon là người sáng lập ra Sovereign Nations, một trang web truyền thông chuyên bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Ông đã trò chuyện với The Epoch Times về những gì ông xem là một diễn biến nham hiểm.
Ông cho biết rằng nghị trình về biến đổi khí hậu là một phần trong nhiệm vụ của Liên Hiệp Quốc và Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) nhằm thống trị năng lượng và sự thịnh vượng của thế giới.
“Điều này sẽ bao trùm tất cả. Nghị trình này sẽ thay đổi mọi thứ trừ phi chúng ta ngăn chặn hoàn toàn,” ông O’Fallon cảnh báo.
Như một bằng chứng cho trật tự thế giới mới, ông đề cập đến Terra Carta, một tài liệu về quyền của con người và hành tinh được mô phỏng theo Magna Carta (Đại Hiến Chương) có 808 năm tuổi đời.
Đại Hiến Chương Terra Carta năm 2021 là một phần trong kế hoạch thị trường bền vững do Vua Charles của Anh quốc, người đứng đầu Giáo hội Anh, khởi xướng,
Theo chỉ thị của văn kiện này, “thiên nhiên” phải được trao “các quyền và giá trị căn bản” để bảo đảm cho di sản lâu dài và hữu hình cho thế hệ này.
Ngay cả các nhóm Cơ Đốc Giáo theo phái bảo tồn truyền thống khác, chẳng hạn như Hiệp hội Phúc âm Quốc gia (NAE), cũng đã tham gia phong trào môi trường.
Những tín đồ Cơ Đốc Giáo tin vào việc đi theo bước chân của Chúa Jesus bằng cách giúp đỡ người nghèo và yếu thế — vốn bị những người theo chủ nghĩa toàn cầu hóa cho rằng sẽ phải chịu khốn khổ nhiều nhất do tình trạng biến đổi khí hậu.
Chủ tịch NAE Walter Kim cho biết trong một tuyên bố hồi năm 2022: “Chúng tôi mong muốn giải quyết những vấn đề phức tạp của thời đại chúng ta, trong đó có các vấn đề như biến đổi khí hậu, với sự rõ ràng trong Kinh Thánh và tình yêu sâu sắc vốn phản ánh lòng bác ái của Thiên Chúa dành cho thế giới này, đặc biệt là đối với những người ít có khả năng tận hưởng những phước lành.”
Tuy nhiên ông Jeffress cho biết ông không tin vào những gì Liên Hiệp Quốc đang rao giảng.
“Xem này, hãy nói cho rõ rằng Chúa Jesus Kitô là người đặt ra nghị trình cho nhà thờ chứ không phải Liên Hiệp Quốc,” ông Jeffress nói.
“Và việc các nhà thờ chấp nhận tuyên bố về mục đích và chính nghĩa của Liên Hiệp Quốc thực sự là nhà thờ đang bán chính mình, cho phép một tổ chức bên ngoài lợi dụng mình.”
Ông nói rằng khái niệm về các quốc gia có trong Kinh thánh, có nghĩa là một chính phủ toàn cầu không nằm trong kế hoạch của Chúa.
Trong cuốn sách mới của ông có nhan đề “Are We Living in the End Times?” (“Có Phải Chúng Ta Đang Sống Ở Thời Kỳ Cuối Cùng Không?” được phát hành trong tháng này, ông Jeffress nói rằng mọi người cần phải nhận thức được về mặt chính trị và tinh thần những gì đang xảy ra. Vị mục sư Southern Baptist này được biết đến là cố vấn tinh thần cho cựu Tổng thống Donald Trump.
Cái gọi là tình trạng khẩn cấp về khí hậu đã kích động các nhà hoạt động môi trường đến từ tổ chức GreenFaith và tổ chức Interfaith Power and Light tiến hành các cuộc biểu tình và gây rối.
Năm ngoái, GreenFaith đã tổ chức một cuộc biểu tình tại địa điểm của BlackRock ở New York, dẫn đến các vụ bắt giữ sau khi những người biểu tình cảnh báo đại công ty đầu tư này hãy ngừng “hủy hoại trái đất” qua việc đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.
Một phần của lời kêu gọi toàn cầu ngăn chặn cái gọi là biến đổi khí hậu là ý tưởng cho rằng người nghèo trên thế giới sẽ phải chịu đựng nhiều nhất do hạn hán và lũ lụt trên diện rộng.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng phép chữa trị theo chủ nghĩa toàn cầu hóa còn tệ hơn nhiều so với tình huống biến đổi khí hậu mà một số khoa học gia tranh cãi. Và họ nói rằng họ không lấy làm ngạc nhiên khi Liên Hiệp Quốc đang đưa tôn giáo vào chiến dịch gây áp lực của mình.
Mùa hè này, tổ chức độc lập Climate Intelligence (CLINTEL) đưa ra một tuyên bố rằng không có tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Tính đến hôm 01/12, gần 2,000 khoa học gia và chuyên gia từ khoảng 60 quốc gia ký đã ký vào tuyên bố này.
“Sự cuồng loạn xung quanh chủ đề này là hoàn toàn vô căn cứ. ‘Phép chữa trị’ — loại bỏ nhiên liệu hóa thạch càng sớm càng tốt và thay thế bằng năng lượng tái tạo — có thể còn tệ hơn cả ‘căn bệnh,’” thành viên sáng lập của CLINTEL Marcel Crok nói với The Epoch Times trong một cuộc phỏng vấn trước đó.
Có thể thấy kế hoạch khai thác sức mạnh tôn giáo của Liên Hiệp Quốc trong Kế hoạch Khuôn khổ Đa dạng sinh học Toàn cầu Côn Minh-Montreal, vốn là một hiệp ước giữa các quốc gia được phát triển hồi năm 2022 để cứu lấy tài nguyên thiên nhiên và các loài có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu.
Theo Liên Hiệp Quốc, “phạm vi tiếp cận và ảnh hưởng khá lớn của các nhóm tôn giáo và tín ngưỡng khiến họ trở thành những cử tri quan trọng và tự nhiên” để đạt được các mục tiêu đầy tham vọng của mình.
Một cuộc họp tương tự của Công ước Khuôn khổ về Biến đổi Khí hậu năm 2022 đã kêu gọi các nước giàu có như Hoa Kỳ bồi thường cho các nước nghèo hơn vì “tổn thất và thiệt hại” do biến đổi khí hậu gây ra.
Tương tự như vậy, năm 2016, Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố một báo cáo có tiêu đề “Vai trò của đức tin trong những thách thức mang tính hệ thống toàn cầu,” trong đó có một phần tuyên bố rằng không thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu nếu không có tôn giáo.
Ông Klaus Schwab, người sáng lập và là chủ tịch điều hành WEF, nói với Hội đồng Nghị trình Toàn cầu rằng các giá trị không thể được biện minh chỉ bằng lập luận trí thức, mà đây là lý do tại sao phải có sự tham gia của đức tin, theo báo cáo này.
Báo cáo nêu rõ rằng tôn giáo mang đến một lập trường đạo đức có thể giúp “hợp pháp hóa mục đích.”
“Cần thiết phải tạo ra những câu chuyện về hy vọng và khả năng,” báo cáo viết. “Các truyền thống tôn giáo có nhiều kinh nghiệm về kết hợp những quan điểm trong ngắn hạn với quan điểm trong dài hạn và những câu chuyện hấp dẫn.”
Tiếp sức cho sự thịnh vượng
Bà Diana Furchtgott-Roth là giám đốc phụ trách năng lượng, khí hậu, và môi trường của Quỹ Di sản, và là giáo sư thỉnh giảng về kinh tế tại Đại học George Washington.
Bà Furchtgott-Roth nói với The Epoch Times rằng bà không ngạc nhiên khi các tổ chức quốc tế đang sử dụng tôn giáo để thuyết phục giai tầng lao động rằng họ phải hy sinh để bảo vệ hành tinh này.
“Tôi nghĩ rằng các nhà môi trường học sử dụng bất kỳ phương pháp nào có thể để thúc đẩy nghị trình của họ vì nghị trình của họ dẫn đến giá điện đắt hơn và giá vận chuyển đắt hơn,” bà nhận định.
Theo bà Furchtgott-Roth, những ‘môn đồ’ của nghị trình về khí hậu dường như không hiểu rằng năng lượng tái tạo ít an toàn hơn và đắt hơn, cũng có nghĩa là sẽ hạ thấp mức sống của giai tầng trung lưu.
Bà nói rằng các nhà lãnh đạo tôn giáo có thể có thiện chí, nhưng họ cần nhận ra rằng nguồn năng lượng dồi dào, rẻ tiền là một lý do dẫn đến tình trạng di cư ồ ạt sang các nước phương Tây.
Bà Furchtgott-Roth cho biết ở Mỹ Latinh và châu Phi có ít năng lượng để dùng hơn, đồng nghĩa với việc cuộc sống của người nghèo trở nên khó khăn hơn.
“Nhiều năng lượng hơn sẽ thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại, thành tựu của nhân loại. Quý vị không cần phải xách những xô nước,” bà nói. “Quý vị không cần phải thắp nến hay nấu ăn bằng củi và phân.”
Và việc hạn chế nhiên liệu hóa thạch có thể gây ra tình trạng thiếu lương thực mà một số nhà lãnh đạo tôn giáo lo ngại sẽ là hậu quả của biến đổi khí hậu.
Chi phí nhiên liệu tăng đã ảnh hưởng đến giá cả thực phẩm.
Cơ quan Tình báo Hàng hóa Độc lập, chuyên phân tích thị trường, hồi tháng Chín đã dự đoán rằng giá thực phẩm sẽ tiếp tục tăng do chi phí năng lượng và phân bón tăng.
Bà Furchtgott-Roth dẫn ra lệnh cấm bất ngờ của Sri Lanka vào tháng 4/2021 đối với phân bón tổng hợp và thuốc trừ sâu trong sản xuất thực phẩm.
Tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021, Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa tự hào vạch ra bước đi hướng tới nông nghiệp hữu cơ của đất nước ông.
Một năm sau, mùa màng bị tàn phá và hàng ngàn người Sri Lanka đối mặt với nạn đói đã xông vào dinh tổng thống, buộc Tổng thống Rajapaksa phải từ chức.
“Vì vậy, chúng tôi có những thử nghiệm thực tế về việc cố gắng phát triển nông nghiệp mà không cần nhiên liệu hóa thạch,” bà Furchtgott-Roth cho hay.
Những nhà lãnh đạo tôn giáo nào lo ngại rằng biến đổi khí hậu sẽ gây hại cho người nghèo thì nên hiểu rằng điện và giao thông đắt đỏ cũng gây tổn hại cho người nghèo như vậy.