Các chuyên gia y tế khuyến nghị thay đổi lối sống để điều trị bệnh tiểu đường
Tiểu đường là một trong những căn bệnh khó chữa nhất, nhưng nếu người bệnh có thể áp dụng các phương pháp kiểm soát lượng đường máu thích hợp, bệnh có thể không nghiêm trọng đến mức ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường và thậm chí có thể chữa khỏi, một chuyên gia y tế Đài Loan gợi ý.
Tiến sĩ Yu Neng-chun, bác sĩ chuyên khoa nội tiết và chuyển hóa, đồng thời là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Hiệp hội Giáo dục Sức khỏe bệnh tiểu đường ở Đài Loan, cho biết trên kênh Everyday Health rằng bệnh tiểu đường được phân thành hai loại.
- Bệnh tiểu đường type 1 là do phản ứng tự miễn dịch tấn công nhầm vào các tế bào tạo ra insulin, khiến tuyến tụy hoàn toàn hoặc gần như không thể sản xuất insulin.
- Bệnh tiểu đường type 2 là khi cơ thể có thể tiết ra insulin nhưng không thể sử dụng đúng cách, dẫn đến lượng đường trong máu cao bất thường.
Bệnh nhân tiểu đường không thể chuyển hóa glucose (đường) do bất thường trong quá trình tiết insulin, khiến tế bào không sử dụng được glucose, dẫn đến tích tụ glucose trong máu. Điều này khiến glucose trong máu tăng cao, thậm chí thải ra ngoài qua đường nước tiểu.
Thông thường, bệnh nhân tiểu đường cần tiêm insulin để kích thích tế bào gan và tế bào cơ chuyển hóa glucose thành glycogen, từ đó làm giảm lượng đường trong máu. Nhưng theo Tiến sĩ Song Yan-ren, cựu Phó Giám đốc Sở Y tế Đài Loan, phương pháp điều trị này chỉ buộc các tế bào phải tích trữ đường.
Tiến sĩ Song cho biết trên kênh YouTube của mình, sử dụng nhiều insulin hơn có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn khiến bệnh nhân phụ thuộc vào thuốc.
Ông nói, cách đúng đắn giúp cơ thể sử dụng đường hiệu quả là bắt đầu với những thay đổi trong cách ăn uống, tập thể dục và cải thiện thói quen sống.
Tiến sĩ Yu cũng cho biết, bệnh tiểu đường type 2 liên quan nhiều hơn đến lối sống, cách ăn uống, thói quen sinh hoạt hàng ngày và sự trao đổi chất của cơ thể. Vì vậy, bệnh tiểu đường có thể được ngăn ngừa và điều trị thông qua cải thiện lối sống, cách ăn uống, và tập thể dục.
Sáu cách hữu ích trong việc ngăn ngừa bệnh tiểu đường bao gồm: duy trì cân nặng hợp lý, tiêu thụ lượng đường thích hợp, tập thể dục thường xuyên, giữ tâm trạng lạc quan, kiểm tra sức khỏe và tránh hành vi ít vận động, Tiến sĩ Yu gợi ý.
Điều chỉnh thói quen ăn uống đóng một vai trò tích cực trong việc ổn định và thuyên giảm lượng đường trong máu. Nên ưu tiên protein và rau, cũng như chuyển từ ăn cơm với rau sang “ăn rau với cơm” để thay đổi thói quen ăn uống một cách hiệu quả và cảm thấy no hơn.
Tiến sĩ Yu cho biết, bạn nên tập thể dục 30 phút đến 2 giờ sau bữa ăn, hay thậm chí chỉ cần 10 phút đi bộ hoặc leo cầu thang. Vì tập thể dục sau ăn sẽ ưu tiên sử dụng lượng đường do thức ăn tạo ra, từ đó tránh làm tăng đường máu đột biến sau ăn.
Ông cảnh báo rằng ngoài ba bữa ăn bình thường hàng ngày, bệnh nhân cần kiêng thói quen ăn vặt – đặc biệt là vào ban đêm – và tránh uống rượu hoặc đồ uống có đường, vì điều này sẽ khiến lượng đường trong máu tăng lên cao hơn.
Các chuyên gia y tế tin rằng dù là bệnh tiểu đường type 1 hay type 2, miễn là bệnh nhân có thể ổn định lượng đường máu, họ sẽ có thể sống một cuộc sống bình thường và thậm chí tham gia vào các cuộc thi thể thao. Ví dụ, vận động viên Hồng Kông Henry Wong, một bệnh nhân tiểu đường type 1 và là một vận động viên chạy đường dài xuất sắc, đã hoàn thành các cuộc đua 103km, 56km và 33km trong cuộc đua marathon 100 Hồng Kông vào đầu năm nay để giành giải Grand Slam.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times