Cà chua: Nguồn chống oxy hóa dồi dào cho tim, da và dạ dày
Cà chua thuộc họ cà (Solanaceae), được trồng ở khắp nơi trên thế giới. Với màu sắc tươi sáng và vị ngọt khi chín mọng, cà chua có thể ăn sống như một loại trái cây hoặc chế biến thành các món ăn thơm ngon.
Cà chua không chỉ có hương vị thơm ngon mà còn có giá trị dinh dưỡng cao. Cà chua giàu vitamin, khoáng chất, chất xơ, protein, các acid amin thiết yếu, acid béo không bão hòa đơn, carotenoid, phytosterol,… Đây quả là một nguồn cung cấp dinh dưỡng và hợp chất hoạt tính sinh học tuyệt vời cho cơ thể.
Sau đây, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những công dụng chính của cà chua và cách chế biến cà chua tốt nhất cho sức khỏe.
Cà chua dưỡng tâm
Lý thuyết của Trung Y tin rằng ngũ sắc và ngũ vị của thực phẩm tương ứng với ngũ tạng của cơ thể con người. Trong chương 10 của cuốn sách cổ “Hoàng đế Nội kinh: Rối loạn chức năng của ngũ tạng” viết rằng: “Ngũ sắc và ngũ vị có liên quan với ngũ tạng. Sắc trắng và vị cay vào phế (dạ dày), sắc đỏ và vị đắng vào tâm (tim), sắc xanh và vị chua vào can (gan), sắc vàng và vị ngọt vào tỳ (lá lách), sắc đen và vị mặn vào thận.”
“Sắc đỏ và vị đắng vào tâm” có nghĩa là thức ăn màu đỏ và đắng có tác dụng bổ tâm.
Nếu cắt ngang trái cà chua, chúng ta có thể thấy rằng trái cà có bốn ngăn chứa đầy chất lỏng tương tự như các tâm thất của tim. Dân gian Trung Hoa có câu: “Dĩ hình bổ hình.” Cà chua tương tự như trái tim cả về màu sắc và hình dạng.
Những dưỡng chất nào trong cà chua tốt cho tim mạch? Đó chính là lycopene, một loại carotenoid đỏ, có chức năng chống oxy hóa mạnh giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch. Các nghiên cứu trong những năm gần đây đã phát hiện ra rằng khả năng chống oxy hóa của lycopene gấp đôi so với beta-carotene và gấp 10 lần so với vitamin E.
Cà chua càng đỏ thì hàm lượng lycopene càng cao. Cà chua chín ở nhiệt độ phòng sẽ chứa nhiều lycopene hơn cà chua được bảo quản trong tủ lạnh. Các dưỡng chất thông thường dễ bị phá hủy bởi nhiệt trong quá trình nấu nướng, nhưng lycopene tan trong chất béo thì khác. Sau khi nấu bằng chất béo, tỷ lệ hấp thụ lycopene có thể tăng gấp 2 đến 3 lần. Tuy nhiên, khi lycopene tiếp xúc với không khí sẽ rất dễ bị oxy hóa, vì vậy dù là cà chua đã nấu chín hay nước ép cà chua đã mở nắp thì nên ăn ngay để hấp thụ dưỡng chất tối ưu.
Vào tháng 04/2018, một báo cáo nghiên cứu được công bố trên Tập san Journal of Functional Foods (Thực phẩm Chức năng), phát hiện ra rằng cà chua nấu chín có thể giúp probiotic tránh bị phân hủy bởi acid dạ dày, từ đó làm tăng đáng kể sức khỏe đường ruột. Nói một cách đơn giản hơn, cà chua giúp lợi khuẩn đi qua dạ dày đến ruột kết để thực hiện quá trình trao đổi chất trong hệ vi sinh vật. Nấu chín cà chua cũng phóng thích nhiều chất chống oxy hóa hơn, bao gồm cả lycopene.
Dưỡng mắt và bảo vệ da
Ngoài lycopene, cà chua còn chứa nhiều chất chống oxy hóa, chẳng hạn như beta-carotene, vitamin C, lutein và phenol, có thể giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng do tuổi tác và các bệnh về mắt khác. Cà chua cũng có thể làm giảm các triệu chứng mãn kinh như lo lắng, bốc hỏa và khó chịu một cách hiệu quả.
Cà chua rất tốt cho sức khỏe của làn da. Ăn cà chua có thể ngăn ngừa cháy nắng, do đó có thể làm giảm sự xuất hiện của các vết sạm da về sau này.
Dữ liệu lâm sàng ở người cũng cho thấy rằng việc tiêu thụ bột cà chua thường xuyên có thể làm giảm ban đỏ da do tia cực tím.
Cà chua bảo vệ khớp xương và thanh nhiệt
Ăn sống cà chua như một loại trái cây sẽ có tác dụng kích thích lưu thông dịch cơ thể và làm dịu cơn khát. Dịch cơ thể rất quan trọng vì có vai trò giúp giữ ẩm cho da, làm ẩm màng nhầy và cung cấp chất dinh dưỡng cho các cơ quan nội tạng. Dịch trong bao hoạt dịch tại khớp có chức năng bôi trơn các khớp và duy trì tính linh hoạt của khớp.
Theo Trung Y, tính khí nóng nảy (trong lòng bứt rứt khó chịu) gây mất nước nhanh, dẫn đến cảm giác khô miệng, trằn trọc, ngủ không ngon, mệt mỏi. Lúc này có thể ăn sống cà chua để giúp thanh nhiệt bằng cách nhai cà chua thành nước rồi ngậm trong 3 đến 5 phút rồi nuốt. Thực hiện như vậy nhiều lần có thể cải thiện nhiều các loại khó chịu do tức giận gây ra.
Vào mùa hè, thay trà nóng bằng nước cà chua có thể ngăn ngừa say nắng.
Cà chua giúp bổ vị và cải thiện cảm giác chán ăn
Đại diện của y học cổ đại Trung Hoa bao gồm Tứ đại danh sư thời nhà Tấn và nhà Nguyên, trong đó có một vị là Lý Đông Viên. Ông là người sáng lập ra “thuyết tỳ vị” của y học Trung Hoa. Trong cuốn sách “Luận về tỳ vị”, ông chỉ ra rằng “tổn thương tỳ vị có thể khiến mọi bệnh tật phát sinh.”
Tỳ nằm ở trung tâm của bụng, có tác dụng vận chuyển dinh dưỡng tới can, tâm, phế, thận – “tứ phủ của nam, tây, bắc, đông.”
Cà chua làm tăng cảm giác thèm ăn, vì vậy rất tốt đối với tỳ vị.
Người tỳ vị hư nhược dễ bị thiếu khí, huyết (khí là một loại năng lượng quan trọng cho sự sống), từ đó làm ảnh hưởng đến gan. Trung Y tin rằng “gan khai khiếu ra mắt,” nếu chức năng gan yếu, mắt sẽ mỏi, nhìn vật không rõ.
Nghiên cứu y học hiện đại đã phát hiện ra rằng gan và mắt được kết nối thông qua một vài con đường sinh hóa khác nhau, bao gồm việc điều hòa sắt, hepatokine, và glutathione.
Món sườn heo hầm cà chua
Nếu bạn dễ bị mỏi mắt khiến thị lực suy giảm, đồng thời nghi ngờ gan của mình bị yếu, thì Trung Y khuyên dùng một món ăn thơm ngon là cà chua hầm sườn heo.
Cách làm món “Sườn heo hầm cà chua”:
Dùng 250g sườn heo chặt thành miếng nhỏ, thêm 500ml nước, hầm trên lửa nhỏ cho đến khi sườn mềm khoảng 80%, sau đó cho vào khoảng 150g cà chua thái lát, gừng thái lát và muối. Hầm cho đến khi sườn mềm hoàn toàn, có thể nêm thêm tiêu cho vừa miệng, ăn 1-2 lần khi còn nóng.
Một số lưu ý khi ăn cà chua
Khánh Nam biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times