Bộ Y tế Virginia: Bệnh giang mai ở trẻ em đang ở mức cao nhất trong ba thập niên
Virginia, cùng với nhiều tiểu bang khác, đang chứng kiến sự gia tăng đáng báo động của các ca bệnh giang mai bẩm sinh (CS). Bộ Y tế Virginia đã báo cáo số lượng các ca CS vào năm 2021 là cao nhất trong hơn ba thập niên.
Trong một lá thư gửi cho các đồng nghiệp của mình, bà Oana Vasiliu, Giám đốc phòng ngừa và giám sát bệnh lây truyền qua đường tình dục của Bộ Y tế Virginia, cho biết tỷ lệ giang mai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại tiểu bang Virginia đã gia tăng và đang thúc đẩy sự gia tăng của các ca bệnh ở trẻ sơ sinh, với mức cao kỷ lục là 20 ca CS ở trẻ sơ sinh vào năm 2022.
Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn thường lây truyền qua các vết loét trên da. Tuy nhiên, phụ nữ mang thai có thể truyền bệnh cho thai nhi. Khi em bé bị nhiễm bệnh trước khi sinh, thì được gọi là bệnh giang mai bẩm sinh (CS).
Báo cáo của CDC nêu rõ, “Tỷ lệ giang mai bẩm sinh quốc gia là 57.3 ca trên 100,000 trẻ sinh sống vào năm 2020, tăng 15% so với năm 2019 và 254% so với năm 2016.”
Trước khi sinh, CS có thể gây sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc tử vong ngay sau khi sinh. Sau khi sinh, CS có thể gây biến dạng xương, thiếu máu trầm trọng, gan và lách to, vàng da, các vấn đề về não và thần kinh như mù hoặc điếc, viêm màng não, và phát ban ở da.
Nếu không được điều trị, tình trạng nhiễm trùng sẽ tiến triển qua nhiều giai đoạn. Vi khuẩn có thể nằm im trong cơ thể trong nhiều năm hoặc thậm chí nhiều thập niên, thậm chí còn gây hại hơn ở các giai đoạn sau này, đôi khi tấn công lên não, các dây thần kinh, mắt và các cơ quan khác.
Các tiểu bang khác bao gồm Texas và Mississippi cũng đã chứng kiến sự gia tăng đáng báo động về CS. Mississippi chứng kiến số ca CS tăng gấp 9 lần trong 6 năm qua.
Tiến sĩ Thomas Dobbs, trưởng khoa Sức khỏe Dân số John D. Bower tại Trung tâm Y tế Đại học Mississippi cho biết: “Mississippi đang trải qua sự gia tăng đáng sợ về bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai và do đó, trẻ sơ sinh cũng mắc bệnh này. Đây là một căn bệnh rất nguy hiểm dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, và khả năng tử vong cho người mẹ khoảng 40% nếu người mẹ bị bệnh giang mai trong thời kỳ mang thai, tùy vào giai đoạn bệnh của người mẹ.”
Một báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) cũng phát hiện rằng tỷ lệ CS phản ánh tỷ lệ bị bệnh giang mai ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.
Vào năm 2012, gần 310 trẻ sinh ra mắc bệnh này. Trong dữ liệu mới nhất năm 2021, ước tính sơ bộ con số đó đã gia tăng gần 7 lần, lên đến ít nhất 2,268 trường hợp.
Báo cáo của CDC cho thấy 166 người, hay 7% trẻ em được chẩn đoán bị bệnh giang mai trong những năm gần đây đã tử vong; nhiều trường hợp khác phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe trầm trọng bao gồm dị tật não và xương, mù lòa và tổn thương nội tạng.
Trẻ sơ sinh có thể không biểu hiện bất kỳ dấu hiệu nào của nhiễm trùng sau khi sinh. Nhưng nếu nhiễm trùng không được điều trị, có thể dẫn đến tử vong. Các quan chức y tế khuyến nghị rằng để có một thai kỳ khỏe mạnh, thai phụ nên xét nghiệm bệnh giang mai sớm trong thai kỳ.
Vân Hi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times