Bí ẩn y học: Trẻ sinh non giảm trong thời kỳ dịch bệnh ở Canada và nhiều nước khác
Các nhà khoa học Canada đang cố gắng tìm lời giải cho một bí ẩn y học: Trong đại dịch viêm phổi Trung Cộng (COVID-19), số lượng trẻ sinh non ở nhiều nơi đã giảm.
Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch cho tới nay, một số bệnh viện ở Canada nhận thấy rằng, số bà mẹ sinh con thiếu tháng đã giảm đáng kể. Ví dụ, thành phố Calgary báo cáo số trẻ sinh non giảm 37%, Edmonton giảm 20%, Ottawa giảm 30% và Halifax giảm 80%.
“Điều này thật đáng ngạc nhiên”, Jon Dorling, một bác sĩ sơ sinh tại Bệnh viện Bà mẹ và Trẻ em IWK ở Halifax nói với CTV rằng: “Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng với áp lực lớn hơn từ đại dịch… sẽ khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn chứ không phải tốt hơn”.
Hiện tượng này không chỉ xuất hiện ở Canada. Số trẻ sinh non ở Đan Mạch đã giảm gần 90%, số trẻ sơ sinh nhẹ cân ở Ireland đã giảm 70%, tại Hoa Kỳ và Úc số trẻ sinh non cũng cho thấy xu hướng giảm. Tuy nhiên, không có báo cáo tương tự ở Montreal và London.
Có một điều đáng lo ngại ở Anh là số trường hợp thai chết lưu có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân được cho là có liên quan đến sự gia tăng căng thẳng ở người mẹ. Tuy nhiên, các bác sĩ nói rằng cho đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy điều này đang xảy ra ở Canada.
Một nghiên cứu quốc tế do một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Manitoba dẫn đầu, hy vọng sẽ giải thích được, liệu sự suy giảm các trường hợp trẻ sinh non, có liên quan đến những thay đổi trong sinh hoạt của người dân trong thời kỳ đại dịch hay không, và từ đó tăng cường sức khỏe của trẻ sơ sinh và sinh đủ tháng.
Sinh non là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới, nó làm tăng nguy cơ trẻ sơ sinh bị bại não, mất thị lực và suy giảm thính lực. Nhưng tới nay các bác sĩ vẫn chưa có được hiểu biết đầy đủ về các nguyên nhân dẫn đến sinh non.
Mỗi năm, Canada có khoảng 3.100 trẻ sinh non
Các nhà nghiên cứu có kế hoạch khảo sát ở 19 quốc gia và tuyển dụng hàng chục bác sĩ để nghiên cứu số liệu thống kê về khả năng sinh sản.
Mặc dù nghiên cứu liên quan vẫn còn ở giai đoạn đầu, nhưng ông Jon Dorling cho biết: “Trong thời kỳ dịch bệnh mọi người đã không còn quá vội vàng, và nhịp sống hàng ngày cũng chậm lại. Có lẽ công việc và lối sống chậm đã phát huy tác dụng”.
Các nhà nghiên cứu Canada khác lại nhìn nhận rằng, điều này có thể có liên quan đến việc phòng chống dịch tại nhà của các thai phụ trong thời kỳ dịch bệnh, giúp giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí cũng như các nguồn lây nhiễm khác.
Tác giả: Quý Vi
Biên dịch: Lâm Mộc