Bệnh nhân ung thư vú người Hoa dưới 40 tuổi có khả năng sống sót thấp hơn so với những người trên 40 tuổi
Cơ sở dữ liệu về Ung thư Vú Hồng Kông của Hội Ung thư Vú Hồng Kông cho thấy tỷ lệ sống thêm của bệnh nhân ung thư vú sau 10 năm là 87.7%. Trong khi tỷ lệ sống thêm sau 10 năm của bệnh nhân được chẩn đoán sớm là gần 90%, tỷ lệ này giảm xuống còn gần 30% với ung thư giai đoạn 4.
Hội Ung thư Vú Hồng Kông đã đăng tải Nghiên cứu thường niên lần thứ 14 này vào ngày 28/09.
Nhóm nghiên cứu đã kiểm tra hồ sơ của 7,930 bệnh nhân người Hoa được chẩn đoán bị ung thư vú từ năm 2006 đến năm 2011, chiếm 42.5% tổng số các ca bệnh. Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 62.3% số các bệnh nhân hoặc dữ liệu được chẩn đoán bị ung thư vú trong vòng mười năm, khiến đây là nghiên cứu về tỷ lệ sống thêm kéo dài nhất đầu tiên ở Hồng Kông.
Yếu tố nguy cơ cao
Báo cáo tóm tắt dữ liệu về gần 20,000 bệnh nhân ung thư vú được lựa chọn từ năm 2006 đến 2018 và phát hiện thấy 60% bệnh nhân có nhiều hơn ba yếu tố nguy cơ phổ biến.
Bốn yếu tố nguy cơ phổ biến nhất của ung thư vú là vấn đề tập luyện, cho con bú, béo phì và căng thẳng. Những phụ nữ chưa bao giờ cho con bú, thiếu thói quen tập thể dục hoặc bị căng thẳng kinh niên sẽ dễ bị ung thư vú hơn.
Ngoài ra, 80% bệnh nhân tình cờ phát hiện bệnh, trong khi chỉ 11% phát hiện ra bằng cách chụp X-quang tuyến vú.
Nghiên cứu cũng tiết lộ rằng tỷ lệ sống thêm toàn bộ trong 10 năm của bệnh nhân ung thư vú là 87.7%. Tỷ lệ sống thêm toàn bộ trong 10 năm ở các giai đoạn 0, 1, 2, 3 và 4 lần lượt là 97.1%, 94.3%, 90.2%, 74.0% và 26.4%.
Các số liệu cho thấy khi phát hiện giai đoạn ung thư càng muộn, tỷ lệ sống thêm toàn bộ của bệnh nhân càng thấp. Trong khi đó, tỷ lệ sống thêm toàn bộ của bệnh nhân ung thư vú thể ba âm tính (TNBC) thấp hơn đáng kể so với bệnh nhân âm tính với HER2 và dương tính với HR.
Bệnh nhân trẻ tuổi thường ít lưu ý đến các khối u ác tính
Báo cáo cho thấy những bệnh nhân ung thư vú dưới 40 tuổi có tỷ lệ sống thêm thấp hơn so với nhóm trên 40 tuổi, chủ yếu là do nhóm tuổi này ít cảnh giác với bệnh ung thư hơn.
Do đó, việc chẩn đoán thường muộn hơn và ở giai đoạn nặng hơn đối với những bệnh nhân chỉ tìm kiếm sự hỗ trợ y tế khi phát hiện ra khối u cứng hoặc triệu chứng khác.
Bệnh nhân trẻ tuổi có khả năng sống sót thấp hơn
Bà Winnie Yeo, một thành viên của Ủy ban chỉ đạo Cơ quan Đăng ký Ung thư Vú Hồng Kông, đã nhắc lại một báo cáo cho thấy ung thư ở bệnh nhân trẻ hơn (dưới 40 tuổi) có xu hướng trầm trọng hơn, chẳng hạn có mức độ [ác tính] khối u cao hơn.
Trong bài phân tích, 41.8% bệnh nhân dưới 40 tuổi được chẩn đoán bị ung thư vú ác tính có khối u độ 3, trong khi những người có độ tuổi từ 41-50 có tỷ lệ là 37.2%. Khối u độ 3 là khối u dễ tiến triển thành hoại tử.
Những bệnh nhân trẻ hơn có tỷ lệ sống thêm không tái phát thấp hơn so với nhóm tuổi khác. Mặt khác, hơn 80% bệnh nhân dưới 50 tuổi qua đời do ung thư vú, trong khi ở bệnh nhân trên 70 tuổi tỷ lệ này là 40%.
Giải pháp phòng ngừa
Bà Polly Cheung Suk-yee, người sáng lập Hội Ung thư Vú Hồng Kông cho biết: “Phụ nữ trẻ tuổi thường không chú ý đến bệnh ung thư hoặc tin rằng những người trẻ tuổi bị ung thư là do yếu tố di truyền. Nhưng trên thực tế, 95% bệnh nhân bị ung thư là do có các yếu tố mắc phải, bao gồm các yếu tố nguy cơ kể trên.”
Bà Cheung khuyến cáo công chúng nên duy trì cách ăn uống lành mạnh và tập thể dục ít nhất ba giờ với cường độ vừa phải mỗi tuần để cải thiện khả năng chống lại tổn thương do tế bào ung thư. Bà cũng kêu gọi chính phủ nên dần dần thực hiện tầm soát ung thư vú trên toàn quốc. Chủ tịch Hội, bà Eliza Fok khuyên phụ nữ trên 40 tuổi nên chụp X-quang tuyến vú hai năm một lần.
Tài liệu tham khảo
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times