Bệnh COVID nhẹ cũng có thể tạo ra kháng thể bảo vệ suốt đời
Theo Đại học Washington ở St. Louis
Theo một nghiên cứu mới đây, nhiều tháng sau khi hồi phục từ các ca nhiễm COVID-19 nhẹ, cơ thể vẫn có các tế bào miễn dịch tiết ra các kháng thể chống lại virus COVID-19.
Những tế bào đó có thể tồn tại suốt đời và liên tục tạo ra hàng loạt các kháng thể.
Các phát hiện trên tạp chí Nature cho thấy rằng những người nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ có khả năng bảo vệ nhờ kháng thể lâu dài và các đợt bệnh lặp đi lặp lại có thể không phổ biến.
Tác giả cao cấp Ali Ellebedy, phó giáo sư bệnh học và miễn dịch học, y học, và vi sinh phân tử tại Đại học Washington ở St. Louis cho biết: “Mùa thu năm ngoái, có các báo cáo rằng các kháng thể suy yếu nhanh chóng sau khi nhiễm virus gây COVID-19. Và các phương tiện truyền thông dòng chính giải thích rằng điều đó có nghĩa là khả năng miễn dịch không tồn tại lâu dài.”
“Nhưng đó là cách hiểu sai về dữ liệu. Mức độ kháng thể giảm xuống sau khi bị nhiễm trùng cấp tính là điều bình thường, nhưng không giảm xuống bằng 0 mà giữ ở trạng thái ổn định. Ở đây, chúng tôi đã tìm thấy các tế bào sản xuất kháng thể ở người 11 tháng sau khi có triệu chứng nhiễm đầu tiên. Những tế bào này sẽ sống sót và tạo ra kháng thể trong suốt quãng đời còn lại của con người. Đó là bằng chứng mạnh mẽ cho khả năng miễn dịch lâu dài.”
Những manh mối ở tủy xương
Trong suốt quá trình nhiễm virus, các tế bào miễn dịch sản xuất kháng thể nhanh chóng nhân lên và lưu thông trong máu, làm cho mức kháng thể tăng vọt. Khi tình trạng nhiễm trùng được giải quyết, hầu hết các tế bào miễn dịch sẽ chết đi và lượng kháng thể trong máu giảm xuống. Một phần nhỏ các tế bào sản xuất kháng thể, được gọi là tương bào sống lâu, di chuyển đến tủy xương. Tại đó, các tương bào này liên tục tiết ra một lượng ít kháng thể vào máu để giúp bảo vệ cơ thể chống lại một cuộc chạm trán khác với virus.
Ellebedy nhận ra rằng tủy xương là chìa khóa để tìm ra liệu COVID-19 có mang lại khả năng bảo vệ lâu dài nhờ kháng thể hay không. Để tìm hiểu xem liệu những người đã khỏi bệnh sau nhiễm COVID-19 nhẹ có chứa các tương bào sống lâu tạo ra các kháng thể đặc hiệu nhắm mục tiêu vào virus SARS-CoV-2 gây ra COVID-19 hay không, Ellebedy đã hợp tác với đồng tác giả Iskra Pusic, cũng là một phó giáo sư y khoa.
Ellebedy đã làm việc với đồng tác giả Rachel Presti, phó giáo sư y khoa và Jane O’Halloran, trợ lý giáo sư y khoa, trong một dự án theo dõi nồng độ kháng thể trong mẫu máu của những người sống sót sau COVID-19.
Nhóm nghiên cứu đã thu nhận 77 người tham gia được lấy mẫu máu trong khoảng thời gian ba tháng, bắt đầu từ khoảng một tháng sau đợt nhiễm bệnh đầu tiên. Hầu hết những người tham gia đều nhiễm COVID-19 mức độ nhẹ; chỉ có 6 người phải nhập viện.
Với sự giúp đỡ của Pusic, Ellebedy và các đồng nghiệp đã lấy được tủy xương từ 18 người trong số những người tham gia sau lần nhiễm bệnh đầu tiên 7 hoặc 8 tháng. 5 người trong số họ trở lại bốn tháng sau đó và cung cấp mẫu tủy xương thứ hai. Để so sánh, các nhà khoa học cũng lấy tủy xương của 11 người chưa bao giờ mắc COVID-19.
Vậy còn kháng thể ở những bệnh nhân nhiễm COVID-19 nặng thì sao?
Đúng như dự đoán, nồng độ kháng thể trong máu của những người tham gia COVID-19 giảm nhanh chóng trong vài tháng đầu tiên sau khi nhiễm bệnh và sau đó hầu như chững lại. Một số kháng thể có thể phát hiện được thậm chí 11 tháng sau khi nhiễm bệnh.
Hơn nữa, 15 trong số 19 mẫu tủy xương của những người đã nhiễm COVID-19 có chứa các tế bào sản xuất kháng thể đặc hiệu nhắm vào virus gây ra COVID-19. Những tế bào này vẫn có thể được tìm thấy 4 tháng sau đó ở 5 người quay lại để cung cấp mẫu tủy xương thứ hai. Không ai trong số 11 người chưa bao giờ nhiễm COVID-19 có các tế bào sản xuất kháng thể như vậy trong tủy xương của họ.
Ellebedy nói: “Những người mắc COVID-19 nhẹ loại bỏ virus ra khỏi cơ thể từ hai đến ba tuần sau khi nhiễm bệnh, vì vậy sẽ không có virus nào kích hoạt đáp ứng miễn dịch trong 7 hoặc 11 tháng sau khi nhiễm bệnh. Những tế bào [sản xuất kháng thể đặc hiệu] này không phân chia, nằm tĩnh lặng trong tủy xương và tiết ra kháng thể. Chúng đã đang làm điều đó kể từ khi tình trạng nhiễm bệnh được giải quyết, và sẽ tiếp tục làm điều đó vô thời hạn.”
Các nhà nghiên cứu suy đoán rằng những người bị nhiễm bệnh và chưa từng có triệu chứng cũng có thể có khả năng miễn dịch lâu dài. Nhưng cũng cho biết họ vẫn chưa điều tra xem liệu những người bị nhiễm bệnh nặng hơn có được bảo vệ để chống lại đợt dịch bệnh trong tương lai hay không.
Tác giả đứng đầu Jackson Turner, trợ lý giảng viên về bệnh học và miễn dịch học, cho biết: “Nó có thể đi theo một trong hai cách. Viêm nhiễm đóng một vai trò quan trọng trong trường hợp nhiễm COVID-19 nặng, và phản ứng viêm quá mức có thể làm rối loạn các đáp ứng miễn dịch.”
“Nhưng mặt khác, lý do tại sao mọi người thực sự bị bệnh thường là vì họ có rất nhiều virus trong cơ thể mình, và việc có nhiều virus xung quanh cũng có thể dẫn đến phản ứng miễn dịch tốt. Vì vậy, nó không rõ ràng. Chúng tôi cần nhân rộng nghiên cứu ở những người bị nhiễm trùng từ trung bình đến nặng để hiểu xem liệu họ có khả năng được bảo vệ khỏi sự tái nhiễm hay không.”
Ellebedy và các đồng nghiệp hiện đang nghiên cứu xem liệu chích ngừa có tạo ra các tế bào sản xuất kháng thể tồn tại lâu dài hay không.
Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm thuộc Viện Y tế Quốc gia, Hội đồng Nghiên cứu Na Uy và Trường Cao học Quốc gia về Sinh học Nhiễm trùng và Kháng khuẩn của Đại học Oslo đã tài trợ cho công trình này. Nghiên cứu đã sử dụng các mẫu thu được từ kho lưu trữ sinh học COVID-19 của Trường Đại học Y khoa Washington do NIH/Trung tâm Quốc gia về Tiến bộ Khoa học Dịch thuật hỗ trợ.
Bài báo này ban đầu được xuất bản bởi Đại học Washington ở St. Louis. Được tái bản qua Futurity.org theo Giấy phép Creative Commons 4.0.
Theo Đại học Washington ở St. Louis
Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times
Xem thêm: