Bác sỹ Đông y chỉ ra 7 yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng
Tuổi tác, thuốc kháng sinh, căng thẳng, các yếu tố khác có thể khiến bạn tăng cân và luôn phải bận rộn với những kế hoạch giảm cân.
Bạn do dự khi muốn ăn thêm một miếng bánh hay món trái cây tráng miệng? Còn nhiều người khác thì phải cân nhắc chọn salad hay mì ống, và rồi dành phải cả tiếng đồng hồ chạy bộ trong khi họ muốn ngủ trưa.
Cũng có người tìm đến bác sĩ Đông y, hỏi xem châm cứu có thể giải quyết được 8kg đang thừa hay không? Và cho rằng sẽ tốt biết bao nếu nếu vài cây kim có thể giúp họ giảm chứng thèm ăn.
Trong hầu hết các vấn đề liên quan đến sức khỏe, chúng ta đều mong có được thần dược. Những người bị chứng đau nửa đầu muốn biết cái gì đang làm họ đau đầu. Những người rối loạn lo âu muốn được chữa lành nhanh chóng. Và những người muốn giảm cân mong có loại thực phẩm thần kỳ sẽ làm tan mỡ mãi mãi.
Tin xấu là hiếm khi có một yếu tố duy nhất gây ra chứng đau nửa đầu, chứng rối loạn lo âu hoặc tăng cân của bạn. Mà đó là sự kết hợp của nhiều yếu tố tác động theo thời gian.
Tin tốt là khi bạn hiểu rằng không chỉ có duy nhất một lý do khiến bạn tăng cân, bạn sẽ dễ dàng chấp nhận thực hiện từng bước nhỏ, tích lũy theo thời gian để cuối cùng đem đến kết quả như ý.
Dưới đây là bảy yếu tố ảnh hưởng đến cân nặng của bạn:
1. Calo không phải là tất cả
Giá trị calo đã nêu trên nhãn thực phẩm chỉ là một cách ước tính. Cách bạn nấu một loại thực phẩm cụ thể, lượng chất xơ và dinh dưỡng, cách cơ thể bạn tiêu hóa như thế nào v.v, tất cả đều có tác động đến lượng năng lượng bạn sẽ nhận được.
2. Cách cơ thể tiêu hoá
Cách bạn ăn, cách bạn chuyển đổi thức ăn thành năng lượng và chất dinh dưỡng như thế nào đều ảnh hưởng đến cân nặng.
Nếu bạn không chuyển hóa tốt thức ăn và chất lỏng, cơ thể sẽ hình thành đàm thấp theo quan niệm Đông Y, từ đó tạo nên các khối mỡ trong cơ thể. Bạn có thể tự nhận thấy khi có các triệu chứng tiêu hóa như: đầy hơi, đau dạ dày, ợ nóng, buồn nôn, táo bón hoặc phân lỏng. Ngoài ra, cảm giác thèm ăn đồ ngọt và tinh bột cũng là một dấu hiệu cảnh báo có vấn đề tiêu hóa.
3. Kháng sinh
Sử dụng kháng sinh cũng có thể là một yếu tố ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Các nhà khoa học đã phát hiện việc sử dụng kháng sinh thường xuyên, hoặc sử dụng các loại thuốc này khi còn nhỏ, có thể gây hại cho lợi khuẩn trong đường ruột. Điều này ảnh hưởng đến cơ quan tiêu hóa và cả sức khỏe của bạn. Thậm chí họ còn cho rằng béo phì và tiểu đường có thể là kết quả của việc sử dụng kháng sinh.
4. Căng thẳng và cảm xúc thái quá
Khi bạn buồn bã hoặc căng thẳng, các hormon trong cơ thể cũng bị mất cân bằng theo. Cortisol, adrenaline và insulin tăng (hoặc giảm) đều gây nên các phản ứng làm thay đổi hệ tiêu hoá theo hướng làm tăng cân. Đồng thời do cortisol tăng cao khiến mỡ có ưu thế tập trung ở phần bụng.
5. Tập thể dục
Bạn luôn nghe rằng tập thể dục là cách tốt để giảm cân nhờ đốt cháy calo. Điều này rất đúng, y học cổ truyền cũng có lý giải của riêng mình. Theo đó sức khỏe tốt là do có đầy đủ các chất quan trọng như khí và huyết. Thêm vào đó là những chất này cần phải được lưu thông tốt trong cơ thể. Thừa cân được coi là một loại tắc nghẽn hay ứ trệ. Bằng cách vận động cơ thể, bạn đang tạo ra dòng lưu thông và tránh sự tích tụ.
6. Vấn đề tuổi tác
Khi già đi bạn sẽ nhận thấy việc giảm vài cân trở nên khó khăn hơn so với 10 năm trước. Quá trình trao đổi chất của bạn đang chậm lại, và việc xây dựng khối cơ bắp để đốt cháy calo càng gian nan. Với phụ nữ ở thời kỳ mãn kinh, nội tiết tố thay đổi khiến cho việc kiểm soát cân nặng thêm gập ghềnh.
7. Bạn là duy nhất
Trong Đông y, người thầy thuốc không thể đưa ra một kế hoạch đơn nhất dành cho mọi người bệnh. Đơn giản vì những gì bạn cần cho sức khỏe và cân bằng dinh dưỡng hoàn toàn khác với những gì sếp bạn, con bạn, đối tác, hàng xóm hoặc bất kỳ ai khác cần cho sức khỏe tối ưu của họ. Mỗi chúng ta đều cần những thứ khác nhau dựa trên nhiều yếu tố.
Dựa vào các yếu tố trên đây, chúng tôi có một vài gợi ý dành cho những người muốn giảm cân:
Hãy chú ý đến hệ tiêu hóa. Nếu bạn có triệu chứng, hãy ăn thức ăn đã nấu chín và tránh đồ uống lạnh.
Lợi khuẩn. Bạn có thể thêm lợi khuẩn vào chế độ ăn thông qua sữa chua, dưa muối và các thực phẩm lên men khác để giúp xây dựng lại hệ vi sinh vật trong ruột của mình.
Đừng phụ thuộc vào việc đếm calo. Hãy chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, có ít đường và tinh bột đơn thuần, đồng thời hạn chế đồ chế biến sẵn.
Kiểm soát stress một cách nghiêm túc. Cân nặng và sức khỏe của bạn phụ thuộc nhiều vào đó.
Vận động. Hãy cố gắng vận động dưới các hình thức khiến bạn thích thú mỗi ngày.
Liệu pháp ăn uống. Hãy tìm đến những chuyên gia về liệu pháp ẩm thực Đông Y, bạn sẽ không thấy hối tiếc.
Lắng nghe cơ thể của bạn. Đừng đối xử với cơ thể như kẻ thù. Hãy chấp nhận rằng nó sẽ thay đổi theo thời gian và đối xử bằng tình yêu. Bạn chỉ có duy nhất một thân thể do cha mẹ ban cho.
Tác giả: Lynn Jaffee