Ánh sáng xanh giảm 60% số ngày đau nửa đầu hàng tháng
Theo một nghiên cứu mới, liệu pháp ánh sáng xanh có thể giúp ích cho những người bị đau nửa đầu.
Nghiên cứu cho thấy rằng ánh sáng xanh có thể làm giảm tần suất và cường độ các cơn đau đầu, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Theo Quỹ Nghiên cứu Migraine, đau nửa đầu là căn bệnh phổ biến thứ ba trên thế giới, ảnh hưởng đến 39 triệu người ở Hoa Kỳ và 1 tỷ người trên toàn thế giới.
Tác giả chính của nghiên cứu Mohab Ibrahim, phó giáo sư khoa gây mê, dược lý và phẫu thuật thần kinh của Đại học Arizona và giám đốc Phòng khám Quản lý Đau mãn tính cho biết:
“Đây là nghiên cứu lâm sàng đầu tiên đánh giá việc tiếp xúc với ánh sáng xanh như một liệu pháp phòng ngừa tiềm năng cho bệnh nhân đau nửa đầu. Là một bác sĩ, điều này thực sự thú vị. Bây giờ, tôi có một công cụ khác trong các phương pháp chữa bệnh của mình để điều trị một trong những chứng bệnh thần kinh khó khăn nhất – chứng đau nửa đầu”.
Điều trị chứng đau nửa đầu vẫn là một thách thức
Nhìn chung, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh giảm trung bình khoảng 60% số ngày đau đầu mỗi tháng. Đa số những người tham gia nghiên cứu, gồm 86% bệnh nhân đau nửa đầu từng cơn và 63% bệnh nhân đau nửa đầu mãn tính đã báo cáo giảm hơn 50% số ngày đau đầu mỗi tháng. Đau nửa đầu từng đợt đặc trưng bởi số ngày đau đầu lên đến 14 ngày mỗi tháng. Trong khi chứng đau nửa đầu mãn tính là 15 ngày đau đầu trở lên mỗi tháng.
“Lợi ích trung bình tổng thể có ý nghĩa thống kê. Hầu hết mọi người đều vô cùng hạnh phúc”. Tiến sĩ Ibrahim nói về những người tham gia đã nhận được dải đèn [ánh sáng xanh] và hướng dẫn để làm theo khi hoàn thành nghiên cứu ở nhà.
“Một trong những cách chúng tôi đo lường sự hài lòng của người tham gia là khi chúng tôi đăng ký mọi người, chúng tôi nói rằng họ sẽ phải trả lại đèn khi kết thúc nghiên cứu. Nhưng khi kết thúc nghiên cứu, chúng tôi đưa ra cho họ lựa chọn giữ đèn, và 28 trong số 29 đã quyết định giữ đèn”.
Tiến sĩ Ibrahim và đồng tác giả Amol Patwardhan, đã nghiên cứu ảnh hưởng của việc tiếp xúc với ánh sáng xanh trong vài năm. Nghiên cứu lâm sàng ban đầu này bao gồm 29 người. Tất cả đều trải qua chứng đau nửa đầu từng đợt hoặc mãn tính và đã thất bại với nhiều liệu pháp truyền thống, chẳng hạn như thuốc uống và chích Botox.
Ông Patwardhan, phó giáo sư và phó chủ tịch nghiên cứu của khoa gây mê cho biết:
“Bất chấp những tiến bộ gần đây, việc điều trị chứng đau nửa đầu vẫn còn là một thách thức. Việc sử dụng liệu pháp không dùng thuốc như ánh sáng xanh có thể rất hữu ích cho nhiều bệnh nhân không muốn dùng thuốc hoặc không đáp ứng với thuốc. Cái hay của phương pháp này là không có các tác dụng phụ liên quan. Nếu có, ánh sáng xanh dường như cải thiện giấc ngủ và các chỉ số chất lượng cuộc sống khác”.
Ánh sáng xanh giống như một loại thuốc
Trong quá trình nghiên cứu, bệnh nhân tiếp xúc với ánh sáng trắng từ 1-2 giờ mỗi ngày trong 10 tuần. Sau hai tuần nghỉ ngơi, bệnh nhân được tiếp xúc với ánh sáng xanh trong 10 tuần. Họ đã hoàn thành các cuộc khảo sát và bảng câu hỏi thường xuyên để theo dõi số lần đau đầu và cường độ của những cơn đau đầu, cũng như các chỉ số chất lượng cuộc sống như khả năng đi vào giấc ngủ hoặc thực hiện công việc.
Dựa trên thang điểm đau bằng số từ 0 đến 10, những người tham gia cho biết việc tiếp xúc với ánh sáng xanh giúp giảm 60% mức độ cơn đau, từ 8 xuống còn 3,2. Liệu pháp ánh sáng xanh cũng rút ngắn thời gian đau đầu và cải thiện khả năng đi vào giấc ngủ, làm việc nhà, tập thể dục và làm việc của những người tham gia.
Không ai trong số những người tham gia nghiên cứu báo cáo bất kỳ tác dụng phụ nào của việc tiếp xúc với ánh sáng xanh.
Ông Ibrahim nói: “Trong thử nghiệm này, chúng tôi coi ánh sáng xanh như một loại thuốc. Đó không chỉ là đèn xanh, mà cần phải có cường độ, tần suất, thời gian phơi sáng và các phương pháp phơi sáng phù hợp. Giống như với thuốc, ánh sáng cũng có một ngưỡng mang lại hiệu quả tốt nhất”.
Ông Ibrahim cho biết các bác sĩ từ các nơi xa như Âu Châu, Phi Châu và Á Châu đã liên hệ với ông ấy để hỏi về các thông số đèn xanh và thiết kế sơ đồ cho bệnh nhân của họ.
Ông nói: “Như bạn có thể tưởng tượng, đèn LED rất rẻ. Đặc biệt là ở những nơi không có sẵn tài nguyên và mọi người phải suy nghĩ kỹ trước khi chi tiền. Nếu bạn cung cấp thứ gì đó giá cả phải chăng, đó là một lựa chọn tốt để thử”.
“Ánh sáng xanh là những phát hiện tuyệt vời, nhưng đây mới chỉ là nơi câu chuyện bắt đầu. Là một nhà khoa học, tôi thực sự quan tâm đến cách thức hoạt động của ánh sáng xanh. Vì nếu tôi hiểu cơ chế, tôi sẽ có thể sử dụng cho các tình trạng bệnh khác. Tôi có thể sử dụng ánh sáng xanh như một công cụ để điều chỉnh các hệ thống sinh học nhằm đạt được mục đích nhiều nhất có thể”.
Bài báo được đăng trên tạp chí Cephalalgia. Các đồng tác giả khác đến từ Đại học Arizona và Đại học Minnesota.
Trung tâm Quốc gia về Sức khỏe Bổ sung và Tích hợp, một đơn vị của Viện Y tế Quốc gia và Đại học Arizona đã tài trợ cho nghiên cứu này.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times