Ấn 3 huyệt ở tai có thể cải thiện thị lực
Có 3 huyệt vị thần kỳ trên vành tai, nếu ấn thường xuyên sẽ nhanh chóng cải thiện thị lực.
1. Ấn huyệt Cảnh Tam dưỡng cho mắt sáng
Người bị cận thị có thể day ấn huyệt Cảnh Tam. Cột sống cổ có 7 đốt, chứa 8 đôi dây thần kinh, trong số ấy có đôi dây thần kinh số 3 có liên quan đến thị lực, gọi là “thần kinh cổ 3”. “Thần kinh cổ 3” có giải phẫu bám sát vào xương chẩm của đầu, nơi đó vừa hay là chỗ thị giác quy tụ.
Tương ứng với dây thần kinh này là huyệt Cảnh Tam ở vành tai. Cụ thể là điểm nằm trên đối bình tai – sụn hình cánh hoa trên dái tai. Bất kể khi bạn đọc sách hay xem ti vi, bạn đều có thể dùng đầu ngón tay để day ấn nhẹ nhàng huyệt Cảnh Tam này.
2. Ấn huyệt Thị Thần Kinh để nhìn rõ mọi thứ
Thần kinh thị giác là đôi dây thần kinh sọ số 2, có liên quan đến các vấn đề như độ nhạy cảm, thị lực, thị trường của thị giác. Tại mép bên dưới đối bình tai chia làm 3 phần bằng nhau, phần thứ nhất chính là huyệt “Thị Thần Kinh”.
Dùng ngón trỏ của cả 2 tay day ấn nhẹ nhàng. Thường xuyên ấn chỗ này, sẽ thấy mọi thứ nhìn rõ ràng hơn.
3. Ấn huyệt Nhãn Cơ để giữ phần thần của con ngươi
Cơ mắt điều khiển sự di chuyển lên xuống, sang trái, sang phải của nhãn cầu, khiến cho con ngươi có thể linh hoạt chuyển động, nhìn gần nhìn xa.
Có một huyệt vị ở trong hõm dưới cùng của vành tai, gọi là huyệt Nhãn Cơ. Ấn huyệt vị này có thể kích thích các cơ bám cạnh nhãn cầu, khiến nó linh hoạt hơn.
Nhắm mắt lại và ấn vào ba huyệt đạo này, một lúc sau, mở mắt ra sẽ thấy rõ ràng hơn rất nhiều. Các huyệt đạo này rất tốt cho việc điều trị bệnh cận thị hoặc các bệnh về mắt khác.
Cận thị đa phần nên bổ tỳ! Thang thuốc từ 4 vị dược liệu
Cơ mi của mắt vốn có thể co lên và co lại tùy ý, nếu cơ mi căng quá không giãn ra được thì sẽ bị cận thị.
Tạng tỳ chủ về cơ nhục, khi tỳ bị hư tổn, sự điều tiết cơ nhục của nhãn cầu sẽ bị mất tính đàn hồi. Nếu như một đứa trẻ có nhiều nguy cơ bị cận thị thì nên thường xuyên bổ tỳ cho đứa trẻ. Có một cách dùng thuốc đơn giản là đem các vị thuốc hoàng kỳ, bạch truật, đại táo, hoài sơn cùng sắc chung rồi uống. Thứ này có thể bổ tỳ, cũng giúp cho sức hoạt động của nhãn cầu tốt lên.
Ngoài ra, còn có một phương thuốc khác để điều trị cận thị, gọi là Định chí hoàn. Khi tôi phân tích phương thuốc này, phát hiện nó còn có thể cải thiện trí nhớ. Bài thuốc này gồm các vị nhân sâm, phục linh, thạch xương bồ và viễn chí – các vị nghiền thành bột, rồi dùng nước mật làm thành hoàn. Nhân sâm có tác dụng bổ khí, phục linh bổ thận thấm thủy, viễn chí và xương bồ đều giúp ninh tâm an thần.
Dùng Định chí hoàn trong thời gian dài sẽ cải thiện trí nhớ, giúp tập trung chuyên chú vào công việc. Chính vì vậy nên đọc sách có thể dễ dàng ghi nhớ được kiến thức, không cần mất công xem đi xem lại, cũng sẽ tránh bị cận thị.
2 loại thói quen gây hại cho mắt dẫn tới cận thị
Hiện tại trẻ em học tập thời gian lâu, rất dễ bị cận, có liên quan phần lớn đến 2 loại tình trạng sau:
Đầu tiên là thói quen cầm bút. Trẻ em học cách sử dụng bút từ khi rất nhỏ và nhiều bé quen cầm bút gần đầu bút do ngón tay không đủ lực. Khi viết theo cách này, mắt không thể nhìn thấy vì vậy bé cúi đầu thấp xuống để nhìn.
Ngoài ra, khi đọc sách, trẻ nhỏ sẽ lười biếng. Lười cũng không sao, có thể nghỉ ngơi một lát, nhưng một số trẻ không làm được điều này; trẻ đọc một cách uể oải, cúi thấp đầu, nhìn rất gần sách, thậm chí dán chặt mắt vào đó.
Những thói quen này sẽ khiến mắt trẻ phải trường kỳ nhìn vật ở khoảng cách gần, cơ mi luôn bị căng, lâu ngày sẽ bị cận thị.
Luyện cơ mi, cải thiện cận thị
Làm thế nào để rèn cho cơ mi? Trong cổ thư có một bộ phương pháp dạy người ta bắn tên, trong sách viết rằng bạn cần rèn luyện thị lực khi bắn cung, phương pháp đó là: đối mặt với mũi tên hàng ngày và nhìn thẳng vào đầu mảnh của nó cho đến khi bạn có thể nhìn thấy đầu mũi tên rất lớn. Nó to bằng quả bóng; sau đó bắt đầu tập nhìn những thứ nhỏ hơn, như đầu nhọn của hạt lúa mì. Đến khi bạn có thể nhìn thấy nó to bằng quả bóng, thì việc bắn cung nhất định phi thường chuẩn xác.
Bạn có thể sử dụng cách tương tự với phương pháp trên để tập luyện cho mắt. Trước tiên hãy đưa mắt nhìn ra xa, chẳng hạn như nhìn vào đỉnh của cột thu lôi trên một tòa nhà. Chờ cho đến khi tiêu điểm của mắt rất chính xác, sau đó nhìn vào vật gì đó cách khoảng bằng bàn chân hoặc gần hơn, chẳng hạn như đầu ngón tay của bạn. Sau khi tiêu điểm tụ lại và nhìn được rõ nét, hãy nhìn lại vật ở xa.
Bằng cách này, trước hết hãy tập trung vào những vật ở xa, sau đó tập trung vào những vật ở gần, giúp cơ mi co lại và thư giãn nhanh chóng; theo thời gian có thể tăng cường sức mạnh cho cơ mi và cải thiện độ cận thị. Nhìn mọi thứ một lần nữa, bạn có thể thấy rõ ràng trong nháy mắt.
Tác giả: Hồ Nãi Văn (Hu Naiwen, Bác sĩ Trung y).
Đức Tuệ biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ
Xem thêm: