6 mẹo hay giúp bạn có đôi mắt sáng
Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tầm nhìn của bạn và bạn có thể thay đổi chúng để có đôi mắt khỏe đẹp, chẳng hạn như một vài thói quen nho nhỏ hàng ngày.
Nếu bạn đã gặp vấn đề về thị lực, những phương pháp này có thể giúp tình trạng đó không trở nên tệ hơn. Dưới đây là những điều tốt nhất bạn có thể làm hàng ngày để giữ cho thị lực sắc nét và tăng cường sức khỏe của mắt.
1. Hạn chế dụi mắt
Bàn tay và các ngón tay tiếp xúc với nhiều bụi bẩn, vi khuẩn dễ bị lây sang mắt khi bạn chạm vào. Nếu bạn đã có bệnh từ trước, dụi mắt có thể khiến bệnh trầm trọng hơn.
Bệnh tăng nhãn áp có thể trầm trọng hơn do cọ xát, có khả năng làm gián đoạn lưu lượng máu đến mắt, dẫn đến tổn thương thần kinh hoặc mất thị lực.
2. Bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi tia UV
Tiếp xúc với tia UV làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD), nguyên nhân hàng đầu gây mất thị lực, nó cũng có thể làm bỏng giác mạc của bạn. Đeo kính râm chống tia UV là cách tốt nhất để bảo vệ đôi mắt của bạn khỏi tia UV. Mũ và kính che mặt cũng có thể hữu ích.
3. Chế độ ăn uống cân bằng
Rau xanh, trái cây và rau có nhiều màu sắc (đặc biệt là màu cam, màu đỏ và màu xanh lá cây) và ngũ cốc nguyên hạt đều có thể giúp tăng cường thị lực và đôi mắt khỏe mạnh. Uống đủ nước cũng giúp ích cho bạn.
4. Ánh sáng đầy đủ, khoảng cách an toàn từ màn hình
Giữ màn hình máy tính và máy tính bảng có chiều dài gần bằng sải tay để tránh mỏi mắt. Bạn cũng nên để màn hình ở mức thấp hơn tầm mắt khoảng 20 độ hoặc ngang tầm mắt.
Tránh sử dụng đèn sáng tạo ra ánh sáng chói trên màn hình của bạn hoặc đặt màn hình ở những khu vực cho phép phản chiếu. Điều này sẽ làm giảm mỏi mắt.
5. Tuân theo Quy tắc 20-20-20
Quy tắc 20-20-20 rất tốt để ngăn ngừa khô mắt và mỏi mắt. Quy tắc đơn giản là cứ 20 phút lại nhìn ra khỏi màn hình ở một vật nào đó cách bạn khoảng 6m trong 20 giây. Chớp mắt 20 lần.
6. Vận động
Bạn càng vận động nhiều, đôi mắt của bạn càng khỏe mạnh. Hoạt động giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim, hai tình trạng ảnh hưởng nặng nề đến thị lực.
Tác giả Mohan Garikiparithi có bằng y khoa tại Đại học Osmania (Đại học Khoa học Y tế). Ông đã thực hành y học lâm sàng trong hơn một thập kỷ. Trong một chương trình truyền thông kéo dài ba năm ở Đức, ông đã quan tâm đến y học nước Đức (vi lượng đồng căn) và các hệ thống y học thay thế khác. Bài báo này ban đầu được xuất bản trên Bel Marra Health.
Thu Anh biên dịch
Xem thêm: