5 cách cải thiện miễn dịch và ngăn ngừa COVID-19
Trong khi thế giới dần mở cửa trở lại dù đại dịch còn tiếp diễn, số ca COVID-19 được xác nhận ở Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng lên nhanh chóng, đặc biệt ở người trẻ tuổi và người nhiễm virus hơn một lần.
Vậy làm thế nào để đối phó với loại virus luôn biến đổi này? Tiến sĩ Yang Jingduan, một chuyên gia y tế Hoa Kỳ, đã đề nghị một số giải pháp cải thiện miễn dịch để phòng ngừa COVID-19 như sau.
Dịch bệnh trầm trọng tại Trung Quốc
Trong khi đa số các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh trên thế giới đã giảm xuống và xã hội đang mở cửa trở lại, dịch COVID ở Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. So với một số quốc gia khác, Trung Quốc có tỷ lệ lây nhiễm và mức độ trầm trọng của bệnh ở người không phải người già cao hơn gấp nhiều lần.
Ông Yang cho biết “như người ta thường nói, Thượng y trị quốc,” và chỉ có những chính sách đúng đắn của chính phủ mới có thể làm cho đất nước trở nên tốt đẹp. Ông Yang tin rằng “Chính sách Dynamic Zero” do chính quyền Bắc Kinh thực hiện không chỉ đi ngược với quy luật tự nhiên mà còn làm đình trệ kế sinh nhai của người dân và toàn bộ hệ thống kinh tế.
Thượng Hải, một thành phố ở Trung Quốc, là nơi bị phong tỏa trong hơn một tháng. Ngoài những bi kịch nhân đạo như thiếu lương thực và bệnh nhân không được tiếp cận với điều trị y tế, một cuộc khảo sát cho thấy hơn 40% cư dân Thượng Hải bị trầm cảm và số người tìm kiếm sự giúp đỡ qua đường dây nóng tâm lý đã trở nên bùng nổ— hầu hết những tình huống này đều liên quan đến dịch bệnh.
Theo một bản tóm tắt khoa học do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố, trong năm đầu tiên xảy ra đại dịch COVID-19, tỷ lệ lo lắng và trầm cảm trên toàn cầu đã tăng 25%.
Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, tổng giám đốc WHO cho biết: “Thông tin về tác động của COVID-19 đối với sức khỏe tâm thần trên thế giới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho tất cả các quốc gia, rằng chúng ta nên quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tâm thần và làm tốt công việc nâng cao sức khỏe cho người dân.”
5 cách cải thiện miễn dịch
Ông Yang cho biết nguyên nhân chính khiến cơ thể nhiễm virus là do hệ miễn dịch bị suy yếu. Ông Yang đưa ra năm gợi ý giúp cải thiện miễn dịch, bao gồm:
- Đi ngủ sớm: Melatonin được coi là chất chống oxy hóa mạnh nhất trong cơ thể. Tuy nhiên, thói quen thức khuya có làm giảm sản xuất melatonin. Điều này sẽ phá vỡ và làm giảm chức năng miễn dịch. Một trong những điểm quan trọng giúp bạn cải thiện sức khỏe là duy trì nhịp giấc ngủ lành mạnh.
- Quản lý cảm xúc: Những cảm xúc tiêu cực sẽ làm giảm khả năng miễn dịch. Bạn nên tìm cách xoa dịu nỗi lo và giảm căng thẳng. Các phương pháp như đi bộ ngoài trời, thiền định và yoga có thể giải tỏa căng thẳng một cách hiệu quả.
- Cân bằng dinh dưỡng: Bạn nên ăn nhiều rau xanh, vì chúng rất giàu dinh dưỡng và chất chống oxy hóa. Cá biển sâu cũng là lựa chọn tuyệt vời giúp chống viêm và bổ sung acid béo omega-3.
- Bổ sung nước vào ban đêm: Bạn nên uống nửa cốc nước trước khi đi ngủ vào ban đêm do máu có xu hướng đặc lại vào thời điểm này. Những người mắc bệnh tiểu đường và cholesterol máu cao có thể cần nhiều nước hơn. Tuy nhiên, người cao tuổi không nên uống quá nửa cốc để tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
- Bỏ rượu: Uống rượu trong thời gian dài làm suy yếu cơ chế miễn dịch. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, uống rượu không chỉ gây ra hơn 200 bệnh, chẳng hạn như loét dạ dày và xơ gan, mà còn phá hủy hệ miễn dịch và tăng nguy cơ mắc COVID-19 cũng như mức độ trầm trọng của bệnh.
Mối liên quan giữa cảm xúc và sức khỏe
Tiến sĩ Yang cho rằng không chỉ yếu tố ngoại sinh mà là bảy loại cảm xúc của con người cũng khiến cơ thể nhiễm virus. Theo Trung Y, cảm xúc và sức khỏe thể chất luôn gắn bó mật thiết với nhau. Cách tiếp cận tích hợp giữa tâm trí và cơ thể với sức khỏe và chữa bệnh hoạt động trong một vòng lặp năng động, trong đó cảm xúc tác động đến sức khỏe và ngược lại.
Bảy loại cảm xúc (thất tình) trong Trung Y là hỉ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh (vui mừng, giận dữ, lo lắng, suy nghĩ, buồn rầu, sợ hãi, kinh dị). Chúng là những cảm xúc tự nhiên của con người và không ảnh hưởng đến sức khỏe trong nhiều trường hợp. Tuy nhiên, những cảm xúc có thể dẫn đến bệnh tật. Sự thái quá về mặt cảm xúc sẽ làm rối loạn khí huyết, ảnh hưởng trực tiếp đến các cơ quan nội tạng. Vì lý do này, ‘thất tình’ chính là những yếu tố chính gây ra các bệnh nội sinh.
Thanh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times