40 phút tiếp xúc với ánh sáng chói giúp y tá ca đêm bớt mệt mỏi
Theo một nghiên cứu mới đây, những y tá tiếp xúc với ánh sáng chói trong 40 phút trước khi làm ca đêm sẽ cảm thấy bớt mệt mỏi và ít mắc lỗi trong công việc.
Những y tá này cũng ngủ ngon hơn khi ca làm việc của họ kết thúc.
“Các nhân viên chăm sóc sức khỏe đang phải trải qua tình trạng mệt mỏi ở mức độ cao do thiếu nhân sự, lịch làm việc khó khăn và khối lượng công việc nhiều. Hơn nữa, chi phí do sai sót y tế hằng năm ở Bắc Mỹ ước tính lên tới hàng chục tỷ đô la” tiến sĩ Jay Olson, tác giả chính (senior author) của nghiên cứu gần đây về Sức khỏe giấc ngủ, là người đã nhận bằng tiến sĩ tại Đại học McGill và hiện là nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Toronto cho biết.
Tiến sĩ Olson nói: “Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những thay đổi khả thi, chẳng hạn như tiếp xúc với ánh sáng trước ca đêm, có thể giúp giảm mệt mỏi và ảnh hưởng của nó đối với hiệu suất làm việc, điều này có thể mang lại lợi ích cho cả y tá và bệnh nhân của họ.”
Dựa trên một nghiên cứu trước đây, các nhà nghiên cứu đã tuyển dụng gần 60 y tá tại Trung tâm Y tế thuộc Đại học McGill. Các y tá này làm việc theo lịch luân phiên giữa ca ngày và ca đêm trong cùng một tuần.
Kết quả quan sát trong 10 ngày đầu tiên cho thấy, các y tá trong nhóm thực nghiệm đã mắc tổng cộng 21 lỗi, từ việc cho sai liều thuốc cho đến vô tình bị kim tiêm chích.
Tuy nhiên, khi tiếp xúc với ánh sáng chói từ hộp đèn di động trong 40 phút trước ca trực đêm, các y tá chỉ mắc 7 lỗi, tương đương giảm 67%.
Điều này đã xác nhận kết quả của một nghiên cứu khả thi trước đây, trong đó các nhà nghiên cứu đã thấy số lượng sai sót trong công việc giảm 62%. Ngược lại, những y tá trong nhóm đối chứng dựa trên việc thay đổi khẩu phần ăn để cải thiện sự tỉnh táo chỉ giảm 5% số lượng sai sót.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng, những y tá duy trì việc tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối cho biết tình trạng mệt mỏi của họ đã có những cải thiện rõ rệt so với những người trong nhóm đối chứng. Ngoài ra, những y tá có mức độ mệt mỏi cao hơn cũng mắc nhiều lỗi hơn trong công việc.
Mariève Cyr, là sinh viên y khoa năm tư tại Đại học McGill, cũng là tác giả chính (first author) của nghiên cứu cho biết “Các biện pháp can thiệp như biện pháp chúng tôi nghiên cứu liên quan đến một lượng lớn công nhân, vì trên thế giới có ¼ đến ⅓ người lao động làm việc theo ca”. “Mặc dù nghiên cứu của chúng tôi chỉ tập trung vào những y tá làm việc theo lịch luân phiên, nhưng kết quả này vẫn có thể áp dụng cho nhân viên trong các ngành nghề khác làm việc theo ca.”
Các nhà nghiên cứu đang tiến hành những hội thảo về quản lý mệt mỏi thực tế tại bệnh viện và các nơi làm việc khác, đồng thời đã ra mắt một trang web mà những người làm việc theo ca có thể sử dụng để điều chỉnh các biện pháp can thiệp phù hợp với lịch làm việc của mình.
Công Thành biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times