4 lý do khiến trái tim lão hóa và 2 cách khắc phục
Lão hóa tim hiện không còn chỉ là căn bệnh của người già với độ tuổi khởi phát ngày càng trẻ hơn. Căn bệnh này có thể dẫn đến suy tim và đột tử. Để bảo vệ trái tim của mình, chúng ta có thể bắt đầu bằng cách điều chỉnh cách ăn uống và tập luyện “trái tim thứ hai”.
4 lý do khiến tim lão hóa sớm
Lão hóa tim diễn ra khi tim nhìn chung vẫn còn khỏe mạnh nhưng các chức năng đang bị suy giảm và tốc độ phản ứng của tim với các yếu tố bên ngoài cũng trở nên chậm hơn. Ví dụ, tim của một người 60 tuổi vẫn còn sức chịu đựng tốt, vì vậy họ có thể chạy chậm trong một giờ. Tuy nhiên, khi trái tim của họ đã trở nên kém đàn hồi, việc chạy nước rút đột ngột sẽ là điều không thể.
Trong những trường hợp bình thường, trái tim con người bắt đầu suy yếu đi sau khi tròn 60 tuổi.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Lưu Trung Bình, bác sĩ tim mạch kiêm giám đốc Phòng khám Vũ Bình tại Đài Loan, đã phát hiện ra rằng hiện nay nhiều bệnh nhân bị lão hóa tim ở độ tuổi 40. Những bệnh nhân này có một số đặc điểm chung như sau:
1. Bệnh mãn tính và béo phì
Nhiều bệnh nhân trong số này bị béo phì, và hầu hết trong số họ mắc chứng huyết áp cao, cholesterol máu cao và lượng đường trong máu cao. Nếu huyết áp duy trì ở mức quá cao trong thời gian dài sẽ làm tăng khả năng bị suy tim và lão hóa tim. Lượng đường trong máu cao cũng có khả năng gây lão hóa cơ thể, chẳng hạn như suy giảm độ đàn hồi và tuần hoàn vi mạch ở tim.
2. Lối sống
Một số thanh niên có thói quen sinh hoạt không lành mạnh, chẳng hạn như thức khuya chơi điện tử hoặc say sưa xem các chương trình. Và một số người cần phải làm việc vào ban đêm.
Tiến sĩ Lưu cho biết: “Tôi phát hiện ra rằng trái tim của những người thường xuyên làm việc vào ban đêm thường kém linh hoạt. Khi còn trẻ, họ phải đi lại trong tình trạng khó thở.”
Các chức năng tim của những bệnh nhân này vẫn bình thường nhưng đang suy giảm, đó là dấu hiệu của sự lão hóa tim.
3. Khối lượng công việc quá lớn
Những người làm việc quá sức cũng dễ gặp [những vấn đề sức khỏe] bất thường trong cuộc sống. Theo Tiến sĩ Lưu, những bệnh nhân bị lão hóa tim sớm của ông hầu hết là do làm việc quá sức hoặc thừa cân.
4. Cách ăn uống không lành mạnh
Thường xuyên ăn thức ăn quá mặn, quá nhiều dầu mỡ, quá ngọt sẽ làm tăng gánh nặng cho tim. Đặc biệt, thực phẩm chứa nhiều muối càng gây tăng gánh nặng cho tim.
Các phương tiện đưa tin thỉnh thoảng công bố những báo cáo về các trường hợp đột tử ở thanh thiếu niên và người trung niên. Theo ý kiến của Tiến sĩ Lưu, tình trạng này có liên quan đến sự lão hóa của tim ở độ tuổi trẻ hơn. Điều này là do nguyên nhân của đột tử về cơ bản giống với nguyên nhân của lão hóa tim, chẳng hạn như làm việc quá sức và những bất thường trong cuộc sống hàng ngày. Những nguyên nhân này sẽ làm suy giảm chức năng tim, khiến người bệnh dễ bị rối loạn nhịp tim, suy giảm chức năng tim bất thường và dẫn đến tử vong.
Ngoài ra, lão hóa tim còn có thể dẫn đến suy tim, đây là căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao.
2 phương pháp đảo ngược quá trình lão hóa của tim
Những người bị lão hóa tim không nên quá lo lắng, vì vẫn có nhiều cách để đẩy lùi tình trạng lão hóa tim.
Tiến sĩ Lưu cho biết, ngoài việc dùng thuốc, ngủ sớm và thức dậy sớm, kiểm soát lượng cholesterol, huyết áp và lượng đường trong máu, điều quan trọng là bệnh nhân cần phải tập luyện hai bắp chân và điều chỉnh cách ăn uống.
1. Tập thể dục cho bắp chân của bạn
Bắp chân được mệnh danh là “trái tim thứ hai” của cơ thể vì chúng phải đưa máu từ phần dưới của cơ thể trở về tim, một quá trình đòi hỏi rất nhiều sức mạnh. Cơ vùng bắp chân đóng một vai trò quan trọng trong quá trình này.
Các bài tập tốt nhất cho tim nên giữ cho chân luôn vận động với nhịp tim được đẩy nhanh một chút.
Tiến sĩ Lưu cho hay: “Miễn là chi dưới của bạn không bị thương hoặc tàn tật, tôi chắc chắn sẽ khuyến khích bạn tập thể dục cho bắp chân nhiều hơn.”
Nhón gót, đi bộ, leo cầu thang, đi xe đạp, ngồi xổm và các bài tập khác giúp cho bắp chân vận động và/hoặc xây dựng cơ bắp chân đều có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Bài tập duy nhất của nhiều người cao niên là đi bộ, và Tiến sĩ Lưu nói rằng điều này là tốt. Đối với những người làm việc bận rộn, Tiến sĩ Lưu cũng khuyến cáo nên đi bộ: “Khi đi làm về, không nên vào nhà ngay lập tức. Hãy đi bộ trong khu phố khoảng 10-15 phút cho đến khi bạn đổ mồ hôi, và sau đó về nhà để tắm. Việc này không chỉ giúp bạn rèn luyện sức khỏe mà còn giúp bạn giải tỏa căng thẳng.”
Nhiều nghiên cứu về đi bộ và sức khỏe tim mạch đã phát hiện ra rằng đi bộ nhanh trong thời gian ngắn nhiều lần rất hữu ích cho sức khỏe tim mạch và tinh thần.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2002 trên Tạp chí Y học & Khoa học trong Thể thao & Tập thể dục đã cho thấy rằng ở những đối tượng tập thể dục 5 ngày/tuần, 10 phút đi bộ nhanh 3 lần/ngày có hiệu quả như 30 phút đi bộ 1 lần/ngày trong việc giảm nguy cơ tim mạch và lo lắng.
Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ đã công bố một nghiên cứu tương tự vào năm 2008. Theo nghiên cứu này, ở một nhóm nam thanh niên, 10 lần đi bộ nhanh 3 phút và 1 lần đi bộ nhanh 30 phút có cùng tác dụng giảm lipid máu sau ăn và huyết áp tâm thu.
Ngoài ra, xoa bóp bắp chân được coi là một bài tập thụ động [đối với việc cải thiện sức khỏe tim mạch]. Mặc dù không hiệu quả bằng đi bộ nhưng cũng có lợi cho tim mạch. Một số người sẽ dễ bị huyết khối mạch máu nếu bẩm sinh có mạch máu mỏng hoặc ít vận động trong công việc. Vì vậy, xoa bóp bắp chân có thể làm giảm nguy cơ huyết khối và hỗ trợ một phần tuần hoàn máu ở chân.
2. Thay đổi cách ăn uống
Trước hết, chúng ta nên tránh những thực phẩm chứa nhiều dầu, đường và muối. Theo Tiến sĩ Lưu, chúng ta có thể ăn thức ăn cay, nhưng nhiều thức ăn cay thường được chế biến với quá nhiều dầu và/hoặc muối, chẳng hạn như lẩu cay, dầu cay và tương ớt, vì vậy cần cân nhắc trước khi sử dụng.
Có hai chất dinh dưỡng được công nhận là có lợi cho sức khỏe tim mạch, bao gồm: dầu cá và chất xơ.
Dầu cá: Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ khuyến cáo mỗi người nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, đặc biệt những loại giàu acid béo omega-3 như cá thu, cá kiếm, cá mòi, cá hồi, cá ngừ, cá trích. Việc hấp thụ các acid béo lành mạnh này có lợi cho việc duy trì độ đàn hồi của mạch máu tại tim và giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
Tạp chí Y khoa Anh Quốc đã công bố một nghiên cứu quy mô lớn vào năm 2020. Nghiên cứu đã khảo sát 420,000 người không mắc bệnh tim mạch để hỏi xem họ có thói quen tiêu thụ dầu cá hay không. Kết quả cho thấy việc bổ sung dầu cá thường xuyên làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong do mọi nguyên nhân.
Chất xơ: Chất xơ trong trái cây và rau quả có thể loại bỏ dầu bám trên thành mạch máu và giúp máu lưu thông trơn tru hơn.
Một nghiên cứu tổng quan được công bố vào năm 2017 trên Tạp chí Y học Thần kinh cột sống đã phân tích 31 bài báo từ năm 1980 đến năm 2017. Theo kết quả nghiên cứu, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tỷ lệ tử vong đã giảm đáng kể ở những người tiêu thụ nhiều chất xơ nhất.
Tiến sĩ Lưu kết luận rằng mặc dù lời khuyên của ông nghe có vẻ sáo rỗng, nhưng “Đây là cách trái tim hoạt động, và nó sẽ tốt hơn nếu được chăm sóc theo cách này.” Nhiều bệnh nhân của ông đã có rất nhiều cải thiện trong việc giảm tỷ lệ lão hóa tim nhờ làm theo lời khuyên của ông.
Tú Liên biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc tại The Epoch Times