4 cách cải thiện chức năng giải độc của gan
Gan là cơ quan giải độc, bài độc quan trọng của cơ thể con người, khi chức năng giải độc có vấn đề thì cơ thể sẽ dễ bị mệt mỏi, buồn nôn, thậm chí là suy giảm trí nhớ. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn 4 thói quen tốt có thể trau dồi trong cuộc sống để giúp gan duy trì chức năng của mình.
Gan là nhà máy giải độc, dùng thuốc sai cách sẽ ảnh hưởng rất lớn
Gan được ví như “xưởng gia công” của cơ thể con người, ty thể của tế bào gan có một họ enzym bao gồm một nhóm lớn các enzym được gọi là “cytochrome P450”. Chúng là những “cỗ máy chế biến” trong xưởng gia công này, và có hơn 50 loại. Cytochrome P450 chịu trách nhiệm gia công các “vật liệu” khác nhau đi vào gan, bao gồm độc tố, chất dinh dưỡng và nhiều thứ khác. Các chất chuyển hóa này sau đó được “dán nhãn”, được tế bào gan tiết vào mật và thải ra ngoài theo phân, hoặc được lọc qua thận và bài tiết qua nước tiểu.
Ông Ngô Văn Kiệt (Wu Wenjie,), chủ nhiệm Khoa tiêu hóa Gan mật của Bệnh viện Viên Vinh ở Đài Loan chỉ ra rằng, đây là hai chức năng chính của gan. Gan có thể chuyển hóa thuốc, chất độc và chất dinh dưỡng thông qua cytochrom P450, nhưng không thể chuyển hóa kim loại nặng, vì vậy kim loại nặng sẽ tích tụ trong gan.
Những thứ mà cytochrom P450 có thể chuyển hóa là hữu hạn, ngoài ra một số yếu tố dưới đây cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng giải độc của gan.
1. Dược phẩm
Một số người dùng rất nhiều loại thuốc, chẳng hạn như bệnh nhân mắc nhiều bệnh kinh niên cùng một lúc, hoặc người nghe quảng cáo mà đi mua thuốc. Tuy nhiên, nếu dùng quá nhiều thuốc cùng một lúc, tương tác giữa các loại thuốc có thể xảy ra và ảnh hưởng đến chuyển hóa của gan. Một số loại thuốc có thể do chuyển hóa quá nhanh mà bị giảm hiệu quả; một số loại thuốc thì do chuyển hóa không đủ mà tích lũy quá mức trong cơ thể, làm tăng độc tính và tác dụng phụ.
Ngoài ra, có một số loại thuốc sẽ ức chế cytochrom P450, từ đó làm giảm khả năng trao đổi chất, khiến P450 không thể chuyển hóa các thuốc khác và không phát huy được tác dụng.
Một yếu tố nữa là việc dùng thuốc Đông y và các sản phẩm y tế không rõ nguồn gốc có thể gây viêm gan do thuốc về lâu dài, dẫn đến tổn thương chức năng gan.
2. Thức ăn
Khi các loại ngũ cốc như đậu phộng, đậu nành và các loại ngũ cốc nguyên hạt khác bị mốc, chúng sẽ có một loại độc tố gọi là aflatoxin.
Aflatoxin thường có trong các thực phẩm mốc là một loại độc tố vi nấm được sản sinh một cách tự nhiên do một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc). Sau khi chất độc này được chuyển hóa ở gan, các sản phẩm trao đổi chất của nó có thể gây ra tổn thương và đột biến tế bào gan, thậm chí còn có thể khiến gan bị ung thư.
Ông Ngô Văn Kiệt nói rằng đã từng gặp một ông chủ sản xuất nước tương đậu phộng và một tài xế taxi, cả hai đều ăn đậu phộng trong một thời gian dài, vô tình hấp thụ độc tố aflatoxin, tích lũy trong một thời gian dài và dẫn đến ung thư gan.
Ngoài ra, trong trái bưởi giàu chất flavonoid, nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng trao đổi chất của gan đối với một số loại thuốc như thuốc hạ huyết áp, hạ lipid máu, chống rối loạn nhịp tim, thuốc tiểu đường, thuốc ngủ v.v. Thời gian ảnh hưởng kéo dài ít nhất 6-8 giờ, hoặc thậm chí dài đến 24 giờ. Nó có thể khiến thuốc tích tụ trong cơ thể, khiến chúng sinh ra độc tính và tăng cường tác dụng phụ. Ví dụ, sau khi uống thuốc huyết áp, huyết áp sẽ tụt xuống thấp hơn nữa, trở thành tụt huyết áp. Vì vậy, nếu bạn đang sử dụng các loại thuốc trên, nên hỏi xem bạn có cần tránh bưởi hay không.
Các loại trái cây khác ảnh hưởng đến sự trao đổi chất của thuốc: trái cây họ cam quýt như bưởi, cam đắng, cam ngọt, chanh, quýt, v.v. Mặc dù hàm lượng flavonoid của chúng không cao như bưởi, nhưng nên tạm dừng ăn trước khi dùng một số loại thuốc.
3. Rượu
Rượu là một trong những sát thủ lớn nhất gây tổn thương gan. Nó có thể gây viêm gan và xơ gan, làm tổn thương nghiêm trọng chức năng giải độc của gan.
Mọi người thường nghĩ rằng nghiện rượu mới có thể làm tổn thương gan. Tuy nhiên, chỉ bốn ounce rượu mạnh mỗi ngày đối với nam giới và hai ounce đối với phụ nữ là có thể gây sẹo cho gan. [1]
4. Bệnh gan
Các tế bào gan càng bình thường, cytochrome càng nhiều thì khả năng trao đổi chất càng tốt. Dưới tình huống thông thường, người cao tuổi có ít tế bào gan hơn và khả năng giải độc của gan cũng yếu hơn. Bệnh gan cũng có thể làm giảm số lượng tế bào gan bình thường.
Ngoài viêm gan do thuốc và viêm gan do rượu, các bệnh gan khác như gan nhiễm mỡ, viêm gan virus (như viêm gan B, viêm gan C), v.v. có thể gây viêm gan nhiều hơn, làm gan mất chức năng ban đầu và giảm số lượng tế bào gan bình thường, ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất.
Ngoài ra, ở những người bị xơ gan, không gian của các tế bào gan sẽ bị thay thế bằng mô sẹo, tế bào gan trở nên rất ít và sự trao đổi chất trở nên kém.
5. Gene
Chức năng trao đổi chất của cytochrom P450 mạnh hay yếu, nhanh hay chậm là có liên quan đến gene. Ví dụ, người Á Châu không giống với người phương Tây, người phương Tây chuyển hóa nhanh hơn, liều lượng của thuốc cũng đòi hỏi phải nhiều hơn một chút.
Những triệu chứng đại biểu cho gan đã bị tổn thương
Khi chức năng của gan bị tổn thương, nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng giải độc. Theo mức độ tổn thương gan, các triệu chứng sau đây sẽ xảy ra từ nhẹ đến nặng:
- Dễ bị mệt mỏi.
- Xuất hiện các triệu chứng của đường tiêu hóa như buồn nôn và mất khẩu vị.
- Bụng phải có cảm giác trướng lên, bởi vì gan ở bụng phải.
- Khi sử dụng thuốc, các hiệu ứng của thuốc thường rất mạnh, bởi vì chức năng trao đổi chất xấu đi khiến nồng độ của thuốc tăng lên. Ví dụ, thuốc hạ đường huyết vốn dĩ có thể khôi phục lượng đường trong máu xuống mức bình thường, nhưng bây giờ dùng nó sẽ biến thành hạ đường huyết.
- Lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng, nước tiểu cũng sậm màu như trà đen. Hai triệu chứng này đại biểu cho gan bắt đầu tổn thương trầm trọng hơn.
- Giữ thẳng hai tay, tay sẽ bắt đầu run nhẹ và cổ tay sẽ run.
- Trí nhớ giảm dần, không thể tập trung.
- Nghiêm trọng hơn sẽ xuất hiện bụng trướng, bụng như bóng nước, hoặc hôn mê.
4 phương pháp bảo vệ gan, duy trì chức năng giải độc và trao đổi chất
Gan gánh trách nhiệm rất lớn là giải độc và bài độc. Dưới đây là 4 phương pháp để duy trì chức năng gan tốt hơn:
1. Tiêu thụ thực phẩm ở trạng thái tự nhiên nhất, nấu ăn đơn giản
Chế độ ăn uống hàng ngày nên lấy thực phẩm ở trạng thái nguyên bản làm chủ, ăn ít thực phẩm đã gia công và bảo quản, đồng thời cố gắng chọn phương pháp nấu ăn đơn giản, ít sử dụng các gia vị với thành phần phức tạp. Chế độ ăn uống như thế có thể làm giảm các thành phần cần gan chuyển hóa và giải độc, làm giảm gánh nặng cho gan.
“Đây là nguyên tắc quan trọng nhất”, ông Ngô Văn Kiệt nhấn mạnh. Bởi vì ngoài thực phẩm nguyên bản hoặc nước ra, các thực phẩm thêm chất phụ gia khác và thuốc, v.v. đều phải thông qua quá trình chuyển hóa ở gan mới có thể bài xuất.
2. Ăn nhiều trái cây và rau quả tươi
Cho thêm vào bữa ăn các loại rau quả nhiều màu sắc, có thể hấp thu được nhiều loại vitamin và hợp chất thực vật. Những chất dinh dưỡng này giúp tăng khả năng chống lại các gốc tự do và cải thiện tình trạng viêm. Ông Ngô Văn Kiệt nói thêm, đặc biệt là người già, phương pháp thực liệu tốt hơn là so với dùng thuốc.
Trong số các loại trái cây và rau quả có lợi cho gan, các loại rau họ cải thường được nhắc tới, chẳng hạn như bắp cải, bông cải xanh, củ cải trắng, cải Brussels và cải xoăn, v.v. Trong họ rau cải có chứa Indole, có thể làm tăng khả năng giải độc của gan và chuyển hóa độc tố môi trường (xenohormone).
Vào năm 2015, tạp chí “Y học bổ sung và thay thế dựa trên bằng chứng” (Evidence-Based Complementary and Alternative Medicine) đã tổng hợp lại các loại trái cây và rau quả có lợi cho sức khỏe của gan. Ngoài các loại rau họ cải ra còn có rau mùi, trái cây họ cam quýt (bưởi chùm, chanh, quýt và cam), củ cải đường, khoai lang, khoai mỡ, bơ, chuối, anh đào, sung ngọt, đu đủ, lựu, dưa hấu, v.v. [2]
3. Giảm thiểu uống rượu, xem xét các loại thuốc
Cố gắng uống càng ít rượu càng tốt, không dùng thuốc và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe không rõ nguồn gốc để giảm gánh nặng cho gan.
Những bệnh nhân mắc nhiều bệnh kinh niên, đặc biệt là người cao tuổi, nếu không rõ liệu các loại thuốc hiện đang dùng sẽ ảnh hưởng đến nhau hay không, có thể đến quầy tư vấn thuốc của bệnh viện để hỏi, đồng thời chủ động thông báo cho bác sĩ mình hiện đang dùng những loại thuốc nào.
4. Tập thể dục thường xuyên, duy trì chế độ ngơi nghỉ
Tập thể dục thường xuyên không chỉ có thể duy trì một cơ thể khỏe mạnh mà còn tránh được gan nhiễm mỡ. Ông Ngô Văn Kiệt chỉ ra rằng chỉ số thể trọng (BMI, lấy trọng lượng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m)) nên được kiểm soát dưới 24.
Gan là một cơ quan có lưu lượng máu rất lớn. Một chỗ tốt khác của tập thể dục là nó có thể thúc đẩy lưu thông máu, làm tăng lưu lượng máu ở gan và trợ giúp cho việc chuyển hóa.
Đồng thời, nên dưỡng thành thói quen sống lành mạnh, không thức khuya, để gan có thể được nghỉ ngơi hoàn toàn. Người hiện đại có thói quen ngủ nướng, ngủ không đủ giấc, nhưng ít nhất cần ngủ 6-7 tiếng.
Lý Thanh Phong biên tập
Xuân Hoàng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ