3 hậu quả tai hại khi bạn loại bỏ muối hoàn toàn ra khỏi bữa ăn
Muối, hay còn gọi là sodium chloride, là một khoáng chất đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng thể dịch, chức năng cơ bắp và dẫn truyền thần kinh trong cơ thể người.
Trong những năm gần đây, [mọi người] có xu hướng giảm lượng muối ăn vào để cải thiện sức khỏe tổng quát. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn loại bỏ muối hoàn toàn ra khỏi khẩu phần ăn trong 30 ngày?
Bữa ăn quá nhiều muối ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Theo Trường Y Công cộng Harvard T.H. Chan, bữa ăn có quá nhiều muối liên quan đến các vấn đề sức khỏe như cao huyết áp, bệnh tim và đột quỵ.
Bữa ăn quá nhiều muối cũng có thể gây mất calcium, vốn có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương. Hầu hết người Mỹ tiêu thụ ít nhất 1.5 muỗng cà phê muối mỗi ngày, tức là khoảng 3,400mg sodium—nhiều hơn nhiều so với nhu cầu của cơ thể chúng ta.
Theo hướng dẫn của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), người trưởng thành nên hạn chế lượng sodium ăn vào dưới 2,300mg mỗi ngày—hoặc khoảng 1 muỗng cà phê muối ăn.
Sotiria Everett, một chuyên gia dinh dưỡng và trợ lý giáo sư lâm sàng tại Khoa Dinh dưỡng thuộc Khoa Gia đình, Dân số và Y tế Dự phòng tại Stony Brook Medicine, nói với The Epoch Times rằng việc ăn quá nhiều sodium có liên quan đến sự phát triển bệnh tăng huyết áp, nguy cơ này còn cao hơn đối với những người có các yếu tố rủi ro khác.
Everett cho biết: “Thật không may, nhiều người mắc một hoặc nhiều tình trạng liên quan đến việc phát triển bệnh cao huyết áp.”
Rất nhiều người Mỹ sống với những tình trạng này.
Hơn 30% dân số Hoa Kỳ bị thừa cân, khoảng 11% bị bệnh tiểu đường và ước tính cứ 3 người trưởng thành thì có 1 người bị hội chứng chuyển hóa.
“Vì vậy, điều quan trọng là phải nhận ra ảnh hưởng của sodium, vì việc hạn chế lượng sodium có thể là một bước hướng đến việc ngăn ngừa bệnh cao huyết áp,” cô nói thêm.
Everett khuyên những người có nguy cơ cao hơn hoặc những người đang điều trị bệnh cao huyết áp nên đặt mục tiêu 1,500mg sodium mỗi ngày.
Điều gì xảy ra khi chúng ta loại bỏ muối hoàn toàn?
Cũng cần lưu ý rằng không nên ăn quá ít muối hoặc loại bỏ muối ra khỏi bữa ăn vì cơ thể cần một lượng sodium nhất định để hoạt động bình thường.
Ngoài ra, nhiều loại thực phẩm chế biến có chứa một lượng lớn sodium, vì vậy ngay cả khi bạn cố gắng cắt giảm muối khỏi bữa ăn của mình, thì hầu hết mọi người sẽ phải có sự thay đổi lớn về thói quen ăn uống.
Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu bạn loại bỏ hoàn toàn muối ra khỏi khẩu phần ăn của mình?
Điều đầu tiên xảy ra thực sự sẽ là một điểm tích cực cho sức khỏe; việc giảm đáng kể lượng sodium đưa vào có thể dẫn đến giảm khả năng giữ nước và đầy hơi, vì lượng sodium dư thừa trong cơ thể có thể khiến cơ thể giữ nước.
Tuy nhiên, loại bỏ muối hoàn toàn khỏi khẩu phần ăn uống sẽ mang lại một số hậu quả rất nghiêm trọng đối với sức khỏe chúng ta. Khi Tiến sĩ Robert A. McCance thử loại bỏ muối khỏi khẩu phần ăn của các tình nguyện viên trẻ tuổi, chỉ mất 10 ngày để các đối tượng thiếu muối bị chuột rút, khó thở, chán ăn và buồn nôn.
Hạ sodium máu
Sodium là một chất điện giải quan trọng giúp điều chỉnh chức năng cơ và thần kinh. Nếu không có đủ sodium, cơ thể có thể bị yếu cơ, chuột rút và thậm chí co giật. Tình trạng này được gọi là hạ sodium máu.
Hạ sodium máu nghiêm trọng có thể gây co giật, hôn mê và thậm chí tử vong ở người lớn tuổi. Bất kỳ sự mất cân bằng điện giải nào (quá nhiều hoặc quá ít) đều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về tim, chẳng hạn như ngừng tim đột ngột (đột tử).
Thiếu Iodine
Một hậu quả tiềm ẩn khác của việc loại bỏ muối là nó có thể dẫn đến giảm lượng iodine mà cơ thể nhận được. Hầu hết muối được cho iodine vào để bảo đảm chúng ta nhận đủ iodine trong bữa ăn của mình.
Iodine là một khoáng chất quan trọng đối với chức năng tuyến giáp và thường được thêm vào muối như một chất bổ sung dinh dưỡng. Nếu không có đủ iodine, tuyến giáp có thể không hoạt động bình thường, điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe.
Mặc dù các chương trình phổ biến muối iodine đã được đề xuất trên toàn thế giới, nhưng cho đến nay điều này chỉ mang lại lợi ích cho khoảng 71% dân số thế giới. Người dân ở nhiều nơi trên thế giới vẫn không có đủ i-ốt trong khẩu phần ăn uống và tình trạng thiếu iodine tiếp tục là một vấn đề sức khỏe cộng đồng.
Tăng khả năng kháng insulin
Việc loại bỏ muối ra khỏi bữa ăn của bạn cũng có thể làm tăng tình trạng kháng insulin, dẫn đến tăng lượng đường trong máu và có liên quan đến bệnh tiểu đường loại 2. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Trao đổi chất kết luận rằng ăn quá ít muối có liên quan đến sự gia tăng khả năng kháng insulin, dẫn đến sự phát triển của bệnh tiểu đường và bệnh tim mạch.
Phương cách tốt nhất là giữ lượng muối ăn vào ở mức duy trì sức khỏe nhưng tránh hậu quả của việc ăn quá nhiều hoặc quá ít.
Giữ lượng muối ăn vào ở mức lành mạnh
Một trong những cách tốt nhất để giữ lượng sodium nạp vào trong mức lành mạnh là tránh ăn quá nhiều thực phẩm chế biến hoặc thực phẩm đóng gói thường dùng muối làm chất bảo quản. Theo FDA, hơn 70% lượng sodium trong khẩu phần ăn của chúng ta đến từ thực phẩm chế biến chứ không phải từ muối được thêm vào thức ăn khi nấu hoặc ăn.
Everett khuyên rằng: “Chúng ta nên cắt giảm thực phẩm chế biến nên cắt giảm và ăn nhiều thực phẩm nấu tại nhà hơn. Mọi người cũng nên chuyển từ thức ăn mặn sang những thực phẩm không thêm muối, chẳng hạn như các loại hạt tươi thay vì các loại hạt có muối, hoặc bánh quy không ướp muối và rau đóng hộp không thêm muối.”
Tuy nhiên, khi bạn ăn rau hoặc đậu đóng hộp với muối, Everett khuyên bạn nên rửa sạch bằng nước để loại bỏ một phần sodium.
Nhiều loại phô mai phổ biến, nước sốt mua ở cửa hàng và thịt chế biến sẵn cũng chứa nhiều sodium. Bạn cũng không nên ăn thường xuyên những thực phẩm này và nên đọc kỹ thành phần.
Everett khuyên rằng: “Thay vì snack với rất nhiều muối, bạn hãy ăn trái cây thường chứa nhiều potassium và có thể giúp giảm ảnh hưởng lên huyết áp của sodium.”
Tân Dân biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times