Bản tin đặc biệt

24 giờ ghé thăm Budapest

Bắt đầu với Thành Ngư phủ tựa như bước ra từ truyện cổ tích, du khách có thể ngắm nhìn quang cảnh hùng vĩ của thành phố này, khám phá lịch sử và ẩm thực — và đừng quên ghé thăm các nhà tắm đồ sộ ở nơi đây.

Khi thăm thú thủ đô sôi động của Hungary, du khách như đang tự viết nên tác phẩm Hai Kinh Thành (Tale of Two Cities) (*) của riêng mình. Được chia cắt bởi dòng Danube xanh thẳm kiều diễm, mỗi bờ sông lại sở hữu một nét cá tính, nhịp điệp, và cảm nhận riêng. [Trong khi] Buda vươn cao với những mái vòm, tháp nhọn trên đỉnh nhà thờ, và các tòa lâu đài nhô lên khỏi dòng sông; thì bên kia Cầu Xích, Pest lại hối hả với nhịp sống năng động, mời gọi du khách hòa mình vào nhịp điệu đó. Dù việc khám phá hai thành phố trong 24 giờ sẽ khá bận rộn, nhưng chắc chắn sẽ rất vui — và dưới đây là cách để bạn thực hiện chuyến tham quan của mình.

Di chuyển

Phi trường quốc tế Ferenc Liszt (BUD) của Budapest — mà người dân địa phương vẫn thường gọi với cái tên cũ là Ferihegy — nằm cách Cầu Xích khoảng 23 km về hướng đông nam. Mặc dù các chuyến bay thẳng từ Bắc Mỹ vẫn khá ít ỏi, nhưng phi trường này đón nhiều chuyến bay của các hãng hàng không quốc gia (bao gồm các chuyến bay thẳng từ Nam Hàn, Dubai, và Istanbul). Đây cũng là trung tâm hoạt động chính của hãng hàng không giá rẻ WizzAir của Hungary.

Du khách có nhiều lựa chọn để đến trung tâm thành phố Budapest (mất khoảng 30 đến 45 phút nếu đi bằng xe hơi). Dịch vụ đi chung xe Bolt có chi phí dao động từ 30 đến 40 USD. Bạn có thể tiết kiệm ngân sách bằng cách đón tuyến xe buýt 100E hoặc 200E (giá khoảng 4 USD), khởi hành từ ga đến của phi trường và đi thẳng vào trung tâm thành phố.

24 giờ ghé thăm Budapest

Buổi sáng

Khi bạn đến một thành phố mới, việc tìm hiểu chi tiết về vùng đất đó sẽ rất hữu ích. Ở Budapest thì điều này rất dễ dàng. Xuôi theo dòng sông Danube, hãy đi lên, đi lên, và lên cao hơn nữa. Đi bộ lên những con phố quanh co ngoằn ngoèo phía bên Buda là cách tuyệt vời để duỗi đôi chân và lưu thông máu sau một chuyến bay dài.

Tầm nhìn từ Thành Ngư phủ là đẹp nhất thành phố: toàn bộ thành phố như nằm dưới chân bạn, dòng sông Danube mênh mông, uốn lượn chảy quanh. Lấy một tách cà phê và một chiếc bánh sừng bò, ổn định chỗ ngồi, và dự tính lộ trình cho phần còn lại trong ngày. Bản thân Thành Ngư phủ cũng đã rất đẹp và đầy tính lịch sử. Ban đầu, công trình này là một phần của những bức tường thành. Nghe nói rằng đây là khu vực được phường hội ngư phủ bảo vệ. Kiến trúc hiện nay được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Bảy tòa tháp mang phong cách Tân La Mã (Neo-Romanesque) tượng trưng cho các tộc trưởng nguyên thủy đã thành lập nên Hungary vào năm 895 Công Nguyên.

Một góc nhìn từ Tòa nhà Nghị viện hướng sang phía bên kia sông. (Ảnh: tunart/iStock/Getty Images)
Một góc nhìn từ Tòa nhà Nghị viện hướng sang phía bên kia sông. (Ảnh: tunart/iStock/Getty Images)
Các tháp canh khiến Thành Ngư phủ tựa như bước ra từ chuyện cổ tích. (Ảnh: Attila Egri/Pexels)
Các tháp canh khiến Thành Ngư phủ tựa như bước ra từ chuyện cổ tích. (Ảnh: Attila Egri/Pexels)

Từ đó, chỉ cần đi bộ một đoạn ngắn nữa là đến Lâu đài Buda, nơi chiếm trọn vùng đỉnh đồi được gọi là Khu phố Lâu đài. Du khách có thể dễ dàng dành cả ngày để khám phá những con đường lát đá cuội. Tuy nhiên, hãy chọn một chuyến tham quan vào bên trong lâu đài.

Các vị vua Hungary đã xây dựng dinh thự hoàng gia đầu tiên tại địa điểm này vào năm 1265, mặc dù phần lớn các cung điện Baroque đường bệ tại đây thời nay đều có niên đại từ giữa thế kỷ 18. Một chuyến tham quan Cung điện Hoàng gia sẽ đưa bạn vào bên trong lâu đài, bao gồm một chuyến tham quan Sảnh đường Thánh Stephen được trang trí công phu, mới được trùng tu để lấy lại vẻ huy hoàng ban đầu. Sau đó, hãy đi xuống lòng đất để khám phá hang động với các mê cung đường hầm, hầm chứa, và hầm tránh bom, nằm bên dưới khu phức hợp lâu đài này.

Dù bạn tham quan kiến trúc Baroque hay những con phố đi bộ sầm uất, thì thủ đô của Hungary đều thích hợp cho việc khám phá bằng cách đi bộ. (Ảnh: Ljubomir Žarković/Unsplash)
Dù bạn tham quan kiến trúc Baroque hay những con phố đi bộ sầm uất, thì thủ đô của Hungary đều thích hợp cho việc khám phá bằng cách đi bộ. (Ảnh: Ljubomir Žarković/Unsplash)
Vương cung Thánh đường Thánh Stephen được đặt tên để vinh danh ngài Stephen, vị vua đầu tiên của Hungary (khoảng năm 975–1038). (Ảnh: StockByM/iStock/Getty Images)
Vương cung Thánh đường Thánh Stephen được đặt tên để vinh danh ngài Stephen, vị vua đầu tiên của Hungary (khoảng năm 975–1038). (Ảnh: StockByM/iStock/Getty Images)

Buổi chiều

Khu phố Lâu đài có một số điểm tham quan nổi bật khác, bao gồm bảo tàng lịch sử hàng đầu thành phố, Thư viện Quốc gia và Phòng Trưng bày Quốc gia. Mỗi nơi có thể khiến bạn mất hàng giờ để tham quan, đặc biệt là điểm cuối cùng — Phòng Trưng bày Quốc gia — nơi có các tác phẩm của những nghệ sỹ hàng đầu đất nước. Nhưng bạn phải tiếp tục di chuyển. Sau một buổi sáng ở Buda, hãy dành buổi chiều của mình ở Pest.

Đi xuống dòng sông Danube và lội bộ dọc theo sông để đến Khu Chợ Lớn Trung tâm (Great Market Hall), cách đó khoảng 35 phút đi bộ. Nếu thấy mệt thì bạn có thể đón xe điện, đây cũng là một trải nghiệm địa phương đặc sắc khác khi xe chạy rầm rầm dọc theo các con phố. Ngay bên kia Cầu Tự do là khu chợ có mái che lớn nhất và lâu đời nhất thành phố.

Cầu Tự Do nối liền hai bờ Buda và Pest của thành phố Budapest. (Ảnh: Alexander Spatari/Getty Images)
Cầu Tự Do nối liền hai bờ Buda và Pest của thành phố Budapest. (Ảnh: Alexander Spatari/Getty Images)
Chợ Lớn Trung tâm được xây dựng vào năm 1897, đây là khu chợ trong nhà lớn nhất và lâu đời nhất ở Budapest. (Ảnh: RossHelen/Shutterstock)
Chợ Lớn Trung tâm được xây dựng vào năm 1897, đây là khu chợ trong nhà lớn nhất và lâu đời nhất ở Budapest. (Ảnh: RossHelen/Shutterstock)
Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều người bán hoa oải hương, chocolate, nấm truffles và mật ong, cũng như các mặt hàng thiết yếu như nông sản và thịt tại Chợ Lớn Trung tâm. (Ảnh: fornStudio/Shutterstock)
Bạn sẽ tìm thấy rất nhiều người bán hoa oải hương, chocolate, nấm truffles và mật ong, cũng như các mặt hàng thiết yếu như nông sản và thịt tại Chợ Lớn Trung tâm. (Ảnh: fornStudio/Shutterstock)

Mặc dù cấu trúc thép cao vút của Chợ lớn Trung tâm gợi nhớ đến kỹ sư Gustave Eiffel — ông thường bị nhầm là người đã tạo nên thiết kế này, nhưng thực ra kiến trúc sư Samu Pecz, sinh ra ở Budapest — mới là tác giả đặt nền móng cho công trình rực rỡ và luôn tấp nập này. Khánh thành vào năm 1897, Chợ Lớn Trung tâm từng bị hư hại do bom đạn trong Đệ nhị Thế chiến, sau đó xuống cấp nghiêm trọng trong thời kỳ Hungary là một phần của Khối phía Đông (Khối Cộng sản). Khu chợ chỉ được hồi sinh và mở cửa trở lại thời hậu cộng sản vào năm 1997.

Hãy đến đây với một chiếc bụng đói! Sau khi khám phá khu chợ cá ở tầng dưới, hãy xem qua vô số gian hàng bày bán những sản vật nổi tiếng nhất, chất lượng nhất của Hungary. Các mặt hàng này có đủ mọi thứ từ ớt bột paprika — gia vị quốc gia, đến xúc xích địa phương, pho mát, và rượu vang từ vùng rượu Tokay. (Rượu vang Tokay đóng vai trò rất quan trọng đối với bản sắc Hungary, đến mức chúng thực sự được nhắc đến trong quốc ca.) Đối với bữa trưa, hãy đến các quầy ẩm thực nóng hổi, nơi phục vụ những món ăn thịnh soạn, nghi ngút khói như món thịt hầm goulash ăn kèm bánh bread dumpling — tiếp thêm năng lượng cho buổi chiều và buổi tối bận rộn phía trước.

Sau bữa ăn, hãy đi bộ băng qua đường đến Phố Vaci (Vaci utca), để đốt cháy một ít calo. Đây là phố đi bộ mua sắm chính của thành phố, là tập trung các thương hiệu quốc tế và quán cà phê vỉa hè. Tuy phố Vaci không quá dài, chỉ khoảng 1.6km từ đầu đến cuối phố, nhưng du khách sẽ muốn dành nhiều thời gian để tham quan bên trong các cửa hàng, có thể kéo một chiếc bàn cùng một tách cà phê, rồi ngắm nhìn dòng người qua lại.

Cách Phố Vaci vài dãy nhà là khách sạn huyền thoại của Budapest, Four Seasons Gresham Palace. Mặc dù giá phòng ở đây khá đắt đỏ, nhưng rất đáng để dừng lại và thưởng thức đồ uống tại Muzsa. Đây là quầy bar xa hoa, quyến rũ ở sảnh khách sạn, nơi tôn vinh thời kỳ hoàng kim của Budapest. Thực đơn bao gồm các loại đồ uống hảo hạng nhất của Hungary, du khách có thể gọi một loạt các loại palinka, loại rượu làm từ trái cây được ưa chuộng.

Mọi người đi dạo dọc Phố Vaci, một trong những phố mua sắm dành cho người đi bộ của thành phố. (Ảnh: Vivida Photo PC/Shuttesrtock)
Mọi người đi dạo dọc Phố Vaci, một trong những phố mua sắm dành cho người đi bộ của thành phố. (Ảnh: Vivida Photo PC/Shuttesrtock)

Từ đó, rảo bước một đoạn rất ngắn là đến Khu Do Thái, một trong những khu phố thú vị nhất của Pest. Hãy khám phá bên trong Szimpla Kert, ngôi nhà lộng lẫy từ thế kỷ 19 của một gia đình giàu có. Giờ đây, đó là “quán bar đổ nát” nổi bật nhất của thành phố, một địa điểm độc đáo, kỳ lạ, nơi du khách có thể vừa nhâm nhi bia vừa tựa vào một chiếc Trabant — một chiếc xe do Đông Đức chế tạo nhưng chất lượng rất tệ ngay cả khi nó mới sản xuất — hoặc leo vào một bồn tắm trống rỗng. Nếu du khách vẫn đang cảm thấy mệt mỏi do chênh lệch múi giờ, hãy quay lại đây muộn hơn để thưởng thức một ly rượu nhẹ, vì quán bar Szimpla Kert thường tràn ngập âm nhạc và năng lượng cho đến 4 giờ sáng vào hầu hết các buổi tối.

Hãy dành chút thời gian ở khu Gozsdu Udvar ở gần đó. Đây là một trong những lối đi bí ẩn nhưng không quá xa lạ của Budapest — kết nối bảy tòa nhà khác nhau với những khoảng sân bên trong. Du khách sẽ khám phá các cửa hàng, quán bar và nhà hàng tại đây. Hãy nếm thử các món ăn đường phố được yêu thích của Hungary tại quán Langos Bistro. Quán ăn này phục vụ langos, những chiếc bánh bột chiên giòn nhỏ phủ phô mai và kem chua. Langos là một món ăn có lịch sử lâu đời ở Hungary. Trong quá khứ, món ăn này thường được nướng trong lò gạch vào thời mà, mỗi tuần một lần, người ta thường nướng bánh mì của họ — theo nghĩa đen, langos có nghĩa là “được nướng bằng ngọn lửa.”

24 giờ ghé thăm Budapest

Sân Gozsdu trong Khu Do Thái là nơi có nhiều cửa hiệu Do Thái trước Đệ nhị Thế chiến. Ngày nay, bạn sẽ tìm thấy nhiều nhà hàng nơi đây. (Ảnh: Melinda Nagy/Shutterstock)
Sân Gozsdu trong Khu Do Thái là nơi có nhiều cửa hiệu Do Thái trước Đệ nhị Thế chiến. Ngày nay, bạn sẽ tìm thấy nhiều nhà hàng nơi đây. (Ảnh: Melinda Nagy/Shutterstock)

Buổi tối

Bạn đã trải qua một ngày bận rộn, giờ đây là lúc để nghỉ ngơi. Hãy đến với Bể nước nóng Szechenyi, được khánh thành từ năm 1913 sau khi các nhà sáng lập khoan chiếc giếng ban đầu, khai thác nguồn nước khoáng nóng tự nhiên nằm sâu hàng trăm mét dưới lòng đất. Ngày nay, nơi đây mang lại cảm giác tựa như một cung điện, được xây dựng theo phong cách Tân Baroque. Hãy tận hưởng một hành trình trị liệu tại 15 bể tắm trong nhà và ba hồ bơi ngoài trời rộng lớn. Nếu du khách mong muốn nhâm nhi thức uống trong khi ngâm mình, nhân viên pha chế [sẵn sàng] phục vụ bia tươi mát lạnh.

Sau khi dành một thời gian ngắn tại các phòng xông hơi, bạn hãy tắm gội, thay trang phục và chuẩn bị cho một bữa tối đáng nhớ. Tham quan Budapest, bạn không thể bỏ qua trải nghiệm du lịch trên sông. Hẳn là bạn chưa từng chiêm ngưỡng khung cảnh nào giống như thành phố này, lung linh dưới ánh đèn đêm, từ giữa lòng sông Danube.

Bể nước nóng Szechenyi, được xây dựng vào năm 1913, gồm có 15 bể tắm trong nhà và ba hồ bơi, bên cạnh đó còn có 10 phòng xông hơi khô và ướt. (Ảnh: Julian Elliott Photography/Getty Images)
Bể nước nóng Szechenyi, được xây dựng vào năm 1913, gồm có 15 bể tắm trong nhà và ba hồ bơi, bên cạnh đó còn có 10 phòng xông hơi khô và ướt. (Ảnh: Julian Elliott Photography/Getty Images)
Những bức tranh khảm trang trí công phu tô điểm cho mái vòm cung điện Bể nước nóng Szechenyi (Ảnh: nimu1956/iStock/Getty Images).
Những bức tranh khảm trang trí công phu tô điểm cho mái vòm cung điện Bể nước nóng Szechenyi (Ảnh: nimu1956/iStock/Getty Images).

Trên du thuyền, du khách có thể thưởng thức một ly rượu vang Tokaji (bạn có thể cân nhắc lựa chọn loại rượu vang trắng từ nho như Irsai Olive). Sau đó, hãy thư giãn và tận hưởng bữa tối với nhiều món trên du thuyền cùng một hãng du thuyền như Legenda. Khi thực khách nâng ly chúc mừng một ngày mệt nhoài nhưng đáng nhớ, ánh đèn từ tòa nhà nghị viện, Lâu đài Buda — và Cầu Xích phía trên — chiếu rọi lướt qua du thuyền. Ánh đèn lung linh, huyền ảo, mời gọi và níu chân du khách quay trở lại.

Chú giải:

(*) Hai Kinh Thành (hay Chuyện về Hai Thành Phố), nguyên tác: A Tale of Two Cities (1859) là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Charles Dickens, viết tại London và Paris trước và trong cuộc Cách mạng Pháp.

Linh Đan biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times