11 cách tự nhiên giúp tăng nguồn sữa mẹ
Nếu bạn đang gặp khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, dưới đây là một số điều bạn có thể làm để khắc phục tình trạng phổ biến này.
Bạn mới làm mẹ và luôn để ý từng giây từng phút đến nguồn sữa mẹ dồi dào cho bé cưng của bạn? Hoặc có lẽ bạn và em bé đều đã quen với việc nuôi con bằng sữa mẹ nhưng bạn sắp đi làm trở lại hoặc con bạn đã bắt đầu ăn dặm?
Những tình huống này đều dẫn đến một vài biến động nhỏ về nguồn cung cấp sữa trong suốt thời gian cho con bú. Tuy nhiên đó là điều bình thường. Cố gắng đừng quá căng thẳng về lần trồi sụt này, vì việc cho con bú – tất cả đều là về cung và cầu.
Nhiều phụ nữ cảm thấy nguồn sữa giảm xuống nếu họ trở lại làm việc và chuyển sang giai đoạn hút sữa bằng máy trong ngày. Tương tự, bạn có thể nhận thấy nguồn cung giảm khi bé bắt đầu ăn thức ăn đặc thường xuyên hơn.
Nếu bạn nhận thấy nguồn cung của mình không mạnh như bình thường, đừng lo lắng! Có nhiều cách tự nhiên có thể giúp tăng nguồn sữa mẹ.
1. Bổ sung nước đầy đủ
Bổ sung nước đầy đủ là một trong những yếu tố then chốt nhằm tăng và duy trì nguồn sữa mẹ khỏe mạnh. Cơ thể của bạn đang làm việc không ngừng nghỉ để cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho bạn và em bé, vì vậy việc hỗ trợ cơ thể bằng cách cung cấp đủ nước là rất quan trọng.
Theo nguyên tắc chung, bạn cần muốn tiêu thụ lượng nước bằng 1/2 trọng lượng cơ thể tính bằng ounce trở lên để duy trì hoạt động và tăng nguồn sữa. Bạn cũng cần bổ sung khoáng chất vi lượng vào nước uống để cơ thể không bị cạn kiệt lượng nước bổ sung. Thực phẩm bổ sung Original Quinton Hypertonic là một cách tuyệt vời để bảo đảm cho cơ thể đầy đủ chất điện giải và khoáng chất vi lượng.
Ngoài ra, nước hầm xương là một cách tuyệt vời để bồi bổ cơ thể vì dồi dào các chất dinh dưỡng có công dụng trị liệu và bổ sung nước. Ngoài ra, nước hầm xương còn là một thức uống vô cùng thơm ngon, dễ chịu để nhâm nhi khi bạn lắc lư đứa con của mình.
2. Cách ăn uống
Cho dù em bé lần này là con so hay con rạ thì bạn có thể đang rất vất vả để đáp ứng mọi nhu cầu của đứa con mới chào đời ngay lập tức. Đôi khi, những công việc này có thể khiến bạn quên chăm sóc bản thân. Tuy nhiên, bạn cũng cần những bữa ăn bổ dưỡng thường xuyên trong ngày cho nhu cầu hồi phục cơ thể sau sinh và sản xuất sữa nuôi em bé.
Những bà mẹ đang cho con bú thường cần tiêu thụ thêm khoảng 300 đến 500 calo để duy trì cân nặng trước khi mang thai. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn phải lắng nghe cơ thể và ăn khi đói, thay vì nhắm vào một số lượng calo cụ thể. Cơ thể của bạn sẽ cho bạn biết rằng nó đang cần gì. Bạn hãy chú tâm để bảo đảm bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
Như đã đề cập trước đó, ngoài việc bổ sung nước, nước hầm xương là một loại siêu thực phẩm giàu chất dinh dưỡng sẽ cung cấp cho cơ thể bạn cả vi chất và dinh dưỡng đa lượng. Hâm nóng một cốc nước hầm xương là một cách nhanh chóng và dễ dàng để nhận được các chất dinh dưỡng có lợi khi bạn thiếu thời gian.
Yến mạch là một cách khác để hỗ trợ nguồn sữa lành mạnh. Nhiều bà mẹ đang cho con bú thấy một bát bột yến mạch ấm, dễ chịu là cách tuyệt vời để hỗ trợ nguồn sữa trong ngày. Yến mạch là nguồn cung cấp sắt tuyệt vời mà nhiều thai phụ bị thiếu hụt, đặc biệt là giai đoạn đầu sau sinh. Thực phẩm này cũng chứa một loại chất xơ gọi là beta-glucan, được cho là có tác động tích cực đến prolactin – hormone được tiết ra sau khi sinh con để kích thích sản xuất sữa mẹ.
Tốt nhất là bạn nên dùng yến mạch nguyên hạt vì dạng này chưa qua chế biến và chứa nhiều chất dinh dưỡng nhất. Tuy nhiên, yến mạch cắt hoặc cán bằng thép cũng có lợi. Yến mạch ngâm hoặc nảy mầm là loại yến mạch dễ tiêu hóa nhất và cung cấp nhiều chất dinh dưỡng sinh học nhất.
Một cách tuyệt vời để thêm một số dinh dưỡng bổ sung vào bột yến mạch vào buổi sáng là thêm hạt lanh xay, chứa nhiều chất xơ và acid béo omega-3.
3. Galactagogues
Đó là một từ thú vị đúng không bạn? Galactagogues nghe có vẻ giống như một chủng tộc người ngoài hành tinh, nhưng theo Học viện Y học Nuôi con bằng sữa mẹ, đây là từ chỉ về “thuốc hoặc các chất khác được cho là để hỗ trợ bắt đầu, duy trì hoặc tăng lượng sữa mẹ.”
Nói cách khác, galactagogues là những loại thực phẩm và thảo mộc lợi sữa tự nhiên.
Một số loại thực phẩm lợi sữa phổ biến bao gồm:
- Hạnh nhân và các loại hạt khác
- Rau lá xanh đậm (cải xoăn, cỏ linh lăng, rau củ cải đường, rau bina, v.v.)
- Thì là
- Gừng
- Đu đủ
- Ngũ cốc nguyên hạt (yến mạch, lúa mạch, gạo lứt, hạt quinoa, hạt kê, v.v.)
Một cách khác để tiêu thụ galactagogues là thông qua các loại thảo mộc, dưới dạng trà thảo mộc, cồn thuốc hoặc chất bổ sung.
Các loại thảo mộc lợi sữa gồm:
- Cây hồi
- Cây kế sữa
- Men bia
- Lá mâm xôi đỏ
- Thì là
- Cây thảo linh lăng
- Rễ thục quỳ
- Cây tầm ma
Bạn có thể tìm thấy hỗn hợp trà lợi sữa ở tiệm tạp hóa hoặc chợ gần nhà. Một loại phổ biến là trà sữa Organic Mother’s Milk, chứa một danh sách dài các loại thảo mộc lợi sữa, chủ yếu là cỏ cà ri và thì là, cả hai đều được coi là siêu thảo mộc lợi sữa.
Chúng tôi muốn lưu ý rằng có một số bằng chứng giai thoại cho thấy một số bà mẹ bị giảm nguồn sữa mẹ khi dùng cỏ ca ri. Điều này có thể là do hạt cỏ cà ri có đặc tính estrogen. Sự gia tăng estrogen có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp sữa, vì vậy bạn có thể muốn chú ý hơn đến phản ứng của cơ thể nếu bạn bắt đầu tiêu thụ cỏ ca ri.
4. Lecithin hướng dương
Nếu bạn đã từng bị tắc ống dẫn sữa trước đây, bạn sẽ biết vấn đề này có thể khốn khổ như thế nào. Nhiều bà mẹ cho con bú phải vật lộn với các ống dẫn sữa bị tắc, đặc biệt là trong những ngày đầu khi họ và con của họ đang làm việc chăm chỉ để thiết lập và duy trì nguồn cung cấp. Khi cơ thể đang làm việc để thích nghi và em bé đang học cách bú sau mỗi lần ăn, lecithin hướng dương có thể là một chất bổ sung hữu ích để giữ cho ống dẫn sữa thông thoáng và sữa chảy dễ dàng.
Lecithin hướng dương có tác dụng làm giảm độ nhớt (hoặc độ dính) của sữa, cho phép sữa chảy tự do. Sữa Legendary có chất bổ sung lecithin hướng dương tương đối rẻ tiền, được các bà mẹ đang cho con bú ưa chuộng.
5. Calcium
Một yếu tố quan trọng liên quan đến khả năng tạo sữa là mức calcium. Bạn nên kiểm tra mức calcium của mình, vì calcium thấp có thể cản trở đáng kể việc sản xuất sữa ở phụ nữ, đặc biệt là trong giai đoạn rụng trứng hoặc kinh nguyệt.
Kết hợp các thực phẩm giàu calcium có thể giúp đảm bảo mức calcium ở mức cần thiết.
Các loại thực phẩm giàu calcium, một trong số đó cũng là chất tạo men, bao gồm:
- Hạt: vừng, cần tây, hạt chia, v.v.
- Sữa: Phô mai, sữa, sữa chua, phô mai tươi, v.v. (tốt nhất là sữa tươi từ bò ăn cỏ)
- Cá hồi đóng hộp
- Cá mòi
- Hạnh nhân
- Rau lá cây đậm
- Quả sung
6. Quản lý căng thẳng
Nếu bạn đang nuôi con bằng sữa mẹ, bạn chắc hẳn sẽ phải đối mặt với các tác nhân gây căng thẳng ngày càng tăng. Vài tuần và tháng đầu tiên sau sinh là một trong những thời điểm hạnh phúc ngọt ngào nhất nhưng cũng là thời điểm khiến bạn dễ rơi vào trạng thái căng thẳng. Bạn và các thành viên trong gia đình đang cố gắng thích nghi với một “trạng thái bình thường mới” khi gia đình có thêm một thành viên bé bỏng. Hạnh phúc của bạn cũng ngập tràn như đống chén dĩa đang chờ rửa hay đống quần áo đang chờ giặt ngày càng nhiều lên.
Bạn cũng thường cảm thấy bồn chồn hoặc lo lắng khi đang thích nghi với sự thay đổi lớn trong cuộc sống này và các hormone đang hoạt động để cân bằng cảm xúc đó.
Nồng độ adrenaline tăng lên khi chịu căng thẳng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc tiết sữa. Adrenaline làm suy yếu quá trình giải phóng oxytocin, hormone chi phối tiết sữa.
Bạn hãy đón nhận sự giúp đỡ từ bạn bè và các thành viên trong gia đình – đây là điều rất quan trọng có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng trong những tuần đầu sau sinh. Dù có khó khăn đến mấy cũng cố gắng đừng quá lo lắng cho ngôi nhà của mình.
Bạn cũng nên chia sẻ cảm giác căng thẳng hoặc lo lắng với một người thân nào đó. Đó có thể là chồng bạn, nhóm mẹ bầu với bạn, bạn bè hay người nhà của bạn. Chấp nhận sự giúp đỡ và nói lên cảm giác và cảm xúc có thể giúp bạn thoát khỏi căng thẳng một cách đáng kinh ngạc. Hành động này có thể mở ra “không gian não bộ” và giúp cơ thể bạn giải tỏa căng thẳng để tập trung vào công việc quan trọng là tạo ra sữa để nuôi sống sinh linh bé nhỏ đó.
7. Giấc ngủ
Có thể bạn đang định nói rằng, “Tôi ước gì mình được ngủ một giấc!” Bạn đã từng nghe điều đó nhưng việc bạn ngủ khi em bé ngủ là điều rất quan trọng.
Vì cơ thể bạn đang làm việc để hồi phục sau khi sinh, cũng như cung cấp sữa để duy trì sự sống cho đứa con nhỏ, điều quan trọng là bạn phải ngủ thường xuyên nhất có thể. Khi có thể, sau khi cho con bú, hãy giao em bé cho chồng hoặc một thành viên trong gia đình ở nhà để bạn có thể ngủ trưa. Họ có thể đánh thức bạn khi em bé đã sẵn sàng cho lần bú tiếp theo.
Ưu tiên cho việc nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe trong những ngày đầu sau sinh cho phép cơ thể bạn tự tái tạo và có năng lượng để phát triển nguồn sữa dồi dào.
8. Dụng cụ hút sữa
Dụng cụ hút sữa là một cách rất tốt để tăng nguồn cung cấp sữa một cách nhanh chóng. Vì sữa mẹ được tiết ra dựa trên cung và cầu, nên việc hút sữa là một cách tăng nhu cầu và cơ thể cần tăng tiết sữa để đáp ứng nhu cầu đó.
Trong những ngày đầu bú sữa mẹ, em bé sơ sinh có thể không bú hết sữa sau mỗi lần bú. Điều này có thể khiến cơ thể bạn không nhận ra rằng bạn cần tiếp tục sản xuất. Khi bạn đã kết thúc một lần cho con bú, hãy hút từng bên vú cho đến khi bạn không thấy sữa chảy ra, sau đó tiếp tục trong vài phút nữa. Quá trình này thường mất tổng cộng khoảng 10 phút, nhưng chắc chắn sẽ khác nhau đối với mỗi bà mẹ.
9. Mất cân bằng nội tiết tố
Khi nội tiết tố hoạt động ổn định trong vài tuần và tháng đầu tiên sau khi sinh, bạn có thể dễ dàng nhận thấy sự mất cân bằng hormone là “bình thường”. Tuy nhiên, nếu bạn mất sự cân bằng thiết yếu của các hormone cho con bú, bao gồm prolactin, cortisol và insulin (“động lực” sản xuất sữa mẹ) và oxytocin (hormone tiết sữa), bạn có thể gặp phải một vài khó khăn.
Nếu bạn bị tiểu đường type 2 hoặc bị tiểu đường thai kỳ thì tình trạng kháng insulin có thể cản trở việc sản xuất sữa. Ngoài ra, nếu tuyến giáp không hoạt động bình thường, nồng độ prolactin và oxytocin của bạn có thể bị mất cân bằng, gây ra các vấn đề về cả nguồn cung cấp và dòng sữa.
Bạn nên gặp nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của bất kỳ sự mất cân bằng nội tiết tố nào. Xác định nguyên nhân và xây dựng kế hoạch điều trị sẽ là một cải thiện cho sức khỏe tổng thể và do đó, sẽ cải thiện sản xuất sữa mẹ của bạn.
10. Tật ở lưỡi và môi của em bé
Hiểu biết về tật dính thắng lưỡi và dính thắng môi ở trẻ sơ sinh ngày càng trở nên phổ biến, đây là một tin vui đối với nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh đang cho con bú. Nếu bạn đang bị đau khi cho con bú, ống dẫn sữa bị tắc nghẽn mãn tính hoặc con bạn dường như không bao giờ ăn đủ và không bú hết bầu vú, em bé có thể bị tật dính thắng lưỡi và/hoặc dính thắng môi.
Dính thắng lưỡi và dính thắng môi là do mô liên kết giữa môi và lợi (dây buộc môi) hoặc dưới lưỡi đến đáy miệng quá ngắn hoặc quá dày. Hiện tượng này có thể ức chế khả năng ngậm bắt vú của trẻ, khiến trẻ không thể bú đúng cách. Điều này có thể dẫn đến nhiều vấn đề cho em bé, chẳng hạn như đói, đau bụng và trào ngược dạ dày thực quản đồng thời ảnh hưởng đến cảm xúc của mẹ. Người mẹ có thể vô cùng đau khổ vì cảm thấy như mình đang thất bại trong việc cho con bú.
Bạn nên liên hệ với chuyên gia tư vấn về sữa mẹ nếu bạn đang gặp phải những vấn đề này. Họ sẽ giúp bạn khắc phục những vấn đề về nuôi con bằng sữa mẹ thường là thông qua những điều chỉnh và động tác đơn giản. Họ cũng có thể xác định xem liệu em bé của bạn có tật dính thắng lưỡi và dính thắng môi không, hoặc tư vấn cho bạn hướng điều trị thích hợp.
Tật dính thắng lưỡi và dính thắng môi dây buộc lưỡi có thể được giải quyết bằng một cuộc tiểu phẫu bởi bác sĩ nha khoa.
11. Một vài gợi ý bổ sung
Là những người mẹ, thật dễ dàng để đánh bại bản thân nếu chúng ta gặp khó khăn trong việc nuôi con bằng sữa mẹ, nhưng chúng ta thường chỉ cần những công cụ thích hợp để thành công.
Người mẹ nào cũng sẽ dễ dàng vượt qua những trở ngại, khó khăn để duy trì nguồn sữa quý giá cho đứa con của mình. Tuy nhiên, những công cụ đơn giản cũng đã giúp họ thành công.
Những tuần đầu tiên cho con bú có thể vô cùng khó khăn. Đơn giản vì có không việc gì luôn luôn suôn sẻ và dễ dàng. Nếu bạn đang trải qua những cơn đau đớn, da sần sùi trong những ngày đầu đó, xin bạn hãy đừng nản lòng vì bạn không đơn độc. Nhiều phụ nữ trải qua điều này khi cơ thể của họ thích nghi với những nhu cầu mới.
Hãy kiên nhẫn và đối đãi thật tốt với bản thân, vì cơ thể bạn đang làm việc thêm giờ để phục hồi sau khi sinh và cung cấp chất dinh dưỡng cho đứa con đang lớn của bạn.
Thu Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times