PHÂN TÍCH: Vụ tự tử của một doanh nhân làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan của doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc
Giám đốc điều hành của công ty Hoa Lập đã nhảy lầu tự tử sau ba ngày bị cơ quan kỷ luật của ĐCSTQ thẩm vấn. Việc vụ tự tử của ông là một lời cảnh báo: thành công ở Trung Quốc là có cái giá đi kèm.
Một doanh nhân ở một thành phố công nghiệp miền đông Trung Quốc đã nhảy lầu tự tử hồi tuần trước (13-19/11) sau khi bị ủy ban kỷ luật địa phương thẩm vấn. Cái chết của ông đã làm nổi bật bản chất săn mồi của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các cơ quan kỷ luật của đảng này, đồng thời nhấn mạnh tình trạng nguy hiểm mà các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc hiện đang phải đối diện.
Công ty TNHH Thiết bị Bôi trơn Thủy lực Thường Châu Hoa Lập (Huali) đã công bố một bài đăng trên WeChat hôm 11/11, nói rằng dưới sự ép buộc, giám đốc của công ty, ông Thừa Dũng (Cheng Yong), đã thú nhận tham gia vào một kế hoạch hối lộ liên quan đến một quan chức địa phương.
Bài đăng cho biết, ông Thừa sau đó đã “nhảy lầu tự tử để chứng minh mình vô tội.” Bài đăng này sau đó đã bị xóa đi.
Kể từ ngày 08/11, ông Thừa, 44 tuổi, đã phải chịu đựng cuộc thẩm vấn ba ngày liên tiếp của Ủy ban Kiểm tra và Giám sát Kỷ luật Thường Châu (CCDIS), một cơ quan kỷ luật của ĐCSTQ. Ủy ban đang điều tra vụ án của ông Dương Khương Thành (Yang Kang Cheng), cựu phó lãnh đạo chính quyền quận.
Ông Thừa để lại một lá thư tuyệt mệnh khẳng định: “Tôi thề rằng tôi không nhận khoản tiền đặt cọc 8 triệu nhân dân tệ và hối lộ tiền mặt [của ông Dương Khương Thành].” Ông đã đăng một lá thư lên WeChat ngay trước khi kết thúc cuộc đời mình, mô tả thời gian ông ở trong phòng thẩm vấn là “không thể chịu đựng được” và thể hiện rằng ông có ý định tự sát. Ông cũng viết một lá thư cho CCDIS nói rằng ông không liên quan đến hối lộ.
Một thành viên trong gia đình ông nói với hãng truyền thông tài chính Trung Quốc Yicai rằng ông Thừa bị căng thẳng tột độ và chỉ ngủ một hoặc hai tiếng mỗi đêm trong thời gian bị thẩm vấn. Một ngày trước khi qua đời, ông Thừa trở về nhà vào lúc đêm khuya, khoảng 11 giờ đêm, chỉ nói “Anh xin lỗi” với vợ.
Các bài đăng của công ty Hoa Lập đã bị xóa và việc đưa tin về trường hợp tử vong của ông Thừa trên các hãng truyền thông Trung Quốc đã bị kiểm duyệt.
Vào ngày xảy ra vụ việc, hàng chục nhân viên Hoa Lập và người thân của ông Thừa đã tụ tập bên ngoài văn phòng chính quyền thành phố Thường Châu, giương biểu ngữ phản đối cách chính quyền đối xử với ông. Ngay sau đó, họ đã bị công an đưa rời khỏi hiện trường.
Cơ quan giám sát kỷ luật
Các cơ quan kỷ luật được phân bổ rải rác khắp các cơ quan của ĐCSTQ, các tổ chức tài chính, và các đơn vị khác để điều tra hành vi tham nhũng hoặc vi phạm kỷ luật đảng của các quan chức và người đứng đầu đảng.
Ông Mạnh Quân (Meng Jun), một doanh nhân sống tại Hoa Kỳ, nói với The Epoch Times rằng nhiều cộng sự kinh doanh của ông ở Trung Quốc đã bị các cơ quan kỷ luật thẩm vấn và yêu cầu “trợ giúp” điều tra.
Ông Mạnh kể câu chuyện về một người bạn của mình, một giám đốc kinh doanh bị giám sát chặt chẽ. Dưới áp lực của sự ép buộc, đe dọa, và các thủ đoạn khác từ ủy ban kỷ luật, người này đã đột ngột qua đời vì một cơn đau tim.
Ông Mạnh cho biết, khi một quan chức bị điều tra, các doanh nhân tư nhân có liên hệ với quan chức đó có thể sẽ “gặp rắc rối.” Ông nói mục đích của các cuộc thẩm vấn chính thức là “để thu thập bằng chứng từ họ.”
Theo ông Mạnh, không thiếu nạn tham nhũng và hối lộ bên trong hệ thống của ĐCSTQ, và các ủy ban kỷ luật có toàn quyền quyết định truy tố ai và tiến hành điều tra đến mức nào.
Ông Mạnh nói, “Khi cơ quan giám sát kỷ luật yêu cầu quý vị nói chuyện riêng để ‘trợ giúp điều tra,’ đó là một gợi ý: ‘quý vị đã rơi vào tầm ngắm; quý vị sẽ phải chi tiền và việc thực hiện như thế nào là tùy thuộc vào quý vị.”
Sự thật về vụ việc của ông Thừa không hề đơn giản, theo quan điểm của ông Mạnh. Ông lưu ý rằng một doanh nghiệp không thể có lãi ở Trung Quốc nếu không có mối quan hệ nào đó với các quan chức ĐCSTQ.
Ông Thừa là đảng viên ĐCSTQ, đại diện của Ủy ban Nhân dân thị trấn Trịnh Lục, và là thành viên ủy ban chính trị quận Thiên Ninh. Ông từng giữ chức phó chủ tịch phòng thương mại của quận này.
Chính quyền thành phố Thường Châu và đại diện công ty Hoa Lập chưa trả lời yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Tiền ở đâu?
Hôm 14/11, luật sư của ông Thừa, ông Trương Khánh Phương (Zhang Qingfang), đã viết thư cho cơ quan kỷ luật hàng đầu của Trung Quốc, nói rằng CCDIS không thể tìm ra tung tích của 8 triệu nhân dân tệ (khoảng 1 triệu USD) mà họ cho rằng ông Dương đã nhận trong việc hối lộ.
Điều đó khiến ông Trương phải đặt câu hỏi: “Tại sao CCDIS lại ép một doanh nhân tư nhân giao 8 triệu nhân dân tệ, khiến người này phải tự tử?”
Theo ông Trương, CCDIS đang tìm kiếm cả nhân chứng và vật chứng để kết tội ông Dương, đó là lý do tại sao họ nhắm vào ông Thừa.
Trong bối cảnh nguồn tài chính của chính quyền địa phương căng thẳng, việc tống tiền một doanh nhân tư nhân hoặc ép buộc nhận tội nhằm đạt được hai mục đích. Ông Trương nói trong thư rằng nó hoàn thành “nhiệm vụ tạo ra doanh thu và [mở đường] cho việc thăng tiến của các quan chức CCDIS” bằng cách tịch thu “tài sản hợp pháp của những giám đốc điều hành vô tội.”
Ông Trương đã không phúc đáp yêu cầu bình luận của The Epoch Times.
Thế lưỡng nan của doanh nghiệp tư nhân sống sót
Ông Tiểu Bằng (bí danh), một doanh nhân địa phương làm ăn với Hoa Lập, nói với The Epoch Times rằng công ty này có danh tiếng tốt trong khu vực, cho phép các nhân viên làm việc lâu năm mua cổ phiếu và trả cổ tức bằng cổ phiếu cho họ.
Ông Tiểu cho biết, việc chia cho các quan chức địa phương một phần cổ tức của công ty là thông lệ phổ biến ở Trung Quốc.
Ông Tiểu cho biết: “Chính quyền ĐCSTQ gần như vắt kiệt hoàn toàn các doanh nghiệp tư nhân,” nêu lên thực tế rằng các quan chức địa phương từ lính cứu hỏa, người giám sát chất lượng, và các thanh tra viên khác, đều viện mọi lý do có thể để moi tiền từ các doanh nghiệp địa phương.
Ví dụ, trước đại dịch, thị trấn Hồ Đường của Thường Châu là một trong những thị trấn thịnh vượng nhất đất nước, ông nói. Sau đại dịch, 70% doanh nghiệp tư nhân tại đó đã đóng cửa.
“Ngày nay, các doanh nhân tư nhân không muốn khởi nghiệp. Hầu hết chúng tôi đều không muốn con cháu mình tiếp tục điều hành các nhà máy, vì chúng tôi biết rằng chính quyền [ĐCSTQ] đã bóc lột chúng tôi trong nhiều thập niên. Chúng tôi hy vọng thế hệ tiếp theo của chúng tôi sẽ không vận hành doanh nghiệp tư nhân; nếu không, tất cả tiền của chúng tôi sẽ rơi vào tay [ĐCSTQ].”
Ông Tiểu tin rằng nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục trì trệ trong hai năm tới khi nợ của chính quyền và cá nhân tăng lên, đồng thời doanh thu tài khóa và thu nhập cá nhân sụt giảm không thể trả hết các khoản nợ đó.
Ông Mạnh cho biết, khu vực tư nhân đang vướng vào tình thế tiến thoái lưỡng nan của người sống sót. ĐCSTQ không ủng hộ doanh nghiệp tư nhân, và trên thực tế, “dưới sự cai trị của ĐCSTQ, doanh nghiệp tư nhân chỉ là những con cừu non bị giết mổ lấy thịt,” trong khi đảng này thống trị cuộc sống của những người tham gia doanh nghiệp tư nhân.
Kết quả là, theo ông Tiểu, ngày càng có nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và các chủ doanh nghiệp không có động lực phát triển tài sản của mình vì họ càng tích lũy được nhiều của cải nhờ làm việc chăm chỉ thì ĐCSTQ sẽ càng lấy đi của họ nhiều hơn. Vấn nạn đó không tốt cho toàn bộ doanh nghiệp tư nhân, mặc dù nó bảo đảm được sự sống còn cá nhân.
Vân Du biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times