Trung Quốc trấn áp sự thông đồng giữa quan chức và doanh nghiệp
Tân Hoa Xã, một cơ quan ngôn luận nhà nước của đại lục, đưa tin cho biết Trung Quốc đã thề sẽ trấn áp sự thông đồng giữa các quan chức và doanh nghiệp, đồng thời bảo vệ lĩnh vực chính trị khỏi sự xâm nhập của các nhóm lợi ích mạnh mẽ.
Tại phiên họp toàn thể lần thứ ba diễn ra hôm 08/01 của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cơ quan chống tham nhũng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), lãnh đạo Tập Cận Bình cho rằng việc trấn áp sự thông đồng giữa quan chức và doanh nghiệp là “một ưu tiên thiết yếu hàng đầu”, và đặc biệt cần cố gắng hơn nữa để “trừng phạt những kẻ đưa hối lộ,” theo Tân Hoa Xã.
Các nhà bình luận suy đoán rằng sự ưu tiên ổn định chính trị hơn tăng trưởng kinh tế và việc chống tham nhũng có chọn lọc có thể gây lo lắng cho các doanh nghiệp tư nhân và buộc các quan chức phải làm việc một cách thụ động. Do đó, cách làm này có thể khiến những rắc rối kinh tế của Trung Quốc càng trở nên nghiêm trọng, có nguy cơ khiến ông Tập Cận Bình trở thành người vén màn cho sự sụp đổ của nhà cầm quyền.
Trả lời phỏng vấn của The Epoch Times ấn bản Hoa ngữ hôm 10/01, chuyên gia về Trung Quốc Vương Hách (Wang He) nhấn mạnh rằng sự thông đồng giữa chính quyền và giới doanh nghiệp Trung Quốc là do chính quyền, chứ không phải là do các doanh nghiệp dẫn dắt.
Còn về những doanh nghiệp [tham nhũng] mà ông Tập đề cập, ông Vương tin rằng các doanh nghiệp trung ương và quốc doanh là trọng tâm của ông ấy. Ông nhận định, “Các biện pháp chống độc quyền của chế độ này nhằm ngăn chặn việc mở rộng vốn vô kiểm soát trong những năm gần đây là chủ yếu là nhắm vào các doanh nghiệp tư nhân và các nhân vật nổi tiếng như ông Jack Ma, người mà ảnh hưởng chính trị trên thực tế đã bị vô hiệu hóa.”
Ông Phùng Sùng Nghĩa (Feng Chongyi), giáo sư phụ tá nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết trước đó ông Tập Cận Bình nhấn mạnh đến việc quản lý sự mở rộng của các doanh nghiệp tư nhân, bao gồm những nhân vật như ông Mã Vân (Jack Ma, chủ tịch Alibaba) và Mã Hóa Đằng (Pony Ma, chủ tịch Tencent). Trọng tâm là kiềm chế những nhân vật có ảnh hưởng này ở phương diện tiền vốn. Tuy nhiên, các doanh nghiệp tư nhân đã hình thành một nhóm rất lớn. Do đó, một sáng kiến chống tham nhũng mới đã xuất hiện, cho thấy ý định giải quyết nhiều vấn đề hơn trong lĩnh vực doanh nghiệp tư nhân này.
Ông Cao Vi Bang (Kao Wei-pang), người sáng lập Hiệp hội Nạn nhân Người Đài Loan Đầu tư vào Trung Quốc và là Chủ tịch Hiệp hội Nạn nhân Đầu tư vào Trung Quốc, tin rằng các “doanh nghiệp” ở đây bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước.
“Tuy nhiên, nói một cách chính xác thì các doanh nghiệp nhà nước không phải là các tổ chức thương mại thuần túy; họ vốn dĩ vẫn luôn sử dụng quyền lực nhà nước rồi. Nếu không có đặc quyền, thì về căn bản họ chẳng thể cạnh tranh với doanh nghiệp tư nhân,” ông Cao nói.
Ông Cao, một nạn nhân của những hành vi bất công và tham nhũng của chính quyền Trung Quốc, đã từng đầu tư và vận hành một nhà máy sản xuất ở tỉnh Hà Bắc. Một trong những nhân viên địa phương của ông đã giả tạo chữ ký của ông trên các giấy tờ bảo lãnh để vay gian lận một khoản tiền lớn. Ông Cao đã mất tất cả và không tìm được cách giải quyết vụ việc bất công này.
Những hạn chế nặng nề
Các doanh nghiệp tư nhân đóng góp hơn 60% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Trước những thách thức kinh tế, Bắc Kinh đã tuyên bố ủng hộ các doanh nghiệp tư nhân và khai triển một loạt các biện pháp trong năm 2023, chẳng hạn như “31 hướng dẫn dành cho doanh nghiệp tư nhân” hồi tháng Bảy, “28 sáng kiến thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhân” hồi tháng Tám, “22 biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân” hồi tháng Chín, và “25 biện pháp” do ngân hàng trung ương, trong số tám cơ quan, ban hành hồi tháng Mười Một.
Chính quyền cũng lưu ý rằng “Ban Chấp hành Trung ương Đảng duy trì lập trường kiên định trong việc ủng hộ nền kinh tế tư nhân,” khẳng định “đường lối chính sách của Đảng ủng hộ sự phát triển của nền kinh tế tư nhân.”
Tuy nhiên, nhiều chính quyền địa phương cũng đã ban hành một “danh sách hành vi xấu” để kiểm soát cách ứng xử của quan chức khi làm việc với doanh nhân. Ngoài việc nhấn mạnh nhu cầu về dịch vụ, mục tiêu chính là xác định ranh giới cho sự giao thiệp giữa các quan chức đảng và khu vực doanh nghiệp.
Ví dụ, tại thủ đô Bắc Kinh, chính quyền đã liệt kê 10 loại hành vi sai trái của quan chức, bao gồm thực hiện chỉ một phần chính sách, bỏ bê nhu cầu của doanh nghiệp, thực thi pháp luật có chọn lọc, can thiệp trái pháp luật, lạm dụng quyền lực, nhận hàng hóa hoặc tiền trái phép, xâm phạm lợi ích của doanh nghiệp, nhận việc bán thời gian hoặc cổ phần trái phép, và hình thành bè phái.
Tân Hoa Xã đưa tin, danh sách các hành vi xấu của Bắc Kinh “xác định rõ ràng ranh giới để mối quan hệ giữa các quan chức chính quyền và doanh nhân trở nên thân thiết nhưng không có tham nhũng.”
Tuy nhiên, nhà bình luận thời sự Lý Lâm Nhất (Li Linyi) đã bày tỏ lo ngại về sự mơ hồ của các quy định và khả năng thi hành tùy tiện.
Ông Lý giải thích rằng do ông Tập ưu tiên an ninh chính trị hơn là kinh tế, nên “cách tiếp cận có chọn lọc để chống tham nhũng” này của Bắc Kinh chắc chắn sẽ chỉ gây thêm tổn hại cho nền kinh tế. “Khi các chủ doanh nghiệp tư nhân lo sợ vô tình gây ra rắc rối và các quan chức có thể trở nên ngại rủi ro hơn, chọn làm ít hơn, thì triển vọng của các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc không mấy lạc quan.”
Ông tin rằng những rào cản lớn đối với các doanh nghiệp tư nhân ở Trung Quốc xoay quanh các vấn đề như tiếp cận thị trường, tài chính, và cạnh tranh công bằng. Mặc dù chính quyền công bố nhiều biện pháp chính sách, nhưng những nhu cầu căn bản của doanh nghiệp tư nhân về “sự công bằng và pháp quyền vẫn chưa được đáp ứng,” ông nói. “Về căn bản, đây là một vấn đề mang tính hệ thống và chỉ có thay thế Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thì mới có thể giải quyết được vấn đề này.”
Ông Cao đồng ý rằng những hạn chế nặng nề của của ông Tập đối với sự giao thoa trong các lĩnh vực chính trị-kinh doanh sẽ mù quáng gây rắc rối cho các doanh nghiệp.
“Để hồi sinh nền kinh tế, chính quyền phải dựa vào các doanh nhân và việc đáp ứng nhu cầu của họ, … nhưng bất cứ khi nào ông Tập tham gia, cổ phiếu sẽ lao dốc ngay lập tức, giống như cổ phiếu Alibaba,” ông nói, đề cập đến tháng 10/2022 khi ông Tập giành được nhiệm kỳ Tổng bí thư ĐCSTQ lần thứ ba, khiến cổ phiếu của các đại công ty công nghệ Trung Quốc Alibaba và Tencent giảm hơn 11% vào lúc đóng cửa phiên giao dịch.
“Ông Tập Cận Bình và những hành vi khó đoán của ông ấy đã gây ra tình trạng suy thoái kinh tế hiện nay.”
Bản tin có sự đóng góp của Ninh Hải Chung và Lạc Á.
Yến Nhi biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times