OPEC+ cam kết cắt giảm sản lượng dầu lớn từ tháng Năm đến cuối năm 2023
Hôm 02/04, Saudi Arabia và các thành viên khác của nhóm sản xuất dầu mỏ OPEC+ đã thông báo rằng họ sẽ cắt giảm sản lượng khoảng 1.15 triệu thùng mỗi ngày (bpd), một hành động dự kiến sẽ khiến giá dầu tăng ngay lập tức.
Theo hãng thông tấn nhà nước, Saudi Arabia sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu 500,000 thùng/ngày từ tháng Năm đến cuối năm 2023. Quan chức năng lượng của vương quốc Trung Đông này mô tả quyết định trên là một “biện pháp phòng ngừa” nhằm “hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.”
Nga, quốc gia đã giảm sản lượng dầu 500,000 thùng/ngày kể từ tháng Ba để đáp trả các mức giá trần của các nước phương Tây được áp đặt nhằm hạn chế khả năng tài trợ cho chiến dịch quân sự của Điện Kremlin ở Ukraine, cũng xác nhận rằng họ sẽ kéo dài thời hạn cắt giảm ba tháng ban đầu thêm sáu tháng nữa.
Theo hãng thông tấn TASS thuộc sở hữu nhà nước, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết: “Như những hành động phòng ngừa và có trách nhiệm, Nga sẽ gia hạn mức giảm sản lượng dầu tự nguyện thêm 500,000 thùng mỗi ngày cho đến cuối năm 2023 từ mức sản xuất trung bình hồi tháng Hai được thiết lập phù hợp với các nguồn độc lập.”
Các thành viên khác của OPEC+ cũng đã làm theo. Iraq tuyên bố cắt giảm 211,000 thùng/ngày, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (144,000 thùng/ngày), Kuwait (128,000 thùng/ngày), Kazakhstan (78,000 thùng/ngày), Algeria (48,000 thùng/ngày), và Oman (40,000 thùng/ngày).
Việc hợp tác cắt giảm sản lượng này diễn ra sau khi giá dầu trong tháng Ba giảm xuống mức thấp nhất trong 15 tháng ở mức 70 USD/thùng, chủ yếu do lo ngại rằng cuộc khủng hoảng ngân hàng toàn cầu đang diễn ra sẽ — giống như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính 2008–2009 — khiến nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu sụt giảm nghiêm trọng.
West Texas Middle, một chuẩn dầu thô của Hoa Kỳ, vào giữa tháng Ba đã giảm xuống dưới 70 USD/thùng sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley Bank có trụ sở tại California và Ngân hàng Signature Bank ở New York. Dầu thô Brent chuẩn quốc tế cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021, ở mức 71.46 USD/thùng.
Cả hai chỉ số chuẩn trên đã đều tăng trong tuần này do lo ngại về nguy cơ khủng hoảng ngân hàng toàn cầu giảm bớt.
Quyết định của OPEC cũng được xây dựng dựa trên những gì đã được đồng thuận giữa các thành viên và đồng minh hồi tháng Mười năm ngoái (2022) tại một cuộc họp ở Vienna, bao gồm cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày từ tháng Mười Một cho đến cuối năm (2023).
Chính phủ Tổng thống Biden, vốn ủng hộ việc cung cấp nhiều dầu hơn cho thị trường toàn cầu kể từ khi Nga bắt đầu cuộc tấn công quân sự toàn diện vào Ukraine, đã rất khó chịu trước kế hoạch của nhóm các quốc gia sản xuất dầu mỏ này.
“Tổng thống thất vọng trước quyết định thiển cận của OPEC+ về việc cắt giảm hạn ngạch sản xuất trong khi nền kinh tế toàn cầu đang đối phó với tác động tiêu cực liên tục từ cuộc xâm lược Ukraine của ông Putin,” Tòa Bạch Ốc tuyên bố. “Vào thời điểm mà việc duy trì nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu là vô cùng quan trọng, quyết định này sẽ có tác động tiêu cực nhất đối với các quốc gia có thu nhập trung bình và thấp, là những quốc gia vốn đang phải quay cuồng với giá năng lượng tăng cao.”
Hoa Mai biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times