Giá dầu tăng vọt sau khi OPEC thông báo cắt giảm sản lượng
Giá dầu đã tăng vọt hơn 5% hôm thứ Hai (03/04), ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất trong gần một năm sau khi OPEC+ gây bất ngờ cho thị trường khi tuyên bố cắt giảm sản lượng vào hôm Chủ Nhật (02/04).
Theo dữ liệu của TradingView, vào đầu phiên giao dịch hôm thứ Hai (03/04), giá dầu thô tiêu chuẩn West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ đã tăng 4.38 USD lên 80.03 USD/thùng, tương đương với mức tăng 5.79%.
Dầu thô Brent, cơ sở định giá cho các loại dầu quốc tế, đã tăng 4.65 USD lên 84.38 USD/thùng, tương đương với mức tăng 5.83%.
Giá dầu tăng vọt khi các thị trường hấp thụ quyết định gây sửng sốt hôm Chủ Nhật từ các thành viên của tổ chức gọi là liên minh OPEC+ gồm các nước xuất cảng dầu mỏ về việc cắt giảm sản lượng 1.15 triệu thùng mỗi ngày (bpd), chủ yếu là từ Nga và Arab Saudi. Việc cắt giảm sẽ bắt đầu từ tháng Năm và kéo dài đến cuối năm.
Arab Saudi sẽ cắt giảm sản lượng dầu 500,000 thùng/ngày, với một quan chức năng lượng của Arab Saudi mô tả quyết định này là một “biện pháp phòng ngừa” nhằm “hỗ trợ sự ổn định của thị trường dầu mỏ.”
Nga, quốc gia đã giảm sản lượng dầu 500,000 thùng/ngày kể từ hồi tháng Ba để đáp trả lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc xâm lược Ukraine, cũng xác nhận rằng họ sẽ kéo dài thời hạn cắt giảm ba tháng ban đầu thêm sáu tháng nữa.
Theo hãng truyền thông nhà nước TASS, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết: “Như là những hành động phủ đầu và có trách nhiệm, Nga sẽ gia hạn mức giảm sản lượng dầu tự nguyện thêm 500,000 thùng/ngày cho đến cuối năm 2023 từ mức sản xuất trung bình được thiết lập hồi tháng Hai để phù hợp với các nguồn độc lập.”
Các thành viên khác của OPEC+ cũng làm theo. Iraq tuyên bố cắt giảm 211,000 thùng/ngày, tiếp theo là Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (144,000 thùng/ngày), Kuwait (128,000 thùng/ngày), Kazakhstan (78,000 thùng/ngày), Algeria (48,000 thùng/ngày), và Oman (40,000 thùng/ngày).
Sau thông báo bất ngờ của OPEC, các nhà phân tích của Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent lên 95 USD/thùng vào năm 2023 và lên 100 USD/thùng vào năm 2024.
Tác động dây chuyền
Các chuyên gia cho rằng việc cắt giảm sản lượng dầu của OPEC sẽ gây áp lực lên giá xăng nhưng những lo ngại về kinh tế kéo dài có thể giữ cho các mức giá tại trạm xăng được hạn chế.
Trong một bài đăng trên Twitter, ông Patrick De Haan, trưởng bộ phận phân tích dầu mỏ tại GasBuddy, cho biết: “Tôi chủ yếu kỳ vọng giá dầu sẽ tăng 3-6 USD mỗi thùng khi thị trường định giá theo hành động này, nhưng một lần nữa, đối với lái xe đi đổ xăng, thì tác động ban đầu sẽ giới hạn ở mức 5-15 xu/gallon.”
Ông De Haan cho biết trước đó ông kỳ vọng rằng việc cắt giảm dầu thô sẽ có tác động đến giá xăng vào mùa hè “nhưng những lo ngại về kinh tế có thể vẫn dai dẳng, nên đối với tôi đây không phải là yếu tố lớn làm thay đổi cuộc chơi.”
Ông Tom Kloza, người sáng lập Dịch vụ Thông tin Giá Dầu, cho biết trong một bài đăng trên Twitter rằng ông dự đoán xăng và dầu diesel sẽ tăng từ 8 đến 12 xu mỗi gallon do việc cắt giảm sản lượng.
Theo dữ liệu của AAA, giá xăng trung bình trên toàn quốc là 3.506 USD/gallon hôm thứ Hai (03/04), tăng khoảng 7 xu so với một tuần trước.
Theo ông Andrew Gross, phát ngôn viên của AAA, “nhu cầu rất mạnh” đối với xăng, kết hợp với giá dầu thô tăng, đã đẩy giá xăng tại trạm lên cao hơn trong tuần qua.
Giá dầu cao hơn có nghĩa là áp lực lạm phát cao hơn, yếu tố này có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang có khuynh hướng thắt chặt mạnh mẽ hơn.
Ông Mohamad Al-Saraf, chiến lược gia tại Danske Bank, cho biết: “Giá dầu cao hơn sẽ gây áp lực lên lạm phát toàn cầu và nếu chúng ta cho rằng tình trạng hỗn loạn ngân hàng tiếp tục tồn tại thì thị trường sẽ ngày càng tập trung vào triển vọng lạm phát.”
Kể từ có thông báo từ OPEC, các thị trường đã tăng kỳ vọng vào việc tăng lãi suất của Fed. CME Fedwatch Tool chỉ ra rằng khả năng tăng 25 điểm căn bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo của ngân hàng trung ương hôm thứ Hai đã tăng lên 57% từ mức 48% của hôm thứ Sáu (31/03).
Ông Al-Saraf nói thêm: “Với giá dầu tăng, thì đó có thể là một tác nhân gây đảo ngược đối với việc định giá theo sự cắt giảm lãi suất của Fed.”
Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã báo cáo hôm thứ Sáu (31/03) rằng chỉ số giá Chi tiêu Tiêu dùng Cá nhân, thước đo lạm phát được Fed theo dõi chặt chẽ, trong tháng Hai đã tăng 5.0% so với cùng thời kỳ năm ngoái. Đó là một sự giảm tốc nhẹ so với mức tăng 5.3% trong tháng Một.
Bản tin có sự đóng góp của Bill Pan
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times