Thí sinh đạt giải Đồng: Vũ đạo Trung Hoa cổ điển là ‘một món quà từ Thiên thượng’
Khi anh Chu Chính Kiệt tham gia cuộc thi vũ đạo lần đầu tiên vào năm 2021, anh nói rằng anh cảm thấy mình vẫn còn là một tân binh, chỉ để tâm đến các yếu tố cơ bản trong múa. Đến nay, năm 2023 cũng là lần thứ hai anh tham gia Cuộc thi Vũ đạo Trung Hoa Cổ điển Quốc Tế NTD, và Chính Kiệt đã đạt được giải Đồng.
“Trong hai năm qua, tôi đã tiến bộ rất nhiều, về kỹ thuật và vũ đạo, và quan trọng nhất là chất lượng nghệ thuật,” anh chia sẻ. “Vũ đạo Trung Hoa cổ điển không chỉ là việc ai nhảy cao nhất hay xoay lật tốt nhất, mà kỹ năng kỹ thuật cũng cần có nội hàm. Điều quan trọng nhất không phải là làm được đúng động tác mà cần phải có cảm xúc dẫn lối cho chuyển động đó.”
Xuyên suốt quá trình chuẩn bị cho cuộc thi, anh Chính Kiệt đã không ngừng mài giũa chất lượng nghệ thuật và hiểu biết về văn hóa truyền thống Trung Hoa của mình.
Anh Chính Kiệt biểu diễn vở “Vòng vây trận Cai Hạ” dựa theo cốt truyện về một trận chiến nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Tướng quân Hạng Vũ nổi dậy chống lại nhà Tần và giành được danh hiệu Bá Vương. Nhưng khi ông quyết giành lấy nhà Hán do Lưu Bang đứng đầu, ông đã bại trận vào thời khắc cuối cùng.
“Thật ra lúc đầu tôi không muốn chọn vở múa này vì tôi không hiểu nhân vật. Tôi hoàn toàn không biết về nhân vật này,” anh nói. Nhưng giáo viên đã đề xướng vở diễn này cho anh. Nghe theo lời khuyên, anh đã thử diễn tập vai này chỉ để nhận ra rằng anh đã nhận làm một việc khó khăn nhất, chính xác là như vậy.
“Nhân vật này thực sự khó khắc hoạ vì ông ấy vô cùng dũng mãnh, mà lại đều ở nội tâm,” anh Chính Kiệt nói, và mô tả bản thân là kiểu người có năng lượng phân tán và hướng ngoại, thiếu sự kiên cường bên trong.
Nhưng cảm xúc nội tâm là một trong những điều quan trọng nhất của vũ đạo Trung Hoa cổ điển, anh giải thích. Đó là một loại hình nghệ thuật dùng cảm xúc để dẫn dắt chuyển động, cũng như để truyền tải câu chuyện, nhân vật, và ý tưởng.
“Qua vở múa này, qua quá trình tìm hiểu, tìm hiểu về nhân vật, tìm hiểu về ý nghĩa câu chuyện, tìm hiểu về thất bại của ông, những bài học của ông ấy, cá nhân tôi cũng trưởng thành lên,” anh nói.
“Tôi hiểu rằng trong lịch sử, tất cả những nhân vật từ vĩ đại đến nhỏ bé, mọi diễn biến của lịch sử là để dành cho ngày nay, đều đáng để học hỏi,” anh nói. “Ở vũ đạo cũng vậy, bạn vấp ngã, bạn đứng lên, và bạn học từ quá khứ.”
Đối mặt với số phận
Anh Chính Kiệt giải thích rằng Hạng Vũ là một nhân vật dũng mãnh. Nhưng cuối cùng, ông vẫn không thể chiếm được ngai vàng mà mình hằng mong.
“Nhân vật này, Hạng Vũ ấy, ông vô cùng mạnh mẽ và có khả năng một thân hạ vạn quân thù,” anh kể. “Ông là anh hùng cái thế nhưng với tính cách nghi kỵ và không hợp tác với ai… đối với người dưới quyền, với tất cả người của ông, ông không tin tưởng ai vì nghĩ rằng họ sẽ phản bội mình.”
“Nhưng còn có điều gọi là định mệnh, Chính Kiệt cho hay. “Bởi vì dù ông xuất chúng tới đâu và làm được nhiều việc đến mấy, ông cũng không thể trở thành hoàng đế vì đó không phải là Thiên ý, và cuối cùng ông cũng nhận ra điều đó.”
Có lẽ số phận của Hạng Vũ đã được an bài và tham vọng của ông đã bị đặt sai chỗ, hoặc có lẽ Thần sẽ không cho phép ông đạt được mục đích vì những thiếu sót về đạo đức. Anh Chính Kiệt chia sẻ rằng, ngay cả khi chúng ta không thể biết thực hư ra sao, thì vẫn có thể học được nhiều điều từ câu chuyện của ông ấy.
“Ông nghĩ rằng mình có toàn bộ quyền lực và coi thường người khác… vì ông đạt được mọi thứ bằng sức mạnh của mình, không cần nhờ đến sự trợ giúp của bất kỳ ai, không chung sức đồng lòng với người khác, không có tinh thần đồng đội, cộng đồng. Ông muốn tự mình leo lên đỉnh cao này, và cuối cùng ông không thể leo cao hơn nữa,” anh Chính Kiệt nói. “Tôi nghĩ từ câu chuyện này, tôi đã nhận thức rõ hơn về tính vị kỷ và học được cách để có lòng bao dung. Nếu không đạt được mục đích tối hậu của mình, điều mà mình muốn thành tựu, có lẽ trước tiên cần phải buông bỏ vài thứ.”
Chính Kiệt cho hay anh cảm thấy bàn tay của Thần đã sắp đặt cuộc đời của mình, đặc biệt là trong sự nghiệp vũ đạo của anh.
“Khi bắt đầu học múa, tôi cảm thấy như Thần đang giúp tôi mọi điều,” anh nói. “Vũ đạo Trung Hoa cổ điển là một phần của nền văn hóa Thần truyền này, nền văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đó là một món quà từ Thiên thượng.”
“Vũ đạo Trung Hoa cổ điển là một nghệ thuật thuần mỹ và thuần chân, rất chân chính, và khiến khán giả cảm thấy tươi sáng hơn và nhẹ nhõm hơn. Văn hóa Thần truyền là có Thần bảo hộ,” anh nói thêm.
Những nghệ sĩ múa như anh không chỉ học vũ đạo mà còn học cả lịch sử và văn hóa để có thể mang đến cho khán giả những điều ý nghĩa.
“Tôi nghĩ nếu mọi người có thể trải nghiệm văn hóa truyền thống, thì họ sẽ khám phá ra văn hóa truyền thống mỹ diệu đến thế nào,” anh nói.
“Sứ mệnh của tôi là làm việc này,” anh Chính Kiệt nói thêm. “Tôi cảm thấy ở một phương diện khác thì chúng tôi đang truyền tải văn hóa Thần truyền. Nếu chúng tôi đặt tâm đúng chỗ, nếu chúng tôi có thiện tâm, thì Thần sẽ giúp chúng tôi truyền tải thiện tâm đó đến khán giả.”
Thanh Hư biên dịch