Truyền ban Đạo – Câu Chuyện Lão Tử
Kể từ khi viết blog đầu tiên vào năm 2012 về việc biểu diễn những nhân vật có râu khi tôi ở tuổi 18, tôi đã lại tiếp tục trở lại sân khấu với những vai lão niên nhiều lần nữa, hy vọng là tôi đã trở nên thông thái hơn sau mỗi lần diễn.
Hồi năm 2010, tôi vào vai Tiêu Hà, vị thừa tướng khai quốc của nhà Hán. Năm 2011, tôi là vị trụ trì già đã đuổi nhà sư say xỉn Lỗ Trí Thâm. Năm 2013, con gái tôi bị bọn cướp bắt cóc ở chợ. Năm 2014, tôi đã giáng trần để ban cho cậu bé Na Tra chiếc Vòng Càn Khôn. Năm 2016, râu của tôi màu trắng, xám và vàng khi tôi biến hóa từ một lão Đạo sĩ thành một lão hòa thượng rồi Long Vương.
Tôi thấy việc diễn những vai lão niên không bao giờ lỗi thời. Năm 2017, tôi là ba Đạo sĩ khác nhau, mỗi người đều có bộ râu độc đáo của riêng mình. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng không có nhân vật nào khác từng được tôn kính nhiều như, một nhân vật nặng ký trên sân khấu, bước đi thản đãng như “cực lão tiên sinh”, thủy tổ của Đạo gia, Lão Tử.
Huyền thoại về Lão Tử
Lão Tử tự Lý Nhĩ. Nhưng tại sao ông lại là “cực lão tiên sinh”? Trước hết, chúng ta thậm chí không biết tuổi của ông. Theo một truyền thuyết, ông sinh ra với mái tóc bạc trắng sau khi ở trong bụng mẹ suốt 81 năm. Nhiều người cho rằng ông đã sống hơn 200 tuổi.
Người ta biết rất ít về cuộc đời của Lão Tử, ngoại trừ việc ông sống vào khoảng thế kỷ thứ VI và thứ V TCN, làm Thủ Tàng Thất Sử {thủ thư thư viện lưu trữ triều đình} của nhà Chu và có thể ông đã từng gặp Khổng Tử luận bàn về triết lý. Về sau, ông viết Đạo Đức Kinh, tác phẩm nền tảng của Đạo gia.
Cuốn sách về Đạo
Cuốn sách văn xuôi này chứa đựng tinh hoa của Đạo gia. Còn được gọi là Đạo Đức Kinh (道德經), tựa đề này thường được dịch [trong tiếng Anh] là Cuốn Sách Về Con Đường Đức Hạnh (The Book of the Way of Virtue), và là một trong những cuốn sách được phiên dịch nhiều nhất trên thế giới. Trong kiệt tác này, Lão Tử thường trình bày bằng những nghịch lý đầy chất thơ, quan điểm của ông về các quy luật của vũ trụ, tự nhiên, và con người. Trên thực tế, chữ “đạo đức” trong tiếng Trung được bắt nguồn từ tiêu đề của cuốn sách này.
“Đạo, khả Đạo, phi thường Đạo.” – Lời mở đầu của Đạo Đức Kinh.
(Đạo là Con Đường có thể đi theo, nhưng không phải là Con Đường thông thường)
Lão Tử hồi sinh
Làm sao để chuẩn bị, chưa nói đến việc thể hiện được thích đáng, một vai diễn mang tính lịch sử, thậm chí thiêng liêng như vậy? Tôi đào sâu vào tác phẩm cổ xưa của ông, giải mã bản gốc tiếng Hoa (đó là vẻ đẹp của ngôn ngữ này – chính là những từ ngữ vẫn được sử dụng ngày nay) và tìm hiểu nhiều bản dịch tiếng Anh. Bằng cách đắm mình trong câu chữ của ông, tôi có thể bắt đầu nhập vai nhân vật, và khám phá ra tất cả những “ý ngoài lời” (những câu thoại không lời) cần thiết cho vai diễn của mình.
“Ý ngoài lời” là gì? Như chính nhà hiền triết vĩ đại đã nói: “Tri giả bất ngôn, ngôn giả bất tri” {Người biết thì không nói, người nói thì không biết}. “Ý ngoài lời” (tiềm thai từ – 潛台詞 – qián tái cí) giống như một ẩn ý. Đây là những tín hiệu tinh thần giúp các nghệ sỹ múa – những diễn viên im lặng – giao tiếp rõ ràng hơn trong các phần kể chuyện, biểu cảm tốt hơn thông qua vũ đạo và biểu đạt một cách biểu cảm thông qua chuyển động cơ thể. Kết hợp diễn xuất với vũ đạo để kể một câu chuyện chính là đặc trưng của một vở vũ kịch Shen Yun, và việc truyền tải này có thể thực hiện được nhờ tính linh hoạt và ngôn ngữ duy nhất có trong vũ đạo Trung Hoa cổ điển.
Múa với những “ý ngoài lời”
Vậy là, khi câu chuyện về Lão Tử diễn ra trên sân khấu trong mỗi buổi biểu diễn, ngoài những chuyển động hữu hình, tôi đồng thời cũng lắng nghe tiếng nói bên trong mình.
Bắt đầu vở vũ kịch, tôi cần viết một cách tượng trưng 5,000 từ lên những cuộn tre trống trơn trong một nhịp 4/8. Sẽ rất kỳ quặc và là một sự lãng phí âm nhạc và cảm xúc khi nhìn các cuộn tre trống trơn, vì vậy tôi thích hình dung các chữ hiện ra và làm điệu bộ viết: “Nhân pháp Địa; Địa pháp Thiên; Thiên pháp Đạo; Đạo pháp Tự Nhiên” {Người thuận theo Đất; Đất thuận theo Trời; Trời thuận theo Đạo, Đạo thuận theo Tự nhiên.}
Tôi mở tiếp một cuộn tre khác, do dự và suy ngẫm, tôi tưởng tượng Lão Tử đã từng biến những thứ vô hình thành hữu hình, và lại bắt đầu viết: “Huyền chi hựu huyền, chúng diệu chi môn” {Bí ẩn trong bí ẩn; cánh cửa dẫn đến mọi điều kỳ diệu}. Tôi vừa viết xong thánh văn thì thiên đường mở ra trong niềm hân hoan, và các thần tiên giáng trần để chúc tụng. Khi tôi đứng ở phía cuối sân khấu cùng với khán giả thưởng thức vũ điệu diễm lệ của các tiên nữ, tôi tưởng tượng rằng tôi thực sự hiểu được ý nghĩa của hai chữ Shen Yun – Thần Vận – “vẻ đẹp của các vị Thần đang múa”.
Sau khi các vị Thần trở về thiên giới, trở lại thư viện, một viên quan mờ ám xuất hiện. Hắn muốn những cuộn thánh văn. Rất muốn. Hắn cố gắng dụ dỗ Lão Tử bằng kim tiền và mỹ nữ để đổi lấy những cuộn thánh văn, nhưng vô ích. Đúng như Đạo Đức Kinh đã nói “Vi giả bại chi, chấp giả thất chi” {Kẻ hành động vì dục vọng sẽ thất bại, kẻ cố chiếm hữu sẽ thua cuộc}, trong khi “đại trượng phu xử kỳ hậu bất cư kỳ bạc. Xử kỳ thực, bất cư kỳ hoa.” {đại trượng phu sống trong cái thực chất chứ không phải ở vẻ ngoài. Ở trong quả chứ không phải trong hoa}*
Ở cổng tây Hàm Cốc Quan, một viên lính canh dũng cảm đang đợi Lão Tử. Tên anh là Doãn Hỷ (do nghệ sỹ múa chính Liêu Nhược Sơn – Rocky Liao – thủ vai), anh không biết rằng anh sắp trở thành một nhân vật rất quan trọng.
Khi Lão Tử đến gần, viên lính canh phát hiện ra một vầng hào quang tím dịu báo hiệu sự xuất hiện của thánh nhân. Người dân địa phương chào đón Lão Tử bằng một điệu múa và một lễ mừng diễn ra nơi nhân thế, tái hiện lễ mừng của các vị Thần Tiên lúc trước.
Ngay sau đó, viên quan và tay sai của hắn xuất hiện, không nhiều lời, họ rút kiếm và lao thẳng về phía Lão Tử và cậu bé tùy tùng đang mang thánh văn. Doãn Hỷ chặn chúng lại để bảo vệ hai thầy trò và bị thanh kiếm của tên quan đâm xuyên. Cuối cùng, binh lính của Doãn Hỷ đuổi theo viên quan và tay sai của hắn, họ chắc chắn phải trả giá cho hành động của mình.
Lão Tử quay lại thì thấy viên lính canh dũng cảm Doãn Hỷ nằm bất tỉnh trên mặt đất, anh bị trọng thương. Tôi lấy quả bầu Đạo gia của mình ra và nhỏ vài giọt thuốc tiên để chữa lành vết thương cho anh.
Doãn Hỷ được hồi sinh và kinh ngạc khi thấy rằng mình vẫn ổn. Quỳ trước Lão Tử để tỏ lòng biết ơn, anh liên tục cầu xin nhà hiền triết dạy dỗ mình. “Thượng sĩ văn Đạo, cần nhi hành chi” {Khi một vị thượng sĩ nghe được Đạo, anh ta sẽ tinh tấn thực hành}
Vị Sư phụ hài lòng với đệ tử của mình và biết rằng ông đã tìm được người thực sự trân quý cuốn kinh thư, ông bèn giao những cuộn tre quý vào đôi tay đang dang rộng của anh.
Và thế là sứ mệnh của Lão Tử đã hoàn thành. Ông đã lưu lại trí huệ của mình cho thế nhân, cưỡi trâu về phía hoàng hôn, và người ta không bao giờ thấy ông nữa.
Đạo và Thần Lực
Theo thời gian, ảnh hưởng của Lão Tử cũng lan rộng sang phương Tây, thậm chí còn vươn tới một thiên hà xa xôi. Vâng, George Lucas đã nghiên cứu Đạo giáo trước khi làm cuốn phim Chiến tranh Giữa các vì Sao.
Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao Jedi lại mặc áo choàng trắng, luyện tập võ thuật và thiền định, sử dụng kiếm và sức mạnh tâm linh để chống lại phe bóng tối, và Bậc Thầy Yoda luôn nói với ngữ pháp khó hiểu như vậy không? Có thể có một mối liên hệ đó…
Hãy so sánh các mô tả về Thần Lực của Obi-Wan Kenobi:
“Đó là một trường năng lượng được tạo ra bởi mọi sinh mệnh sống. Trường này bao quanh và xuyên thấu chúng ta. Nó gắn kết thiên hà lại với nhau.”
Trong Đạo, Lão Tử đã viết:
“Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sinh. Tịch hề, liêu hề, độc lập nhi bất cải. Chu hành nhi bất đãi. Khả dĩ vi thiên hạ mẫu. Ngô bất tri kỳ danh, tự chi viết Đạo.” {Có thứ hoàn hảo trong hỗn độn, sinh trước Trời và Đất. Đứng một mình mà chẳng đổi. Quay mãi không mỏi mệt. Được coi là Mẹ của mọi sinh mệnh. Ta không biết tên, chỉ biết gọi là Đạo.}
Đạo và Tải Thể
Một trong những câu trích yêu thích của tôi, mặc dù không phải của Lão Tử, nhưng tóm lược tư tưởng của Đạo Lão, hiện diện trong hầu hết mọi khía cạnh của văn hóa truyền thống Trung Hoa. Đó là từ Kinh Dịch: “Hình nhi thượng giả vị chi Đạo. Hình nhi hạ giả vị chi khí.” {Cái siêu hình là Đạo. Vật chất chỉ là tải thể.}
Giống như cơ thể mang linh hồn, những cuộn tre chứa đựng những ngôn từ trí huệ của Lão Tử. Các động tác vũ đạo chứa đựng cảm xúc, trong khi vũ đạo như một loại hình nghệ thuật mang đến trải nghiệm mỹ hảo vượt khỏi mọi hình thức. Sân khấu là nơi diễn ra chương trình biểu diễn của chúng tôi, một chương trình nhằm làm sống lại nền văn hóa uyên thâm mà Lão Tử là một phần trong đó, một chương trình chứa đựng tinh hoa của nền văn hóa truyền thống Trung Hoa. Kết quả là, chính nhờ những ‘tải thể’ này mà chúng ta có thể hy vọng ngộ Đạo.
Là một nhà hiền triết, có lẽ ông đã biết. Có lẽ Lão Tử đã biết từ trước rằng 2,500 năm sau khi đi về phía Tây, ông sẽ xuất hiện trở lại trên các sân khấu trên khắp thế giới để truyền thổi trí huệ của mình, âm thầm cho thế giới biết rằng Đạo đã sẵn sàng du hành một lần nữa.
*Có hàng tá bản dịch của cuốn sách này và chúng khác nhau rất nhiều vì rất nhiều nội dung là tùy thuộc diễn giải của mọi người. Hầu hết các câu dịch được trích dẫn ở đây đều lấy từ các nguồn sau, dù rằng trong một số trường hợp tôi đã sửa đổi bản dịch một chút: Bản dịch Đạo Đức Kinh của Charles Muller và bản dịch của Robert Eno.
Mời quý vị thưởng lãm Vở vũ kịch của Shen Yun – “Lão Tử ra tây quan”
Video này là một phần trong bộ sưu tập gói cao cấp của Tác Phẩm Shen Yun.
Nhận quyền truy cập để xem video đầy đủ bằng cách đăng ký ngay hôm nay!
✓ Truy cập không giới hạn tất cả video nguyên tác của Shen Yun
✓ Thưởng thức trên tất cả thiết bị, mọi lúc, mọi nơi
✓ Bắt đầu 7 ngày dùng thử miễn phí
✓ Đăng ký tại: https://www.shenyuncreations.com/vi-VN/subscription
The Epoch Times tự hào là một nhà tài trợ của Đoàn Nghệ thuật Biểu diễn Shen Yun. Chúng tôi đã đưa tin về phản hồi của khán giả từ những ngày đầu thành lập Shen Yun vào năm 2006.
Hoan nghênh quý vị tìm hiểu thêm tại:
Ganjing World:https://www.ganjingworld.com/zh-TW/channel/uKDuVZFTkSNei
IG:https://www.instagram.com/shenyunworks/
Facebook:https://www.facebook.com/ShenYunZuoPin
Twitter:https://twitter.com/sycreations_ch
Nghệ sỹ múa Ben Chen thực hiện
Thanh Hư biên dịch