Bản tin đặc biệt

Vành đai và Con đường — Thứ vũ khí địa chính trị 1 ngàn tỷ USD đang bị hoen gỉ của ĐCSTQ

Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc mất đi sức hấp dẫn vì những tham vọng quân sự tiềm ẩn, nạn tham nhũng, và thiếu hiệu quả kinh tế.

Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng toàn cầu trị giá 1 ngàn tỷ USD của Trung Quốc vừa tròn 10 năm và đang mất dần sức hấp dẫn.

Được xem là một nền tảng để Trung Quốc xây dựng các liên kết thương mại và đầu tư ở các nước đang phát triển, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) đã mở rộng trong thập niên vừa qua.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các quốc gia khác ngày càng cảnh giác và chương trình này vấp phải sự chỉ trích về các vấn đề khác nhau, từ việc buộc các đối tác phải gánh khoản nợ không bền vững, cho đến thúc đẩy tham nhũng và lạm dụng lao động.

Ý đã chính thức rút khỏi sáng kiến này vào tháng 12/2023, giáng một đòn mạnh vào mục tiêu của chính quyền Trung Quốc nhằm mở rộng sáng kiến này ra ngoài các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Ý là quốc gia G7 duy nhất từng tham gia BRI.

Philippines đã rút lui một tháng trước đó, và cho biết họ sẽ tìm kiếm nguồn tài trợ thay thế cho khoản tiền 5 tỷ USD mà Trung Quốc đã cam kết để xây dựng ba tuyến đường sắt. Bộ trưởng giao thông nước này cho biết quyết định này được đưa ra sau khi Bắc Kinh không đáp ứng các yêu cầu tài trợ.

Trong khi đó, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở nên rõ ràng hơn về các kế hoạch của họ nhằm định hình lại thế giới. Tháng trước (12/2023), ĐCSTQ đã ca ngợi “vai trò dẫn đầu” của BRI trong việc “đẩy nhanh cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu.” Dự án còn được gọi là “Một Vành đai, Một Con đường.”

Các chuyên gia cho rằng BRI chưa bao giờ đặt trọng tâm vào yếu tố thương mại. Mục đích là khuôn khổ này sử dụng các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng để mua chuộc các quyết định chính trị của các quốc gia khác, và sự phát triển kinh tế đã đóng vai trò là vỏ bọc để Bắc Kinh thúc đẩy các tham vọng quân sự toàn cầu của mình.

Ông Diệp Diệu Nguyên (Yao-Yuan Yeh), giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học St. Thomas ở Houston, nói với The Epoch Times rằng mục đích ban đầu của BRI là xuất cảng năng lực công nghiệp dư thừa của Trung Quốc.

“Trung Quốc đã nghĩ đến điều này từ lâu: Để có cơ hội tách khỏi thế giới tư bản hoặc thế giới dân chủ, Trung Quốc phải củng cố thị trường của mình,” ông Diệp nói.

Công nhân Trung Quốc giúp xây dựng một nhà ga xe lửa mới do Trung Quốc quản lý và thiết kế ở Beliatta, Sri Lanka, ngày 18/11/2018. (Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)
Công nhân Trung Quốc giúp xây dựng một nhà ga xe lửa mới do Trung Quốc quản lý và thiết kế ở Beliatta, Sri Lanka, ngày 18/11/2018. (Ảnh: Paula Bronstein/Getty Images)

Trong thập niên vừa qua, Trung Quốc đã đưa hơn 150 quốc gia vào khuôn khổ BRI của mình — chiếm phần lớn trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc, bao gồm cả các quốc gia được Liên Hiệp Quốc phân loại là có thu nhập thấp. Hiện tại, Hoa Kỳ, Canada, hầu hết các quốc gia Tây Âu, và một số quốc gia Nam Mỹ vẫn từ chối tham gia.

Vành đai và Con đường — Thứ vũ khí địa chính trị 1 ngàn tỷ USD đang bị hoen gỉ của ĐCSTQ

Ông Diệp mô tả các khoản đầu tư của ĐCSTQ là “ăn chặn” vì các dự án cơ sở hạ tầng phải ký hợp đồng với các công ty Trung Quốc. Vì vậy, các ngân hàng chính sách của Trung Quốc cho nước nhận đầu tư vay tiền, sau đó nước này sẽ trả tiền cho các nhà thầu Trung Quốc. Ông nói: “Tiền quay trở lại Trung Quốc mà không giúp ích nhiều cho nền kinh tế địa phương.”

Ông Diệp cho biết ông dự đoán rằng, trong bối cảnh ngày càng nhiều nước nhận đầu tư nhận thức được bản chất của BRI, nếu họ không mắc kẹt với món nợ lớn mà họ không thể trả thì họ sẽ bắt đầu rút lui, giống như Ý và Philippines.

Ý tháo chạy

Ý viện dẫn lý do rút khỏi BRI là do sáng kiến này không hiệu quả. Nước này đã ký kết BRI vào tháng 3/2019 với hy vọng tái cân bằng thương mại với Trung Quốc.

Là một thỏa thuận khung, bản ghi nhớ (MOU) của BRI không nhất thiết mang lại lợi ích cụ thể cho một nước nhận đầu tư nếu sau đó không có hợp đồng dự án cụ thể nào.

Đó là tình hình ở Ý.

Thay vì cân bằng thương mại, thâm hụt thương mại của Ý đã tăng gấp đôi trong giai đoạn từ năm 2019 đến năm 2022; xuất cảng của nước này sang Trung Quốc tăng nhẹ, từ 14 tỷ USD lên 18 tỷ USD, trong khi nhập cảng thì tăng vọt từ 34 tỷ USD lên 62 tỷ USD.

Một dàn khoan tại công trường trong dự án xây dựng nền tảng tiếp vận mới tại cảng mới của Trieste, nơi đang chuẩn bị mở cửa cho Trung Quốc như một phần của thỏa thuận Vành đai và Con đường, tại Trieste, Ý, vào ngày 03/04/2019. (Ảnh: Marco Di Lauro/Getty Images)
Một dàn khoan tại công trường trong dự án xây dựng nền tảng tiếp vận mới tại cảng mới của Trieste, nơi đang chuẩn bị mở cửa cho Trung Quốc như một phần của thỏa thuận Vành đai và Con đường, tại Trieste, Ý, vào ngày 03/04/2019. (Ảnh: Marco Di Lauro/Getty Images)

Ông Diệp cho rằng việc Ý rút lui có thể gây ra một “hiệu ứng tuyết lăn (lớn dần)” (snowball effect) bắt đầu từ các nước ở Nam và Đông Âu.

Ông cho biết ĐCSTQ không muốn cho các nước thu nhập thấp vay thêm tiền vì những nước này gặp khó khăn khi hoàn trả các khoản nợ mà họ phải gồng gánh do tham gia các dự án BRI. Nợ Trung Quốc tăng vọt ở nhiều nước; ở Campuchia và Lào, các khoản nợ BRI chiếm 1/5 GDP của họ.

Ông Diệp nói rằng ĐCSTQ có thể tập trung vào các quốc gia còn lại ở Trung Á, Trung Đông, Bắc Phi, và Caribe, vì đây là những quốc gia cần tiền và không có chung các giá trị với Hoa Kỳ.

Theo ông Diệp, BRI đã trở thành một công cụ quan hệ công chúng để ĐCSTQ giành phiếu bầu tại Liên Hiệp Quốc.

Trung Quốc hiện là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và giữ các vị trí lãnh đạo hàng đầu trong các tổ chức khác của Liên Hiệp Quốc về thương mại quốc tế, sở hữu trí tuệ, vận tải, thực phẩm, và tư pháp.

“Một trong những mục tiêu chính của ‘Một Vành đai, Một Con đường’ là chính trị: Khiến những lời chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc bị im lặng,” ông Lý Thiếu Dân (Li Shaomin), giáo sư kinh doanh quốc tế tại Đại học Old Dominion của Virginia, nói với NTD, một hãng truyền thông cùng hệ thống với The Epoch Times.

Là con trai của một nhà lý luận cải tổ nổi tiếng của ĐCSTQ dưới thời cựu lãnh đạo Hồ Diệu Bang, ông Lý cho biết: “Tất nhiên, ĐCSTQ cũng sẽ hoan nghênh bất kỳ lợi ích kinh tế nào.”

Theo quan điểm của giáo sư Lý, BRI được sinh ra để đáp ứng nhu cầu của ĐCSTQ trong việc kinh doanh với phần còn lại của thế giới đồng thời ngăn chặn mọi ảnh hưởng chính trị từ bên ngoài — nếu ĐCSTQ có thể tác động đến các quốc gia khác về mặt chính trị để khiến họ ngừng chỉ trích, thì người Trung Quốc sẽ không có lý do gì để phản đối Đảng.

Công nhân Campuchia và Trung Quốc mang vật liệu đến một công trường xây dựng ở Sihanoukville, thủ phủ ven biển của tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia, ngày 13/12/2018. (Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP qua Getty Images)
Công nhân Campuchia và Trung Quốc mang vật liệu đến một công trường xây dựng ở Sihanoukville, thủ phủ ven biển của tỉnh Preah Sihanouk, Campuchia, ngày 13/12/2018. (Ảnh: Tang Chhin Sothy/AFP qua Getty Images)

Những tham vọng quân sự

BRI ban đầu được xác định là một chương trình phát triển kinh tế.

Sáng kiến này bắt đầu hồi tháng 09/2013 với tên gọi “Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa” do Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình giới thiệu tại một trường đại học ở Kazakhstan. Trọng tâm là xây dựng đường sá và tạo thuận tiện cho thương mại.

Một tháng sau, ông Tập đề xướng “Con đường Tơ lụa Trên biển Thế kỷ 21” trong bài diễn văn trước Cơ quan lập pháp Indonesia. Khi đó, vấn đề chủ yếu vẫn là hợp tác hàng hải với các quốc gia thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Mười năm sau, ĐCSTQ đã biến BRI thành một công cụ chính sách đối ngoại cho trật tự thế giới mới — một tập hợp gồm một số sáng kiến của ĐCSTQ, bao gồm kế hoạch quản trị trí tuệ nhân tạo toàn cầu, sáng kiến phát triển, sáng kiến an ninh, và sáng kiến văn minh toàn cầu. Phạm vi cũng đã mở rộng sang chăm sóc sức khỏe, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, và năng lượng xanh.

Theo ông Trần Lương Trị (Liang-chih Evans Chen), một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia chính thức của Đài Loan, yếu tố phát triển chỉ là vỏ bọc cho những tham vọng quân sự, một trọng tâm chiến lược đề ra.

Vành đai và Con đường — Thứ vũ khí địa chính trị 1 ngàn tỷ USD đang bị hoen gỉ của ĐCSTQ

Nói với The Epoch Times, ông Trần cho rằng ĐCSTQ không đề cập đến khía cạnh quân sự của BRI vì họ không muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo trong cộng đồng quốc tế.

Ông Trần nêu rõ rằng các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng của BRI đã che đậy sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh tại các cảng ngoại quốc nhằm mục đích sử dụng về dân sự lẫn quân sự.

Đồng thời, quân chủng Hải quân của Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) đã phát triển rất nhiều. Hồi năm 2015, quy mô hạm đội của Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ và khi lực lượng hải quân của nước này được củng cố, các hành động quân sự của ĐCSTQ trở nên công khai hơn.

Các đại biểu quân đội Trung Quốc rời phiên bế mạc Đại hội Toàn quốc Lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Bắc Kinh hôm 22/10/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)
Các đại biểu quân đội Trung Quốc rời phiên bế mạc Đại hội Toàn quốc Lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tại Bắc Kinh hôm 22/10/2022. (Ảnh: Kevin Frayer/Getty Images)

Năm 2016, Trung Quốc bắt đầu xây dựng Đặc khu kinh tế Gwadar rộng 2,000 mẫu Anh bên cạnh Cảng Gwadar ở Pakistan, điểm cuối của Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan, trị giá 62 tỷ USD.

Tháng 12/2018, The New York Times tiết lộ rằng chương trình BRI của Trung Quốc tại Pakistan bao gồm các dự án quân sự, chẳng hạn như tăng cường hợp tác về không gian.

Đến tháng 12/2022, tạp chí Maritime Executive đưa tin rằng “một phần ba số cảng mà Trung Quốc đầu tư kinh tế đã tiếp đón và tiếp tế cho các tàu quân sự của Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân.”

Cảng Gwadar của Pakistan là một trong tám cảng BRI được xác định là nơi tiềm năng để đặt căn cứ hải quân PLA trong tương lai trong báo cáo tháng 07/2023 của AidData, một cơ sở nghiên cứu tại Đại học William và Mary ở Virginia.

Vành đai và Con đường — Thứ vũ khí địa chính trị 1 ngàn tỷ USD đang bị hoen gỉ của ĐCSTQ

Ông Mike Sun, một doanh nhân sống tại Hoa Kỳ với nhiều thập niên kinh nghiệm tư vấn cho các nhà đầu tư và thương nhân ngoại quốc đến kinh doanh tại Trung Quốc, cho biết ông cũng cho rằng những tính toán về quân sự nằm trong mục đích thành lập BRI. Ông Sun sử dụng bí danh để tránh bị chính quyền Trung Quốc trả thù.

Ông Sun cho rằng, cùng với các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng, Bắc Kinh thúc đẩy mục tiêu cuối cùng của mình là một “cộng đồng toàn cầu chia sẻ tương lai,” một cách nói khác về chủ nghĩa cộng sản dưới sự cai trị của ĐCSTQ.

“ĐCSTQ có ý định một tay cầm tiền, một tay cầm vũ khí. Mặc dù sức mạnh quân sự của họ chưa đạt đến mức đó, nhưng đó là bước tiếp theo,” ông nói với The Epoch Times.

“Tôi nghĩ việc thúc đẩy mạnh mẽ các giá trị và thế giới quan của mình để chống lại phương Tây là ý tưởng quan trọng nhất trong khuôn khổ BRI của ông Tập Cận Bình. Tất nhiên, ĐCSTQ sẽ không nói điều đó một cách rõ ràng.”

Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bước lên sân khấu để đọc diễn văn tại Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh, vào ngày 26/04/2019. (Ảnh: How Hwee Young-Pool/Getty Images)
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình bước lên sân khấu để đọc diễn văn tại Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh, vào ngày 26/04/2019. (Ảnh: How Hwee Young-Pool/Getty Images)

Lao động cưỡng bức, tham nhũng, và bẫy nợ

Với các dự án đầu tư của mình, nền tảng Vành đai và Con đường cũng đã xuất cảng nạn lao động cưỡng bức và tham nhũng theo kiểu của ĐCSTQ sang các nước nhận đầu tư.

Tổ chức Theo dõi Lao động Trung Quốc có trụ sở tại New York, ước tính có hàng triệu công nhân Trung Quốc tham gia các dự án BRI trên khắp thế giới. Nhiều người bị buộc phải làm việc tới 12 giờ một ngày, bảy ngày một tuần với rất ít sự bảo hộ lao động, cơ quan giám sát này cho biết.

“Họ được hứa hẹn một công việc với mức lương cao để nuôi sống gia đình ở Trung Quốc,” các tác giả của báo cáo này viết. “Tuy nhiên, khi đến nước nhận đầu tư, người thuê mướn lao động Trung Quốc đã tịch thu hộ chiếu (passport) của họ và nói với họ rằng nếu muốn về sớm, thì họ phải trả tiền phạt vì vi phạm hợp đồng, số tiền này thường tương đương với vài tháng lương.”

Tổ chức phi lợi nhuận này kết luận rằng các công nhân Trung Quốc trong các dự án BRI được phân loại là lao động cưỡng bức — được Tổ chức Lao động Quốc tế định nghĩa là công việc không tự nguyện “bị bất kỳ người nào ép buộc dưới sự đe dọa của bất kỳ hình phạt nào.”

Các dự án BRI cũng đã lợi dụng tình trạng tham nhũng ở địa phương để đạt được lợi thế. Các điều khoản thỏa thuận liên quan đến lợi ích cá nhân đã thổi phồng giá trị của các dự án hoặc làm sai lệch phương án kinh doanh của quốc gia nhận đầu tư.

Đầu năm 2016, thủ tướng Malaysia đương thời Najib Razak đã cử một phụ tá đến Trung Quốc để yêu cầu Hoa Kỳ hủy bỏ cuộc điều tra tham nhũng đối với quỹ nhà nước Malaysia là Malaysian Development Berhad, theo lời khai của người phụ tá này tại phiên tòa xét xử ông Razak.

Đổi lại, Malaysia đã ký hai dự án đường ống và một dự án đường sắt trị giá 20 tỷ USD trong khuôn khổ BRI.

Sau khi thủ tướng Malaysia kế nhiệm lên nắm quyền, các dự án đường ống bị hủy bỏ và tuyến đường sắt được định giá lại ở mức 11 tỷ USD.

Thủ tướng Malaysia Najib Razak (giữa) chứng kiến lễ ký kết giữa các quan chức ngành vận tải Malaysia và Trung Quốc tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/09/2012. (Ảnh: Saeed Khan/AFP/GettyImages)
Thủ tướng Malaysia Najib Razak (giữa) chứng kiến lễ ký kết giữa các quan chức ngành vận tải Malaysia và Trung Quốc tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 24/09/2012. (Ảnh: Saeed Khan/AFP/GettyImages)

Trong số 3.5 tỷ USD được cho là bị đánh cắp từ quỹ này, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã thu hồi hơn 1.2 tỷ USD và trả lại cho Malaysia.

Tại Sri Lanka, ít nhất 7.6 triệu USD đã được trả từ một quỹ xây dựng cảng BRI để ủng hộ nỗ lực tái tranh cử không thành công của Tổng thống Mahinda Rajapaksa trong năm 2015, tờ New York Times đưa tin.

Vành đai và Con đường — Thứ vũ khí địa chính trị 1 ngàn tỷ USD đang bị hoen gỉ của ĐCSTQ

Dưới thời ông Rajapaksa, khoản nợ của Sri Lanka tăng gấp ba lần lên 45 tỷ USD, với 4.7 tỷ USD đến hạn trả nợ vào cuối năm 2015.

Khi nước này không thể trả nợ, hồi tháng 12/2017, Sri Lanka đã đồng ý chuyển 70% cổ phần tại Cảng Hambantota cho Tập đoàn Thương gia Trung Quốc và cho phép Trung Quốc thuê cảng và vùng đất xung quanh trong 99 năm.

Khi đó, phương Tây bắt đầu chú ý đến tầm quan trọng của BRI, khi các hãng truyền thông đưa tin rộng rãi về phương thức “ngoại giao bẫy nợ” của Bắc Kinh.

Chi ít tiền hơn, các đối tác thận trọng hơn

Khoản tài trợ BRI của Trung Quốc đạt đỉnh điểm khoảng 75 tỷ USD vào năm 2017 và giảm dần hàng năm cho đến khi đạt mức thấp nhất khoảng 48 tỷ USD vào năm 2020, năm đầu tiên xảy ra đại dịch toàn cầu.

Khi ĐCSTQ chấm dứt chính sách zero COVID hồi tháng 12/2022, thế giới kỳ vọng nền kinh tế Trung Quốc sẽ phục hồi. Thay vào đó, vấn đề kéo dài hàng thập niên về tăng trưởng nợ trong lĩnh vực địa ốc và chính quyền địa phương đã đè nặng lên tình trạng giảm phát mà chế độ này dường như không thể thoát khỏi.

Với việc các ngân hàng chính sách bị vướng vào vào các khoản nợ xấu, Trung Quốc không còn có nhiều tiền như những năm 2010 nữa — và họ biết điều đó.

Tại diễn đàn BRI lần thứ ba ở Bắc Kinh hồi tháng 10/2023, ĐCSTQ đã công bố tầm nhìn của mình trong thập niên tới, nhấn mạnh vào các dự án “nhỏ và đẹp” để củng cố “thương hiệu vàng” của kế hoạch, đồng thời hướng tới trí tuệ nhân tạo và năng lượng xanh.

Trong khi đó, môi trường địa chính trị đã thay đổi và các nước khác cảnh giác hơn với những ý định của ĐCSTQ.

Quốc kỳ của các nước tham gia được nhìn thấy trong lễ khai mạc Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Bắc Kinh hôm 18/10/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)
Quốc kỳ của các nước tham gia được nhìn thấy trong lễ khai mạc Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba ở Bắc Kinh hôm 18/10/2023. (Ảnh: Pedro Pardo/AFP qua Getty Images)

Một ngày sau khi Ý ký bản ghi nhớ BRI với Trung Quốc hồi tháng 3/2019, Liên minh Âu Châu đã thay đổi chính sách để xem Trung Quốc là một đối thủ mang tính hệ thống; Trung Quốc đã từng là đối tác chiến lược toàn diện trong nhiều thập niên.

Theo ông Diệp, chủ đề hiện nay trong EU là “giảm thiểu rủi ro” với Trung Quốc cũng là điều khiến BRI của Ý không thể đứng vững được.

Theo ông Diệp, BRI có sức hấp dẫn tiềm tàng một phần là nhờ thị trường nội địa của Trung Quốc. Các quốc gia tham gia vào BRI kỳ vọng sẽ kiếm tiền bằng cách bán sản phẩm và dịch vụ của mình cho dân số đông đảo của Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Diệp cho rằng, sự mất cân bằng thương mại của Trung Quốc với EU và Hoa Kỳ cho thấy việc tiếp cận thị trường Trung Quốc vẫn khó nắm bắt.

Trong khi đó, với tình trạng giảm phát ở Trung Quốc, ĐCSTQ đã không thể kích thích tiêu dùng nội địa đủ để vực dậy nền kinh tế.

Một kế hoạch hết thời

Vào tháng 10/2023, ĐCSTQ đã kỷ niệm tròn 10 năm khai triển BRI với Diễn đàn Vành đai và Con đường lần thứ ba được tổ chức tại Bắc Kinh.

Sự tham dự của các quan chức cao cấp nhất từ các quốc gia khác là ít hơn nhiều so với những năm trước, với 23 nguyên thủ quốc gia hoặc đại diện chính phủ. Thủ tướng Hungary là nhà lãnh đạo duy nhất đến từ châu Âu và Tổng thống Nga Vladimir Putin là khách mời danh dự.

Hồi năm 2017, khoảng 30 nguyên thủ quốc gia hoặc đại diện chính phủ đã tham dự diễn đàn đầu tiên; đến năm 2019, 37 đại diện đã tham gia diễn đàn thứ hai.

Vành đai và Con đường — Thứ vũ khí địa chính trị 1 ngàn tỷ USD đang bị hoen gỉ của ĐCSTQ

Ông Steve Yates, chủ tịch Sáng kiến Chính sách Trung Quốc tại Viện Chính sách nước Mỹ Trước tiên, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết điều quan trọng là Hoa Kỳ phải hợp tác với các đồng minh của mình để cạnh tranh với ĐCSTQ ở các khu vực then chốt trên toàn cầu.

Nói với The Epoch Times, ông Yates nêu rõ: “Đó không phải là việc mà Hoa Kỳ có thể làm một cách đơn độc, và Hoa Kỳ không làm điều đó với hy vọng chủ nghĩa đế quốc hoặc sự kiểm soát quá khích của các quốc gia được nhắm đến.”

Tổng thống Joe Biden đưa ra nhận xét về việc thúc đẩy sự phát triển an toàn, bảo mật, và đáng tin cậy của trí tuệ nhân tạo tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 30/10/2023. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)
Tổng thống Joe Biden đưa ra nhận xét về việc thúc đẩy sự phát triển an toàn, bảo mật, và đáng tin cậy của trí tuệ nhân tạo tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn, hôm 30/10/2023. (Ảnh: Brendan Smialowski/AFP qua Getty Images)

“Điều đó rất khác với việc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dụ dỗ người ta vào bẫy nợ hoặc các hình thức gây thất vọng khác với Sáng kiến Vành đai và Con đường. Đó là lý do tại sao một số đối tác lớn đang rời khỏi Vành đai và Con đường: họ đã nhìn thấy kết quả, và kết quả này không khả quan.”

Một tuần sau diễn đàn BRI ở Bắc Kinh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề cập đến sáng kiến này trong một bài diễn văn tại Tòa Bạch Ốc.

“Và tôi nghĩ rằng [ông Tập] đang nhận ra rằng có — chẳng hạn như Sáng kiến Vành đai và Con đường của ông ấy — à, chúng ta sẽ cạnh tranh về điều đó. Và chúng ta sẽ — chúng ta đang làm điều đó theo một cách khác. Sáng kiến Vành đai và Con đường đã trở thành một món nợ và một cái thòng lọng đối với hầu hết những quốc gia đã tham gia,” Tổng thống Biden tuyên bố hôm 25/10/2023.

“Chúng tôi đang làm việc với các đối tác G7 để cung cấp cơ sở hạ tầng cho chính những quốc gia mà ông ấy đang cố gắng giao dịch.”

Hồi tháng 6/2022, Tòa Bạch Ốc đã công bố mối quan hệ đối tác về đầu tư và cơ sở hạ tầng toàn cầu (PGI) được thiết lập giữa các nước G7 để cung cấp tài chính cho cơ sở hạ tầng cho các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Hoa Kỳ cam kết thu hút 200 tỷ USD trong năm năm, và các nước G7 khác cam kết kêu gọi 400 tỷ USD trong cùng khung thời gian.

Tại một cuộc họp ở Tòa Bạch Ốc vào cuối tháng 11/2023, Tổng thống Biden và tổng thống Angola đã nêu bật dự án đường sắt trị giá 1 tỷ USD sẽ kết nối Cộng hòa Dân chủ Congo và Zambia với cảng Lobito ở Angola.

Tổng thống Biden gọi dự án “Hành lang Lobito” là “khoản đầu tư đường sắt lớn nhất của Hoa Kỳ vào châu Phi từ trước đến nay.”

Ông Diệp cho biết chương trình PGI là một loại “thỏa thuận đầu tư tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu và sẽ mất vài năm để hình thành.

Khuôn khổ BRI cũng đã bắt đầu thu hút sự chú ý của Quốc hội Hoa Kỳ. Báo cáo lưỡng đảng mới do Ủy ban Đặc biệt về ĐCSTQ của Hạ viện Hoa Kỳ công bố, đã đưa ra một nghị trình lập pháp để đương đầu với BRI trên toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo G7 từ châu Âu, Nhật Bản, Canada, và Hoa Kỳ tham dự bữa tối bàn công việc trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Schloss Elmau, Đức, vào ngày 26/06/2022. (Ảnh: Stefan Rousseau-Pool/Getty Images)
Các nhà lãnh đạo G7 từ châu Âu, Nhật Bản, Canada, và Hoa Kỳ tham dự bữa tối bàn công việc trong hội nghị thượng đỉnh G7 ở Schloss Elmau, Đức, vào ngày 26/06/2022. (Ảnh: Stefan Rousseau-Pool/Getty Images)

Việt Nam: Một chiến trường mới

Trong bối cảnh thương mại của Trung Quốc với Hoa Kỳ và châu Âu giảm sút, thì khu vực ASEAN là điểm sáng duy nhất. Trong số 10 nước thành viên, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất với Trung Quốc, chiếm 1/4 kim ngạch thương mại của Trung Quốc với khối.

Khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh G20 ở Ấn Độ vào tháng 9/2023, Tổng thống Biden đã đến thăm Việt Nam, quốc gia có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới. Tại đây, ông đã ký “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với quốc gia Đông Nam Á này.

Thông qua PGI — giải pháp thay thế BRI của Trung Quốc, Hoa Kỳ có thể đầu tư 1 tỷ USD vào các dự án tại Việt Nam.

Giữa tháng 12/2023, ông Tập cũng đến thăm Việt Nam để chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ. Ông Tập kêu gọi đất nước này ủng hộ BRI và áp dụng chủ trương của ông về một “cộng đồng chung vận mệnh nhân loại,” một cụm từ mà tuyên bố chính thức của Việt Nam không sử dụng.

Trước chuyến thăm của ông Tập, đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam nói với truyền thông nhà nước Việt Nam rằng Bắc Kinh sẵn sàng cung cấp “viện trợ miễn phí” cho tuyến đường sắt cao tốc từ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc đến thành phố cảng Hải Phòng, chạy qua các vùng giàu đất hiếm của Việt Nam.

Hai nước đã ký bản ghi nhớ về đường sắt xuyên biên giới trong khuôn khổ BRI nhưng không chính thức đề cập đến tuyến đường sắt Vân Nam-Hải Phòng.

Ông Diệp cho biết khó có thể hứa hẹn rằng Việt Nam sẽ đáp ứng hoàn toàn nhu cầu của Trung Quốc sau chuyến thăm cấp quốc gia này.

Ông Diệp nói rằng hầu hết các nước Á Châu có thể sẽ giao thiệp với Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng một lúc, cố gắng tận dụng tối đa sự cạnh tranh giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

“Đồng thời, họ sẽ không chọn đứng về phía Hoa Kỳ trước khi mối bang giao Hoa Kỳ–Trung Quốc chạm đáy.”

Bất kể ĐCSTQ ‘tái định hình’ BRI của mình như thế nào, thập niên sắp tới sẽ không diễn ra gần như không có tranh cãi giống như trong thập niên đầu tiên.

Bản tin có sự đóng góp của Thi Bình

Yến Nhi biên dịch

Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times