Truyện ngắn ‘Chiếc Cầu Bắc Qua Năm Tháng’ của Eleanor H. Porter
Tác phẩm truyện ngắn này cho thấy ký ức là một phần tài sản của con người và kết nối quá khứ với hiện tại như thế nào.
Khi năm cũ qua đi và năm mới đến, bao ký ức lại ùa về trong tâm trí chúng ta khi ta háo hức đón chờ năm mới. Dù ngọt ngào hay khổ đau, ta cần phải trân trọng những hồi ức này. Ký ức nối liền quá khứ với hiện tại, dạy dỗ và dẫn dắt chúng ta đi qua năm tháng.
Tiểu thuyết gia Eleanor H. Porter nhấn mạnh tầm quan trọng của ký ức trong truyện ngắn “The Bridge Across the Years” (Chiếc Cầu Bắc Qua Năm Tháng) của mình. Trong câu chuyện này, bà Porter truyền tải giá trị về những kỷ niệm của Ông Bà Burton, khi người con trai John của họ muốn vứt bỏ tài sản cũ.
Bà Porter cho thấy rằng ký ức mang đến hy vọng và tình yêu cho hiện tại và soi sáng tương lai.
Cuộc bán đấu giá
Ông bà Burton đã sống trong trang trại cũ của mình suốt 60 năm, nuôi nấng và cả tiễn đưa những đứa con của mình, chăm sóc nông trại, và cất giữ những kỷ niệm. Rồi một ngày, cô con dâu Edith và anh con trai John gửi cho họ một lá thư, nói rằng họ đã quá lớn tuổi để sống một mình trong trang trại cũ đó. Cô Edith và anh John sẽ đưa họ về nhà mình [để tiện chăm sóc] và bán đấu giá lại trang trại cùng đồ đạc của họ.
Điều này đã làm cuộc sống của họ thay đổi đột ngột! Ông bà Burton tự hỏi họ sẽ chia tay trang trại và tất cả những kỷ niệm của mình như thế nào đây: “Một cuộc đấu giá, thật ư! Xin hỏi, chúng ta có gì để bán?” Mọi thứ, ngoại trừ một vài bức vẽ và quần áo, đều được lên danh sách để bán đấu giá. Chiếc nôi từng đung đưa tất cả những đứa con của họ, chiếc ghế bập bênh rất vừa vặn với ông, và cả vòng hoa cài tóc của bà, nơi lưu giữ những lọn tóc của đại gia đình, đều bị đem bán.
Cô Edith và anh John đến rất sớm, thu dọn đồ đạc cần thiết của ông bà Burton và nhanh chóng bán đấu giá mọi thứ. Sân nhà đông nghịt khách mua, nhiều người tám chuyện, và một người xướng giá. Tiếng rao “Ra giá đi, ra giá đi, đã bán!” vang lên khắp sân và lên tận căn gác trống, nơi ông bà Burton đang buồn bã trốn tránh.
Sau khi mọi thứ được đấu giá hết, cô Edith và anh John đưa hai ông bà đang buồn rầu về căn nhà của mình trong thành phố, phớt lờ tâm trạng buồn bã của hai người. Ngôi nhà mới của họ có đầy đủ đồ nội thất mới nhất, tốt nhất, sành điệu và xa hoa. Nhưng những thứ mới mẻ này không giống như những gì mà họ từng có. Chúng không mang theo những kỷ niệm thiêng liêng; Ông bà Burton cố hết sức để tỏ ra bình thản.
Chiêm nghiệm và ghi nhớ
Tuy nhiên, thời gian sống trong ngôi nhà mới của ông bà Burton không kéo dài lâu. Ngôi nhà của cô Edith và anh John gặp hỏa hoạn, nhiều món đồ quý giá của cô Edith đã bị thiêu rụi: “Sẽ không thể giống như trước đây nữa — không thể như trước được nữa. Vì sao vậy, một số đồ vật trong đó chúng ta đã có từ khi mới kết hôn. Chúng như một phần của em vậy.”
Việc mất mát tài sản đột ngột và bi thảm như vậy khiến cô Edith bừng tỉnh. Cô và anh John đã tước đi tất cả tài sản của ông bà, và trong những tài sản đó, có cả kỷ niệm của họ. Cô Edith ngay lập tức nhận ra sai lầm của mình và quyết tâm thay đổi.
Qua câu chuyện này, tiểu thuyết gia Porter cho thấy ký ức quan trọng đến thế nào, chúng đan cài vào cuộc sống của chúng ta một cách đẹp đẽ. Tác giả khuyến khích chúng ta chiêm nghiệm và ghi nhớ, giống như bà L.M. Montgomery viết trong cuốn tiểu thuyết “The Story Girl” (Cô Gái Kể Chuyện) của mình rằng: “Không có gì thực sự mất đi chừng nào chúng ta còn ghi nhớ.”
Hòa Long biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times