Thượng viện Hoa Kỳ nối lại các cuộc đàm phán về biên giới và Ukraine với nhiều trở ngại cần vượt qua
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cho biết Đảng Cộng Hòa ‘sẽ không nhượng bộ cho một biện pháp khắc phục tạm bợ nào đó.’
Thượng viện Hoa Kỳ dự kiến sẽ quay trở lại Capitol Hill vào thứ Hai (18/12) để nối lại các cuộc đàm phán về gói tài trợ cho Ukraine và việc bảo đảm an ninh cho biên giới phía nam, ngay cả khi các nhà lập pháp Hạ viện không có mặt trong thành phố.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp còn phải vượt qua một số trở ngại trước khi có thể đi đến một thỏa thuận.
Trong nhiều tháng qua, các thành viên Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ ở Thượng viện đã tìm cách thực hiện một thỏa thuận củng cố chính sách Mỹ ở biên giới phía nam để đổi lấy viện trợ bổ sung cho các đồng minh nước ngoài như Ukraine và Israel.
Các nhà đàm phán về thỏa thuận này bao gồm các thượng nghị sĩ James Lankford (Cộng Hòa-Oklahoma), Kyrsten Sinema (Độc Lập-Arizona), Chris Murphy (Dân Chủ-Connecticut), và hai lãnh đạo đảng tại Thượng viện. Gần đây, các cuộc đàm phán còn có sự tham gia của đại diện Tòa Bạch Ốc và Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas.
Việc nối lại các cuộc đàm phán diễn ra khi các cuộc thăm dò cho thấy sự ủng hộ đối với cách quản lý biên giới của Tổng thống Joe Biden ngày càng giảm, với một cuộc thăm dò của Fox News cho thấy có tới 66% người Mỹ không tán thành.
Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức, hơn 6 triệu người nhập cư bất hợp pháp đã vào Hoa Kỳ qua biên giới phía nam, làm quá tải nguồn tài nguyên của các thị trấn nằm dọc theo hàng ngàn dặm biên giới.
Các nhà đàm phán tại Thượng viện đã rất kín tiếng về chi tiết của cuộc đàm phán, nhưng một số chủ đề rộng đã xuất hiện.
Các chủ đề đó bao gồm các báo cáo rằng các nhà đàm phán đang xem xét nâng cao tiêu chuẩn về nỗi sợ hãi đáng tin cậy để nộp đơn tị nạn, điều này sẽ làm giảm đáng kể số đơn yêu cầu tị nạn, đồng thời mở rộng các hoạt động giam giữ và trục xuất — có khả năng bao gồm việc áp dụng chính sách giống như Đề mục 42 cho phép các nhân viên của Cục Quan thuế và Bảo vệ Biên giới (CBP) có quyền quyết định lớn hơn đối với việc từ chối người ngoại quốc bất hợp pháp ở biên giới.
Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Thượng viện cho biết những nhượng bộ này chỉ ở mức tối thiểu, trong khi các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đang tìm kiếm một cuộc cải tổ toàn diện hơn tương tự như nội dung trong dự luật nhập cư H.R. 2 đã được Hạ viện thông qua.
Thượng nghị sĩ Graham: Không có khả năng có thỏa thuận nhanh
Đầu tháng này, các cuộc đàm phán về thỏa thuận biên giới phía Nam và Ukraine đã đổ vỡ sau khi các nhà lập pháp rơi vào bế tắc. Các cuộc đàm phán đã được tiếp tục, nhưng Thượng nghị sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa-South Carolina) và những người khác nói rằng không thể mong đợi một sự thay đổi nhanh chóng.
Giờ đây, các nhà lập pháp đang nối lại các cuộc đàm phán sau khi Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) quyết định hoãn kỳ nghỉ lễ, ban đầu dự kiến bắt đầu vào ngày 14/12, để có thêm thời gian đạt được thỏa thuận.
Trong lần xuất hiện trên các chương trình vào Chủ Nhật, các thượng nghị sĩ John Cornyn (Cộng Hòa-Texas) và Chris Van Hollen (Dân Chủ-Maryland) cũng đã có những nhận xét mơ hồ tương tự, nói rằng các nhà đàm phán “đang đạt được tiến triển.”
Nhưng một số nhà lập pháp, bao gồm cả ông Graham, nghi ngờ rằng liệu có thể đạt được thỏa thuận trước ngày đầu năm mới hay không trong bối cảnh tranh cãi không chỉ giữa hai đảng lớn mà còn giữa cả hai viện của Quốc hội và những mâu thuẫn nội bộ trong Đảng Cộng Hòa.
Trong lần xuất hiện trên chương trình “Meet the Press” (Gặp gỡ báo chí), ông Graham đã được hỏi về triển vọng đạt được thỏa thuận trước năm 2024.
“Không, tôi nghĩ đàm phán sẽ còn tiếp tục sang năm tới,” ông trả lời, trích dẫn các cuộc trò chuyện với các nhà đàm phán. “Chúng tôi chưa tiến gần đến một thỏa thuận. Đàm phán sẽ còn tiếp tục sang năm tới.”
Ông Graham nói thêm: “Điều quan trọng là đạt được một thỏa thuận biên giới tốt.”
Ông nói rằng Đảng Cộng Hòa “sẽ không nhượng bộ cho một biện pháp khắc phục tạm bợ nào đó.”
Nhiều nhà quan sát đồng ý với đánh giá của ông Graham rằng bất kỳ thỏa thuận nhanh chóng nào cũng ít có khả năng xảy ra— đặc biệt khi Hạ viện đã rời Hoa Thịnh Đốn để nghỉ lễ.
Trong một thư điện tử gửi tới The Epoch Times, một nhân viên của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) không đưa ra cam kết nào về việc liệu Hạ viện có quay trở lại hay không nếu một thỏa thuận được đề ra.
“Chúng tôi không thể suy đoán về các giả thuyết,” ông nói. “Hạ viện đã lãnh đạo và thông qua dự luật về biên giới, H.R. 2, vài tháng trước và viện trợ cho Israel vài tuần trước. Tổng thống và Thượng viện đã không hành động về vấn đề này.”
Ông Johnson sẽ có quyền triệu tập lại Hạ viện nếu đạt được thỏa thuận.
Về phần mình, Tòa Bạch Ốc cáo buộc Hạ viện quan tâm đến việc “đi nghỉ” hơn là giải quyết các mối lo ngại về an ninh quốc gia.
Thượng viện và Hạ viện chia rẽ
Một điều nữa khiến cho sự thay đổi nhanh chóng khó có thể xảy ra là những bất đồng giữa các nhà lập pháp Hạ viện và Thượng viện của cả hai đảng.
Các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã yêu cầu một gói gần hơn với H.R. 2 để đổi lấy nguồn tài trợ cho Ukraine — một tiêu chuẩn cao hơn nhiều so với mức mà các nhà đàm phán tại Thượng viện hiện đang theo đuổi.
Trong khi đó, các thành viên của cả hai đảng đều thất vọng vì cảm giác mình bị gạt ra khỏi cuộc đàm phán.
Trong lần xuất hiện trên chương trình “Face the Nation” của đài CBS, Dân biểu Tony Gonzalez (Cộng Hòa-Texas) đã gọi các đề nghị từ Thượng viện — bao gồm việc nâng cao tiêu chuẩn về nỗi sợ hãi đáng tin cậy và tăng cường trục xuất — là “một khởi đầu tốt.”
Nhưng ông cho biết sẽ cần nhiều hơn nữa để gói này đạt được 218 phiếu cần thiết ở Hạ viện, bao gồm cả việc nhận định các băng đảng Mexico là tổ chức khủng bố và “quy trách nhiệm cho những kẻ buôn lậu đang gây tổn thất và sát hại người Mỹ này.”
Ông Gonzalez nói thêm rằng các cuộc đàm phán không thể kết thúc ở Thượng viện.
Ông nói: “Thỏa thuận giữa Thượng viện và Tòa Bạch Ốc sẽ khác nhiều so với Hạ viện.”
Trong lần xuất hiện trên “Fox News Sunday”, Dân biểu Ro Khanna (Dân Chủ-California) đã có cùng quan điểm với ông Gonzalez.
“Hạ viện phải ngồi vào bàn đàm phán,” ông Khanna nói. “Chúng tôi muốn một biên giới an toàn. Chúng tôi muốn một tiến trình có trật tự và nhân đạo. Nhưng… cuộc đàm phán chưa có sự tham gia của những người liên quan.”
Không chỉ riêng các nhà lập pháp Hạ viện có quan điểm này.
Ông Cornyn cũng đã nói trên “Fox News Sunday” là “Thượng nghị sĩ Schumer nghĩ rằng sẽ có một số thỏa thuận được ký kết sau những cánh cửa đóng kín, sau đó được đưa đến Thượng viện và rồi trực tiếp đặt ra trước Hạ viện. Điều đó sẽ không xảy ra.”
“Chúng ta cần phải nhận thức được thực tế rằng đây không chỉ là một nhiệm vụ của Thượng viện. Không chỉ có Thượng viện và tổng thống đồng ý về một điều gì đó,” ông nói thêm. “Đó là điều thực sự có thể được Hạ viện thông qua và được ký thành luật. Vì vậy, đây là một cuộc đàm phán rất tế nhị và khó khăn. Nhưng chúng tôi sẽ không để cơ hội này trôi qua mà không làm mọi thứ có thể để bảo đảm an ninh biên giới.”
Ngoài ra, sự chia rẽ trong Hạ viện sẽ khiến việc thông qua bất kỳ biện pháp toàn diện nào trở nên khó khăn.
Thậm chí để được đưa lên phòng họp để tranh luận, thì thỏa thuận của Thượng viện sẽ cần có sự chấp thuận của ông Johnson.
Nhiều thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ viện đã nói rằng họ đơn phương phản đối việc tài trợ thêm cho Ukraine — ngay cả khi việc này đi kèm với một thỏa thuận biên giới mà họ mong muốn.
Trong khi đó, các thành viên Đảng Dân Chủ tại Hạ viện có thể sẽ cần phải đồng ý với thỏa thuận, vốn sẽ không được lòng các cử tri Đảng Dân Chủ, để thông qua bất kỳ gói nào được đề nghị.
Những người cấp tiến thất vọng
Một rắc rối nữa của Tổng thống Biden là việc ông thỏa thuận với các thành viên Đảng Cộng Hòa ở Thượng viện đã khiến một số người cấp tiến xa lánh ông vì họ cảm thấy tổng thống đang phản bội họ qua những cuộc đàm phán này.
Những người cấp tiến đã lập luận rằng các tin tức về thỏa thuận này cho thấy trên thực tế nó sẽ có có hiệu quả như một lệnh cấm tị nạn hoàn toàn.
Dân biểu Joaquin Castro (Dân Chủ-Texas) nói rằng việc Đảng Dân Chủ đồng ý thỏa thuận với Đảng Cộng Hòa sẽ tương đương với việc “tạo thuận tiện” cho cái mà ông gọi là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc cánh hữu.”
“Tôi muốn nói chuyện nhanh chóng với các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện và những người khác đang cân nhắc ủng hộ đề nghị này,” ông Castro nói trong bình luận với các phóng viên trước thềm Hạ viện. “Nếu các vị làm như vậy, thì các vị sẽ đầu hàng trước chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của cánh hữu. Và hơn thế nữa, các vị sẽ tạo điều kiện cho phân biệt chủng tộc xảy ra.”
Dân biểu Pramilla Jayapal (Dân Chủ-Washington) cũng có cùng quan điểm.
Bà nói: “Các thành viên Đảng Dân Chủ tại Thượng viện và Tòa Bạch Ốc không được đồng ý với những yêu cầu cực đoan này.”
Bà Jayapal, lãnh đạo Nhóm Cấp tiến của Quốc hội, cũng nói: “Quan trọng là các đồng nghiệp ở Thượng viện của tôi và Tòa Bạch Ốc phải hiểu những gì đang được thảo luận là những chính sách cực đoan đến mức, nếu được ban hành, thì đây thực sự sẽ là luật nhập cư mang tính loại trừ và hạn chế nhất kể từ luật hạn ngạch chủng tộc những năm 1920. Đây đúng nghĩa là sự quay ngược đồng hồ 100 năm.”
Ngay cả một số thành viên Đảng Dân Chủ không cấp tiến, bao gồm cả Thượng nghị sĩ Bob Menendez (Dân Chủ-New Jersey), cũng đã cảnh báo về các đề nghị này.
Xin đừng đi theo con đường này, đừng khuất phục trước những đề nghị nhập cư cực đoan của Đảng Cộng Hòa,” ông Menendez nói. “Nếu quý vị làm như vậy, thì là quý vị đang củng cố di sản của mình với tư cách là những người dẫn đầu từ chối tị nạn. Đó không phải là điều chúng tôi muốn thấy.”
Trong mọi trường hợp, Thượng viện đã làm việc suốt cuối tuần để tiếp tục hướng tới một thỏa thuận.
Minh Ngọc biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times