Thành tựu vĩ đại của Mặc Tử và Gia Cát Lượng ẩn trong một câu thành ngữ
“Mặc thủ Thành quy” là một thành ngữ được sử dụng rất phổ biến, ngày nay thường dùng để chỉ những người xem trọng tính bảo thủ, không tìm kiếm sự đổi mới tiến bộ, cũng có ý nói người như thế sẽ bị đào thải và thay thế bằng những thứ mới.
Tuy nhiên nếu nhìn lại nguồn gốc của câu thành ngữ “Mặc thủ Thành quy” này, chúng ta sẽ tìm thấy trí tuệ uyên bác của hai nhân vật rất có lai lịch trong lịch sử – Mặc Tử và Gia Cát Lượng. Thuận theo dòng chảy lớn của lịch sử, ‘Mặc thủ thành quy’ càng ngày càng bị con người đem ra sử dụng với ý nghĩa tiêu cực.
Thành ngữ “Mặc thủ Thành quy” được cấu thành từ hai điển tích “Mặc thủ” và “Thành quy”, có nội hàm phong phú, lịch sử hình thành cũng vô cùng xa xưa.
“Mặc thủ” chính là “Mặc Địch chi thủ”
Điển cố “Mặc thủ” bắt nguồn từ câu chuyện của Mặc Tử thời Chiến Quốc. Lúc bấy giờ, học vấn và danh tiếng của Mặc Tử vô cùng hiển hách. Ông không chỉ là nhà tư tưởng lỗi lạc mà còn là một nhà chiến lược quân sự tài ba. Chủ trương của ông là “Kiêm ái Phi công” (“Kiêm ái” ý là “yêu quý lẫn nhau”, còn “Phi công” ý là “không dùng để tấn công”). Mặc Tử cũng tự nghiên cứu và truyền rộng phương pháp bảo vệ thành trì trước sự tấn công của kẻ thù.
Trong cuốn ‘Mặc Tử’ có ghi chép lại rằng: Lúc bấy giờ Mặc Tử nghe tin nước Sở muốn tấn công nước Tống. Công Thâu Ban (vì sinh ra tại nước Lỗ nên còn gọi là Lỗ Ban) đã vì nước Sở mà chế tạo ra ‘vân thê’ (thang mây), chuyên dùng phá thành; khi làm xong sẽ tiến đánh nước Tống.
Mặc Tử vì an nguy của quốc gia, quyết tâm lặn lội đường xa suốt mười ngày mười đêm từ nước Tề đến nước Sở thuyết phục Công Thâu Ban từ bỏ ý định tấn công. Sau đó, Công Thâu Ban đã dẫn ông đến yết kiến Sở vương. Mặc Tử dùng đạo lý thuyết phục và mô phỏng diễn biến cuộc chiến trước mặt Sở vương. Ông đã dùng sách lược thủ thành do bản thân mình phát minh ra để chặn đứng thế tấn công bằng thang mây của Công Thâu Ban khiến Sở vương bỏ đi ý định tiến đánh nước Tống.
Lúc đó, Mặc Tử trải chiếc áo choàng của mình trên bàn tượng trưng cho đô thành nước Tống, lấy gỗ vụn và thẻ tre làm vũ khí thủ thành. Tổng cộng biến hóa chiến thuật đến chín lần, Công Thâu Ban đều bị Mặc Tử ngăn chặn, đến lúc vô kế khả thi rồi, thế mà vẫn còn rất nhiều sách lược phòng thủ của Mặc Tử chưa dùng tới. Sở vương đã bị thuyết phục và từ bỏ ý định tấn công. Đây chính là “Mặc Địch chi thủ” nổi tiếng trong lịch sử. Nhờ có ‘Mặc thủ’ của Mặc Tử mà nhà Tống đã tránh được đại kiếp nạn chiến loạn.
Vì vậy vào thời Chiến Quốc, những người dụng binh đánh trận đều e ngại khi nhắc đến “Mặc Địch chi thủ”. Còn những bên thủ giữ thành trì chỉ mong có thể đạt được “Mặc Địch chi thủ”. Người đời sau còn gọi “Mặc Địch chi thủ” là “Mặc thủ”. Tuy nhiên thuận theo dòng chảy dài của năm tháng, hầu hết mọi người đã quên đi nội hàm ban đầu của nó.
Gia Cát Lượng dùng “Thành quy” để bảo vệ nước Thục
Điển cố ‘Thành quy’ bắt nguồn từ một câu chuyện xảy ra tại nước Thục trong thời đại Tam Quốc. Lúc bấy giờ, trước khi Thục Vương Lưu Bị qua đời, ông đã mang việc quốc gia đại sự phó thác cho Gia Cát Lượng (Khổng Minh) và nhờ ông phò tá Lưu Thiện. Gia Cát Lượng đã không phụ sự phó thác của Thục Vương, suốt đời cúc cung tận tụy.
Gia Cát Lượng liệu sự như thần đã sớm nhìn thấy nguy cơ nhà Thục Hán lâm vào khủng hoảng sau khi Lưu Bị qua đời. May thay hai đại thần là Tưởng Uyển (tự Công Diễm) và Phí Y (tự Văn Vĩ) đã dùng các nguyên tắc trị quốc bình thiên hạ của Gia Cát Lượng để ổn định tình thế Thục Hán lúc bấy giờ.
Gia Cát Lượng nhìn người sáng suốt, rất coi trọng tài năng làm yên ổn lòng dân của Tưởng Uyển. Khi còn sống ông từng tiến cử Tưởng Uyển làm rường cột quốc gia với Lưu Bị, Gia Cát Lượng nói: “Tưởng Uyển xem trọng xã tắc, không phải là người chỉ có tài trong trăm dặm; ông ta lấy việc yên dân, yêu nước làm gốc, mà không lấy việc chải chuốt, sửa đổi nguyên tắc của tổ tiên làm đầu; mong Chúa công xem trọng.”
Khi Gia Cát Lượng mắc trọng bệnh có dâng mật biểu lên hậu chủ Lưu Thiện: “Nếu thần không may qua đời, việc xã tắc về sau nên giao cho Tưởng Uyển.” Sau khi Gia Cát Lượng mất, Tưởng Uyển đã kế thừa tất cả quy tắc “Thành quy” mà Gia Cát Lượng định ra; ông đảm nhiệm Thượng thư lệnh, Đại tướng quân, Tổng lý chính, phụ trách các vấn đề quân sự quốc gia, phò tá hậu chủ 9 năm cho đến khi qua đời.
Phí Y là người kế nghiệp tiếp theo của Gia Cát Khổng Minh và Tưởng Uyển, đã dùng “Thành quy” để bảo vệ nước Thục. Phí Y hiểu biết hơn người, xử sự khiêm nhường; do đó Gia Cát Lượng cũng có sự đối đãi đặc biệt với ông. Trong “Phí Y biệt truyện” có mô tả ông như thế này: “Người nhã nhặn khiêm tốn, không tích tài vật, con cái đều mặc áo vải, ăn chay, không đi xe ngồi kiệu, không khác phàm nhân”. Sau khi Gia Cát Lượng và Tưởng Uyển qua đời, Phí Y kế nhiệm làm quân sư cho hậu chủ đồng thời tiếp quản chức vụ Thượng thư lệnh của Tưởng Uyển, giữ chức Đại tướng quân.
Phí Y từng đi sứ nước Ngô, các quan đại thần nước Ngô đã dùng ngôn từ vô cùng sắc bén nhắm thẳng vào Phí Y mà tranh biện. Phí Y dùng lời lẽ trung thực thuận lòng người không nhanh không chậm đáp trả khiến không vị quan nhà Ngô nào có thể làm nhục ông. Tôn Quyền thấy vậy trong lòng vô cùng bội phục. Tuy nhiên Phí Y lại là quan lại của nước Thục, Tôn Quyền vô cùng tiếc nuối: “Quân thiên hạ thục đức, tất đương cổ quăng Thục triêu, khủng bất năng số lai dã”, tức là Phí Y có tư chất và phẩm hạnh cai trị thiên hạ, nhất định có thể trở thành trụ cột của nước Thục, (trừ hắn ra) e rằng sẽ không còn ai nữa.
“Tam quốc chí” của Trần Thọ đã bình luận và ca ngợi hai vị đại thần này như sau: “Tưởng Uyển chính trực có uy trọng, Phí Y hào phóng mà bác ái, tuân theo mà không sửa đổi các quy tắc “Thành quy” do Gia Cát Lượng đề xướng, giúp an định biên cương, bang giao hòa hảo”. Có thể thấy, chính sự tuân thủ theo “Mặc thủ Thành quy” này đã cho phép nhà Thục Hán duy trì mối quan hệ giao bang với các nước láng giềng và ổn định biên cương trong hơn một thập kỷ sau cái chết của Lưu Bị và Gia Cát Lượng.
Sau này “Mặc thủ” và “Thành quy” được kết hợp lại thành thành ngữ “Mặc thủ Thành quy”. Con người hiện đại hầu hết đều nghĩ rằng “Mặc thủ Thành quy” có nghĩa là cố hữu vào các quy tắc cũ mà không chịu thay đổi. Trên thực tế, trí huệ của người xưa cùng những thành tựu họ để lại là điều mà hậu nhân không dễ gì đạt được. “Mặc thủ Thành quy” có thể giúp người tuân theo nó đứng vào vị thế bất khả chiến bại. Thuận theo sự phát triển của lịch sử, nội hàm của các thành ngữ cũng đã có sự thay đổi đáng kể. Chỉ bằng cách tìm hiểu nguồn gốc của chúng, chúng ta mới có thể hiểu được nhiều ý nghĩa thâm sâu ẩn chứa trong đó.
Tham khảo tư liệu:
《 Mặc Tử. Quyển 13. Công Thâu 》
《 Tam quốc chí. Thục sách. Tưởng Uyển truyện 》
《 Tam quốc chí. Thục sách. Phí Y truyện 》
《 Tam quốc chí. Thục sách mười bốn 》
《 Sử ký, Liệt truyện, Lỗ Trọng liên Châu Dương liệt truyện 》
Ngọc Khiết biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ Epoch Times Hoa ngữ