Thánh Francis thành Assisi: Nghệ thuật Cầu nguyện và Lòng mộ đạo
Triển lãm nghệ thuật về cuộc đời của một vị Thánh tại Phòng trưng bày Quốc gia London
Vào khoảng năm 1635, họa sĩ người Tây Ban Nha Francisco de Zurbarán đã vẽ bức tranh “Saint Francis in Meditation” (Thánh Francis đang thiền định), một bức chân dung nổi tiếng với kích thước thật của Đức Francis đang quỳ gối cầu nguyện và ngước mắt lên Chúa đầy tôn kính.
Họa sĩ Zurbarán đã khiến đức tin của ngài Francis trở nên chân thực bằng cách vẽ ông mà không đề cập đến những phép màu của Ngài. Đức Francis mặc tu phục đã sờn của các tu sĩ nhánh Capuchin thuộc dòng tu Phan Sinh. Tu phục của ngài đã rất cũ và được vá lại. Ngài thắt ba nút thắt lưng tượng trưng cho sự nghèo khó, khiết tịnh và tuân lời. (Có thể nhìn thấy hai nút thắt trong bức tranh). Ngài cầm một chiếc đầu lâu, tượng trưng cho sự vô thường của cuộc sống và sự đóng đinh của Chúa Kitô [trên thập tự giá] (chủ đề mà họa sĩ El Greco lần đầu tiên đưa vào các bức vẽ về Thánh Francis của hội họa Tây Ban Nha).
Nền tối của bức tranh thể hiện cuộc sống khổ hạnh của Thánh Francis. Chúng ta gần như có thể ngửi thấy mùi không khí ẩm mốc, cảm nhận được sàn nhà lát đá cứng mà ngài đang quỳ, và bộ trang phục len thô ráp cào vào da thịt mà Ngài đang mặc.
Họa sĩ Zurbarán dùng chính cảm xúc của Thánh Francis để đưa chúng ta vào thế giới của ngài, thể hiện ánh sáng chiếu rọi lên đôi tay đang cầu nguyện và nét mặt xuất thần của ngài.
Các chuyên gia tin rằng ông Zurbarán có thể đã vẽ bức tranh này để treo ở cửa ra vào, cửa sổ, phòng riêng hoặc nhà nguyện. Bức tranh của họa sĩ Zurbarán biểu đạt cho chúng ta thấy tinh thần cầu nguyện và lòng mộ đạo, điều mà Thánh Francis tin là quan trọng nhất. Khi công việc của ông được truyền rộng, ông đã cảnh báo các tu sĩ dòng Phan Sinh rằng không sa đà vào [lý luận] thần học; ông khuyến khích các môn đệ học tập, nhưng đừng bao giờ “vùi tắt ngọn lửa Tinh thần cầu nguyện và lòng mộ đạo.”
Phòng trưng bày Quốc gia (The National Gallery) của London sở hữu họa phẩm “Thánh Francis đang Thiền định” cho đến ngày 30/07, bức tranh này là một phần trong cuộc triển lãm “Saint Francis of Assisi” (Thánh Francis thành Assisi) mới khai trương gần đây để giúp người thưởng lãm khám phá cuộc đời và di sản của vị Thánh thông qua nghệ thuật. Hơn 40 tác phẩm từ thế kỷ 13 cho đến nay được trưng bày là đến từ các bộ sưu tập đại chúng và tư nhân của Âu Châu và Mỹ quốc.
Một trong những vật dụng đáng chú ý được trưng bày là một phần tu phục của Đức Francis, được gìn giữ trong khung mạ vàng kiểu Baroque. Các tu sĩ dòng Phan Sinh đã thề nguyện nghèo khó, và tập tục này là một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất của dòng. Các chuyên gia phát hiện rằng một số phần tu phục khác của Thánh Francis đã được vá lại bởi Thánh Clare, người lãnh đạo Dòng Clara Hèn Mọn thuộc Dòng Phan Sinh nữ.
Một vị thánh của nhân loại
Khoảng năm 1181, Đức Francesco di Pietro di Bernardone (Phanxicô) chào đời trong một gia đình thương gia tơ lụa giàu có tại thành Assisi. Ông Francis gia nhập quân ngũ, từng bị bắt làm tù binh chiến tranh và mắc một căn bệnh mạn tính. Ở tuổi 20, ngài phó thác sinh mệnh theo Chúa, thề nguyện nghèo khó và lập dòng tu Phan Sinh (dòng Anh Em Hèn Mọn). Các môn đệ của ông đã truyền bá dòng tu này khắp châu Âu. Vào năm 1219, ông đã thuyết giảng cho Quốc vương Ai Cập. Thánh Francis được cả thế giới nhớ đến vì tình yêu thiên nhiên, lòng mộ đạo, và nhiều phép lạ của ông.
Thánh Francis là một hình mẫu điển hình. “Ông nổi bật với những phẩm hạnh mang tính tương phản lẫn nhau. Về lòng mộ đạo, ông cô đơn ngay cả khi được nhiều người mến mộ; về tính cách, ông vừa ân cần vừa nghiêm khắc; về diện mạo, ông khiêm nhường nhưng tỏa sáng, mãi mãi không thể nào quên,” nhà phê bình văn học Erich Auerbach đã viết trong cuốn sách tại triển lãm.
Nghệ thuật thiêng liêng
Các nghệ sĩ đã vẽ chân dung thánh Francis thành Assisi nhiều hơn bất kỳ vị thánh nào khác, ngoại trừ các vị thánh thời Tân ước. Vào thế kỷ sau khi ông qua đời, người ta đã sáng tác ra khoảng 20,000 bức họa về Đức Francis, ước tính này không bao gồm các bản thảo thếp vàng hiệu ứng ánh sáng.
Các nghệ sĩ thời trung cổ đã miêu tả những phép màu của Thánh Francis trong suốt cuộc đời ông và cả sau khi ông qua đời để khẳng định ngôi vị thần thánh của ông. Một bức tranh thờ phác họa tiểu sử (hiển thị một nhân vật trung tâm miêu tả các giai đoạn cuộc đời của người đó) được sáng tác vào khoảng năm 1253, có nhan đề “Saint Francis and Four Posthumous Miracles” (Thánh Francis và Bốn phép lạ sau khi qua đời) thể hiện rõ điều này. Đứng ở vị trí trung tâm bức tranh, Thánh Francis trông giống như một vị thánh thời đế chế Byzantine bởi vì ông được bao quanh bởi những phép màu sau khi ngài tạ thế.
Sau đó, các nghệ sĩ Cải cách Công giáo đã tập trung vào khắc họa đức tin và tâm linh của Thánh Francis, đặc biệt miêu tả trạng thái nhập định của ngài, chẳng hạn như trong tác phẩm “Thánh Francis đang thiền định” của họa sĩ Zurbarán.
Triển lãm này cũng gồm cả những tác phẩm nghệ thuật hiện đại thể hiện những ý tưởng trừu tượng mà thường cần phải được giải thích. Một số tác phẩm đó cho thấy những giai đoạn đen tối trong cuộc đời không có hy vọng của Đức Francis, và điều có thể làm suy yếu sứ mệnh của vị thánh.
Tuân phục Thánh Ý Chúa
Trong triển lãm này, một vài bức tranh thời Phục hưng phương Bắc cho thấy Đức Francis nhận thánh tích khi ông cầu nguyện tại La Verna, một nơi ẩn dật biệt lập trên núi Verna, miền bắc nước Ý. Vào khoảng năm 1507, họa sĩ Albrecht Altdorfer đã chọn bảng màu gồm các tông màu đất trầm để vẽ bức “Saint Francis Receiving the Stigmata” (Thánh Francis nhận Thánh tích). Trong họa phẩm này, Đức Francis gần như biến mất trong phong cảnh, có lẽ ám chỉ cách ông coi mình là một trong nhiều tạo vật của Chúa.
Nhìn vào tranh của họa sĩ Altdorfer, ta gần như có thể cảm nhận được làn gió nhẹ mang theo hương thơm tươi mát từ rừng cây sồi gần đó và hình ảnh những chú chim nô đùa trên không trung, hót véo von như ca ngợi ánh nắng mặt trời. Đức Francis đã thiền định nhiều lần ở đó trước đây. Nhưng vào ngày hôm đó thì khác hẳn. Ông dường như không thể tin vào mắt mình. Ông nhìn thấy khải tượng của Chúa trên các tầng trời cao như một thiên thần sáu cánh, là một thiên sứ đang giao tiếp với Chúa. Thiên thần giang hai cánh của mình theo hình cây thánh giá: Hai cánh giương lên, hai cánh sẵn sàng bay, và quấn hai cánh còn lại quanh cơ thể.
Họa sĩ Altdorfer mô tả đức tin của Đức Francis khi ông đưa lòng bàn tay ra, tuân phục nhận thánh tích, năm vết thương phản chiếu những vết thương khi Chúa bị đóng đinh trên thập tự giá. Họa sĩ vẽ những đường nét tựa như những luồng dẫn từ thiên đường biểu thị rằng các vết thương là do Chúa ban trực tiếp.
Vào năm 1620, một thế kỷ sau khi tác phẩm của ông Altdorfer ra đời, bức tranh của họa sĩ Frans Pourbus Trẻ “Saint Francis Receiving the Stigmata” (Thánh Francis Nhận Thánh tích) cho thấy truyền thuyết được hé lộ như một cuốn truyện. Trong đó, Đức Francis chấn động đến mức ngã lăn ra đất. Ông che mắt mình khỏi ánh hào quang thần thánh chiếu rọi từ thiên đường. Ở phía trước, chúng ta có thể thấy Đức Francis nhập định khi tiếp nhận dấu thánh.
Không có đường nét nào mô tả ánh sáng trực tiếp từ thiên đường như trong bức tranh của họa sĩ Altdorfer. Thay vào đó, họa sĩ Pourbus Trẻ sử dụng ánh sáng nhẹ nhàng thu hút sự chú ý của chúng ta đến bàn tay của Đức Francis, lộ ra những vết thương trên lòng bàn tay của ngài.
Hướng dẫn các linh hồn đến Thiên Đàng
Nhà viết tiểu sử và thần học người Mỹ Donald Spoto đã viết trong cuốn sách “Reluctant Saint: The Life of Francis of Assisi” (Vị Thánh Bất Đắc Dĩ: Cuộc Đời Của Thánh Francis Thành Assisi) rằng “trong suốt thời Trung Cổ, loài chim thường được dùng để đại diện cho những linh hồn, bởi vì chúng có thể bay đến Chúa.”
Trong triển lãm này, chúng ta có thể nhìn thấy cách các họa sĩ thể hiện Đức Francis thuyết giảng cho các loài chim. Thánh Francis yêu tất cả những tạo vật của Chúa, và ngài đã hướng dẫn chúng kính yêu Đấng Sáng Tạo của mình. Nhà biên niên sử và tổng giám mục của Genoa, ngài Jacobus de Voragine đã viết trong tác phẩm tôn giáo nổi tiếng thời trung cổ “The Golden Legend: Readings on the Saints” (Truyền Thuyết Vàng: Bài Đọc Về Những Vị Thánh): “Ông bước đến một đàn chim lớn và nói với chúng như thể chúng là những sinh mệnh có lý trí, rằng: ‘Này những huynh đệ chim hỡi, bạn nợ rất nhiều lời ngợi ca đối với Đấng Tạo Hóa, Ngài đã khoác cho bạn bộ lông vũ, cho bạn đôi cánh để bay cùng, ban cho bạn không khí trong lành, và không cần bạn nhọc công, Ngài nâng đỡ bạn.” Sau khi thu hút sự chú ý của đàn chim, Đức Francis thuyết giảng cho chúng và tiễn chúng lên đường khi ông kết thúc bài giảng.
Chúng ta cũng có thể thấy Đức Francis và hình ảnh những chú chim nhiều thế kỷ sau trong tranh vẽ của họa sĩ người Anh Frank Cadogan Cowper năm 1904 có tựa đề “St. Francis of Assisi and the Heavenly Melody” (Thánh Francis của thành Assisi và Giai điệu Thiên đàng). Bức tranh của ông Cowper kể lại một sự kiện kỳ diệu gần cuối đời của Đức Francis. Thánh Francis đã đề nghị một trong những môn đệ chơi đàn luýt cho ông nghe, nhưng vị tu sĩ này tin rằng làm vậy là đi ngược lại lời thề của dòng. Rồi thiên đường mở ra và đem đến niềm ủi an mà Đức Francis đang mong mỏi, khi một thiên thần hiện ra và gảy cho ông nghe một giai điệu. Họa sĩ Cowper đã vẽ Đức Francis được những chú chim bao quanh và đươc các giai điệu của thiên thần vỗ về.
Tác giả Spoto kết thúc tiểu sử của mình: “Khi mô tả những khoảnh khắc cuối cùng của ngài, các bằng hữu của Đức Francis không bao giờ quên một chi tiết: ‘Nhiều chim chóc, được gọi là chiền chiện, bay là là trên nóc ngôi nhà nơi ông nằm, bay thành vòng tròn và hót vang.’”
Tác phẩm “The Saint Francis of Assisi exhibition” (Triển lãm về Thánh Francis thành Assisi) tại Phòng trưng bày Quốc gia, London kéo dài đến ngày 30/7. Để tìm hiểu thêm, xin quý vị hãy truy cập trang: NationalGallery.org.uk
Ghi chú:
Thánh Phanxicô thành Assisi (1181–1226) là một tu sĩ Công giáo Rôma và người sáng lập Dòng Anh Em Hèn Mọn (Order of Friars Minor), được biết đến nhiều hơn với tên Dòng Phan Sinh.
Bình An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times