Quốc hội Hoa Kỳ chỉ phê chuẩn 34 dự luật trong năm 2023
Cuộc khủng hoảng về hiệu suất công việc hay sự kiềm chế kịp thời? Các chuyên gia nói rằng có nhiều thứ về Quốc hội hơn là số lượng các dự luật được thông qua.
Chỉ có 34 luật mới được thông qua trong phiên họp đầu tiên của Quốc hội nhiệm kỳ thứ 118, gây ra tranh luận giữa các nhà phân tích chính trị, chuyên gia lập pháp, và giới truyền thông ở Capitol Hill về việc liệu con số thấp này đang cho thấy một cuộc khủng hoảng về hiệu suất làm việc của Quốc hội hay một điều gì đó hoàn toàn khác hẳn.
Số lượng dự luật trở thành luật trong năm 2023 là thấp nhất trong nhiều thập niên. Con số trung bình của phiên họp đầu tiên kể từ năm 1989 là 154. Số dự luật được thông qua nhiều nhất trong phiên họp đầu tiên kể từ năm 1989 là đạt được tại Quốc hội nhiệm kỳ thứ 102 hồi năm 1991, với 243 dự luật mới được thông qua và đã trở thành luật, theo dữ liệu của Cục Quản lý Hồ sơ và Lưu trữ Quốc gia (NARA) do The Epoch Times tổng hợp.
Các nhà phân tích chính trị và lập pháp đến từ nhiều hệ tư tưởng được The Epoch Times phỏng vấn đã gần như đồng loạt đồng thuận rằng số lượng tuyệt đối của các dự luật được Quốc hội thông qua và được tổng thống ký thành luật tuy vậy lại không phải là thước đo chính xác về hiệu suất làm việc của một nhiệm kỳ Quốc hội.
Có điều, một dự luật bổ nhiệm một thành viên mới vào một ủy ban liên bang khó hiểu sẽ trở nên kém quan trọng hơn so với một dự luật phân bổ hàng trăm tỷ dollar tiền thuế cho nghiên cứu y tế. Tuy nhiên, mỗi dự luật như vậy khi được thông qua thì đều được tính là một luật được thông qua.
Trước tình trạng có rất nhiều số liệu khác ở thủ đô của quốc gia này, thì tổng số lượng luật mới còn nói lên nhiều thông tin hơn nhiều so với những gì mọi người nghĩ, ông Daniel Schuman, giám đốc quản trị của tổ chức POPVOX thiên tả, nói với The Epoch Times.
Ông Schuman cho biết: “Đầu tiên, tổng số luật được thông qua không thực sự bao gồm hết số luật được ban hành.”
“Không có gì là lạ khi Quốc hội lấy một loạt luật rồi gộp các luật này lại với nhau thành một gói, giống như một dự luật tổng hợp (omnibus), hoặc nếu như quý vị nhìn vào Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) đã được thông qua, nếu mà quý vị chỉ đếm số lượng luật của chính phủ, thì đó được tính là một dự luật. Nhưng nếu quý vị nhìn vào trong NDAA, thì có thể có hàng trăm luật được đưa vào như một phần của dự luật này.”
Ông cho biết nếu quy trình lập pháp vận hành theo trật tự chính thường, thì nhiều dự luật trong số những dự luật riêng lẻ đó sẽ được thông qua một cách riêng rẽ, nhưng vì một lý do nào đó, việc đó đã không xảy ra mà thay vì thế, Quốc hội đã chọn cách “gộp tất cả các luật lại với nhau thành một gói” vào cuối phiên họp.
Ông Schuman nói rằng việc thông qua dự luật mới hoàn toàn không phải là việc duy nhất mà Quốc hội làm.
“Đôi khi, các ý tưởng lập pháp là những ý tưởng tồi và không nên trở thành luật, vì vậy, đôi khi, giữ nguyên không thay đổi một đạo luật nào đó có thể được xem là làm việc có hiệu suất. Hiệu suất đôi khi cũng có nghĩa là để các đạo luật hết hạn,” ông nói.
Ông Schuman cũng nêu ra rằng việc giám sát của Quốc hội đối với những người được bổ nhiệm, cũng như các hoạt động, và các cơ quan của nhánh hành pháp là thước đo quan trọng về hiệu suất công việc trên Capitol Hill.
Ông nói: “Điều đó bao gồm việc đặt ra những câu hỏi khó, và đôi khi việc hỏi những câu hỏi khó đó có thể mang lại kết quả khi khiến cho các quan chức chính phủ thay đổi chính sách.”
Ông Schuman cho biết còn có vô số việc không tên “ở phía sau hậu trường” khác mà các thành viên Quốc hội thực hiện, trong đó có cả các dịch vụ cử tri, vốn cũng cần được đưa vào xem xét khi đánh giá hiệu suất của Quốc hội.
Các hãng truyền thông lớn có xu hướng gọi tốc độ lập pháp chậm chạp là “không hiệu quả” và quy nguyên nhân của điều này cho Đảng Cộng Hòa, cũng như cho thực tế là chính phủ đang bị chia rẽ với Đảng Dân Chủ kiểm soát Tòa Bạch Ốc và Thượng viện.
Giám đốc Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng Michael Thorning — người mà bài đăng hôm 18/12/2023 trên X (trước đây là Twitter) của ông đã thu hút hơn 500,000 lượt xem và đã kích khởi cuộc tranh luận này — phản đối việc đặt nặng về số lượng dự luật được thông qua.
“Số cuộc bỏ phiếu được tổ chức, số dự luật được thông qua, số dự luật được ký thành luật, chẳng qua là những đánh giá không hoàn chỉnh về hiệu suất và hoạt động của Quốc hội. Những con số đó không nói lên bất cứ điều gì về bản chất phức tạp của các dự luật,” ông Thorning đăng hôm 20/12/2023.
Ông cũng viết rằng số cuộc bỏ phiếu được tổ chức hoặc số luật được ban hành “cũng là không hoàn chỉnh [vì] không phản ánh nhiều hoạt động chính thức của các nhà lập pháp — không tính đến các luật mà họ đã ngăn không cho thông qua hoặc đã tiến hành giám sát, các dịch vụ cử tri mà họ đã giải quyết, v.v. Không còn nghi ngờ gì nữa, Quốc hội đã tiến hành nhiều công việc trong năm nay mặc dù có rất ít thành công.”
Một phát ngôn viên nói với The Epoch Times rằng ông Thorning chưa thể đưa ra bình luận vào lúc này.
Bà Nan Swift, thành viên thường trú trong chương trình quản trị của Viện R Street theo khuynh hướng bảo tồn truyền thống, nói với The Epoch Times rằng chất lượng của các dự luật được thông qua quan trọng hơn nhiều so với số lượng. Và về điểm đó, thì theo quan điểm của bà, phiên họp đầu tiên của Quốc hội nhiệm kỳ thứ 118 đã không hoàn thành được nhiệm vụ cơ bản nhất của mình.
“Tôi nghĩ rằng chúng ta nên lo lắng về nội dung của những luật đó hơn là về số lượng dự luật sẽ trở thành luật. Và khi nói đến nội dung, tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng năm 2023 là một phiên họp Quốc hội đầy thử thách, nhưng không khác biệt so với những gì chúng ta đã chứng kiến gần đây,” bà Swift nói.
“Và chắc chắn rằng rất nhiều thời gian đã bị lãng phí trong hai cuộc bầu cử cho các Chủ tịch Hạ viện khác nhau, điều mà chắc chắn đã làm gián đoạn mọi thứ. Quốc hội đã không hoàn thành được điều cơ bản nhất mà họ được yêu cầu phải làm, đó là thông qua ngân sách và thông qua các dự luật chi tiêu lớn một cách kịp thời.”
Bà đang nói đến quá trình kéo dài 15 phiên bỏ phiếu cần thiết để đưa Dân biểu Kevin McCarthy (Cộng Hòa-California) lên làm chủ tịch hồi tháng 01/2023, và biến cố kéo dài sáu tuần được khơi mào từ việc ông bị truất phế vào ngày 03/10/2023.
Dân biểu Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã trở thành tân Chủ tịch nhưng chỉ sau những lần ứng cử thất bại của Lãnh đạo Đa số Hạ viện Steve Scalise (Cộng Hòa-Louisiana), Phó Lãnh đạo Đa số Hạ viện Hạ viện Tom Emmer (Cộng Hòa-Minnesota), và Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jim Jordan (Cộng Hòa-Ohio).
Bà Swift cũng đề cập đến việc Quốc hội không thông qua 12 dự luật phân bổ ngân sách lớn vào ngày cuối năm tài khóa 30/09/2023 của chính phủ liên bang.
Theo bà Swift, những thất bại khác của phiên họp đầu tiên, bao gồm việc không “tái ủy quyền cho nhiều chương trình chưa được gia hạn ủy quyền, và năm ngoái lẽ ra cũng phải là một năm dành cho dự luật canh nông. Chúng ta cũng không thấy việc tái ủy quyền cho dự luật đó được thực hiện kịp thời. Điều này đã xảy ra trong hai chu kỳ dự luật canh nông [năm năm] vừa qua, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên.”
“Nhưng ý nghĩ rằng Quốc hội không thể thực hiện những điều cơ bản khi nói đến thiết lập ngân sách và sau đó thông qua các dự luật đáp ứng ngân sách đó, thì rất đáng thất vọng, và điều đó nên khiến tất cả những người đóng thuế lo lắng.”
Cả hai đảng
Chiến lược gia của Đảng Dân Chủ và là cựu Thượng nghị sĩ tiểu bang New York David Carlucci cho rằng thành tích kém cỏi trong phiên họp đầu tiên là do những thất bại của giới lãnh đạo Đảng Cộng Hòa.
“Sự thật là các chiến dịch tranh cử của Đảng Cộng Hòa đang rối loạn chức năng. Họ muốn các cử tri tin rằng giải pháp cho một chính phủ kém hiệu quả nhìn chung là cắt giảm chính phủ đi,” ông nói với The Epoch Times.
“Tất nhiên, chúng ta sẽ không rơi vào tình thế hỗn loạn này nếu Đảng Cộng Hòa sử dụng đúng đắn khả năng lãnh đạo của mình để thực sự quản trị, nhưng đổ lỗi dường như là một chiến lược gây quỹ mạnh mẽ hơn so với việc hoạch định chính sách. Sự phân cực ở cả hai đảng chắc chắn là một vấn đề trong quản trị, nhưng bên chịu trách nhiệm cần phải chịu trách nhiệm.”
Chiến lược gia Đảng Cộng Hòa Jimmy Keady, sáng lập viên kiêm chủ tịch của JLK Strategies đồng thời là một cựu chánh văn phòng Quốc hội, nói với The Epoch Times rằng ông nhận thấy sự rối loạn chức năng ở cả hai đảng.
“Khi quý vị nhìn vào các dự luật được thông qua và ký thành luật, các thành viên quan tâm đến các dòng tweet và lượt thích trên mạng xã hội hơn là trở thành những thành viên hữu ích cho cử tri của họ. Hãy nhìn lại ba tuần mà chúng ta không có chủ tịch hạ viện mà xem,” ông nói.
“Đây là một vấn đề đã tiến triển trong 10 năm qua, và chúng ta thấy điều đó ở cả hai đảng.”
Ông Grover Norquist, chủ tịch lâu năm của tổ chức Người Mỹ Ủng hộ Cải cách Thuế (Americans for Tax Reform) và là một cựu cố vấn của Chủ tịch Hạ viện đương thời Newt Gingrich, nhận xét rằng việc thông qua ít dự luật mới hơn là một cân nhắc tích cực, xét đến đội ngũ đảng phái hiện tại trong chính phủ liên bang.
Ông nói, “Bất kỳ luật nào được ban hành đều cần có chữ ký của Tổng thống Biden, mà việc này sẽ phụ thuộc vào lãnh đạo liên minh cánh tả thông qua luật đó. Không có luật nào vượt qua được những cuộc kiểm tra đó sẽ có tác dụng tích cực đối với nước Mỹ. Càng ít luật thì càng tốt khi Thượng viện và Tòa Bạch Ốc nằm trong tay Đảng Dân Chủ.”
Dân biểu Ralph Norman (Cộng Hòa-South Carolina) đề nghị rằng Quốc hội trước tiên nên tập trung vào việc bảo đảm các luật hiện hành sẽ được tuân thủ như văn bản đã soạn ra trước khi dành thời gian và sức lực cho việc thông qua các đạo luật mới.
“Thực tế rằng có rất ít dự luật được thông qua trong năm 2023 là một việc tốt. Quốc hội cần thực thi các luật hiện hành đang có hiệu lực chính thức, bắt đầu từ chính sách nhập cư của chúng ta để ngăn chặn cuộc xâm lược ở biên giới của chúng ta,” ông nói.
“Người Mỹ muốn có ít quy định hơn, chính phủ gọn nhẹ hơn, và ít sự can thiệp quá mức của chính phủ hơn.”
Những cải tổ sắp diễn ra
Ông Robert Moffit đến từ Quỹ Di Sản cho biết ngoài số lượng dự luật mới, điều quan trọng là phải tính đến cả các đề xướng không trở thành luật — những đề xướng có thể báo hiệu sẽ xuất hiện chính sách.
Ông Moffit, một người kỳ cựu đảm nhiệm các vị trí cao cấp ở cả nhánh lập pháp và hành pháp, nêu ra một số ví dụ về các dự luật được Hạ viện nhưng không được Thượng viện thông qua trong năm 2023.
Ông mô tả “Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng” (HR 2811) của Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Jodey Arrington (Cộng Hòa-Texas) là một cuộc cải tổ chi tiêu lớn của liên bang, và ca ngợi “Đạo luật Biên giới An toàn” (HR 2) đã được Hạ viện thông qua dưới thời ông McCarthy là biện pháp kiểm soát nhập cư toàn diện nhất từng được Quốc hội ban hành.
Theo ông Moffit, các dự luật quan trọng khác đã được Hạ viện thông qua trong năm 2023 nhưng đang chờ Thượng viện hành động, bao gồm “Đạo luật Bảo vệ Ngôn luận khỏi Sự can thiệp của Chính phủ” (HR 140) nhằm cấm các nhân viên liên bang hành động trong năng lực chính thức của họ để thúc đẩy việc kiểm duyệt; “Đạo luật Bảo vệ Phụ nữ và Bé gái trong Thể thao năm 2023” (HR 734); và “Đạo luật Chi phí Thấp hơn, Minh bạch hơn” (HR 5378) về định giá y tế.
Ông James Wallner, thành viên thường trú cao cấp về quản trị tại Viện R Street, nói với The Epoch Times rằng các biện pháp đánh giá về cả định tính lẫn định lượng đều cần thiết để đạt tới những kết luận hợp lý về hiệu suất của Quốc hội.
Ông nói: “Ở một mức độ nào đó, đúng là nếu như quý vị thông qua một dự luật tổng hợp lớn, thì nó sẽ bao gồm nhiều dự luật — vì vậy không phải tất cả các dự luật đều được tạo ra như nhau.”
“Tôi nghĩ quý vị phải lấy con số chung rồi sau đó kết hợp nó với một số phân tích định tính.”
Ông Wallner cũng lưu ý rằng cả ông McCarthy lẫn ông Johnson đều không duy trì việc họp Hạ viện trong một số hoặc tất cả khoảng thời gian nghỉ hồi tháng Tám và Giáng Sinh, những thời điểm này lẽ ra có thể cung cấp thêm sáu hoặc bảy tuần để xem xét dự luật chi tiêu và các dự luật quan trọng khác.
“Điều đó cho quý vị biết thêm về lý do tại sao Quốc hội không hoạt động hiệu quả hơn bất kỳ điều gì khác,” ông nói. “Nó không hiệu quả vì họ đang không tranh luận.”
“Quốc hội làm việc không hiệu quả không phải là vì Đảng Dân Chủ và Đảng Cộng Hòa có ý kiến bất đồng, mà là vì họ đang không cố gắng thông qua dự luật. Họ sẽ không đưa dự luật ra sàn họp trừ phi họ đồng thuận với nhau từ trước về dự luật trong một thỏa thuận.”
Cẩm An biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times