Ông Jamie Dimon: Tiền kích thích thời đại dịch ‘sắp cạn kiệt’, nền kinh tế Hoa Kỳ có thể suy thoái thay vì hạ cánh mềm
Giám đốc điều hành JPMorgan Chase Jamie Dimon đang cảnh báo về một kịch bản kiểu những năm 1970, khi suy thoái kinh tế kết hợp với lạm phát cao, thay vì hạ cánh mềm.
Giám đốc điều hành JPMorgan Chase, ông Jamie Dimon đã đưa ra một cảnh báo suy thoái mới cho nền kinh tế Hoa Kỳ, nói rằng mặc dù người tiêu dùng dường như vẫn ở trong “trạng thái tốt”, nhưng hàng ngàn tỷ USD mà họ có được trong đại dịch đang sắp cạn kiệt, đồng thời chính phủ cũng đang có mức thâm hụt tài khóa “rất lớn”, gây ảnh hưởng đến thị trường, cản trở bất kỳ kịch bản “hạ cánh mềm” nào.
Ông Dimon đã đưa ra nhận xét này trong một cuộc phỏng vấn với chương trình “Buổi sáng với Maria” (Mornings with Maria) của Fox News hôm thứ Ba (09/01). Ông đã nêu lên một loạt các yếu tố ảnh hưởng đến nền kinh tế mà ông dự đoán sẽ kết thúc bằng đỉnh điểm là một cuộc suy thoái.
“Có thể là suy thoái nhẹ hoặc suy thoái nặng,” ông Dimon nói, lưu ý đến sự tồn tại dai dẳng của các yếu tố lạm phát như các sáng kiến vay và chi tiêu rất lớn của chính phủ Tổng thống Biden cũng như việc chuỗi cung ứng điều chỉnh lại trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa suy giảm, có nguy cơ dẫn đến lạm phát đình trệ — một tác động tiêu cực kép đáng sợ trong đó nền kinh tế thu hẹp cùng lúc có lạm phát cao.
“Tôi cân nhắc rất nhiều yếu tố — và tạm quên đi các mô hình kinh tế trong một giây — thâm hụt tài khóa 2 ngàn tỷ USD, đạo luật Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) và cơ sở hạ tầng, nền kinh tế xanh, thế giới tái quân sự hóa, thương mại bị tái cấu trúc, tất cả những yếu tố này đều gây ra lạm phát,” ông nói, đồng thời cho biết thêm, “Và đối với tôi điều đó có vẻ hơi giống với những năm 1970.”
‘Hoài nghi’ về kịch bản tối ưu
Lạm phát đình trệ — hậu quả độc hại của suy thoái kinh tế và tỷ lệ thất nghiệp cao kết hợp với lạm phát cao — đã gây khó khăn cho nền kinh tế Hoa Kỳ trong hơn một thập niên vào những năm 1970. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đã tăng gấp đôi lên 9% từ năm 1973 đến năm 1975, trong khi lạm phát đạt đỉnh điểm ở mức khoảng 14% tính theo năm.
Lạm phát không giảm đáng kể cho đến đầu những năm 1980, chỉ sau khi Hệ thống Dự trữ Liên bang tăng lãi suất lên khoảng 19%, dẫn đến hai cuộc suy thoái liên tiếp vào năm 1980 và những năm 1981–1982.
Gần đây, lạm phát bùng nổ khi nền kinh tế mở cửa trở lại sau cuộc suy thoái do đại dịch và người tiêu dùng có nhiều tiền mặt từ các chương trình kích thích chi tiêu khác nhau của chính phủ, trong bối cảnh lãi suất cực thấp của Fed làm nền kinh tế ngụp lặn trong tiền giá rẻ.
Đó là nguyên nhân khiến hồi tháng 06/2022, lạm phát đã tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều thập niên gần đây (đạt mức khoảng 9%), khiến Fed phải tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1980.
“Tôi nghĩ họ đã làm đúng khi tăng lãi suất,” ông Dimon nói trong cuộc phỏng vấn. “Tôi nghĩ việc tăng lãi suất diễn ra hơi muộn, và tôi nghĩ họ đang làm điều đúng đắn khi chỉ chờ xem điều gì sẽ xảy ra… Phải mất một thời gian mới thấy được toàn bộ tác động của việc tăng lãi suất… nhưng tất cả những yếu tố đó có thể rất sẽ đẩy chúng ta đến suy thoái, trái với hạ cánh mềm.”
Hạ cánh mềm là kịch bản trong đó lạm phát giảm xuống mà nền kinh tế không rơi vào suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp không tăng mạnh.
Ước tính theo thời gian thực mới nhất về tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của cho thấy nền kinh tế Hoa Kỳ đang mở rộng ở mức 2.2% trong quý 4/2023, trong khi dữ liệu thị trường lao động mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3.7%.
Và mặc dù lạm phát đã giảm so với mức đỉnh 9% gần đây, ông Dimon cảnh báo rằng lạm phát vẫn có thể nảy lên trở lại.
Ông nói: “Tôi nghĩ có một xác suất ở đây là mọi người nên chuẩn bị cho việc lạm phát sẽ giảm nhưng sau đó sẽ tăng trở lại lên khoảng 3% và thậm chí có thể nảy lên một chút.”
Kể từ khi ông Dimon đưa ra nhận xét hôm thứ Ba (09/01), chính phủ đã công bố dữ liệu giá mới nhất, cho thấy lạm phát thực sự đã tăng trở lại từ 3.1% trong tháng Mười Một lên 3.4% trong tháng Mười Hai.
Ông Dimon cho biết ông hơi không có niềm tin rằng các dấu hiệu tích cực trong nền kinh tế — như khả năng cung cấp tín dụng bình thường trở lại và chứng khoán tăng giá — sẽ kéo dài.
Ông nói: “Số tiền bổ sung mà họ nhận được trong thời kỳ COVID, hàng ngàn tỷ USD, số tiền đó sắp cạn kiệt.”
“Chính phủ có mức thâm hụt lớn, điều sẽ gây ảnh hưởng đến thị trường,” ông nói thêm, “Tôi hơi hoài nghi về loại khả năng lý tưởng này (Goldilocks).”
Kịch bản Goldilocks là một loại tình huống “vừa phải” trong đó nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng ổn định nhưng cân bằng với lạm phát thấp và tỷ lệ thất nghiệp thấp.
Hạ cánh mềm?
Trong khi ông Dimon cho rằng nền kinh tế khó có khả năng hạ cánh mềm, thì chính phủ Tổng thống Biden cho rằng nền kinh tế Hoa Kỳ đã đạt được trạng thái rất được kỳ vọng này.
Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói với CNN sau báo cáo việc làm tháng Mười Hai hôm 05/01: “Những gì chúng ta đang chứng kiến bây giờ, tôi nghĩ chúng ta có thể mô tả là một cuộc hạ cánh mềm, và tôi hy vọng cuộc hạ cánh mềm này sẽ tiếp diễn.”
Bà nói thêm: “Hướng đi mà thị trường lao động, nền kinh tế, và lạm phát đang đi theo cho thấy [Fed] đã đưa ra một loạt quyết định đúng đắn.”
Một nhân vật nổi bật khác trong thế giới kinh tế, ông Nouriel Roubini, cho biết trong một bài báo gần đây rằng dự báo căn bản hiện tại đối với nhiều nhà kinh tế (mặc dù không phải tất cả mọi người) là một cuộc hạ cánh mềm, vì những dự đoán khủng khiếp của năm ngoái đã hầu như không trở thành hiện thực.
Ông Roubini viết hôm 08/01: “Vào khoảng thời gian này một năm trước, khoảng 85% các nhà kinh tế và nhà phân tích thị trường — bao gồm cả tôi — dự đoán rằng nền kinh tế Hoa Kỳ và toàn cầu sẽ suy thoái.”
Ông tiếp tục, “Lạm phát giảm nhưng vẫn ở mức cao đã cho thấy chính sách tiền tệ sẽ thắt chặt hơn nữa trước khi nhanh chóng nới lỏng khi suy thoái kinh tế xảy ra; thị trường chứng khoán sẽ giảm, và lợi suất trái phiếu sẽ vẫn ở mức cao.”
Hồi tháng 10/2022, ông Roubini đã viết một bài báo trên tạp chí Time, trong đó ông dự đoán một “cuộc khủng hoảng nợ lạm phát đình trệ mà chúng ta chưa từng thấy trước đây,” theo đó cuộc khủng hoảng này sẽ kết hợp giữa lạm phát đình trệ kiểu những năm 1970 và tình trạng khủng hoảng nợ những năm 2008–2009.
Ông viết trong bài viết gần đây nhất của mình, “Thay vào đó, điều ngược lại hầu như đã xảy ra. Lạm phát đã giảm nhiều hơn dự kiến, tránh được suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán đã tăng, và lợi suất trái phiếu giảm sau khi tăng cao hơn.”
Ông nói thêm: “Do đó, người ta phải tiếp cận bất kỳ dự báo nào về năm 2024 với sự khiêm nhường.”
Nhật Thăng biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times