Người phụ nữ tân trang ngọn hải đăng bị bỏ hoang 70 năm thành ngôi nhà nghỉ hè độc đáo
Một người phụ nữ đang tìm kiếm một ngôi nhà nghỉ hè thấy hứng thú trước cuộc đấu giá các ngọn hải đăng của chính phủ Hoa Kỳ. Sau khi trúng thầu và mua được ngọn hải đăng, bà đã dành hơn một thập niên để biến chiếc đèn hiệu bị bỏ quên này thành một ngôi nhà xinh đẹp, độc đáo.
Bà Sheila Consaul, 65 tuổi, sinh ra ở New York, hiện đang sống ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Bà đã mua Ngọn hải đăng Fairport Harbor West 98 năm tuổi trên Hồ Erie ở Công viên Tiểu bang Mentor Headlands, Đông Bắc Ohio, vào tháng 11/2011 sau ba năm đấu thầu qua lại với những người mua tiềm năng khác — cuối cùng trúng được giá thầu ở mức 71,010 USD.
“Ban đầu ngọn hải đăng được xây dựng tại một nhà máy ở Buffalo, thành phố New York, và được đưa xuống Hồ Erie trên một con tàu,” bà Consaul nói với The Epoch Times, kể lại ngọn hải đăng bị bỏ hoang này được thắp sáng lần đầu tiên vào ngày 09/06/1925, và hiện vẫn có vai trò trợ giúp tích cực cho việc điều hướng.
Chìa khóa trong tay
Bà Consaul, người trước đây từng cải tạo một ngôi nhà lịch sử, bị mê hoặc trước địa sản độc nhất vô nhị này. Mặc dù đã đến tham quan bên ngoài ngôi nhà một lần vào thời điểm đấu giá, nhưng bà đã không nhìn thấy bên trong cho đến khi có được chùm chìa khóa trong tay.
“Tin tốt là tôi yêu thích cách bố trí, không gian mở chính, cầu thang bằng gang thật đẹp, có một tầng hầm rộng lớn… Tôi rất ngạc nhiên về điều đó,” bà nói. “Nhưng tất nhiên, ngôi nhà ở trong tình trạng khá tệ hại.”
Những người canh giữ ngọn hải đăng sống tại đây từ năm 1925 cho đến cuối những năm 1940, nhưng khi ngọn hải đăng được điện khí hóa, và không cần người canh giữ nữa, thì địa điểm này thực sự đã trở thành địa sản của chính phủ bị bỏ hoang.
“Rất nhiều người đột nhập vào tòa nhà, thanh thiếu niên [thường] tụ tập ở đó, nên nó thiếu rất nhiều thứ,” bà Consaul nói. “Thực sự chẳng có gì trong tòa nhà khi tôi bước vào lần đầu tiên, thậm chí cả cửa cũng không có.”
Tấm kim loại bên ngoài bị rỉ sét; thạch cao bong tróc từ tường gạch bên trong; và không có đường ống, nhà vệ sinh, hoặc bồn rửa. Nhưng khu địa sản 5 tầng, rộng 3,000 foot vuông (khoảng 279 m2) này có tiềm năng lớn.
Bắt đầu công việc
Bà Consaul, một nhà tư vấn truyền thông, bắt đầu dành suốt mùa hè ở Đông Bắc Ohio khi thời tiết dễ chịu, để cải tạo ngôi nhà mới độc đáo, nằm trên bãi biển dài nhất tiểu bang Ohio này của bà.
Bà đã biến tầng hầm thành nơi trữ nước và hầm rượu, cộng thêm một phòng ngủ có bốn giường tầng và một phòng tắm đầy đủ tiện nghi. Ở tầng một, bà có một nhà bếp không gian mở với phòng tiện ích và khu vực ghế ngồi cạnh cầu thang xoắn ốc.
Tiếp theo là tầng sinh hoạt chính, trước đây được sử dụng để chứa than, và trên tầng bốn, một tiền sảnh mở với một chiếc sofa trong phòng khách của người trông coi trước đây. Tầng trên cùng là phòng tắm như ban đầu, phòng ngủ lớn, và phòng ngủ dành cho khách. Tòa nhà hải đăng này có sức chứa 10 người.
Chia sẻ thêm về quá trình trùng tu nơi đây, bà Consaul cho biết: “Những ngày đầu, chúng tôi chỉ xúc những mảnh vụn thạch cao, và trong đó có rác. … Mái trên gác bị dột nặng, về cơ bản nước [đã tràn vào] làm tróc đi một phần sàn gỗ cứng của gác vì chúng đã mục nát rồi.”
Mục tiêu ban đầu của bà là đặt hàng và lắp kính tùy chỉnh [theo tình trạng ngôi nhà] vì tất cả cửa sổ trong ngọn hải đăng đều bị vỡ. May mắn thay, cấu trúc ban đầu của ngọn hải đăng được “xây dựng giống như một pháo đài,” và đủ vững chắc để giữ được độ nguyên vẹn.
Có chín cửa sổ trên lầu cần sửa, và tất cả chúng đều được làm lại, vì bà Consaul mong muốn đây là một không gian sáng sủa và thoáng mát.
“Các cửa sổ đó thiếu mọi thứ,” bà nói. “Vì vậy, chúng phải được thay thế hoàn toàn, và phải được đo ni đóng giày để phù hợp với không gian trên lầu.”
Sau đó, bà Consaul tiếp tục làm mọi việc mà bà thường làm trong một cuộc trùng tu thông thường, chẳng hạn như sơn lại từng mảng [tường] của tòa nhà từ trong ra ngoài. Bà đã sử dụng 90 gallon nước sơn để cải biến bên trong tòa nhà và 60 gallon nước sơn cho bên ngoài.
Sau đó, bà tìm mua đồ nội thất và trang trí, kết hợp thiết kế của những năm 1920 với những đặc điểm [thuộc phong cách] công nghiệp ban đầu của ngọn hải đăng.
“Tôi thực sự tận tâm khi thiết kế [lại ngọn hải đăng],” bà nói. “[Ngọn hải đăng có] một xà lớn ở giữa nhà và rất nhiều không gian cơ khí, vì vậy tôi đã dựa vào cả khía cạnh công nghiệp của nó cũng như thực tế là nó được tạo ra vào những năm 1920.”
Nền gạch lục giác màu trắng trong phòng tắm ban dầu, cũng như thạch cao áp khuôn có hình dáng giống với gạch thẻ, và sơn tường màu xanh lá bọt biển trong phòng ngủ dành cho khách, mô phỏng phong cách thiết kế đầu thế kỷ 20.
Để trang trí cho ngôi nhà, bà cũng sưu tầm đồ cổ từ khắp nơi trên đất nước.
Nhiều người cùng hợp sức
Về các tiện ích cho khu vực hoàn toàn không có lưới điện này, thì vị trí của ngọn hải đăng là một trở ngại cho việc trùng tu.
“Bạn có thể đi bộ đến [ngọn hải đăng], nhưng điều đó thực sự gây khó khăn cho các thợ sửa ống nước và thợ điện, họ phải đậu xe tải trong công viên cách đó nửa dặm,” bà Consaul cho hay. Bà đã thuê một chiếc thuyền có cần cẩu để vận chuyển thiết bị và các vật dụng lớn hơn như tủ lạnh và mặt bàn bằng đá granit.
Không còn có thể lấy nước từ Hồ Erie, như những người canh giữ ngọn hải đăng [trước kia] đã từng làm, bà Consaul cho lắp đặt hệ thống thu gom nước mưa và nhà vệ sinh ủ phân. Phải mất chín năm mới có được nước máy. Bà bắt đầu tự tạo ra điện bằng một máy phát điện nhỏ ngoài trời, nhưng ngọn hải đăng không có hệ thống sưởi hoặc điều hòa. Bà đang nghiên cứu một hệ thống gió-năng lượng mặt trời bền vững để tạo ra nguồn năng lượng lâu dài trong tương lai.
Dần dần, ngôi nhà bắt đầu thành hình hoàn chỉnh, và “mỗi thành công nhỏ bé đều thúc đẩy bạn tiến lên,” bà Consaul chia sẻ. Bà đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ trong quá trình cải tạo này.
“Tôi đã có rất nhiều bạn bè đến và giúp đỡ tôi trong những ngày đầu, tôi đơn giản là thuyết phục tất cả những người mà tôi có thể tìm được [cùng tham gia],” bà nói. “Một số bạn đại học của tôi cũng sống cùng khu vực. … Tôi cũng có rất nhiều người tình nguyện, hoặc tìm thấy tôi qua Facebook, hoặc họ đi ngang qua … và hỏi [tôi], ‘Bạn đang làm gì ở đó vậy?’ và tôi sẽ nói, ‘Chà, nếu bạn có mang túi rác về, vì có thùng rác trong công viên, thì tôi sẽ dẫn bạn đi tham quan!’”
Bà Consaul trìu mến nhớ lại một đội Nữ Hướng đạo đang đi dạo trong thiên nhiên đã dừng lại và lau chùi các cửa sổ mới lắp của bà như một hành động “phục vụ cộng đồng.”
Trước và sau khi trùng tu
Chủ sở hữu ngọn hải đăng ước tính rằng bà đã chi trả tổng cộng từ 200,000 đến 300,000 USD cho việc cải tạo. Bà khẳng định rằng mặc dù việc này “luôn kéo dài hơn và tốn kém hơn bạn mong đợi,” nhưng nó rất xứng đáng để dành ra tiền bạc, thời gian, và công sức.
Sau gần một thập niên tận tâm trùng tu ngọn hải đăng, và trải qua nhiều thăng trầm, rõ ràng là bà thực sự đã có được một nơi chốn yêu thích.
“Tôi thực sự gọi nó là ‘địa điểm ngắm hoàng hôn.’ Tôi có hai chiếc ghế Adirondack, một chiếc bàn nhỏ, và đó là nơi tôi ghé mỗi chiều tà khi hoàng hôn thơ mộng buông xuống. Tôi đi về phía Tây, và ngồi đó với ly rượu của mình,” bà nói.
Bà cho biết, ngọn hải đăng Fairport Harbor West có tầm nhìn 360 độ ra mặt nước và ngắm những chiếc thuyền ra vào.
“Nó giống như đang ở trên một hòn đảo nhỏ vậy, bạn biết đấy, chỉ có mình bạn ở đó, và [khung cảnh] thật tuyệt đẹp,” bà nói.
Tòa nhà hải đăng này giống như biểu tượng của Quận Lake. Công trình này được giới thiệu trong danh bạ điện thoại địa phương, trang web của quận, và trong tài liệu du lịch. Bà Consaul biết mình đang tiếp quản một phần lịch sử quý giá khi mua ngọn hải đăng này và đã cống hiến lại cho cộng đồng kể từ đó.
Hầu như hàng năm kể từ năm 2012, bà đều tổ chức các buổi mở cửa để chào mừng “sinh nhật” của ngọn hải đăng, rơi vào ngày 09/06. Năm nay, bà chào đón 800 du khách. Cuốn sách có nhan đề “before and after” (trước và sau khi trùng tu) để mở trên bàn ăn cho du khách thấy ngọn hải đăng đã có bước chuyển mình như thế nào.
“Tôi vẫn chỉ là người quản lý,” bà Consaul nói. “Tôi chỉ mới giữ ngọn hải đăng này trong một khoảng thời gian nhất định. … Hy vọng nó sẽ tồn tại được thêm 100 năm hoặc hơn nữa, vì vậy tôi chỉ là một phần nhỏ của nó. Nhưng tôi nghĩ, điều khiến cho nó có ý nghĩa với tôi là việc tôi khiến nó hồi sinh.”
Một ngôi nhà nghỉ hè xinh đẹp
Bà Consaul không coi việc cải tạo ngọn hải đăng là “đã hoàn tất” vì bà vừa làm lại sàn và đang dự tính lắp đặt hệ thống tái sử dụng nước thải sinh hoạt để giảm việc dùng lượng nước uống. Tuy nhiên, kể từ khi ngôi nhà có thể ở được vào năm 2020, bà đã ở đó vào mỗi mùa hè từ tháng Năm đến tháng Mười, đi đi về về Hoa Thịnh Đốn để làm việc và ở gần người mẹ 89 tuổi của mình.
Cơ quan Tổng Quản Sự Vụ Phủ (General Services Administration) đã bán đấu giá các ngọn hải đăng kể từ khi Quốc hội thông qua Đạo luật Bảo tồn Ngọn hải đăng Lịch sử Quốc gia vào năm 2000, và còn rất nhiều ngọn hải đăng giống như của bà Consaul đang chờ mua. Với những ai mong muốn có một ngôi nhà như của bà, bà Consaul khuyên: hãy kiên nhẫn và thực tế.
“Việc này sẽ mất nhiều thời gian hơn và tốn kém hơn bạn nghĩ,” bà nói. “Bạn không thể tự mình làm được việc đó, bạn cần nhiều sự giúp đỡ. Bạn sẽ học được nhiều điều trong suốt chặng đường. Nhưng, nếu bạn kiên trì, bạn sẽ có một ngôi nhà nghỉ hè tuyệt đẹp.”
Nam Anh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times